Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

VN có cần nhập hàng xa xỉ?


2011-04-22

Báo chí trong nước cho hay các loại hàng xa xỉ vẫn nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, thiếu ngoại tệ.

AFP photo

Một người lao động nghèo đi ngang một cửa hàng bán đồ xa xỉ ở HN.

Hạn chế nhập siêu

Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành quyết định hạn chế nhập hàng hóa xa xỉ. Số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải Quan cho biết trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập siêu trên 3 tỷ đô la hàng hóa, trong đó có các mặt hàng xa xỉ chiếm hơn một tỷ 2 trăm triệu đô la, tăng gần 25 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Những loại xa xỉ đó bao gồm: xe hơi, thiết bị, máy móc không cần thiết cho sản xuất, điện thoại di động, rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm.
Theo các cơ quan chức năng thì hoạt động nhập khẩu hàng xa xỉ từ bên ngoài rất phức tạp, buôn lậu nên khó kiểm soát, gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách quốc gia, đồng thời gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

VN Express nói, đồ xa xỉ vẫn thu hút lắm khách hàng cho dù thời buổi giá cả leo thang chóng mặt, có người sẵn sàng bỏ ra 120 triệu đồng mua một bộ veston của Ytaly, 240 triệu đồng cho túi xách hiệu Hermes Birkin, kính mát giá hơn 43 triệu đồng. Về thực đơn cao cấp trong các nhà hàng sang trọng thì bào ngư, yến sào, vi cá giá bạc triệu vẫn có thực khách thưởng thức đều đặn, vì có lẽ họ không hề bị ảnh hưởng bởi cơn bão giá, qua những lần tăng giá điện, tăng giá xăng dầu liên tục.

Nhân viên bán hàng trong các siêu thị chuyên trưng bày hàng của Pháp Ý, Mỹ , Nhật, cho biết dù giá cả không ngừng nhích lên, kinh tế khó khăn, đồng lương cố định nhưng những khách xộp, tiêu tiền như nước vẫn có các lý do riêng của họ để mua sắm, vì khi sử dụng hàng hiệu họ thấy nổi bật, thu hút trước đám đông.

Trước tình trạng nhập khẩu ồ ạt hàng xa xỉ, chánh phủ Việt Nam vừa ban hành nhiều quyết định hạn chế nhập siêu, với danh mục liệt kê gần 100 nhóm mặt hàng xa xỉ không khuyến khích nhập.

Từ Hà Nội, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cố vấn cho các tập đoàn doang nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, tán thành quy định về việc hạn chế nhập hàng hóa xa xỉ:

"Chính sách như vậy rất thiết thực đối với Việt Nam, phù hợp với tình hình kinh tế bây giờ. Hiện nay, Việt Nam nhập siêu thay vì mình xuất siêu, xuất ra ít hơn là nhập vào, mỗi năm mình bị thiếu ngoại tệ, để ngành kinh tế phát triển, cái nhập siêu, trong mấy năm nay là nhờ có kiều hối của bà con và lao động nước ngoài gởi về. 

Trong tình trạng đất nước Việt Nam bây giờ, dân Việt Nam nên có tinh thần dân tộc, tự cường, nên sử dụng những gì phù hợp với tình hình phát triển của đất nước mà không nên quá lãng phí dùng những ngoại tệ hiếm hoi để nhập những loại hàng xa xỉ. Từ các vị trên Bộ Chính trị, Thủ tướng chánh phủ cho đến nhân dân, phải suy xét là thế nào mà tiêu xài cho phù hợp vơi tình hình đất nước, không nên quá quan tâm đến vấn đề xa xỉ."

Hàng xa xỉ cho ai?

000_Hkg4084729-250.jpg
Một cửa hàng điện thoại di động bắt đầu bán iPhone 4 ở Hà Nội hôm 30 Tháng 9 năm 2010. AFP photo
Ông Nguyễn Ngọc, một viên chức hành chánh công quyền dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa nói, người dân lao động không bao giờ biết đến các loại hàng xa xỉ, chỉ ai lắm bạc nhiều tiền mà không tự mình làm ra, mới mua sắm được những món đó: 

"Những người cộng sản cùng với những người buôn bán bên này một cách quá đáng mới dùng hàng xa xỉ. Tiền đó mà có là do tham nhũng, chứ người dân đói rách, thấp cổ bé miệng thì làm sao tham nhũng được, kết luận, đó là một xã hội bất công."

Theo các chuyên gia kinh tế, tài chánh thì việc ban hành danh mục hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ, cùng việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chánh chưa đủ, mà còn cần phải có thêm các quy định khác như thắt chặt chính sách tiền tệ, kiểm soát chi tiêu công, gia tăng hình phạt về tài chánh, hàng rào thuế quan.

Một cựu quan chức cao cấp ngành tài chánh của Hà Nội, giáo sư Ngô Trí Long nói lên suy nghĩ của ông về vấn đề đó:

"Bội chi ngân sách quá lớn, lạm pháp cao, trước tình hình đó, chính phủ quyết tâm phải bớt nhập siêu, đặc biệt là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, mà trong nước không có điều kiện sản xuất thì mới cho nhập. Trong bối cảnh tình hình hiện nay thì Việt Nam khác với những nước khác, trong thời bão giá nhưng hàng xa xỉ vẫn thu hút vào Việt Nam rất lớn, làm cho ngoại tệ của Việt Nam chảy mất đi rất nhiều. 

Ngoài những biện pháp hành chính, nhà nước cần phải áp dụng biện pháp kinh tế cũng hết sức quan trọng, có thể thông qua đó để đánh thuế, bên cạnh đó cũng cần có một sự giáo dục thuyết phục. Hiện nay đất nước còn khó khăn, đời sống người dân chưa thực sự được cải thiện thật tốt, trong lúc nhà nước cần rất nhiều ngoại tệ để phục vụ cho những nhu cầu khác, trong khi đó một số người giàu có, tất nhiên là quyền của người ta thôi, nhưng tôi nghĩ là nhà nước cần phải kết hợp các giải pháp, không chỉ đơn phương áp dụng biện pháp hành chính, kinh tế mà cả biện pháp giáo dục nữa, thì mới có khả năng bớt nhập siêu các loại hàng xa xỉ."

Dư luận trong nước thắc mắc, vì qua số liệu được Bộ Tài chánh công bố thì trong ba tháng đầu năm 2011, trong số các loại hàng xa xỉ nhập vào Việt Nam,  số xe hơi lên tới hơn 11 ngàn chiếc, có những hiệu Roll Royce giá bạc triệu đô la một chiếc, Mercedes, BMW vài trăm ngàn đô la một chiếc thì ai là chủ những xe đắt tiền đó, trong khi hơn phân nửa dân số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, người dân chưa kiếm được một đô la, một ngày.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét