Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Cái Tết của một gia đình nghèo


Thứ hai, 7/2/2011, 10:03 GMT+7


Tết này chính quyền tặng gia đình ông Đặc 30kg gạo. Những người hàng xóm tốt bụng cho ông bà vài ba đồng để mua thức ăn, song dường như không khí Tết trong gia đình đến hết 3 ngày Xuân vẫn chưa có.

Mọi người bận rộn mua sắm, trang hoàng lại nhà cửa để đón Tết, thế nhưng gia đình ông Đặc không hề biết không khí Tết như thế nào vì "tiền ăn còn không đủ thì tết nhứt gì đâu".

Tới xã Diên Sơn (Diên Khánh, Khánh Hòa) hỏi nhà "ông Đặc lùng khùng" (ông Bùi Đặc, 73 tuổi) ai cũng biết và chỉ ngay đến ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm bên trong thôn Tây. Mọi người quen gọi ông như vậy vì cả vợ chồng cùng ba người con đều "lình xình", lúc nhớ lúc quên.

Ông cụ
Ông cụ "lùng khùng" bên gian bếp đơn sơ nghèo nàn của mình. Ảnh: Tường Châu

Người con trai lớn Bùi Ngọc Sang (sinh 1966) của ông bà bị tật từ nhỏ phải ở nhờ nhà người bác họ. Niềm mơ ước duy nhất của anh là có được chiếc xe lăn "để đi bán vé số kiếm tiền giúp gia đình". Người con trai thứ hai và cô con gái út đầu óc cũng không được bình thường, cả hai có gia đình nhưng cũng chẳng khá hơn ông bà chút nào.

Khi còn sức khỏe hai ông bà đi phát rẫy trỉa bắp, trồng chuối kiếm được ít tiền đắp đổi qua ngày để nuôi con. Giờ đây khi ở tuổi gần đất xa trời, cả hai vẫn lụi cụi phụ việc cho nhà máy gạo nhỏ để có gạo ăn hoặc bán số gạo đó lấy tiền mua mắm muối dưa hành ăn qua ngày.

Bà Đinh Thị Thển (71 tuổi) - vợ ông Đặc là lao động chính trong nhà, mấy tháng trước bà tai nạn xe, chân không đi được phải nằm nhà, ông vừa làm vừa chăm sóc vợ. Ông Đặc cho biết: "Tui với bả đi phụ hốt cám, đổ lúa cho chỗ máy gạo, bữa nào người tới xay lúa nhiều thì được nhiều, bữa nào ít thì được ít. Cũng ráng kiếm tiền mà nuôi nhau chứ cứ nhờ mọi người hoài cũng ngại".

Căn nhà xiêu vẹo của gia đình ông Đặc. Ảnh: Tường Châu
Căn nhà xiêu vẹo của gia đình ông Đặc. Ảnh: Tường Châu

Chính quyền xây tặng ngôi nhà tình nghĩa (5 triệu đồng) cho người con trai tật nguyền của ông sau khi ngôi nhà đất xiêu vẹo bị sụp. Tài sản đáng giá nhất nhà tình nghĩa là cái nồi cơm điện trị giá 230.000 đồng vừa mới mua được ít hôm. Toàn bộ đồ đạc trong nhà gồm chiếc tivi, cái bàn, cái ghế hay những bộ quần áo mặc trên người của hai vợ chồng đều nhận được từ những tấm lòng nhân ái. Trong nhà nhiều đồ nhưng cái dùng được thì chẳng có mấy thứ vì chủ yếu là đồ đã hỏng.

Ngôi nhà không có bếp cũng chẳng có công trình phụ, ngay cả cái giếng nước ông bà cũng không có. Thấy thương, cô Chín hàng xóm hàng ngày bơm nước vào cái bể chứa cho ông bà dùng.

Tận dụng ngôi nhà cũ còn chỗ kín, ông làm bếp để nấu ăn. Trong "căn bếp" đồ đạc ngổn ngang, chỗ gió lùa nhiều hơn chỗ kín, tài sản lớn nhất là hai cái nồi nhỏ để nấu canh, nấu cá. Thời buổi hiện đại mọi người nấu gas thì ông còn nhóm bếp bằng bào cưa, trấu và tàu dừa khô.

Vợ chồng già đau yếu trong căn nhà thiếu thốn hương vị Tết. Ảnh: Tường Châu
Vợ chồng già đau yếu trong căn nhà thiếu thốn hương vị Tết. Ảnh: Tường Châu

Tết này chính quyền tặng gia đình ông Đặc 30kg gạo. Những người hàng xóm tốt bụng cho ông bà vài ba đồng để mua thức ăn, nhưng dường như không khí Tết trong gia đình đến hết 3 ngày Xuân vẫn chưa có.

Ông Lê Xuân Đáng, cán bộ Hội người cao tuổi thôn Tây, gần nhà ông Đặc cho biết: "Nhà ông Đặc nghèo nhất xã này, mấy đứa con cũng không được bình thường như người ta nên ông bà phải đi hốt cám phụ để có cái ăn".

Tường Châ
u


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét