Các nhà nước cộng sản thời kỳ đầu thường hay có những khuôn mặt lãnh tụ nổi bật, một phần do được tô vẽ, thần thánh hoá. Liên Xô thì có Lenin, Stalin, Trung Quốc có Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Cu Ba có Fidel Castro… Bắc Hàn thì cho tới bây giờ vẫn tồn tại nặng nề tệ sùng bái cá nhân với cha con nhà Kim Il-sung là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Cộng hoà, "truyền ngôi" cho con là Kim Jong-il vừa là Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Triều Tiên, vừa là Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên, là lãnh tụ kính yêu và bây giờ con trai Kim Jong-un chuẩn bị "nối ngôi". Việt Nam có Hồ Chí Minh, và một số khuôn mặt khác cũng nổi trội như Võ Nguyên Giáp, Lê Duẫn… Các "triều đại" sau này, không biết có phải vì không có được một khuôn mặt chính khách nào khả dĩ nổi bật hay vì nhà nước cộng sản Việt Nam khôn ngoan, theo đường lối "vua tập thể". Tứ Trụ triều đình và nói rộng hơn, cả 15 người trong Bộ Chính Trị dắt tay nhau cùng chơi cùng chiụ, nên có chuyện gì xảy ra thì cũng chả biết ông nào chịu trách nhiệm. Còn dân chúng thì cũng chả rõ ông nào tài cán, tính cách ra làm sao, có ưu khuyết điểm gì… Nhưng từ ngày ông Nguyễn Tấn Dũng tức Ba Dũng lên làm Thủ tướng, tình hình có vẻ khác. Ông Dũng, một mặt thì thích học đòi theo các chính khách phương Tây, quần áo complet, cravate lúc nào cũng láng cóng, cũng sử dụng cả facebook nhưng chắc là có thư ký, đàn em vào coi sóc dùm chứ ông Dũng thì làm gì có thì giờ mà vào mạng! Thích chơi trò cá nhân, thâu tóm quyền hành vào tay mình, từ việc lớn đến việc nhỏ, chuyện gì cũng thấy Thủ tướng chỉ đạo cái này, Thủ tướng nhắc nhở cái kia…kể cả những chuyện hết sức vặt vãnh. Thích đánh bóng bản thân mà trò hề "báo chí nước ngoài" ca ngợi "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất châu Á" thật ra chỉ là một trò lừa bịp" bị tác giả Nguyễn Tôn Hiệt vạch trần trên trang Tiền Vệ vào tháng 1/2011 vừa qua là một ví dụ. Sau mấy năm làm Thủ tướng, ông Dũng đã kịp chứng mình "tài" lãnh đạo và cả trình độ của mình – kinh tế Việt Nam trở nên hết sức lao đao, bất ổn, lạm phát phi mã, đồng tiền liên tục bị mất giá, đời sống người dân vô cùng khó khăn, nợ nước ngoài tăng nhanh trong lúc ngoại tệ dự trữ thì cạn kiệt, chỉ còn 10 tỷ đô là Mỹ vào cuối năm 2010! Một ví dụ điển hình cho tài lãnh đạo kinh tế của ông Dũng là vụ vỡ nợ Vinashin, với tổng số tiền nợ lên đến 90 nghìn tỷ đồng VN, tương đương 4 tỷ đô la Mỹ khiến dư luận vô cùng bức xúc. Ông Dũng cũng sớm bộc lộ sự chuyên chế, độc tài khi tự tay ký hàng loạt quy định nhằm bịt miệng nhân dân: Nghị định 11 và 12/2008 cấm công nhân không được đình công; Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg "cấm phản biện" đã bị những nhà trí thức hàng đầu trong Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS mạnh mẽ phê phán là "Không phù hợp với thực tế khách quan của đời sống", "Phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ" đồng thời tuyên bố tự giải thể Viện này để phản đối; Nghị định số 136/2006/NĐ-CP cấm khiếu nại tập thể-đã bị Ts Luật Cù Huy Hà Vũ, người vừa bị kết án 7 năm tù trong phiên tòa bôi bác ngày 04/04/2011 vừa qua khởi kiện vì đã ban một nghị định trái Hiến pháp và pháp luật; Nghị định 02/2011/NĐ-CP về kiểm soát báo chí và lĩnh vực xuất bản, nhằm tăng thêm quyền hạn kiểm duyệt của chính phủ đối với người làm báo trong nước v.v. Có nghĩa là, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bịt miệng cả nước từ công nhân, nông dân, trí thức, các nhà khoa học cho tới báo chí, truyền thông! Dưới "triều đại" ông Dũng, hàng loạt vụ bắt giữ, giam cầm các bloggers, nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ xảy ra liên tiếp. Trong đó, bản án 16 năm dành cho doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức tức blogger Change We Need và bản án 7 năm vừa tuyên cho Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, theo như mọi người nhận xét, là có yếu tố trả thù cá nhân vì cả hai, một người thì từng viết blog vạch trần những việc làm sai trái của cá nhân ông Dũng, một người từng hai lần kiện đích danh ông Dũng. Chính Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, khi được hỏi về phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ, đã nói: "Dư luận họ cho rằng, không phải ông Chánh án phiên tòa xử, mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xử đấy!" (bài "Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói về dư luận phiên tòa", blog Nguyễn Xuân Diện). Hai hình ảnh trái ngược: Cùng với ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Tấn Dũng là người ra sức ủng hộ dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên bất chấp sự lên tiếng phản đối của đông đảo giới trí thức, giới chuyên môn, các tướng lĩnh, đảng viên cộng sản lão thành… Sự coi thường dư luận, coi thường nhân dân của ông Dũng còn thể hiện trong nhiều trường hợp khác nữa. Người dân còn nhớ vẻ mặt như bánh tráng nhúng nước của ông Dũng khi Quốc Hội bác bỏ dự án đường sắt cao tốc vào tháng 06/2010. Cũng như thời kỳ khốn đốn của ông Dũng khi bị báo chí, Quốc Hội và dư luận dồn trách nhiệm trong vụ Vinashin, vào những ngày đấu đá dữ dội trước Đại hội XI ĐCSVN. Một số đại biểu Quốc Hội như ông Nguyễn Minh Thuyết còn đề nghị "cần bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng, các thành viên Chính phủ sau vụ Vinashin" – một điều chưa bao giờ xảy ra trước đây! Nhưng bằng vào thế lực và tài lực dồi dào, ông Dũng đã quật ngược thế cờ, để rồi chỉ sau đó một thời gian ngắn, trong kỳ họp cuối cùng của Quốc Hội khóa XII vào tháng 03/2011, người dân nhìn thấy hình ảnh ông Dũng ngồi nhịp tay như gõ nhịp nhạc khi Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng báo cáo trước Quốc Hội về vụ Vinashin. Theo đó, Bộ Chính Trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân mà chỉ yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, vì "Chưa đến mức phải kỷ luật !?". Bởi vì Quốc Hội lúc này, đã thực sự nằm trong túi ông Dũng. Không chỉ coi thường Quốc Hội, coi thường nhân dân, ông Dũng cũng hết sức coi thường dư luận trong và ngoài nước. Dù biết rằng nếu xử nặng Cù Huy Hà Vũ thì thiên hạ chỉ trích, chưa kể còn coi mình là kẻ tiểu nhân, nhưng ông Dũng vẫn cứ làm. Luật pháp, truyền thông thì cũng nằm trong tay 15 nhân vật trong Bộ Chính Trị nói chung và Ba Dũng nói riêng, sợ gì ai, ngán gì ai. Song Chi |
Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011
Việt Nam đã có nhà độc tài mới!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét