Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Thực chất cuộc cách mạng Hoa Lài


2011-03-22

Cuộc Cách mạng Hoa Lài khởi sự ở Tunisie miền Bắc Phi đang lan tràn trong thế giới Ả Rập và làm bùng dậy khối người mới đây còn nhẫn nhục cúi đầu dưới gót độc tài. Có những niềm hy vọng nào, và những mối lo gì nảy sinh từ đó?

RFA photo

Cảnh sát Tunisie đàn áp

Ai ai cũng tưởng như mọi sự đều "bình thường" và "an hảo", nhưng ai ngờ ngọn đuốc cách mạng Tunisie như ngòi thuốc súng làm sôi sục Ai Cập, Algérie, Yemen, Barhain và nay Libya. Chúng tôi phỏng vấn Giáo sư Cherif Ferjani, người Tunisie, để tìm hiểu thực chất cuộc Cách mạng Hoa Lài.

Niềm hy vọng lớn

Ỷ Lan: Xin chào Giáo sư Cherif Ferjani. Trước hết xin giáo sư vui lòng tự giới thiệu đôi lời.
Cherif  Ferjani: Hiện nay tôi là giáo sư đại học Lyon 2 ở Pháp. Tôi là cựu tù nhân, thành viên sáng lập Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Tunisie.
Ỷ Lan:  Mọi người trên thế giới đều hứng thú theo dõi những đổi thay cơ bản ở Tunisie; giáo sư có thể cho biết cảm tưởng chung về những chi đang xẩy ra tại Tunisie?
chúng tôi đang trên đường tháo gỡ mọi guồng máy độc tài
GS Ferjani
Cherif  Ferjani: Cảm tưởng của tôi là: Một niềm hy vọng lớn cho dân chủ trên quê hương tôi. Trong vòng 4 tuần lễ, một phong trào bất bạo động đã hạ bệ một tên độc tài, và chúng tôi đang trên đường tháo gỡ mọi guồng máy độc tài. Trước hết là giải tán cái đảng ngự trị độc tôn trên đất nước chúng tôi kể từ ngày Tunisie tuyên bố độc lập vào thập niên 50. Đồng thời, cho về vườn hay sa thải các bộ trưởng, các viên chức cảnh sát, viên chức hành chánh chống đối tiến trình dân chủ hóa đất nước; trả tự do cho tù chính trị; mời giới lưu vong hồi hương, cũng như tham gia các Công ước quốc tế về nhân quyền, như hủy bỏ án tử hình, như cấm tra tấn, gia nhập Tòa án quốc tế xử các tội ác chống nhân loại, và đặc biệt là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Tuy phê chuẩn Công ước này trước đây, nhưng Tunisie đã đặt ra một số điều kiện trên hai điểm: bất bình đẳng trong việc chia gia tài và việc cưới hỏi giữa người Hồi giáo và không Hồi giáo. Đối với chúng tôi, những biện pháp thực hiện trên đây mang lại hướng dân chủ cho cuộc cách mạng.

Mối lo trọng yếu

Tuy nhiên nỗi lo lắng lớn hiện nay là quyền lực của Ben Ali khóa miệng mọi biểu tỏ tự do trong xã hội, gây thành khoảng trống trên bình diện chính trị. Các nhà dân chủ bị phân hóa. Các phong trào dân chủ ở Tunisie chia rẽ nhau giữa phe ủng hộ một chính quyền chuyển tiếp và phe chống lại chính quyền này. Một số kêu gọi cho việc bầu cử một quốc hội lập hiến. Nhưng với điều luật bầu cử nào đây ? Làm sao vừa thoát ly nền độc tài lại có thể tiến thẳng vào những cuộc bầu cử. Đây là một nan đề. Hiện có một mặt trận đang thành lập, gọi là "Hội đồng bảo vệ Cách mạng".

Biểu tình ở Bahrain
Biểu tình ở Bahrain
Mặt trận tự xem như một chính phủ thứ hai, một chính phủ kép. Thật khônt thể an tâm trong tình trạng lưỡng quyền. Tôi hy vọng rằng một chính quyền lâm thời cùng với "Hội đồng bảo vệ Cách mạng" hãy hợp tác với nhau cho một cuộc bầu cử dân chủ thực sự, tác tạo những điều kiện hình thành cuộc đầu phiếu dân chủ. Đó là hiện tình chính trị ở Tunisie.

tôi mong mỏi có một bộ luật bầu cử tính theo tỉ lệ, nhằm ngăn chận một đảng độc tôn
GS Ferjani

Điều bất hạnh hiện nay là lực lượng có tổ chức lại là lực lượng Hồi giáo. Dù rằng giới lãnh đạo Hồi giáo có những tuyên bố ủng hộ dân chủ, nhân quyền, kể cả quyền phụ nữ. Họ nói rằng họ sẽ không đặt lại những vấn đề này. Thật là điều không nên, nếu họ là lực lượng chính trị duy nhất. Vì vậy mà tôi mong mỏi có một bộ luật bầu cử tính theo tỉ lệ, nhằm ngăn chận một đảng độc tôn thủ đắc mọi quyền hành, dù đảng này quan trọng đến thế nào, để các chính đảng khác nhau có thể cộng tác điều hành việc nước.

Giúp Tunisie là giúp chính châu Âu

Ỷ Lan: Giáo sư lượng giá như thế nào về phản ứng của cộng đồng quốc tế?
Cherif  Ferjani: Cộng đồng thế giới đã đồng lõa với chế độ độc tài Tunisie cho tới ngày Ben Ali bị hạ bệ. Bây giờ, chắc là những thành viên của cộng đồng quốc tế muốn chuộc lỗi, ví dụ như phong tỏa các chương mục của Ben Ali và đồng bọn, và họ hứa sẽ hoàn trả cho Tunisie. Chúng tôi cần những ngân khoàn này. Những ngân khoản tương đương với ngân qũy quốc gia Tunisie, tương đương với một phần ba nợ của Tunisie. Nếu được hoàn trả sẽ là một món tài chính lớn cho nền kinh tế Tunisie. 
Tôi nghĩ rằng có một việc rất quan trọng và chủ yếu là việc châu Âu giúp Tunisie trang trải các nhu cầu, đặc biệt về công ăn việc làm và phát triển công minh cho Tunisie. Đây cũng là lợi ích cho châu Âu. Nếu người dân Tunisie có công ăn việc làm và được hưởng nền dân chủ tự do trên quê hương họ, thì chẳng còn cớ gì cho họ di cư sang nước khác. Tính mạng họ rất nguy hiểm khi họ đáp tàu hay những dùng con thuyền con tạm bợ để di cư. Nếu họ phải chết trên biển, ấy chỉ vì họ không có công ăn việc làm ở Tunisie, vì họ chẳng còn hy vọng gì trên xứ sở họ.

Phải có công ăn việc làm người ta mới không tìm cách trốn sang nước khác
GS Ferjani

Cuộc cách mạng này đang mang lại hy vọng cho dân chủ, nhưng cuộc cách mạng phải kéo theo sự thành công trên lĩnh vực kinh tế và xã hội, đồng thời giải quyết nạn thất nghiệp, bởi vì thiếu công ăn việc làm, con người sẽ mất nhân phẩm. Cuộc cách mạng ở Tunisie theo lệnh của ba chữ: Công ăn việc làm, Tự do và Nhân phẩm. Phải có công ăn việc làm người ta mới không tìm cách trốn sang nước khác. Vì quyền lợi của châu Âu mà bên bờ biển phía nam của Địa Trung hải dân chủ phải ra đời, kinh nghiệm dân chủ phải thành công ở đây cùng với sự thành công trên lĩnh vực kinh tế và xã hội. Đó sẽ là một luồng gió mới cho chính nền kinh tế Châu Âu.

Việt Nam: đã thắng xâm luợc, sẽ thắng độc tài đảng trị.

Ỷ Lan: Xin giáo sư câu hỏi chót. Cuộc phỏng vấn này sẽ được Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam. Nước Việt Nam cũng đang chờ ngóng tự do. Hiện nay Việt Nam vẫn còn trong chế độ độc đảng. Trước tình trạng như thế, Giáo sư sẽ nói gì với người Việt hôm nay ?

Dân Tiền Giang biểu tình đòi đất
Dân Tiền Giang biểu tình đòi đất

Cherif  Ferjani: Tôi thì tôi tin rằng nhân dân Việt Nam từng chiến thắng những cuộc dội bom của Mỹ, tất nhiên cũng sẽ chiến thắng chế độ độc tài độc đảng đang ngự trị nhờ lý do là chế độ này từng lãnh đạo chống xâm lược Mỹ. Người Việt tự hào giành được độc lập, nhưng ngày nay, người Việt cũng như nhân dân toàn thế giới không thể nào sống mãi với niềm tự hào đã giải phóng dân tộc. 

Chính khối nhân dân này cũng sẽ chiến thắng nạn độc tài đang vây hãm họ kể từ khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hoàn thành
GS Ferjani

Ngày nay ai cũng có nhu cầu hướng về tương lai. Chẳng lợi ích chi việc giải phóng khỏi cùm ách ngoại lai để biến đất nước thành nhà tù cho dân Việt. Cho nên theo tôi, tôi tin tưởng vào nhân dân Việt Nam, vào các dân tộc Đông Nam Á đã chiến thắng những đội quân khổng lồ trên thế giới, chiến thắng bom napalm, chiến thắng những cuộc dội bom long trời lở đất. Chính khối nhân dân này cũng sẽ chiến thắng nạn độc tài đang vây hãm họ kể từ khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hoàn thành.
Ỷ Lan: Trong vấn đề giáo sư vừa đề cập, thì quan điểm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam là chính cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công giành lại chủ quyền cho nhân dân và họ coi như đây là trọng điểm của Nhân quyền, họ bác bỏ mọi khái niệm nhân quyền khác trong thế giới. Giáo sư nghĩ sao về một luận điểm như thế ?
Cherif  Ferjani: Luận điểm này sai lầm, và các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa rút được bài học lịch sử. Đây là thứ diễn văn của Staline bên Liên Xô cũ, đây là thứ diễn văn của Mao Trạch Đông bên Trung quốc, thứ diễn văn mà Kim Nhật Thành bô bô ở Bắc Triều Tiên, thứ diễn văn mà các lãnh tụ đệ tam thế giới rêu rao ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ La tinh. Bọn chúng tưởng rằng chỉ cần có độc lập dân tộc là đủ. Tự do bị rút gọn vào công cuộc giải phóng để thay thế cho ngoại nhân xâm chiếm. Quyền tự quyết không chỉ là nền độc lập với ngoại bang, mà là quyền tối thượng của nhân dân. Mà nhân dân không thể hưởng quyền tối thượng của họ khi họ bị tước đoạt các quyền cơ bản, các quyền tự do cơ bản và các quyền tự do của công chúng.

Ỷ Lan: Xin cám ơn giáo sư Cherif  Ferjani.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét