03/12/2010 0:02
Hai cô gái vừa thoát khỏi một nhà chứa trên đảo Borneo vui mừng cảm ơn Văn phòng Báo Thanh Niên tại Singapore. Đó là số ít may mắn. Còn các cô khác bị trục xuất như tội phạm. Có cô "trở về" bằng một nắm tro. Cuộc giải cứu may mắn Chiều 23.11, Văn phòng BáoThanh Niên tại Singapore nhận được một cuộc gọi từ số máy di động ở Việt Nam. Người gọi là một thanh niên trẻ, giọng miền Nam chất phác, tên R. Anh R. cho hay người yêu đã dạm hỏi của anh đang kêu cứu từ một nhà chứa ở thành phố Miri, bang Sarawak của Malaysia. Tên cô là B., 26 tuổi, dạy học ở TP.HCM. Theo lời thuật của anh R., ngày 12.11.2010, chị B. cùng một người bạn gái khác mà anh không biết tên đi du lịch thăm một cô bạn người Việt ở thành phố Miri, giáp với Brunei, trên đảo Borneo. Đây là lần đầu tiên các cô đi nước ngoài. Họ đi máy bay từ TP.HCM sang Brunei, rồi được chị họ của cô bạn ở Miri đón và đưa sang Sarawak ngay trong ngày 12.11. Người này đã thu hộ chiếu của hai cô gái để "giữ giùm, tránh bị mất". Hai cô được đưa về một nơi mà anh R. nói là quán cà phê Red Box (cái hộp đỏ) ở địa chỉ Pelita 2763. Tại đó, hai cô lập tức bị bắt "tiếp khách". Thấy quá bất ổn, chị B. gọi điện về cho anh R., khóc lóc và nói muốn trốn về, nhưng hộ chiếu đã bị người ta giữ. Tôi hỏi anh R. rằng chị B. có biết người bạn của mình làm "tiếp viên" không? R. trả lời "có" và vò đầu bứt tóc: "Bây giờ em mới nghĩ sao mình ngu quá, biết vậy mà còn để bạn gái ra đi. Nhưng tại bạn em chưa đi nước ngoài lần nào, nên em nghĩ cho bạn đi để biết đó biết đây. Chỉ đi 5 ngày rồi về". R. cho tôi số điện thoại di động của B. ở Malaysia và nhờ tôi giúp để cứu B. R. cũng dặn tôi rằng B. chỉ nghe điện thoại được từ 1 đến 4 giờ chiều, và có thể cũng bị người ta theo dõi, nên đôi khi phải dùng tiếng lóng. Tôi lần tìm trên Google, không có cái gọi là Red Box ở thành phố Miri. Từ các trang web du lịch cho đến các trang blog cá nhân, chỉ có Rex Box Karaoke MV, mà theo mô tả của một số blogger là ở tầng trên của cơ sở này có những phòng "cá nhân" tối om và "nhiều gái Trung Quốc". Tôi không chắc về điều này. Tôi gọi điện, B. bắt máy, nhưng nói khẽ rằng có người ở gần nên không tiện nói chuyện, bởi "có thể mấy người đó cũng là tay chân của chủ". B. hứa sẽ gọi lại, nhưng sau đó cô chỉ gửi một tin nhắn ghi âm vào điện thoại của tôi. Mẩu tin nói bằng thứ ngôn ngữ gì tôi không hiểu. Tôi gọi điện báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Sau đó gửi một công văn đề nghị sứ quán điều tra và hỗ trợ công dân nếu đúng sự thật. Sáng 26.11, anh R. gọi điện lại, vui mừng thông báo rằng cảnh sát Miri đã vào cuộc, ra lệnh người chủ phải trả lại hộ chiếu và giải quyết cho hai cô gái về nước trong vòng 3 ngày, bằng không họ sẽ "có hành động". R. cũng cho hay người chủ và các thuộc hạ đã hằn học, hăm dọa, thậm chí đánh cô B. Họ dọa: "Khi mày về đến sân bay Việt Nam, tính mạng của mày tụi tao không bảo đảm", anh R. kể. R. tiết lộ: "Đến nước này vợ em mới nói thật. Nó thật sự có ý định qua đó làm… kiếm tiền trong vòng 12 ngày. Không ngờ qua đó chứng kiến thực tế, thấy quá sợ. Nhưng muốn về thì đâu có dễ!". (R. và B. xưng hô với nhau là "vợ", "chồng". Và phải chăng vì Brunei cho công dân Việt Nam lưu trú tối đa 14 ngày nên B. dự định "làm việc" 12 ngày thôi? - PV). Sáng 30.11, B. và cô bạn đi cùng lên máy bay từ Miri đi Kuala Lumpur, rồi từ đó bay thẳng về TP.HCM. Họ về đến nơi khoảng 7 giờ tối. Trưa 1.12, R. gọi điện và cho tôi biết anh đang đưa người yêu đi "tẩm bổ", vì B. "ốm và xanh xao". R. rối rít cảm ơn và nhờ tôi nói với phía đại sứ quán "xóa hết" các giấy tờ, bởi "lỗi chính là do vợ em". "Vợ em nói nếu không có cảnh sát vào cuộc quyết liệt, rất có thể bên kia họ đã thủ tiêu vợ em để bịt đầu mối", R. kể. Anh nói thêm nếu biết ai có ý định đi kiếm tiền bằng cách đó ở nước ngoài, "tụi em sẽ khuyên can". Bị trục xuất
Hằng ngày, trên các chuyến bay giá rẻ từ Singapore về TP.HCM và ngược lại, tôi gặp không ít cô gái Việt Nam bị trục xuất. Không biết tiếng Anh, nhìn cách ăn mặc khi vừa bước chân xuống máy bay và vào làm thủ tục nhập cảnh, hải quan sân bay Singapore lập tức đặt các cô vào diện nghi vấn, sau đó có thể trục xuất. Nhân viên sân bay lục xét và "lùa" các cô gái bị trả về ngay trước mặt hành khách khác. Khi hành khách lên máy bay thì các cô bị dẫn ngược lại khu vực làm thủ tục. Các cô là những người lên máy bay sau cùng, ngồi ở những hàng ghế trống sau cùng, cạnh nhà vệ sinh. Có lần chuyến bay từ Singapore về TP.HCM bị tạm hoãn 1 giờ, hành khách được cho ra khỏi máy bay thư giãn, chờ lên máy bay lại. Riêng có 3 cô gái bị một nữ an ninh canh giữ như tội phạm. Một cô vừa bấm điện thoại để gọi thì bị cô an ninh thu máy. Tôi thấy tức nên hỏi: "Tại sao chị thu máy của cô ta?". Cô an ninh độp lại: "Đó không phải chuyện của cô". Sau đó, các cô gái mới nói nhỏ cho tôi biết: "Tự nhiên tụi em mới qua, họ không cho nhập cảnh, đuổi về". Bỏ mạng ở xứ người
Trường hợp thứ ba là cô Vũ Thị Hồng M., 31 tuổi, thiệt mạng hôm 17.9. M. cũng là "cư dân phố đèn đỏ", rồi kết hôn với một người đàn ông Singapore lớn tuổi và thất nghiệp. Đẻ được một đứa con, người chồng giành nuôi, M. về Việt Nam, dăm ba tháng qua thăm chồng con vài ngày. 4 giờ sáng ngày 17.9, khi M. đang đứng nói chuyện điện thoại trước một tiệm karaoke ở khu đèn đỏ Geylang thì không may bị một taxi mất lái, tông chết ngay tại chỗ. Hôm sau, người chồng đem thi thể M. đi hỏa táng. Về nguyên tắc, người chồng được quyền định đoạt toàn bộ tiền đền bù cho cái chết của M.! Tại Malaysia, hồi tháng 7 năm nay, 6 cô gái Việt từ 18 - 30 tuổi trên đường đi từ bang Johor ở phía nam lên một thành phố ở phía bắc thì xe gặp tai nạn. 5 cô thiệt mạng, 1 cô bị thương. Hai người đàn ông đi cùng bị thương nhẹ. Báo chí và cảnh sát Malaysia nghi ngờ những người này nằm trong một đường dây buôn người. Thục Minh (VP Singapore) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét