Thứ Hai, 06/12/2010, 08:24 (GMT+7) TT - Đại lộ Thăng Long (đường Láng - Hòa Lạc cũ) đã thông xe kỹ thuật toàn tuyến và được gắn biển công trình nghìn năm Thăng Long cách đây hai tháng nhưng nhiều hạng mục vẫn còn ngổn ngang. Không những thế, theo Thanh tra Chính phủ, công trình còn đội giá trên 1.000 tỉ đồng vì biến động giá cả do tiến độ thực hiện dự án chậm.
Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt từ tháng 7-2003 với tổng mức đầu tư hơn 3.733 tỉ đồng. Đến tháng 10-2007, Bộ GTVT điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên đến hơn 7.527 tỉ đồng.
Với bốn làn đường gồm hai làn đường cao tốc (sáu làn xe) và hai làn đường gom song hành, dù đã đưa vào sử dụng nhưng hàng loạt hạng mục trên đại lộ Thăng Long vẫn chưa được hoàn thiện, điển hình là hệ thống cầu vượt và đường gom song hành. Ngay tại điểm giao cắt Phú Đô, cách điểm đầu của đại lộ khoảng 4km, cây cầu vượt chiến lược dẫn các phương tiện theo hướng Hòa Lạc về Hà Nội rẽ xuống khu vực sân vận động quốc gia vẫn chưa được hoàn thiện. Chiều 5-12, hàng chục công nhân đang hối hả bắc giàn giáo đổ bêtông đường dẫn lên cầu. Tiếp tục từ đây ngược lên hướng Hòa Lạc, toàn tuyến có trên chục cây cầu vượt được thiết kế nhưng chỉ vài ba cây cầu được đưa vào sử dụng, số còn lại hầu hết chưa có hệ thống đường dẫn vào các tuyến quốc lộ hay đấu nối với đại lộ Thăng Long. Tại khu vực cầu vượt Hoàng Xá, chị Hạnh, một người bán quán nước, cho biết trừ cầu vượt xây xong chỉ dành cho... người trú mưa, hai đầu cầu đều bỏ đó do không có đường "để... trèo lên ngắm cảnh chứ nói chi đến chuyện đi qua". Theo báo cáo của tư vấn thiết kế, khi thiết kế đã căn cứ theo quy hoạch chi tiết đô thị, khu công nghiệp dọc theo hai tuyến đường nhưng do các dự án chưa thực hiện hoặc thay đổi quy hoạch nên chưa có phương án kết nối. Hậu quả là cầu đã xong, hầm đã xong nhưng cầu với hầm vẫn dãi nắng dầm mưa vì đường dẫn chưa được thi công.
Nhiều bất cập ở đường gom Đối với hệ thống đường gom, thực tế hiện nay cũng như qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy tồn tại nhiều công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông do giải phóng mặt bằng chậm, nhiều điểm trên toàn tuyến vẫn chưa được di dời. Ngay trên địa phận huyện Thạch Thất, không ít nhà dân vẫn nằm ngay cạnh mép đường gom, dễ dẫn đến nguy cơ tai nạn và ảnh hưởng đến chất lượng đường. Do không được giải phóng mặt bằng để thi công theo thiết kế, nhiều đoạn đường như khu vực Mễ Trì, Hoài Đức, Thạch Thất không có vỉa hè hoặc vỉa hè thi công chỉ từ 1-2m, trong khi thiết kế là 3m thuộc giai đoạn hiện nay và thêm 6m cho giai đoạn sau. Cơ quan chức năng xác định điều này làm ảnh hưởng đến quy mô, thiết kế và công tác hoàn thiện của dự án. Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng tuyến đường này đến năm 2020, hành lang an toàn của đường đến chân taluy là 20m, các khu đô thị, khu công nghiệp phải xây dựng đường gom rộng 10,5m chạy song song với đường gom của đường Láng - Hòa Lạc nhưng hầu hết đều không có đường gom nội bộ mà kết nối trực tiếp với đường gom tuyến Láng - Hòa Lạc. Theo cơ quan chức năng, việc thiết kế cao độ đường gom cũng không đúng theo quyết định của Thủ tướng và Bộ GTVT, dẫn đến đường gom thấp hơn cao độ nền xây dựng hai bên đường từ 0,5-1,5m, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước và mất an toàn giao thông. Điều này cũng được thể hiện rõ ở hạng mục hầm chui đường sắt, khu vực hầm chui là điểm thấp, trũng so với khu vực lân cận nên trong trận lụt năm 2008 cũng là điểm ngập nặng và sâu nhất của thủ đô. Phương án ban đầu được thiết kế xây dựng cầu vượt nhưng sau đó được đổi thành hầm chui để đáp ứng tiêu chí mỹ quan, nhưng công trình chưa chứng minh được tính tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, làm tăng chi phí xây lắp hơn 174 tỉ đồng, chưa kể kéo theo đó là hàng loạt chi phí phát sinh khi đưa công trình vào sử dụng như hệ thống thoát nước, duy tu, bảo trì... Tăng tổng đầu tư dự phòng về giá trên 1.380 tỉ đồng Theo quyết định 2013 của Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án, đường Láng - Hòa Lạc có chiều rộng nền đường tối thiểu bằng 140m. Thế nhưng tại các bản thiết kế cơ bản, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, bản vẽ mặt cắt ngang điển hình đều thể hiện chiều rộng nền đường tối đa chỉ đạt 134m, hụt 6m so với quyết định (trừ đoạn qua sông Đáy). Thanh tra Chính phủ xác định việc thực hiện dự án như vậy chưa đúng với quyết định đầu tư. Trong việc xác định quỹ đất để khai thác tạo vốn, theo quy định sẽ dành các khu đất phát triển đô thị giao cho chủ đầu tư xây dựng đường Láng - Hòa Lạc để tạo vốn. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chỉ giao khu đô thị mới Bắc An Khánh cho Vinaconex làm chủ đầu tư, còn lại 746,8ha thuộc các khu Nam An Khánh, Quốc Oai, Liên Quan, Sơn Đồng, Dương Cốc được giao cho các đơn vị không phải nhà đầu tư. Việc dành quỹ đất cho nhà đầu tư chỉ tạo được 1.472 tỉ đồng vốn làm đường, khiến Nhà nước phải chi phí thêm khoảng 6.000 tỉ đồng. Từ đó dẫn đến quá trình thực hiện phải thay đổi hình thức đầu tư, làm chậm tiến độ dự án. Theo quyết định đầu tư và hợp đồng ký kết lần đầu, dự án chậm bốn năm; lần hai chậm một năm (dự kiến hoàn thành tháng 12-2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện). Từ những nguyên nhân trên, công trình đã phải thay đổi nhà đầu tư, hình thức đầu tư, tổng thầu xây lắp... cùng với những biến động giá cả và khủng hoảng kinh tế đã làm tăng tổng mức đầu tư dự phòng về giá hơn 1.387 tỉ đồng. Kiểm tra tổng mức đầu tư, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều khoản làm tăng sai tổng mức đầu tư điều chỉnh lên đến gần 193 tỉ đồng. MINH QUANG |
Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010
Công trình nghìn năm đội giá nghìn tỉ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét