- Chuyện dọn rác ở nước Đức mà anh Quý kể có lẽ khiến nhiều người phải giật mình: Để sạch nhà, sạch đường đâu có khó mà sao ở Việt Nam phải hô hào đủ kiểu mà bẩn vẫn hoàn bẩn...
Bee tiếp tục đăng tải câu chuyện thứ 2 trong chuỗi những câu chuyện kể về "sàng khôn ở xứ người" của bạn đọc Tôn Gia Quý.
Có một lần tôi muốn khoan một cái lỗ trên tường để treo một bức tranh. Hồi ấy mới sang nên trong tay chả có dụng cụ gì. Tôi ngỏ ý với một đồng nghiệp người Đức. Anh vui vẻ nhận lời và mang ngay máy khoan đến phòng tôi.
Khi lắp mũi khoan xong, anh bảo tôi mang máy hút bụi đến, tháo đầu ra, chỉ còn mỗi cái vòi dài. Sau đó anh bảo tôi dí vòi vào sát lỗ khoan và khi anh mở máy khoan thì tôi cũng mở máy hút bụi. Khi anh khoan xong thì tôi cũng tắt máy. Nhà không vương một hạt bụi. Tôi thấy thích thú vô cùng. Thế mà cứ nghĩ bụi sẽ tung mù.
Đây cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi nhưng từ đấy nó lại làm tôi để ý đến một tác phong rất đáng quý của họ: Ai xả rác thì người ấy dọn và dọn ngay. Trong nhà máy, trên công trường, trong từng công việc hàng ngày của người dân thường, nguyên tắc này bao giờ cũng được thể hiện rõ nét.
|
Rác ai người ấy dọn khiến đường phố Berlin lúc nào cũng sạch bong. |
Bố mẹ vợ tôi sang thăm ba tháng. Đúng vào thời gian thành phố cải tạo lại toàn bộ con đường trước cửa nhà: thay đường tàu điện, thay ống nước, gas, làm lại vỉa hè.
Từ cửa sổ nhà tôi hàng ngày ba tôi nhìn cảnh những công nhân làm đường. Khối lượng đất đá khủng khiếp đến thế nhưng các tốp thợ khi rút đi thay ca hoặc bàn giao cho tốp khác đã không để lại một viên sỏi nào. Công trường lúc nào cũng sạch sẽ. Ba tôi ấn tượng cho đến bây giờ. Người đi trước luôn tạo điều kiện cho người đến sau.
Tác phong này không phải chỉ có ở những người lao động bình thường mà còn cả ở những nhà chính trị. Ở đây nếu ta quan niệm các skandal của các chính khách là rác thì ta thấy họ dọn rác cũng rất nhanh. Tuy nhiên cách dọn rác của họ hơi khác thường một chút: từ chức!
Ai gây ra hậu quả thì người đó phải giải quyết, không đùn đẩy.
Tôn Gia Quý
Rác của tôi, người khác dọn!
Trẻ chơi phòng nào thì biến nơi đó thành "bãi chiến trường" mà người lớn cứ thế cặm cụi dọn không một lời kêu ca.
Thời nay, ở nước ta, trẻ con được yêu quý hơn nhiều so với cách đây 20 năm trở về trước. Vì người ta đẻ ít con. Vì kinh tế có khấm khá hơn trước. Nhưng tỷ lệ chiều con của các bậc cha mẹ, ông bà thì có lẽ lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Có nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa có nhà để ở, lương tháng nào tiêu hết tháng đó nhưng kiên quyết không cho con đi nhà trẻ. Họ nói "chỉ yên tâm khi giao con cho bà ngoại, bà nội hoặc cùng lắm là Osin".
Con trẻ ở nhà với ông bà, với "bác ô sin" thì khỏi nói sự được chiều thế nào. 3-4 tuổi vẫn còn được bế nhông nhông đút cơm. Trẻ chơi phòng nào thì biến nơi đó thành "bãi chiến trường" mà người lớn cứ thế cặm cụi dọn không một lời kêu ca.
Học sinh tiểu học 10 -12 tuổi rồi, vẫn được ông bà, cha mẹ (hay bác Osin) cất hộ li đựng sữa, nhặt hộ cái vỏ kẹo, rửa hộ bát, cất dọn quần áo, sách vở, cặp, túi.
Ở nhiều gia đình, trẻ con thời nay dường như là vũ trụ, là trung tâm. Chúng quen được chiều chuộng, thậm chí hầu hạ, quen được ra lệnh và ép người lớn nghe theo. Vì thế, mà (phải thành thật xin lỗi bác Tôn Gia Quý) mệnh đề "rác của ai người ấy dọn" hiển nhiên không thể là chân lý, là lẽ phải đối với chúng!
|
Ngổn ngang vật liệu trên đường Lê Văn Lương kéo dài sau Đại lễ. |
Vì thế, nên khi trẻ con thành thanh niên cũng sẽ quen với việc "rác của tôi người khác dọn".
Vì thế, cũng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn vào một vài ba tòa soạn báo điện tử vào cuối một buổi chiều nào đấy mà thấy trên mặt bàn làm việc của những nam thanh nữ tú (nhất là nữ tú) la liệt vỏ kẹo, vỏ hoa quả, cốc, chén bẩn vứt lăn lóc...
Và bác Tôn Gia Quý cũng đừng ngạc nhiên nếu chứng kiến một cô cháu, cô em nào đó từ Việt Nam qua Đức làm bếp hồn nhiên quay lưng lại với ngay đám rác mà các "nàng" vừa xả ra.
|
Các bạn trẻ Hà Nội vô tư xả que kem. |
Lâu lắm rồi, khi vừa từ Huế ra, tôi từng bị sốc khi nhìn thấy một thiếu nữ ngồi với các cô, các chị ăn hoa quả xong là đứng dậy xem ti vi, mặc nhiên coi việc rửa cái đĩa bẩn và dọn rác là việc của người khác. Giờ thì quen rồi! Tôi đã biết xã hội Việt Nam hiện đã mặc nhiên phân công: Người lớn tuổi phải dọn rác cho người nhỏ tuổi hơn!
Vì thế, bác Quý cũng đừng buồn nếu ra đường nếu thấy đường phố nhiều lắm những đụn đất ai đấy đổ trộm, khi đi ăn kem Tràng Tiền thấy các nam thanh nữ tú ngang nhiên xả que kem....
Có lẽ, khi đám con cháu của các nam thanh nữ tú bây giờ lớn lên, đường phố Việt Nam sẽ còn bẩn hơn!
>>Xem người Hà Nội xả que kem
>>Đường Lê Văn Lương kéo dài nham nhở sau Đại lễ
An Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét