Thứ Ba, 10.5.2011 | 17:15 (GMT + 7)
Chị Đinh Thị Tuyết Mai (Xa La, Hà Đông, Hà Nội), phản ánh: Sáng ngày 10.5, chị tới UBND phường Phúc La làm thủ tục chứng thực bản sao từ Giấy khai sinh. Cán bộ tư pháp phường - Nguyễn Hữu Nam, từ chối chứng thực với lý do: Cơ quan cấp (UBND xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Hà Sơn Bình) đã không ký, đóng dấu ở mặt trước mà ký, đóng dấu tại mặt sau của Giấy khai sinh bản gốc (có hai mặt) là không hợp lệ.
Chị Mai đã giải thích, đây là giấy khai sinh bản gốc và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cách đây 34 năm (từ năm 1977), nên hình thức có thể khác với mẫu giấy khai sinh phổ biến hiện nay. Nhưng Giấy khai sinh này vẫn được chị sử dụng để đăng ký đi học, đi làm, là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy CMND, đăng ký hộ khẩu. Chị cũng đã sao chứng thực nhiều lần, chưa có cơ quan nào thắc mắc về hình thức hay tính hợp pháp của giấy tờ này.
Không chấp nhận giải thích của chị Mai, vị cán bộ tư pháp phường này xác nhận (ký và đóng dấu của UBND phường) vào bản photo Giấy khai sinh: "Giấy khai sinh này không xác nhận sao y bản chính được". Cán bộ Nam, sau đó còn "thách đố": "Nếu chứng thực được giấy khai sinh này ở bất cứ phường, xã nào ở Việt Nam, thì tôi làm con chị" (?). Lấy lý do còn phải giải quyết nhiều việc, vị cán bộ tư pháp "mời" chị Mai ra khỏi trụ sở UBND phường.
Giấy khai sinh có hai mặt là không hợp pháp? |
Cách hành xử khó hiểu của vị cán bộ tư pháp, lúc đó gặp phải sự bất bình của nhiều người dân đang có mặt tại bộ phận một cửa của UBND phường Phúc La. Ngay trong buổi sáng cùng ngày, chị Mai đã mang giấy tờ sang UBND phường Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), thì được chứng thực ngay.
Luật sư Vũ Thái Hà, Công ty Luật TNHH YouMe (Hà Nội) cho biết: Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt (bao gồm giấy khai sinh) thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã. Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, ngày 18/05/2007, về Chứng thực quy định cụ thể những trường hợp không được chứng thực bản sao từ bản chính, gồm: Bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc giả mạo (i); Bản chính đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc đã bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung (ii); Bản chính không được phép phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật (iii); Đơn, thư và các giấy tờ do cá nhân tự lập không có chứng nhận, chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (iv); Các giấy tờ, văn bản khác mà pháp luật quy định không được sao (v) (Điều 16). Như vậy, lý do từ chối cấp bản sao từ Giấy khai sinh bản gốc của UBND phường Phúc La không có trong quy định của pháp luật về chứng thực.
Cũng theo LS Hà, Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định về Văn hóa giao tiếp với nhân dân: "1. Cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. 2. Cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ" (Điều 17).
Như vậy, rõ ràng việc cán bộ tư pháp thách đố và "mời" người dân khỏi trụ sở phường là trái với quy định "tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn" và "không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân"?
Nhật Thăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét