Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

'Muốn hiện đại thì phải làm ngay đường sắt cao tốc'


Thứ ba, 23/11/2010, 18:20 GMT+7


Trả lời câu hỏi của đại biểu về căn cứ pháp lý nào cho phép Bộ Giao thông tái khởi động dự án đường sắt cao tốc, khi trước đó Quốc hội đã bác, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: Bộ nghiên cứu thì luật cho phép.
>Tái khởi động nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc

Chiều 23/11, đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng về các vấn đề xung quanh đường sắt cao tốc, vay nợ của Vinashin, đường cho dự án bô xít Tây Nguyên.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn: "Căn cứ pháp lý nào để Chính phủ tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam".

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, tại kỳ họp trước, Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam. Chính phủ chưa có chỉ đạo và Bộ cũng chưa tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, Bộ có nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc, bởi luật cho phép.

"Bộ chúng tôi đang nghiên cứu rất nhiều dự án, trong đó có đường sắt cao tốc dưới dạng báo cáo khả thi. Khuôn khổ báo cáo tiền khả thi trước đó chưa phục vụ công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch tuyến đường sắt Bắc Nam như Quốc hội yêu cầu. Tất cả mới chỉ là bước nghiên cứu, lập đầu tư, nếu Quốc hội thấy có tính khả thi thì Chính phủ mới đầu tư", ông Dũng giải trình.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, Bộ đã nghiên cứu khả thi một số dự án như đường sắt trên cao nối vành đai 3 tới sân bay Nội Bài, đường sắt Hà Nội - Thanh Hóa, Nha Trang - TP HCM, TP HCM - Cần Thơ.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: "Với đường sắt khổ một mét đã có 130 năm nay, việc nâng cấp là bất khả kháng bởi hành lang đường sắt bị xâm phạm nghiêm trọng, việc hiện đại hóa sẽ không khả thi". Ảnh: Đoàn Loan.

Chung mối quan tâm tới đường sắt, nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: "Nước ta còn nghèo, ưu tiên hàng đầu là mở rộng khổ đường sắt hiện tại, vậy Bộ Giao thông Vận tải có coi đây là ưu tiên hàng đầu?".

Theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ giao xây dựng quy hoạch mạng lưới đường sắt cả nước, trong đó có đường sắt cao tốc Bắc Nam, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu dự án này. Với đường sắt khổ một mét đã có 130 năm nay, việc nâng cấp là bất khả kháng bởi hành lang đường sắt bị xâm phạm nghiêm trọng, việc hiện đại hóa sẽ không khả thi. Ngoài ra, phải ngưng tuyến vài ba năm để làm dự án là không khả thi.

"Nếu theo hướng hiện đại thì phải làm ngay đường sắt cao tốc. Trên tuyến đó sẽ ưu tiên cái nào trước, cái nào sau thì phải nghiên cứu cụ thể", ông Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Giao thông cho biết thêm, đường sắt Bắc Nam phải kết nối với đường sắt đô thị. 5 dự án ở TP HCM đã khởi công, 6 dự án ở Hà Nội cũng đã khởi động, như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Ngọc Hồi - Yên Viên đến nay đã xong thiết kế kỹ thuật. Các dự án này sẽ kết nối với đường sắt Bắc Nam trong tương lai.

Đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn: "Tôi chưa thỏa mãn câu trả lời của Bộ trưởng. Trong Quốc hội chúng ta luôn nói thiếu vốn, song Chính phủ lại đặt đường sắt cao tốc lên trên đường sắt phổ biến của thế giới là khổ 1,435 m. Loại đường này đáp ứng nhu cầu số đông người dân và nền kinh tế. Còn đường sắt cao tốc chỉ phù hợp người có tiền".

Còn đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nhận xét: "Chính phủ trình ra dự án cực lớn, không được thông qua, nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu. Bộ trưởng dẫn ra biên bản cuộc họp Quốc hội có hợp lý không? Đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Xin đừng nêu Quốc hội vào đây".

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời ngắn gọn rằng ông lĩnh hội ý kiến của đại biểu Quốc về khổ đường sắt 1,435 m.

Đường chuyên chở sản phẩm từ dự án bô xít Tây Nguyên cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề, hạ tầng ở Tây Nguyên không đảm bảo, đã xuống cấp và quá tải, Bộ trưởng đã khảo sát đường 20 chưa? Nếu thêm cường độ sử dụng như thế nữa thì sẽ luôn ở trong tình trạng bị động.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời Thủ tướng đã chỉ đạo về kết nối hạ tầng cho dự án bô xít, từ nhà máy Nhân Cơ (Đăk Nông) đi theo đường 14, tuyến đường này đang được cải tạo. Đường 20 cũng đang được duy tu, lập dự án mở rộng.

Được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc đứng lên giải trình, một ngày cần 200 chuyến xe nên lưu lượng của đường 20 là đảm bảo. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn đầu tư đoạn đèo Bảo Lộc đến ngã tư Dầu Giây và đến cảng Cái Mép. Về lâu dài sẽ sử dụng đường sắt.

Ông Phúc khẳng định với đường sắt hiện nay thì không thể mở rộng được bởi đường khổ hẹp một mét, bán kính cong rất nhỏ không thể chạy tàu tốc độ cao. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ vẫn tiếp tục nâng cấp tuyến đường này, đáp ứng nhu cầu người dân.

Đoàn Loa
n


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét