Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Kiến nghị mở đường xuyên Đông Dương


Thứ bảy, 27/11/2010, 17:27 GMT+7


Sáng nay (27/11), tại TP HCM, Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và quản lý phối hợp với UBND họp báo bàn về vấn đề "Mở tuyến đường sắt, đường bộ song hành xuyên Đông Dương" theo đề xuất của một người dân.

Trước nhu cầu giao thông vận tải ngày càng tăng của các nước ASEAN, việc thiết lập một hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương ngày càng trở nên cấp thiết và đã được nghiên cứu đề xuất các giải pháp và dự án từ nhiều năm trước.

Ông Mai Trọng Tuấn, một người dân TP HCM - nguyên là cựu phi công Việt Nam Airlines - đã đề xuất ý tưởng táo bạo của mình và được nhiều chuyên gia trong ngành giao thông vận tải, cầu đường TP HCM đánh giá cao.

Theo đề xuất ban đầu của ông Mai Trọng Tuấn, tuyến đường cao tốc này bao gồm hai phần chính: một tuyến đường sắt, một tuyến đường cao tốc song hành xuyên 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Sau khi hoàn thành sẽ có 6 làn xe chạy tốc độ 80-100km/h, đường sắt với khổ đường ray 1m435 chạy với tốc độ 150-200km/h. Con đường xuyên Đông Dương này nếu hoàn thành đi vào hoạt động sẽ rút ngắn được cự ly 300 km và sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn.

Sơ đồ, lộ trình tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Đông Dương. Ảnh:hascon.

Theo đó điểm bắt đầu sẽ từ Hà Nội chạy dọc theo đường bộ (đường số 1A) và đường sắt hiện hữu qua Phủ Lý (Hà Nam) - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An nối lên đường Hồ Chí Minh phía tây Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình - chân đèo Mụ Gịa giáp biên giới Việt Lào. Cung đường này từ Hà Nội đến đường 23 nước bạn Lào có cự ly 400 km. Tiếp đó sẽ từ đường 23 Lào - ngã ba Na Phao - xuôi tiếp theo đường 23 - Mường Phìn - Xalavan, cung đường này nằm trên một trục Bắc Nam đã có sẵn đường bộ.

Từ Lào tuyến đường này sẽ tiếp tục mở rộng theo chiều Lào - Campuchia đi theo trục: Xalavan - Pakse theo hai hướng, hướng thứ nhất: rẽ phải về hướng Tây theo đường bộ có sẵn gặp đường 14 tại Không Xê Đôn rẽ trái xuôi theo đường 14 về hướng Nam tới Pakse (có cự ly là 150 km). Sau đó tiếp tục theo trục đường: Pakse - quốc lộ 14 xuôi về phía Nam thẳng qua biên giới Campuchia - ngã tư StungTreng. Cung đường này dài 220 km nằm trên đất Lào 160 km, nằm trên đất Campuchia 60 km.

Trên đất Campuchia từ StungTreng - tiếp tục xuôi theo hướng nam tới Kratie (cự ly 150 km) - qua biên giới Việt Nam về tới Lộc Ninh (Bình Phước). Trên địa phận Việt Nam sẽ tiếp tục từ Lộc Ninh - Bình Dương - kết thúc tại TP HCM.

Ông Mai Trọng Tuấn thuyết trình tại buổi hội thảo. Ảnh: Vĩnh Phú.

Theo ông Ngô Lực Tải - nguyên giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết: Việt Nam - Lào - Campuchia đã có mối quan hệ thân thiết từ lâu, việc xây dựng tuyến đường bộ, đường sắt nối liền 3 nước Đông Dương có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - chính trị. Hiện nay, tuyến đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, việc đầu tư xây dựng làm một con đường mới mang tầm quốc tế là điều cần thiết.

Nhận xét về dự án này, các nhà khoa học đầu ngành Giao thông Vận tải, cầu đường các cơ quan TP HCM đều đồng tình đánh giá đây là ý tưởng hay, cần xem xét, nhưng để đi vào thực tiễn cần phải đi sâu vào nghiên cứu đầy đủ hơn, chi tiết hơn.

Ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch hội Cầu đường, Cảng TP HCM phát biểu: "Ý tưởng mở tuyến đường xuyên Đông Dương là rất hay, nhưng để từ ý tưởng trở thành hiện thực cần phải nhiều yếu tố, phải tính toán được lượng người, hàng hóa vận chuyển phải đảm bảo tính kinh tế kỹ thuật".

Vị chuyên gia này phân tích thêm, con đường này nếu trở thành hiện thực sẽ hoà nhập vào hệ thống đường xuyên Á và hội nhập có hiệu quả với chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Sông MêKông có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế lẫn chính trị. Vì vậy, cần phải thành lập một hội đồng tư vấn về kỹ thuật, cụ thể chi tiết... để trình lên Bộ giao Thông vận tải cho thuyết phục.

Còn theo phân tích của tiến sĩ Lê Bá Khánh - Trưởng bộ môn Cầu đường, khoa Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học Bách Khoa TP HCM. Chất lượng đường sắt Việt Nam hiện nay đã lạc hậu, quốc lộ 1A (đường bộ, đường sắt) đoạn qua miền trung thường xuyên bị sặt lở, tắc đường gây thiệt hại và ách tắc giao thông...Do đó phải nghiên cứu thêm phương án ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vì đây là dự án có tầm ảnh hưởng quốc tế nhằm tránh lãng phí.

Vị tiến sĩ này đánh giá, đề xuất này nhìn chung chỉ mới là những nét phác họa còn sơ sài chủ yếu là tư duy của "định tính" và "định lượng" là chính, chưa nêu được cụ thể về "định lượng" và "kỹ thuật".

Đa số các đại biểu đều tán thành đề xuất ý kiến của ông Mai Trọng Tuấn. Hội đồng tư vấn kỹ thuật quy tụ những chuyên gia hàng đầu trong ngành cầu, đường bộ, đường sắt ở TP HCM cũng đã được thành lập và sau khi hoàn thành sẽ trình lên Bộ Giao thông Vận tải xem xét đánh giá chi tiết.

"Lúc này là thời cơ thuận lợi cần tính đến việc mở con đường song hành (đường bộ ,đường sắt) xuyên Đông Dương vì lợi ích chung của cả 3 nước và cho cả khu vực Đông Nam Á, Châu Á; cho bây giờ và con cháu mai sau, góp phần thắt chặt thêm tình nghĩa 3 nứơc anh em một cách cụ thể. Nếu để chậm ngày nào là lỡ mất cơ hội ngày đó", một vị đại biểu nhấn mạnh.

Vĩnh Ph
ú


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét