Thứ ba, 7/12/2010, 17:10 GMT+7
"13 ngày nằm điều trị tại bệnh viện mà mất đến 18 triệu đồng chỉ vì bệnh sốt xuất huyết. Đây là một số tiền khổng lồ. Đúng là người nghèo thì không nên ốm", bà Liên, 40 tuổi, ở Hà Nam, buồn rầu tâm sự.Nhà ở Duy Tiên, cuộc sống của 4 người trong gia đình bà chỉ nhờ vào mấy sào ruộng. Chồng đi làm thuê, tiền dành dụm gửi về, bà Liên chắt bóp mãi mới đủ nuôi hai con ăn học. Thế nên mỗi lần ốm đau phải chạy ngược chạy xuôi mượn tiền. Lần này bà bị sốt xuất huyết, biến chứng nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chữa. Vì không có thẻ bảo hiểm y tế nên tất tần tật chi phí điều trị bà đều phải tự trả, cả tiền giường nằm, tiền thuốc, tiền tiểu cầu..., mà đều từ khoản đi vay nợ. "Nhà đã nghèo thì chớ, ốm một trận thì coi như kiệt quệ. Có phải chỉ tốn vài chục nghìn mua vài viên thuốc đâu mà là tiền triệu", bà Liên buồn bã nói. Những trường hợp như bà Liên không phải là hiếm gặp. Ốm đau tiếp tục đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói. Trong một điều tra tại Hà Nội năm 2008, 33% các hộ gia đình được phỏng vấn cho rằng, bệnh tật là lý do khiến mức sống của họ giảm đi hoặc không được cải thiện. "Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về y tế nhưng tình trạng thiếu công bằng trong hưởng lợi từ hệ thống y tế của các nhóm dân cư vẫn còn tồn tại. Tỷ suất chết sơ sinh cao nhất ở hai vùng nghèo nhất (miền núi phía Bắc và Tây Nguyên) là 21-23 trên 1.000 trẻ sinh ra sống, so với vùng Đồng bằng Bắc Bộ chỉ là 8 trên 1.000", Tiến sĩ Dương Huy Liệu, Chủ tịch hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam cho biết tại hội nghị khoa học lần đầu tiên về kinh tế y tế tổ chức sáng nay tại Hà Nội. Đồng tình với điều này, theo Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, có một "nghịch lý" là người nghèo có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế lại thấp hơn các nhóm khác. Không những vậy, chất lượng các dịch vụ y tế được người nghèo sử dụng nhìn chung cũng thấp hơn so với người giàu. Người nghèo chủ yếu đến khám, điều trị ở tuyến y tế cơ sở, trong khi người giàu chủ yếu đến bệnh viện ở tuyến trên. "Thế nhưng dù đi chữa bệnh ở tuyến cơ sở với chi phí y tế thấp hơn nhưng gánh nặng chi phí y tế đối với người nghèo lại là lớn nhất trong tất cả các nhóm dân cư" tiến sĩ Kính nói. Người khá và giàu trung bình một năm đi khám 4,7 lượt còn người nghèo chỉ có 2,9 lượt. Cũng vì thế một khi đã đến viện thời gian nằm viện của họ thường lâu. Gánh nặng của việc mất thời gian do ốm đau của người nghèo chiếm khoảng một phần tư tổng chi phí khám chữa bệnh. "Kể cả những người nghèo có bảo hiểm y tế hoặc được miễn giảm viện phí thì gánh nặng chi phí đối với họ vẫn là rất lớn, tương đương với khoảng 10 tháng chi tiêu ngoài lương thực, thực phẩm. Một nghiên cứu cho biết có gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh", Tiến sĩ Kính cho biết. Tiến sĩ Dương Huy Liệu, Chủ tịch hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam cũng cho biết: "Chúng ta vẫn còn nhiều tiềm năng để giảm chi phí điều trị. Cần ban hành chính sách sao cho các bệnh viện chủ động giảm nhập viện khi không cần thiết và giảm số ngày điều trị trung bình". Đặc biệt là vấn đề quản lý giá thuốc. Chi phí thuốc chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng chi y tế, Tiến sĩ Liệu cho biết. Thực tế, cùng một loại thuốc nhưng ở mỗi tiệm thuốc giá cả lại khác nhau. Anh Đông Hồ, một độc giả của VnExpress.net ở TP HCM từng chia sẻ có mẹ bị bệnh Parkinson và viêm phổi nên phải uống thuốc thường xuyên. Thế nhưng với cùng một loại thuốc sản xuất trong nước hay nước ngoài, ở mỗi tiệm thuốc tây giá lại khác nhau, thậm chí có khi giá chênh lệnh đến 50%. "Tôi cảm thấy hiện nay người tiêu dùng phải chịu những cái giá cắt cổ do tiệm thuốc tây tự hét, mà không thể trả giá. Tại sao các công ty dược không ghi giá ấn định bán lẻ trên vỉ thuốc để người tiêu dùng an tâm không bị lừa gạt tại các tiêm thuốc tây", anh Hồ cho biết. Nam Phươn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét