Thứ Năm, 23.12.2010 | 10:53 (GMT + 7)
(LĐO) - Chợ Giát (Quỳnh Lưu, Nghệ An) chuẩn bị đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hàng trăm hộ tiểu thương đang rất hoang mang vì muốn vào được chợ mới để kinh doanh phải nộp ít nhất 200 triệu đồng. Đó là số tiền rất lớn và vượt quá khả năng của nhiều người.
Dự án tổ hợp chợ Giát do Công ty Sài Gòn Trung Đô xây dựng với mục tiêu xây dựng chợ thành trung tâm mua bán thương mại hiện đại. Chợ được xây dựng gồm đình trung tâm 2 tầng, siêu thị mini, hệ thống ki ốt liền kề, khu chợ xanh và các công trình phụ trợ khác…
Trước cổng chợ Giát |
Cuối 2009, hàng trăm hộ tiểu thương chợ Giát đã đồng loạt nghỉ bán hàng kéo đến UBND huyện Quỳnh Lưu khiếu nại về việc chuyển đổi quản lý chợ cho doanh nghiệp tư nhân. Khi đó ông Hồ Phúc Hợp, Chủ tịch UBND huyện cam kết trước nhân dân, dù chuyển đổi chợ như thế nào đi nữa cũng phải đảm bảo quyền lợi cho các hộ tiểu thương hiện đang bán trong chợ.
Bà Dương Thị Bường 71 tuổi đang ngồi trước quầy của mình tại chợ tạm Cầu Giát không biết bán cho ai vì BQL chợ đóng các cửa ra vào.JPG |
Vậy mà hiện nay, khi công trình xây dựng chợ sắp hoàn thành đưa vào sử dụng thì hàng trăm hộ tiểu thương chợ Giát lại đang hoang mang, lo lắng. Chị Nguyễn Thị Dung kinh doanh giày dép ở chợ Giát cho biết, chị cũng như nhiều người kinh doanh khác rất muốn vào chợ mới nhưng phải mua với giá quá cao (gần 100 triệu đồng/ 1m2). Một sạp nhỏ để bán giày dép như của chị khoảng 200 triệu đồng, gia đình chị không thể mua nổi. Chị rất lo lắng, nếu không bám vào chợ Giát để buôn bán thì không biết làm gì để đảm bảo cuộc sống! Bà Dương Thị Bường, 71 tuổi bán hàng sắt, quê ở thị trấn Cầu Giát bức xúc: " Từ những năm chợ còn sơ khai, chúng tôi được kêu gọi vào chợ, tính đến nay đã trên 40 năm bám trụ với chợ để sinh sống. Nay quầy của tôi họ đã lấy mất. Giờ đây tuổi tôi đã gần đất xa trời mà họ vẫn không được ưu tiên được. Thử hỏi tôi làm gì có 200 triệu đồng mà mua quầy?". Chị Nguyễn Thị Nga bán hàng quần áo đã vay ngân hàng mua được quầy với giá 250 triệu đồng, nhưng cũng đang phải chịu gánh nặng trả tiền lãi suất hàng tháng. Theo chị cũng như nhiều người, giá quầy trong chợ là quá cao, khó chấp nhận được.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thọ, Trưởng ban quản lý chợ cũ cho biết, giá cả của mỗi quầy trong chợ đều do Công ty Sài gòn Trung Đô đưa ra. Hiện nay có khoảng 40% hộ tiểu thương cũ đã mua được mặt bằng. Chúng tôi đang động viên số còn lại mua những quầy còn lại để kinh doanh. Ngày 30.11/.010 vừa qua, chúng tôi đã mở cửa cho những hộ đã mua được quầy vào chợ để đóng sạp bán hàng.
Theo văn bản số 4063/UBND - CN về việc đầu tư xây dựng Chợ Giát, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu việc xây dựng lại Chợ Giát phải đảm bảo quyền lợi chính đáng, việc làm lâu dài cuả các hộ hiện đang kinh doanh tại chợ. Trước khi xây dựng chợ Giát, có rất nhiều công văn, thông báo về quyền lợi cho những người buôn bán lâu dài trong chợ cũ nhưng khi đã hoàn thành thì số phận của họ lại phụ thuộc vào Công ty Sài Gòn Trung Đô. Đến nay, khi chợ sắp hoàn thành thì khoảng 60% tiểu thương buôn bán trong chợ cũ rất khó khăn có thể mua được quầy để kinh doanh vì giá quá cao. Công ty Sài Gòn Trung Đô đã đẩy các hộ tiểu thương nghèo vào tình cảnh "sống chết mặc bay!".
Hà Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét