Michael Benge - Chuyển ngữ: Đinh Từ Thức Như một người Libya chống đối từng nói, "Sau khi nhìn những gì xẩy ra tại Tunisia và Ai Cập, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng có thể làm được"; "bức tường sợ hãi" của họ đã sụp đổ và người dân Libya không còn sợ hãi chính quyền tham nhũng và tàn bạo của họ nữa. Ngược lại, viễn tượng cái nồi nước Trung Đông có thể sôi tràn tới nước họ đã đột ngột tăng thêm yếu tố sợ hãi trong hàng ngũ Cộng sản cai trị tại Việt Nam và Trung quốc. Từ khi khởi sự cuộc nổi dậy tại Trung Đông, vì sợ dân chúng nổi dậy, Việt Nam theo sau Trung Quốc, đã phản ứng bằng cách đàn áp tàn bạo, và bắt giữ những người có thể là bất đồng chính kiến. Yếu tố bực bội của Việt Nam chắc đã phải được tăng thêm nhiều nấc khi Liên Hiệp Quốc chấp thuận một Vùng Cấm Bay trên Libya, một dấu hiệu mạnh mẽ chứng tỏ sự trợ giúp của quốc tế đối với các nhà phát huy dân chủ tại đó. Độc tài tàn bạo ở Libya và chế độ cộng sản ở Việt Nam có rất nhiều điểm giống nhau. Liệu "Bức tường sợ hãi" của dân chúng Việt Nam cũng sụp đổ? Tại Trung Quốc, các nhà phát huy dân chủ kêu gọi dân chúng khởi sự ôn hòa một "Cuộc cách mạng Hoa Nhài". Tại Việt Nam nhà phát huy nhân quyền và dân chủ lâu đời là Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế viết trên mạng lời thách thức cho nhân dân Việt Nam: "Hãy đứng thẳng người hiên ngang tuyên bố: Tự Do hay sống nhục! Xuống đường dứt điểm độc tài nhũng lạm quyền thế: đòi việc làm, đòi cơm áo, đòi nhà ở, đòi được học hành; đòi được chăm sóc y tế". Mặc dầu những cấm đoán trên Internet và phương tiện truyền thông khác, cũng có những nhà phát huy dân chủ khác tiếp tay ông kêu gọi thay đổi ôn hòa, có lẽ là một cuộc "Cách mạng Nước Mắm". Coi như một đãi ngộ dành cho quần chúng và kiểm soát thiệt hại, chế độ Cộng sản Việt Nam thỉnh thoảng cũng toan tính những việc làm để lấy lòng trong nước và ngoại giao bằng cách áp dụng chính sách bắt rồi thả; "một nắm tay thép trong bao tay nhung". Bác Sĩ Quế đã bị bắt, nhưng vì sợ bị "phản hồi" bằng quần chúng chống đối, ông đã mau chóng được thả ra và đặt trong tình trạng canh gác nghiêm ngặt – cô lập – và máy vi tính cùng các phương tiện truyền thông khác của ông bị tịch thu. Sau này, khi mọi xáo trộn lắng dịu nhà cầm quyền cộng sản sẽ lại bắt Bác Sĩ Quế và thi hành chính sách "bàn tay sắt". Gần đây cộng sản đã phải đối phó với những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng khác một cách tương tự bằng cách hoãn lại những phiên xử những người đã bị bắt và tạm thời thả những người khác từ trong tù; nhưng tất cả đều bị đặt dưới tình trạng quản thúc chặt chẽ tại gia. Mục đích là xả bớt những áp lực chính trị vào thời gian hiện tại trong khi trung hòa phong trao chống đối. Chế độ Việt Nam cũng đáp ứng bằng cách phô trương lực lượng, động viên lực lượng công an hùng hậu của họ và sai đi những nhân viên thường phục cũng như bọn côn đồ dân phòng ăn lương nhà nước (thuộc Mặt Trận Tổ Quốc). Hàng trăm nhà vận động chính trị và người sử dụng Internet đã bị bỏ tù hay bị quản thúc tại gia, và thêm hạn chế đối với báo chí nước ngoài và trong nước đã được thi hành. Xóa mạng Internet và ngăn chặn tiếp cận với những mạng có những chữ hay câu như "Libya" hay "dân chủ" và "biểu tình phản đối" là chuyện thường, và những kiểm soát khác đối với Internet cũng được áp dụng, đặc biệt trên những mạng "vi-blog" như twitter. Việt Nam đang bị nạn tham nhũng gia tăng, lạm phát hai số, khan hiếm thực phẩm, cúp điện, và giá xăng tăng gần đây (18%), tiền phá giá, và giá dầu nhập cảng tăng. Tất cả những chuyện này, cộng với an ninh gia tăng đàn áp và cảnh sát tàn bạo, có thể tạo thêm tình trạng công chúng phẫn nộ và bất ổn. Một thí dụ sẩy ra vào hồi tháng Bảy năm 2010, khi hàng ngàn người biểu tình phản đối tại tỉnh Bắc Giang sau khi một thanh niên bị cảnh sát đánh chết. Nạn lao động đình công cũng tăng lên, kể cả một vụ gần đây tại một xưởng ráp xe của Nhật Bản với ba ngàn công nhân. Tuy rằng, tại nhiều nơi, nghiệp đoàn do cộng sản kiểm soát để tránh đình công. Không giống như các nước khác, Việt Nam rất giới hạn truyền thông nước ngoài tiếp cận những nơi có rắc rối, sợ rằng họ có thể khuấy động nồi nước sôi biến thành một cuộc cách mạng. Việt Nam, một nước 86 triệu dân, có 3,6 triệu đảng viên Đảng Cộng Sản, và duy trì một lực lượng cảnh sát vào khoảng 1,2 triệu người. Thêm vào đó, còn có quân cảnh, công an đặc biệt và lực lượng mật vụ, gồm cả lực lượng dân phòng ăn lương nhà nước, cảnh sát tôn giáo, và đơn vị sát thủ đặc biệt như "Lực Lượng 04" đã được dùng để chống lại các sắc dân thiểu số. Chế độ cộng sản Việt Nam gần đây đã mãnh liệt đàn áp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến, thẳng tay dẹp các tự do phát biểu, lập hội và hội họp. Riêng trong tháng Một, cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ 1.500 người rong chiến dịch kiểm soát chặt chẽ về an ninh vào dịp Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng Sản Việt Nam tại miền Bắc Việt Nam. Tại Việt Nam, bloggers, luật sư nhân quyền và tự do tôn giáo, công nhân và các nhà hoạt động về quyền sử dụng đất đai, các nhà vận động dân chủ và chống tham nhũng, nhà báo, trưởng giáo, linh mục, sư Phật giáo, thành viên các giáo hội Cơ Đốc giáo tại gia và cư sĩ của các tôn giáo khác, đều bị chế độ quy vào thành phần chống đối. Tất cả đều đối mặt với đe dọa, bắt giữ, đánh đập, tra tấn, bỏ tù, và ngay cả một số bị giết bởi bàn tay của chính quyền. Thêm cú giáng vào quyền tự do phát biểu là một luật mới, Nghị định số 2 tự tiện đặt ra hình phạt tiền hay cầm tù chống lại các nhà báo và nhà xuất bản về những vi phạm mơ hồ. Những vi phạm này gồm cả phát hành bài viết in, cũng như trên Internet, mà "không có lợi ích cho nhân dân", tiết lộ "bí mật quốc gia", và phơi bầy "thông tin không được phép" (ví dụ như những bài viết về tham nhũng và lạm dụng nhân quyền). Nghị định cho phép bất cứ giới chức hay viên chức nhỏ nào trong chính quyền cộng sản hoặc quân đội được quyền quyết định cái gì là một vi phạm, và đòi hỏi nhà báo và nhà xuất bản tiết lộ nguồn gốc của thông tin. Truyền thông nhà nước Việt Nam gần đây tường thuật rằng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi công an bảo đảm rằng không có đảng phái chính trị nào khác được thành lập có thể đe dọa quyền kiểm soát của chính quyền cộng sản. Trong số 86 triệu dân Việt Nam, 29 phần trăm thuộc lứa tuổi 15-29. Một chiến lược của Đảng Cộng Sản dùng để giữ nắp của cái nồi là gửi những người trẻ, năng động, có khả năng gây rối ra nước ngoài kiếm tiền gửi về cho gia đình và giúp nền kinh tế. Năm ngoái, có tới 85.546 công nhân người Việt được gửi ra nước ngoài lao động; mục tiêu của chế độ cho năm nay là 87.000. Chế độ đàn áp của Việt Nam không phải chỉ theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trên truyền thông, internet, blogs, các mạng xã hội và các lối trưng bầy khác, nhưng nhờ có kỹ thuật được cung cấp bởi các công ty Hoa Kỳ và Anh, bây giờ họ có thể theo dõi chặt chẽ cả điện thoại di động và "dây đất" của những người bị tình nghi là bất đồng chính kiến và phát huy dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Điện thoại có thể dùng cho người Thượng thì đặc biệt xét kỹ. Mặc dù nhận diện kỹ thuật khủng bố của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam và biết rằng những cuộc điện đàm của họ sẽ bị theo dõi, tín hữu Cơ đốc người thượng ở Việt Nam tiếp tục gọi cho thân nhân của họ ở Hoa Kỳ, và ngược lại, trong cố gắng trao đổi thông tin về tiếp tục bách hại và đối xử tàn bạo đối vối người Thượng theo Thiên Chúa giáo, đặc biệt là những người thách thức nhà cầm quyền bằng cách không gia nhập các giáo hội do cộng sản kiểm soát. Tường trình của Compass Direct News cho biết năm ngoái "nhà cầm quyền cộng sản đã ngăn chặn mừng lễ Giáng Sinh tại hai trong các thành phố lớn nhất Việt Nam" và trên 10 tỉnh "qua nỗ lực mạnh nhất gần đây để đàn áp người Thiên Chúa Giáo". Nhà cầm quyền cũng cấm Đức Cha Michael Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Kontum cử hành mừng lễ Giáng Sinh với các tín hữu Thiên Chúa Giáo người Thượng. Ông Phil Robertson của Human Rights Watch gần đây đã tuyên bố rằng "Cuộc đàn áp tôn giáo của Việt Nam có hệ thống, trầm trọng và tệ hơn từng ngày". Và "dàn nhạc" vẫn chơi đi chơi lại một điệp khúc: Vào ngày 1 tháng 12, 2010, ba người Thượng Thiên Chúa Giáo, Beo Nay, Phor Ksor và Rin Ksor, là những người thuộc về giáo hội tại gia thuộc tỉnh Gia Lai, đã bị bắt giữ và truy tố về tội "phá hoại đoàn kết dân tộc Việt Nam" bằng cách gia nhập một giáo hội bất hợp pháp. Họ đã được đưa giấy để ký từ bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Khi họ từ chối, các sĩ quan cảnh sát Thinh và Tuan đánh trầm trọng cả ba rồi lại ra lệnh cho họ ký vào giấy tờ; Tuy nhiên, vì họ đã bị đánh quá tệ đến nỗi các sĩ quan cảnh sát phải cầm tay để hướng dẫn họ ký tên. Vào tháng 11 năm 2010, các trưởng giáo người Thượng Y-Du Ksor và Y-Co Kpa của Phái bộ Tin Mừng Việt Nam (Vietnam Good News Mission – VGM) ở tỉnh Phú Yên đã bị bắt và truy tố vì đã cử hành phụng vụ bất hợp pháp Thiên Chúa Giáo tại giáo hội tư gia, nhập đạo, và sở hữu điện thoại di động – hành vi bị coi là "phá hoại đoàn kết dân tộc Việt Nam". Họ bị xử phạt một người sáu năm tù và bốn năm quản chế tại gia và người kia bốn năm tù và hai năm quản chế. Vào tháng Bảy 2010, Bih Ksor, một tín hữu Thiên Chúa Giáo người Thượng và là một Trưởng Thượng trong một giáo hội tại gia, đã bị bắt bởi cảnh sát tỉnh Gia Lai. Vì ông sở hữu một điện thoại di động, nên ông cũng bị kết tội "phá hoại đoàn kết dân tộc Việt Nam". Ông Bih đã bị đánh, tra tấn, và rồi bị một cú chí tử vào sau gáy. Ngay trước khi ông bị giết, anh em đồng hao của ông là Thai Puih, ở Charlotte, North Carolina (Hoa Kỳ), nhận được một cú điện thoại từ Việt Nam vào một giờ sáng, và nghe được âm thanh của một người đang bị đánh, đang rên la trong đau đớn ở phía sau. Người gọi đã tìm thấy số của Thai trong điện thoại di động của Bih. Ông ta tự xưng là sĩ quan cảnh sát Việt Nam và bảo Thai nghe trong khi họ tra tấn Bih. Thai trả lời rằng ông ta không hiểu họ nói gì và gác máy. Người cảnh sát gọi lại vào lúc hai giờ sáng và nói với Thai rằng Bih đã chết, và ông ta phải gọi thân nhân ở Việt Nam để báo tin và lượm xác. Ngày hôm sau, xác chết được tìm thấy dọc theo một con đường cách làng ông ta nhiều cây số. Vào tháng Một 2010, cảnh sát tôn giáo từ Hà Nội bắt hai anh em tại tỉnh Gia Lai khi họ hành đạo Thiên Chúa Giáo, là Cop Ksor và Sia Nay, và ra lệnh cho họ phải từ bỏ niềm tin của họ vào Thiên Chúa. Khi họ từ chối, Đại Úy cảnh sát Pham Nhat Toan dắt một con chó từ cũi ra và ra lệnh cho nó tấn công họ. Họ bị cắn nhiều lần ở chân. Rồi họ được thả sau khi đã bị đe dọa rằng nếu họ không từ bỏ niềm tin vào Chúa, họ sẽ bị bắt lại và ông ta sẽ để cho chó cắn chết. Human Rights Watch nói rằng Việt Nam đã cầm tù trên 300 người Thượng theo Thiên Chúa Giáo từ năm 2001 vì "ôn hòa biểu lộ tín ngưỡng hay quan điểm chính trị của họ". Tuy nhiên, người Thượng ở Việt Nam tường trình rằng con số đích thực là trên 500. Thỉnh thoảng, xác chết nát bấy của một người Thượng Thiên Chúa giáo bị vứt ra từ hệ thống nhà tù Việt Nam. Nếu tình trạng xác chết không đến nỗi quá tệ, cảnh sát nhà giam sẽ báo cho gia đình biết để nhận xác đem về chôn tại làng. Tương tự như vậy, thỉnh thoảng gia đình được phép đem những người Thượng bị tra tấn gần chết về làng họ để chết. Việc làm này cốt để khủng bố gia đình và dân làng. Tuy nhiên, nếu tù nhân bị đánh quá tệ, thi thể của họ được chôn ngay tại nhà tù và gia đình có thể được báo tin. Nếu không, gia đình chỉ còn người thân trong niềm nhớ. Đây chính là điều người Thượng Thiên Chúa giáo đã giản dị "biến đi" như thế nào trong hệ thống nhà tù tàn bạo của Việt Nam; tra tấn và hạ sát bởi thế hệ thứ hai hay thứ ba những cai tù theo truyền thống của những kẻ đã mài dũa kỹ năng tra tấn trên những tù binh chiến tranh Hoa Kỳ trong và sau chiến tranh Việt Nam. Vào ngày 6 tháng Chín, 2009, Tino Ksor, một người Thượng Thiên Chúa giáo bị chết vì tra tấn tại Trại tù Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam. Ông ta đã bị bắt hôm 14 tháng Năm, 2004 vì ông đã giảng đạo tại một giáo hội tại gia thuộc tỉnh Gia Lai và từ chối gia nhập giáo hội do chính quyền kiểm soát là Southern Evangelical Church of Vietnam (SECV). Hai tuần sau, ông ta bị xử tại một tòa án rừng rú (kangaroo court), bị tố cáo về tội "phá hoại đoàn kết dân tộc Việt Nam", và bị phạt 7 năm tù. Khi ở trong tù, Tino trở thành một lãnh đạo tinh thần cho nhiều tù nhân người Thượng ở đấy, nhưng vào ngày 22 tháng Tám, 2008, công an biệt giam Tino và bắt đầu tra tấn ông, cố gắng cưỡng bách ông từ bỏ lòng tin vào Thiên Chúa. Ngày 7 tháng 9, 2009, công an Việt Nam báo cho gia đình Tino rằng ông ta đã chết. Vợ và mẹ Tino đến nhà tù để nhận xác ông; tuy nhiên, họ được cho biết "Ksor Tino chưa mãn hạn tù nên chúng tôi phải giữ xương cho đến khi hạn tù của ông ấy chấm dứt; rồi các bà có thể tới mà nhận". Đây không phải là một trường hợp cá biệt; thí dụ vào ngày 11 tháng Ba 2010, người Thượng Thiên Chúa giáo K'pa Lot chết vì nội thương, do bị đánh liên tục và tra tấn trong khi bị tù ở tỉnh Phú Yên, cũng như người Thượng Thiên Chúa giáo Y-Kap Ayun bị chết vào ngày 17 tháng Tám 2010. Vào ngày 18 tháng 11, 2010, Simon Roughneen tường trình trên Asia Times Online rằng "Ngoại Trưởng Hillary Clinton đề cao Hà Nội về việc đã ký Công Ước Liên Hiệp Quốc chống lại tra tấn trong cuộc gặp gỡ báo chí vào tháng 11 2010 cùng với người đồng nhiệm [phía Việt Nam] là ông Khiêm". Và dàn nhạc vẫn chơi đi chơi lại một điệp khúc. Chế độ cộng sản Việt Nam nên nhớ kỹ cuộc biểu tình chống đối năm 2001 của ngừơi Thượng Thiên Chúa giáo đã làm cho Đảng lung lay tận gốc rễ. Những người biểu tình ôn hòa đã kiến nghị chính quyền nới lỏng việc lạm dụng nhân quyền, cho họ có tự do tín ngưỡng không bị chính quyền kiểm soát, và trả lại cho người Thượng những đất đai bị chính quyền tịch thu. Thay vì giải quyết vấn đề một cách ôn hòa, chế độ phái công an và quân đội tấn công những người biểu tình bằng xe tăng và máy bay. Trong cuộc đàn áp tàn bạo hàng trăm người Thượng Thiên Chúa giáo đã bị bắt, bị giết, hoặc "biến mất", và nhiều người vẫn còn bị tù cho đến ngày nay. Mặc dầu người Thượng chỉ có 750.000 trong 85 triệu người Việt, và mặc dầu chỉ có một phần nhỏ trong số người của họ tham gia biểu tình chống đối, họ đã lay chuyển chế độ cộng sản tận cốt lõi và khiến cho phải thay đổi Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản. Nếu cuộc bách hại tiếp tục, "bức tường sợ hãi" của người Thượng có thể lại sụp đổ; và lần này những người Việt bị bách hại nhiều phần có thể tiếp tay. Có vẻ như muốn trêu tức Hoa Kỳ, vào ngày 5 tháng Một năm nay, ông Christian Marchant, một nhà ngoại giao là tùy viên chính trị đặc trách nhân quyền và dân chủ tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, đã bị đối xử thô bạo và bị đánh trong khi một đám cảnh sát đứng nhìn mà không có hành động nào. Ông đã được phép từ nhà cầm quyền Việt Nam để tới thăm một linh mục Công Giáo bất đồng chính kiến. Vì tụ họp nhiều người là bất hợp pháp, nhiều phần chắc là đám đông gồm bọn côn đồ ăn lương chính quyền, một kỹ thuật cộng sản dùng để có lý do phủ nhận. Một người phát ngôn bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, "Sự quấy nhiễu 'không thể chấp nhận được' và chúng tôi đã và sẽ tiếp tục bầy tỏ mối quan tâm sâu xa của chúng tôi". Đúng là cách đáp ứng kiểu "cọp giấy" đối với các vi phạm nhân quyền mà chế độ cộng sản tiếp tục coi thường trong khi họ làm ăn bình thường với Hoa Kỳ "tôn thờ thương mại". Và dàn nhạc vẫn chơi đi chơi lại một điệp khúc. Huyền thoại: Hoa Kỳ cần Việt Nam như một nước đệm chống lại Trung Quốc: Phần lớn những sai lầm của chúng ta trong chính sách ngoại giao đối với Việt Nam là dựa trên việc dùng Việt Nam để be bờ Trung Quốc lấn dần tại Đông Nam Á. Bất cứ ai nói ra huyền thoại này cần phải sửa lại bài tính: như là, dân số Việt Nam có vào khoảng 85 triệu trong khi Trung Quốc có hơn một tỷ dân. Chẳng những Trung Quốc có đông dân hơn, họ còn có nhiều tiền hơn Hoa Kỳ và không bị giới hạn trong việc hối lộ các giới chức chính quyền ở Đông Nam Á. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lộ nguyên hình gần đây khi chọn Nguyễn Phú Trọng vào chức vụ quyền lực nhất nước – tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – và ông ta được coi như là người thân Trung Quốc. Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống Clinton chấp thuận vào năm 1998 để phát huy tự do tôn giáo như là chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nó bắt buộc chính quyền Hoa Kỳ phải can dự với các chính quyền nước ngoài để phát huy tự do tôn giáo và phải có hành động trừng phạt khi cần thiết. Hành động trừng phạt, phần nhiều chỉ là làm cho các nước này bị bẽ mặt bằng cách đặt tên họ trong danh sách Các Nước Đặc biệt Quan tâm (Country of Particular Concern – CPC) trong bản tường trình hàng năm của Bộ Ngoại giao vì họ đã vi phạm thô bạo vào tự do tôn giáo. Tuy nhiên, vì theo chính sách xử đẹp với Việt Nam, nên mặc dầu có những bằng chứng không thể chối cãi là Việt Nam vi phạm thô bạo tới tự do tín ngưỡng, trong vài năm gần đây, Bộ Ngoại giao đã từ chối đặt Việt Nam trong danh sách CPC. Bây giờ, Luật này đã mãn hạn, và như Ken Blackwell, cựu đại sứ Mỹ tại (Ủy hội Nhân quyền) Liên Hiệp Quốc viết trong một bài mới đây, "Mỹ Tự Bỏ Trách nhiệm về Tự do Tôn giáo" (State Is AWOL on Religious Liberties), "Chính quyền Obama và Bộ Ngoại giao đặc biệt mạnh miệng về chính sách này nhưng qua không hành động họ đã giúp và xúi bẩy sự bách hại các tôn giáo thiểu số trên khắp thế giới. Mặc dầu Bộ Ngoại giao đã tường trình rằng tự do tôn giáo bị 'suy thoái' trong năm 2010, nhưng họ đã từ chối đặt Afghanistan, và nhiều nước vi phạm tự do tôn giáo khác vào danh sách CPC." Tất nhiên trong số này có Việt Nam. Mặc dầu Luật đã mãn hạn, vẫn còn nhiều cách khác để áp dụng hành động trừng phạt nếu Tổng thống Obama và chính quyển của ông có đủ đạo đức để làm như vậy. Bây giờ Tổng thống Obama đã chọn ông David B. Shear vào chức tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thay thế ông Michael Michalak, ông Obama và Bộ Ngoại giao có cơ hội để thay đồi chính sách đối với Việt Nam về những vi phạm quá đỗi của họ đối với tự do tôn giáo và các lạm dụng nhân quyền khác. Đại Sứ mãn nhiệm Michael W. Michalak đã là một người bào chữa cho những vi phạm bỉ ổi về nhân quyền và tự do tôn giáo của chế độ cộng sản và bảo kê cho họ bằng che chở ngoại giao cho chế độ cộng sản. Ông đã làm như vậy dưới chỉ dẫn rằng Việt Nam đã mau chóng nhận cho các giáo hội và chùa được đăng ký để cộng đoàn có thể hành đạo "hợp pháp"; tuy nhiên, đăng ký như vậy thật ra là đặt họ dưới quyền kiểm soát của cộng sản. Chế độ cộng sản đã tạo ra những diện mạo ngụy Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo và các định chế tôn giáo khác, giáo hội và chùa. Người Việt và các sắc dân thiểu số muốn hành đạo phải lựa chọn giữa giáo hội và chùa quốc doanh, hoặc bị quấy nhiễu, vào tù và đất bị tịch thu. Các nhân vật ngoại giao và truyền thông dựa vào những giáo hội và chùa trình diễn này (Potemkin churches and pagodas) để khoe rằng chế độ đã tiến bộ như thế nào về mặt tự do tôn giáo. Trên thưc tế, chế độ cộng sản bị hoang tưởng về những tổ chức tôn giáo họ thấy như là đe dọa trực tiếp cho tôn giáo chính trị của họ, là chế độ cộng sản. Bách hại tôn giáo chống lại mọi tín ngưỡng là chuyện thường ở Việt Nam; Thiên Chúa Giáo, Công Giáo, Phật Giáo và những người mang tín ngưỡng khác, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo miền Thượng và thành viên của giáo hội tại gia, đã và đang bị quấy nhiễu, tra tấn, cầm tù và sát hại (thường bị coi là bởi tay bọn "côn đồ vô danh trên đường phố" của chế độ). Trưng dụng đất đai của giáo hội là việc làm quen thuộc bởi chế độ cộng sản. Do không có hành động trừng phạt, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã để cho chế độ cộng sản Việt Nam (họ coi như đây là dấu hiệu bao dung hay chấp thuận ngầm) tiếp tục bách hại tôn giáo và lạm dụng nhân quyền đối với người dân của họ. Bác Sĩ Quế gần đây viết, Chỉ mới mùa hè vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã mừng lễ kỷ niệm lần thứ 15 ngày tái thiết lập liên lạc ngoại giao. Việc tái lập bang giao này đã chứng tỏ nhiều lợi lộc về phía Việt Nam. Hoa Kỳ là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, và hai nước đã có trên 15 tỷ giao thương trong một năm. Hoa Kỳ cũng gia tăng đáng kể trong việc can dự vào Đông Nam Á, và làm như vậy, đã cung cấp hỗ trợ ngoại giao cho Việt Nam ở trong khu vực (thí dụ tranh chấp với Trung Quốc về những quần đảo xa bờ). Giống như nhà phân tích của Viện Quốc phòng Úc về Việt Nam Carl Thayer nói, sau 15 năm "tăng tiến liên lạc có vẻ như vẫn không gây được ảnh hưởng nào với các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Cách tiếp cận của họ đã rõ ràng: Nhận đầu tư và buôn bán với Hoa Kỳ, nhưng dân chủ và nhân quyền thì đừng hòng. Hà Nội cần Washington rất nhiều so với Washington cần Hà Nội. Vào mỗi giai đoạn, Việt Nam đã hứa tôn trọng nhân quyền và tuân thủ luật quốc tế. Tuy nhiên, mỗi lần, Việt Nam đã nhận thấy rằng họ có thể thu lượm tất cả lợi lộc từ phía Hoa Kỳ, mà theo họ chỉ là con cọp giấy, mà không cần tôn trọng bất cứ lời hứa nào của họ. Plus ça change, plus c' est la même chose. – Câu tiếng Pháp có thể tạm dịch là "Càng thay đổi nhiều, càng giống như cũ". Dân chúng Việt Nam vẫn dễ thương, còn chế độ cộng sản vẫn lừa bịp, tàn bạo và đa nghi như bao giờ, trong khi chính sách của Hoa Kỳ để cho họ đàn áp và dối trá. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục ve vãn Hoa Kỳ ngay cả bằng những lời hứa thêm nếu nó có thể gia tăng mối liên hệ song phương. Một đối tác thực sự với Hoa Kỳ có hiệu quả mang lại nhiều lợi lộc hơn cho họ nhờ tăng thêm trao đổi, lợi ích về quân sự và hỗ trợ ngoại giao cho họ ở trong khu vực. Đến phiên chính quyền Obama cũng tuyên bố muốn tăng thêm "đối tác thực sự" với Việt Nam; tuy nhiên, nếu cái giá của đối tác bao gồm cả thực sự tiến bộ về nhân quyền và tự do tôn giáo, chúng sẽ không dễ đạt được từ chế độ cộng sản đàn áp. Hoa Kỳ nên công bố một thái độ dứt khoát với chế độ đó rằng sẽ không có chuyện đối tác cho đến khi Việt Nam chấm dứt mọi vi phạm tới nhân quyền và tự do tôn giáo đối với người dân của mình. Dàn nhạc sẽ còn chơi đi chơi lại một điệp khúc? — Michael Benge đã trải qua 11 năm ở Việt Nam với tư cách là một giới chức ngoại giao, 5 năm là tù binh chiến tranh, và là một sinh viên về chính trị Đông Nam Á. Ông rất năng động trong phát huy nhân quyền và tự do tôn giáo và đã viết nhiều về các đề tài này. Nguồn: Nguyên bản Anh ngữ, "Vietnamese Communists' Fear Factor is Rising," American Thinker, 03 tháng 4 ngày 2011 http://damau.org/archives/19548
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét