Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Vì sao “hòa thượng Thích Học Toán” Ngô Bảo Châu đóng cửa “chùa” ?


Hai Xe Ôm – Sự kiện Hòa thượng Thích Học Toán Ngô Bảo Châu đóng cửa chùa làm cho ta liên tưởng tới những vần thơ của ông Hồ Chí Minh: Đau đớn chi bằng mất tự do /Đến buồn đi ỉa cũng không cho… 

*

Việc Blogger Ngô Bảo Châu với nick name " Thích Học Toán " tuyên bố chuyển đổi Blog của cá nhân mình từ chế độ "nhật ký điện tử mở"- mọi người có thể truy cập, sang chế độ "nhật ký điện tử đóng"- chỉ một mình chủ nhân mới có thể đọc…nhanh chóng trở thành một sự kiện thông tin trong thế giới mạng, cả Đài BBC cũng đã vào cuộc, tham gia đưa tin như một sự kiện thông tin ?

Việc tuyên bố giã từ sân chơi là một việc bình thường đối với dân chơi blog, không thích mở thì đóng; Có thời gian thì viết blog, bận không còn thời gian hoặc do bản thân cảm thấy không còn chuyện gì cảm thấy hứng thú để viết, chia sẻ… bài cũ cứ treo trên hàng tháng thì rồi " của chùa": tiếng là mở nhưng khác chi đóng; khách vãng lai cũng thưa thớt dần…

Khi không thích giao lưu nữa, vì những ai đã xác định viết blog theo chế độ mở đều có một "tôn chỉ, mục đích": muốn được giao lưu và chia sẻ những suy nghĩ thuần chất cá nhân của mình với cư dân mạng…

Ngay từ đầu, nhà toán học Ngô Bảo Châu đã tự xác định "tôn chỉ mục đích": xây dựng blog của mình thành một ngôi Chùa chuyên tu luyện về việc học toán; Chủ nhân-vị hòa thượng trụ trì của ngôi chùa  này đã tự đặt pháp danh cho mình " Thích Học Toán"…Có thể nói " Ngôi chùa " này nhanh chóng được dân chơi blog xếp hạng vì: tính độc đáo của nó, tính chất không giống ai, một mình một cõi của Thích Học Toán-Ngô Bảo Châu…

Một blog muốn thành công là tự mình xác định được cho mình " cái cõi" thật sự riêng tư: có như thế mới có sức sống, mới không giống ai; có như vậy người khác mới tìm đến; danh nghĩa là viết ra những cảm nhận cá nhân, suy nghĩ riêng tư nhưng lại được mọi người nườm nượp ra vào chia sẻ là cả một vấn đề tưởng đơn giản mà hóa ra phức tạp, tưởng dễ mà khó…

Một blog thành công là blog chứng tỏ được sức sống quật cường của nét tư chất con người-xã hội của chủ nhân? Còn như, nếu như con người-xã hội của anh èo uột thì rồi sớm muộn ngôi chùa của anh cũng sẽ hiu hắt dần, có mở cũng chẳng ai tìm đến…

Rất nhiều blog đã nhanh chóng rơi vào nhàm, nhạt vì người đọc thấy cái thế giới riêng tư của chủ nhân của nó không có gì đáng đọc…Hiện nay, đã xuất hiện một số blog có tiếng, hàng ngày có tời hàng ngàn, thậm chí hàng vạn khách ra vào, hàng trăm khách để lại comment; số này hiện không đông…

Hiện nay số blog cá nhân đã tự làm chủ được số phận của mình, được giới blog suy tôn, xếp hạng không nhiều là do bởi họ đã giải được bài toán: riêng tư đấy thế nhưng lại chạm tới suy nghĩ, trăn trở của nhiều người…Vì thế nên người ta mới tìm cách vào đọc…Thậm chí một số blog đã bí hack sờ nắn, tấn công hoặc cản phá…Điều này cho thất giới blog Việt cũng đang trưởng thành, đang vươn vai đứng dậy, đang chứng tỏ sưc sống của nó trong cái hoàn cảnh các phương tiện truyền thông chính thống đang bị o ép, phong tỏa, xoa đầu…

Trở lại sự kiện " Thích Học Toán " đóng cửa chùa với một lời chia tay đượm chất cửa thiền:

Thông báo 'chia tay'

Tạm biệt

Chùa Thích Học Toán tạm đóng cửa từ ngày hôm qua. Bần đạo cáo lỗi với bạn bè vì hành động đột ngột này.

Nhờ vào cái sân chùa này, bần đạo đã có chỗ để chia sẻ những suy nghĩ của mình với bạn bè, và đổi lại bần đạo cũng đã học được rất nhiều từ các bạn.

Mỗi ngày đi qua, cái nhu cầu làm mới lại mình bằng sự tĩnh lặng trở nên cần thiết hơn.

Vậy bây giờ là thời điểm để dừng lại và suy nghĩ. Không thể dừng lại mà không nói một lời chia tay.

Hẹn có ngày tái ngộ,

Thích Học Toán

Về sự kiện này, BBC đưa tin:"Giáo sư toán học có tiếng của Việt Nam, ông Ngô Bảo Châu, mới đây lên tiếng bình luận về phiên tòa xử Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ và chỉ trích giới chức tòa về "sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ."

Bài viết có tựa 'Về sự sợ hãi' được tranh luận nhiều trên mạng và tại diễn đàn của BBC tiếng Việt.

Hồi tháng Tám năm 2010, GS Châu cũng gây sự chú ý trên mạng khi bình luận về thực trạng tự do ngôn luận bị chi phối bởi hiện tượng "lề trái, lề phải".

Khi đó ông Châu viết "bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do."

Vậy điều gì khiến cho Hòa thượng Thích Học Toán đóng cửa chùa?

Phải chăng do bởi những bản "kinh kệ" được vị Hòa thượng này " tụng niệm " trong không gian của ngôi chùa này đã lan tỏa quá xa và quá mạnh ra ngoài đời; nó đã chạm tới ai đó, chạm tới một giới chức nào đó trong xã hội? Do đó, như Định luật Bảo toàn năng lượng của Lômônôxôp đã từng phát minh:" Năng lượng không mất đi và không tựu nhiên xuất hiện mà nó chỉ có thể chuyển từ dạng nay qua dạng khác ?"

Khi ta tác động vào một vật thế nào đó một lực, tất yếu vật thể đó cũng sẽ sinh ra một lực đối ứng giây chuyền chứ không dừng lại; thậm chí nó sẽ có phản lực tức thì, sỗ sang theo lối ăn miếng trả miếng…

Những tuyên bố, những can dự của Hòa thượng Thích Học Toán Ngô Bảo Châu như ký vào bản kiến nghị dừng dự án khai thác bauxite Tây Nguyên; Rồi bình luận về số phận của trí thức muốn không thể chịu kiếp con cừu thì không được sống theo lề; rồi thì thì ý kiến mới nhất về vụ xử Cù Huy Hà Vũ với nhữn lời nói sắc nhọn, có sức lan tỏa, có khả năng gây bùng nổ trong dư luận:

"Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trương hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn…
Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ…"

Với những lỡi lẽ đó thật sự gây sốc dư luận và chắc đã làm đắng nghẹn, cay cú cho ai đó…Và hệ quả của nó phải chăng dẫn tới việc Hòa thượng Thích Học Toán đành tuyên bố đóng của chùa, giã từ sân chơi ?

Thực ra, hiện nay có không ít những blog có những bài viết dữ dằn nhưng người ta cho qua, bởi vì phạm vi ảnh hưởng, uy tín xã hội, sự lan tỏa ra thế giới không bằng Ngô Bảo Châu…Còn đối với Ngô Bảo Châu…

Qua sự kiện Hòa thượng Thích Học Toán-Ngô Bảo Châu tuyên bố đóng cửa chùa cho thấy:" xôi chùa " cũng còn có vị của nó đấy, nó không giống như bình luận của blog Quê Choa…
Sự kiện Hòa thượng Thích Học Toán Ngô Bảo Châu đóng cửa chùa làm cho ta liên tưởng tới câu thơ của Nguyễn Du:" Áo xiêm ràng buộc lấy nhau…"; Một con người như Ngô Bảo Châu mà còn phải vậy, " Thế thời thế thế thời phải thế " ?

Sự kiện Hòa thượng Thích Học Toán Ngô Bảo Châu đóng cửa chùa làm cho ta liên tưởng tới Nguyễn Công Trứ:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…

Sự kiện Hòa thượng Thích Học Toán Ngô Bảo Châu đóng cửa chùa làm cho ta liên tưởng tới những vần thơ của ông Hồ Chí Minh:

Đau đớn chi bằng mất tự do
Đến buồn đi ỉa cũng không cho…

Ngục trung nhật ký… )

 

H.X.Ô

http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=7706


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét