Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Hàng loạt di tích phố cổ Hà Nội bị xâm lấn


Thứ ba, 30/11/2010, 11:19 GMT+7


Nhiều di tích đình chùa tại khu phố cổ Hà Nội đang bị thu hẹp, xâm hại bởi những quán cơm, hàng nước. Có di tích thậm chí còn bị biến thành nhà ở của một số hộ gia đình…

Chùa Vĩnh Trù ở số 59 phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa, là điểm đến trong tuyến tham quan khu phố cổ Hà Nội.

*ẢnhHàng quán xâm hại di tích

Tại cổng chùa có tấm biển "Di tích đã được xếp hạng, cấm được xâm hại", nhưng không gian chùa đã bị biến thành quán cơm, quán nước và là nơi sinh hoạt của người dân. Bàn ghế, bếp than, xô chậu để bừa bãi chiếm hết lối đi, còn sân chùa thì bám đầy thức ăn, dầu mỡ...

Bà Phương, người dân ở phố hàng Lược cho biết, tình trạng bán hàng ăn trong chùa Vĩnh Trù diễn ra nhiều năm, nhưng không thấy cơ quan nào xử lý. "Ngày rằm hay mùng một chúng tôi tới đây thắp hương đều thấy cảnh bàn ghế, xoong chậu, bếp ga để ngổn ngang, rất phản cảm", bà Phương nói.

Vật dụng của quán cơm xâm lấn khuôn viên chùa Vĩnh Trù
Vật dụng của quán cơm xâm lấn khuôn viên chùa Vĩnh Trù. Ảnh: Bá Đô.

Tương tự, đình Thanh Hà ở số 10 phố Ngõ Gạch, phường Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), cũng bị biến thành nơi ở của một gia đình. Tivi, tủ lạnh, bàn ghế, cùng những vật dụng được bày biện chiếm tới 1/3 diện tích của đình và chỉ cách khu thờ cúng, nơi người dân đến thắp hương vài bước chân.

Tối đến, sân và cổng đình trở thành quán ăn nhậu với đủ những món thập cẩm, từ mực nướng, cá chỉ... khiến không gian thờ cúng tôn nghiêm bị xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngôi đền Đồng Thuận số 11 phố Hàng Cá (thờ vị tướng Lý Tiến từ thời vua Hùng) hiện có một gia đình sinh sống khiến không gian thờ tự bị thu hẹp. Bên ngoài cổng đền luôn nhộn nhịp bởi những hàng quán ăn sáng, quán trà đá, nơi tụ tập đón mời khách của cánh xe ôm.

Đình Thanh Hà biến thành hàng quán
Đình Thanh Hà biến thành hàng quán. Ảnh: Bá Đô.

Tọa lạc tại số 54 phố Hàng Khoai, quán chùa Huyền Thiên xưa kia là một trong tứ quán của kinh thành Thăng Long, bao gồm: Trấn Vũ (Quán Thánh), Huyền Thiên, Đồng Thiên (đền Kim Cổ) và Đế Thích (chùa Vua). Vừa là ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ Mẫu cộng với sự kết hợp hài hoà trong kiến trúc và tôn giáo đã làm Huyền Thiên cổ quán trở thành điểm văn hoá cảnh quan độc đáo trong quần thể các di tích nổi tiếng của khu phố cổ và thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, đã từ lâu phía cổng Tam quan đã bị người dân biến thành nơi kinh doanh bát đĩa, chén sứ đủ loại, còn trên cao là những tấm biển hiệu quảng cáo, khiến nhiều du khách khi qua đây không thể phát hiện ra là cổng chùa và cũng khó tìm được đường đi vào.

Bà Lan, người thường làm công việc trông nom, dọn dẹp trong chùa cho biết: "Hiện tượng này đã xuất hiện vài chục năm nay rồi, nhưng không thấy ai bị nhắc nhở. Chỉ có những ngày lễ, hội của chùa khu cổng này mới được thoáng đãng".

Bát đũa, cốc chén, bày kín Quán chùa Huyền Thiên.
Bát đũa, cốc chén, bày kín quán chùa Huyền Thiên. Ảnh: Bá Đô.

Tại quán Vọng Tiên (nay còn gọi là đền Vọng Tiên) ở 120 phố Hàng Bông đánh dấu huyền tích vua Lê Thánh Tông gặp Tiên Nữ, đang thờ Mẫu và thờ Phật. Hiện toàn bộ phía cổng trước của đền đã được bịt kín để biến thành những cửa hàng, mỗi cửa hàng này ăn vào trong đền khoảng 4-5 m. Mỗi khi người dân đến đây thắp hương, cúng bái phải đi qua cổng phụ nhỏ chỉ vừa một người đi, nằm sâu trong ngõ.

Ngoài những di tích kể trên, khu phố cổ còn có rất nhiều di tích đang bị xâm hại như: chùa Thái Cam (44 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm), đền Trang Lâu thờ Liễu Hạnh (số 77 Nguyễn Hữu Huân), chùa Pháp Bảo Tạng 44 Hàng Cót (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trao đổi với VnExpress, đại diện Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội khu vực quận Hoàn Kiếm xác nhận có hiện tượng hàng quán xâm lấn trong khuôn viên di tích, danh thắng tại phố cổ. Ban đang phối hợp cùng với quận Hoàn Kiếm lập phương án tối ưu nhất để giải quyết.

"Tuy nhiên quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn, một phần vì những hộ dân ở đây không đất, không nhà, từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ họ đã lấy nơi đây làm nhà ở. Nếu di dời phải tính đến phương án cấp đất, cấp nhà để đảm bảo cuộc sống của họ, nên không thể giải quyết một sớm một chiều", bà này nói.

Đầu năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã rà soát, đưa ra phương án tổng thể để di dời dân đang sinh sống tại một số di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, tránh việc xâm hại, nhưng mới dừng lại ở một số di tích, như: Trung tâm thông tin phố cổ (28 Hàng Buồm), Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) và đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào).

Bá Đ
ô


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét