Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Làm sao giải quyết "hố tử thần"?

Làm sao giải quyết "hố tử thần"?

2010-12-23

Hôm 20/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia để thông qua đề cương chi tiết về việc khảo sát các điểm lún sụt mặt đường tại thành phố này.

RFA photo

Tình trạng ngập nước ở TPHCM đã trở nên bình thường

Nhân dịp này, Quỳnh Như có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hoà, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát Triển Thành phố Hồ Chí Minh về tình trạng lún sụt nền này.

Hiện trạng

Tình hình lún sụt mặt đường tại Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là rất nghiêm trọng. Trong năm nay, chỉ tính từ tháng 7 đến nay đã có gần 60 vụ lún sụt tại trung tâm lớn nhất cả nước này.   

Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát Triển Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trọng Hoà nhận định về vấn đề này như sau: 

"Đây là một vấn đề lớn. Hiện nay một mặt là phải khảo sát để phát hiện những chỗ có lổ hổng lớn, thì phải có hướng xử lý. Từ đây cũng thấy là đã nhiều lần nhắc nhở công tác quản lý đô thị là phải nhìn toàn diện và phải bắt đầu một cách khoa học. Lâu nay vẫn cứ chạy theo tiến độ phát triển, phát triển nóng thành ra không lường trước được chuyện này.

Đây là một vấn đề nan giải, không thể chữa được trong một sớm một chiều, mà phải chỉnh đốn lại công tác quản lý đô thị. 

Ông Nguyễn Trọng Hòa

Hiện nay cũng đã nhìn thấy được mặt trái của vấn đề, tức là không phải cứ phát triển nóng, phát triển trên mặt đất, còn dưới đất không có cống rãnh, không có nước thì không thể phát triển đô thị được, không thể phát triển theo cách phồn vinh giả tạo mà phải đúng chất lượng. Nhưng hiện nay vấn đề cụ thể phải làm gì thì đó là câu trả lời của các cơ quan quản lý và các kỹ sư chuyên ngành.

Đứng về góc độ của một chuyên gia phát triển đô thị thì tôi thấy đây là một vấn đề nan giải, không thể chữa được trong một sớm một chiều, mà phải chỉnh đốn lại công tác quản lý đô thị. Có khi chỉ vì một cái cống bị bể lâu ngaỳ không sửa sẽ dẫn đến sụp, chứ không chỉ là tắc nước không thôi, mà là sụp cả một khu vực, một con hẻm, một căn nhà, hoặc một đoạn phố chẳng hạn."                

Nguyên nhân

rfa-250.jpg
Một công trình đang thi công ở TPHCM. RFA photo
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún sụt mặt đường tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát Triển Thành phố Hồ Chí Minh nói: 

"Đây là một quá trình phát triển đô thị, mấy chục năm nay trong công quản lý đô thị thực hiện không tốt, ví dụ như vấn đề cấp nước. Hầu như ở các nước người ta có mạng lưới cấp nước, hễ đô thị phát triển đến đâu thì nước cấp đến đấy. Ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày xưa, có mạng lưới cấp nước nhưng sau này khi đô thị phát triển quá nhanh, mạng lưới cấp nước của thành phố không đáp ứng được nhu cầu phát triển của dân cư.

Mặt khác người dân ở thành phố này không chỉ dùng nước cho sinh hoạt mà còn để sản xuất nước đá. Và chuyện khoan nước ngầm ở thành phố là một vấn đề gây mất tầng nước. Thứ hai, hệ thống cống rãnh từ thời xưa Pháp xây dựng, thời Mỹ có làm một ít, rồi Việt Nam cũng làm một số nhưng rất nhiều khu dân cư không có cống thoát nước, hoặc cống cũ bị sập. Thành ra toàn bộ nước phải tìm cách khác chạy, chính vì thế nước sói mòn đất trong lòng đất. Những tác động đó âm ỉ lâu ngày làm cái nền của Thành phố yếu đi.

Và sau một thời gian nhất định thì nó bị lún sụp. Theo tôi nghĩ có những cái lún sụp bây giờ nguyên nhân chủ yếu là do bởi vấn đề đó, tức là hệ thống cống thoát nước cũ bị hỏng, và những khu vực không có cống thoát nước thì nước làm trôi đất, cát. Rồi đến vấn đề khoan nước ngầm. Và cũng có vấn đề hiện nay lúc thi công các công trình thì do lúc đào lên lấp xuống không cẩn thận thì làm đất sụp. Nên đây là vấn đề tương đối lớn, chứ không chỉ là vấn đề do làm cống thoát nước, thi công ẩu."

Có những cái lún sụp bây giờ nguyên nhân chủ yếu là do bởi vấn đề đó, tức là hệ thống cống thoát nước cũ bị hỏng, và những khu vực không có cống thoát nước thì nước làm trôi đất, cát.

Ông Nguyễn Trọng Hòa

Trước tình trạng lún sụt ngày càng nghiêm trọng như vậy, Ủy Ban nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trình văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, và đề xuất ý kiến thành lập một đoàn chuyên gia tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá nguyên nhân, để tìm các giải pháp khắc phục.

Giải pháp

Dưới mắt chuyên gia phát triển đô thị này, thì giải pháp khắc phục tình trạng lún sụt nền phải là một biện pháp đồng bộ, có sự kết hợp của nhiều ngành liên quan. Ông Nguyễn Trọng Hoà nói:

"Theo tôi nghĩ đây là vấn đề rất tổng hợp, không phải một ngành phải chữa mà tất cả công tác về quản lý, phát triển đô thị. Hiện nay kiểm soát rất kỹ các vấn đề khoan nước ngầm. Kế nữa là, phát triển đô thị đến đâu thì phải có cống cấp nước và thoát nước đến đó để chống, tránh các hiện tượng nước ngầm. 

rfa-123-250.jpg
Người dân đang lưu thông trên một "con đường đau khổ" ở TPHCM. RFA photo
Thứ hai là không để nước chảy tự do, lộn xộn. Thứ ba, phải lần lượt kiểm tra hệ thống cống cũ; có thể nó vẫn còn chảy nhưng có thể nó chảy trong lúc đục thủng nền đất để thoát thì sẽ đào rỗng đất. Hiện nay đã có những hiện tượng không phải chỉ ngoài đường lớn, mà hiện giờ có rất nhiều nhà lúc sửa nhà, khi đào nền nhà lên thì phát hiện dưới nền nhà có lỗ hổng to tướng, mới phát hiện do cống nhà bị hỏng lâu nay, nước chảy được là do xoáy đất đi. 

Thành ra hiện tượng lún sụt không phải chỉ ở ngoài đường mà thôi. Tôi nghĩ trong những con hẻm cũng có, thậm chí trong các nhà dân bây giờ, người ta biết nhưng không công bố ra bên ngoài xã hội. Chúng ta không nhìn thấy thì không nghĩ là có vấn đề. Không cần phải có tác động từ bên ngoài vào mà tự bản thân nó trong quá trình thẩm thấu, xói mòn nó làm mất tầng đất ở bên dưới."

Bên cạnh đó hiện nay thành phố có triển khai hệ thống máy thăm dò, tuy nhiên theo ông Hoà: 

"Chủ yếu chỉ có thể thăm dò từ ngoài đường cái để xem ở dưới đất có lỗ hổng lớn hay không, cũng giống như ở các nước người ta đi dò gaz. Tôi nghĩ biện pháp đó giải quyết được, giải quyết không khó vì nó lộ ra, nhưng còn đối với những cái tiềm ẩn trong các khu dân cư, thì sẽ rất khó kiểm tra, kiểm soát vì nó ở dưới nền nhà của người ta, ở trong các con hẻm."

Đây là vấn đề rất tổng hợp, không phải một ngành phải chữa mà tất cả công tác về quản lý, phát triển đô thị.

Ông Nguyễn Trọng Hòa

Đề cập đến các biện pháp nhằm tránh hiện trạng hư lún mặt đường hay nền đất, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát Triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

"Về mặt nguyên tắc, những quy định này đã có từ lâu, từ mấy năm nay rồi, nhưng việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này không đúng mà cơ quan quản lý, kiểm tra thì không kiểm soát được. Do nhu cầu phát triển có những cái người ta dấu, tự động làm. Ví dụ, cấm khoan giếng nước thì người ta khoan trong nhà. 

Ở ngoài đường thì còn kiểm tra được chứ trong sân, trong nhà thì khó mà kiểm soát được. Tôi nghĩ các biện pháp thì trước nay đã có tính toán đến rồi, nhưng công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt, thì hiện nay cần tăng cường công tác đó. Vừa chống thất thoát nước, chống việc mất phần nước ngầm, vừa giải quyết bài toán cải tạo hệ thống thoát nước, thì có thể giúp từ từ kèo lại được sự ổn định."        

Không riêng gì trong phạm vi Thành phố xuất hiện các vụ lún sụt hay các "hố tử thần", nhiều công trình xây dựng lớn cũng đang xuất hiện tình trạng lún sụt trầm trọng. Ví dụ như theo báo cáo của Ủy Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, tuyến đường Tân Tạo- Chợ Đệm cũng bị lún nền nghiêm trọng.  

Theo dòng thời sự:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét