23/03/2011 11:55:23 - Trên diễn đàn Quốc hội, kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Chính phủ xác định sẽ điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bên cạnh đó kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, cũng như thu đổi ngoại tệ. Bên lề kỳ họp thứ 9, chiều 22/3, Ủy viên ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: "Không ai nói không được kinh doanh vàng miếng. Kinh doanh vàng miếng sẽ trở thành một ngành kinh doanh có điều kiện. Việc đổi lại giấy phép kinh doanh không ảnh hưởng đến người dân". "Việc mua bán, tích trữ vàng miếng của công dân là được pháp luật bảo hộ, ngay cả việc cất giữ hay gửi ngoại tệ vào ngân hàng cũng là quyền của người dân.", ông Kiên khẳng định.
Nhưng, theo quan sát của phóng viên báo Sài Gòn tiếp thị, trong vòng ba ngày qua, gần như tất cả các tiệm vàng ở TP.HCM đều có thêm khay bày vàng nhẫn loại 24k, từ năm phân đến năm chỉ để bán lẻ cho khách. Đáng chú ý, từng chiếc nhẫn chỉ là chiếc khoen tròn, không theo ni mẫu nhất định và khách đến mua vàng nhẫn cũng không có nhu cầu chọn kích cỡ cho vừa tay. Với khách có nhu cầu mua trọng lượng vàng nặng hơn, một số tiệm vàng đưa ra loại vòng 24k, bản tròn hoặc dẹp, từ 4 – 15 chỉ. Cũng như nhẫn, vòng vàng 24k này không hề có trang trí hay kiểu dáng thiết kế, thậm chí có chiếc còn không có chốt mở để đeo vào tay. Ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh vàng công ty SJC, cho biết trong một tuần trở lại đây, lượng khách giao dịch vàng miếng rất vắng, ngay cả tại các tiệm vàng, đại lý kinh doanh vàng miếng SJC. Các tiệm vàng lớn chủ động sản xuất vàng nhẫn mang thương hiệu của họ đẩy ra thị trường, còn các tiệm vàng nhỏ cũng đặt thợ làm vàng nhẫn đóng dấu của tiệm để bán cho khách. Một số chủ tiệm vàng khu vực chợ Thiếc, chợ Bàn Cờ và Hoà Bình (TP.HCM) cho biết, lượng vàng nhẫn bán ra hàng ngày đang bù cho lượng vàng miếng bán ra trước đây. Cụ thể tiệm lớn bán được khoảng 30 – 35 lượng vàng nhẫn/ngày, tiệm nhỏ bán được khoảng 4 – 6 lượng/ngày. Bà Ngọc, chủ nhân quầy trang sức đá quý ở trung tâm vàng bạc đá quý Bến Thành cho rằng: thị trường đang có dấu hiệu quay lại thời mua bán vàng cách đây 20 năm, khi đó mua vàng đóng dấu của tiệm nào thì quay lại đó bán mới không bị lỗ. Một chủ kinh doanh sỉ vàng ở khu vực quận 3 tiết lộ, những ngày qua loại vàng phân kim và vàng nguyên liệu nhập từ nhiều nguồn đang được các chủ tiệm, các chành mua vào để sản xuất vàng nhẫn. Trước đây loại nguyên liệu này hầu như chỉ được pha với các hội vàng làm trang sức, nay có cơ hội tiêu thụ tốt hơn. Ngay cả với cách tính giá mua bán theo vàng 24k của SJC, vàng nhẫn các tiệm bán ra có giá bán bằng với vàng miếng loại vàng 9999, nhưng giá mua vào sẽ thấp hơn 500.000 – 600.000 đồng/lượng. Phần thiệt người mua sẽ gánh chịu, phần lãi mua bán vàng nhẫn của các tiệm vàng sẽ tăng gấp năm lần so với mua bán vàng miếng. Cũng trên diễn đàn Quốc Hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã lưu ý rằng việc khắc phục tình trạng sử dụng vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán cần phải có lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm thị trường Việt Nam. Đồng thời, phải bảo đảm hiệu quả, không phát sinh phức tạp mới. Mục đích của các biện pháp quản lý vàng; ngoại tệ của NHNN và Chính phủ là "cắt nguồn" làm tăng tổng phương tiện thanh tóan, thống nhất giao dịch bằng VND trên thị trường và sâu xa hơn là huy động được nguồn lực đang nằm trong "két" của người dân – vàng; ngọai tệ, vào mục tiêu đầu tư cho sản xuất; kinh doanh. Nhưng với những ý kiến chưa đồng nhất trên, cụ thể là: người dân có hay không được quyền mua-bán vàng miếng và chưa thấy giải pháp kinh tế đủ mạnh và hiệu quả để thu hút được niềm tin của người dân vào NHNN, thì tính hiệu quả tối ưu của chính sách vẫn chưa thật rõ ràng. Vàng của dân vẫn chưa ra khỏi "két" – nó chỉ chuyển hóa từ hình thức này sang hình thức khác cho "phù hợp" với chính sách mà thôi. Thuận Hải |
Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011
Vàng trong dân đang "đối phó" với chính sách
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét