Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Chiếm dụng vỉa hè, lề đường kinh doanh Tết


Thứ hai, 31/1/2011, 11:34 GMT+7


Những ngày áp Tết, nhiều tuyến đường phố, vỉa hè ở Hà Nội đã bị các hộ kinh doanh lấn chiếm khiến giao thông ách tắc, người đi bộ mất lối. 
> Giao thông lộn xộn ngày giáp Tết

Phố Hàng Điếu, một trong những tuyến phố cổ ở Hà Nội đông nghịt người ngày áp Tết.
Đường Âu Cơ, gần chợ hoa Tây Hồ ùn ùn người và xe.
Rất nhiều vỉa hè trên các tuyến phố hàng Đào, hàng Đường... bị lấn chiếm, giao thông xung quanh khu vực này lộn xộn, nhem nhuốc.
Xe máy để lề đường, hàng rong tung hoành.
Đĩa CD lậu cũng tràn ra đường, ké điểm gửi xe.
Hàng ăn bày hẳn bàn ghế xuống đường đi, người đi xe máy qua lại khó khăn.
Nhà chờ xe buýt trên phố Lý Nam Đế thành hàng bán chậu cây cảnh.
Hàng bánh mứt kẹo trên phố Tây Sơn bày tràn ra lòng đường, cản trở lối đi lại.
Nơi vỉa hè rộng cũng bị xe máy băng lên.
Và người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường.

Khánh Huyề
n


Giả danh cảnh sát giao thông kiếm tiền tiêu Tết


31/01/2011 10:43:17

Thấy có nhiều người vi phạm luật giao thông vào dịp Tết, Tuân tự đi may bộ đồ sắc phục cảnh sát giao thông, mang quân hàm trung úy rồi chặn người đi đường bắt nộp phạt.

Đêm 30/1, hành vi giả danh cảnh sát của Nguyễn Văn Tuân (29 tuổi, xã Ích Hậu, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã bị Đội cảnh sát giao thông thành phố Vinh (Nghệ An) phát hiện khi Tuân đang cố gắng đuổi theo hai phụ nữ vi phạm luật giao thông để nhận tiền phạt.
 
uân tại cơ quan cảnh sát. Ảnh: Nguyên Khoa.
uân tại cơ quan cảnh sát. Ảnh: Nguyên Khoa.
 
Tuân khai nhận, thấy vào dịp Tết có nhiều người vi phạm luật giao thông, cộng thêm tâm lý sợ cảnh sát giao thông, nên Tuân nảy sinh ý định giả danh kiếm tiền phạt. Tuân đã tự đi may một bộ đồ màu vàng mang sắc phục cảnh sát giao thông với quân hàm trung úy với công cụ hỗ trợ đầy đủ như còi, gậy, biển hiệu mang tên trung úy Nguyễn Thanh Tuấn cùng một số giấy tờ điều động giả của Tổng cục Cảnh sát rồi ra đường tìm người vi phạm luật giao thông để chặn đường yêu cầu nộp phạt.
 
Đà nghề của
Đà nghề của "trung úy cảnh sát giả".
 
Với thủ đoạn trên, từ cuối năm 2010 đến nay, Tuân khai đã thực hiện trót lọt 10 vụ xử lý người vi phạm giao thông, người bị phạt ít nhất là 100.000 đồng, người nhiều nhất là 850.000 đồng.
 
Công an thành phố Vinh đang liên lạc với những người bị "trung úy cảnh sát rởm" này phạt nhầm để phối hợp điều tra.
 
Theo VNE

Ra nước ngoài rút đô-la kiếm lời chênh lệch


31/01/2011 14:32:21

Nhiều tuần trước, Ngân hàng Hoàng gia ANZ Campuchia để ý thấy một khách hàng lạ tại cột ATM của họ ở Phnom Penh. Đi cùng một người đàn ông để canh chừng, người phụ nữ dùng thẻ Techcombank Việt Nam phát hành rút 2.000 USD, lượng tiền mặt cho phép tối đa.

TIN LIÊN QUAN

Sau đó, người phụ nữ này rút ra chiếc thẻ Techcombank khác, rút liên tục 11 lần.
 
Người phụ nữ trên chỉ là một trong số ngày càng nhiều người Việt Nam sang Campuchia mà theo những ngân hàng ở đây là để "rửa sạch" các máy ATM, tận dụng cơ hội có sự chênh lệch lớn giữa tỷ giá USD chính thức của Việt Nam và tỷ giá chợ đen để kiếm hàng nghìn USD.
 
Tổng Giám đốc ANZ Stephen Higgins mới đây cho biết, những người dùng thẻ Techcombank đã rút khoảng 12 triệu USD tiền mặt từ các máy AM trong ngân hàng của họ kể từ giữa tháng 12 vừa qua và phần lớn số tiền được rút trong 2 tuần gần đây.
 
Còn theo Phó Chủ tịch Ngân hàng ACLEDA, những người dùng thẻ Techcombank đã rút khoảng 5 triệu USD từ các máy ATM của ACLEDA kể từ đầu tháng cho đến ngày 26/1 vừa qua.

Ảnh minh họa (IE)
Ảnh minh họa (IE)

Cả hai đều cho biết những người dùng thẻ Techcombank đã rút "ít nhất 20 triệu USD" tiền mặt từ các máy ATM của Campuchia trong vài tuần qua. "Đó là cách kiếm tiền dễ dàng. Họ đã mách cho nhau và đột nhiên người người ồ ạt đổ sang biên giới để làm điều đó".
 
Chính phủ Việt Nam kìm chế tỷ giá hối đoái chính thức vào khoảng 19.500 VND ăn một USD, trong khi tỷ giá chợ đen và cũng là tỷ giá của những nhà đổi tiền hợp pháp ở Campuchia vào khoảng 21.000 VND ăn một USD. Như vậy, chênh lệch lên tới 8%.
 
Những người Việt Nam sang Campuchia đã tận dụng điều này. Tại các máy ATM ở Campuchia, họ nhận tiền USD được chuyển từ tiền đồng theo tỷ giá chính thức ở quê nhà. Sau đó họ có thể bán những đồng USD đó lấy tiền Việt ở những nhà đổi tiền tại Campuchia hoặc những nhà đổi tiền ở Việt Nam theo tỷ giá chợ đen, kiếm được lời từ khoản chênh lệch.
 
Mặc dù họ phải trả phí giao dịch ATM, nhưng theo Higgins, người dùng thẻ Techcombank vẫn kiếm được khoảng 20.000 USD cho 1 triệu USD tiền mặt.
 
Higgins cũng cho biết, Techcombank là ngân hàng duy nhất bị lợi dụng kiểu này. Hầu hết các ngân hàng Việt Nam đánh phí giao dịch quốc tế để bù lại được chênh lệch giữa tỷ giá tiền VND/USD chính thức và tỷ giá chợ đen nhưng phí của Techcombank thấp hơn bình thường.
 
Kết quả là, họ mất "khoảng 1,5 triệu USD", từ các giao dịch ở Campuchia trong những tuần gần đây, Higgins cho hay.
 
Giám đốc một ngân hàng lớn khác ở Campuchia, yêu cầu được giấu tên, cho biết ngân hàng của ông cũng nhận thấy có sự gia tăng khác thường trong các giao dịch ATM gần đây, đặc biệt là ở gần khu vực biên giới. 
 
Mặc dù Visa không có biện pháp gì, nhưng từ ngày thứ tư vừa qua ACLEDA đã chặn các tài khoản Techcombank rút từ máy ATM của họ, bà So Phonnary cho hay.
 
Trong khi đó, Khuoy Kry, người đứng đầu Trạm kiểm soát biên giới quốc tế Bavet ở tỉnh Svay Rieng, mỗi người qua lại biên giới được phép mang tới 10.000 USD và việc sử dụng máy ATM "nằm ngoài kiểm soát của chúng tôi".
 
(Theo Dân trí)


Điều lệ tổ chức và hoạt động mới của Vinashin


Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng vừa thông qua Quyết định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin.

Theo đó, tập đoàn này chuyển thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ. 
Quyết định mới mang số 179, qui định mục tiêu, ngành nghề kinh doanh chính và phụ cùa Vinashin cũng như qui định quyền và nghĩa vụ của Vinashin.
Vinashin được thành lập từ năm 1996, do Nhà nước làm chủ, chủ yếu là đóng mới và sửa chữa tàu. Năm ngoái,  công ty này đã báo cáo khoản nợ lên đến 86 ngàn tỷ đồng, không trả được nợ đáo hạn của nước ngoài . Sau vụ thua lỗ đó, Nhà nước đã tái cơ cấu Vinashin.


44 ngàn trâu bò đã chết vì trận rét tại miền Bắc


Tính đến nay, đã có khoảng 44 ngàn trân bò chết vì không khí lạnh. Các địa phương có số trâu bò chết nhiều nhất là Sơn La với gần 9 ngàn con, Lạng Sơn với khoảng 7 ngàn con và Cao Bằng khoảng 6 ngàn con.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là trâu bò và gia súc được chăn thả trong rừng, không có chuồng được che chắn đủ ấm cho chúng.
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn đang trình chính phủ dự án hỗ trợ chống rét cho trâu bò của các gia đình nghèo. Gía hỗ trợ sẽ là 100 ngàn đồng cho 1 con trâu hay bò. 


Cảnh báo cúm A/H1N1 gia tăng ở miền Bắc


Vi rút cúm A/H1N1 có chiều hướng gia tăng tại các tỉnh miền Bắc. Phó giám đốc Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, bà Nguyễn Hồng Hà cho biết như vậy chiều chủ nhật vừa qua.

Theo bà Hà, trong vòng khoảng 1 tháng qua, bệnh viện đã nhận gần 50 ca nhiễm cúm A/H1N1.
Dịch cúm sẽ còn kéo dài ở các tỉnh miền Bắc khi thời tiết lạnh và ẩm vẫn chưa giảm. Tuy nhiên tin khí tượng cho hay miền Bắc và bắc Trung bộ sẽ ấm dần trong những ngày giáp tết. Khí lạnh vẫn gây ảnh hưởng khu vực Nam Trung bộ và vài tỉnh Tây nguyên.
Bộ Y tế cảnh báo, các đối tượng dễ bị nhiễm cúm là trẻ em, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh phổi hay tim mạch.


Tết trên những gánh hàng rong

2011-01-31

Hơn một tháng nay, những tỉnh miền Bắc chìm trong những đợt rét lạnh bất thường và kéo dài liên tục.

Photo: RFA

Gánh trái cây đi bán rong khắp nẻo đường


Việc mưu sinh của những gánh hàng rong từ các tỉnh lân cận về Hà Nội bươn chải trong những ngày tháng cận kề Tết Nguyên Đán càng trở nên vất vả hơn. Vũ Hoàng có bài tìm hiểu về câu chuyện của những người ngoại tỉnh lên thành phố sinh sống và chuẩn bị đón Tết.

Một tuần, bảy ngày dãi nắng dầm mưa

Cuộc sống mưu sinh dãi nắng dầm mưa dường như gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đối mặt với thời tiết giá lạnh nơi đất khách. Cùng chung cảnh buôn bán nhỏ, lặt vặt như bao nghề khác trong thành phố, chị Phạm Thị Vui, người gốc Nam Định về Hà Nội sống được hơn 5 năm, gắn bó với nghề buôn bán đồng nát (hay còn gọi là mua bán ve chai). 
Chị Vui cho biết, làm việc liên tục không nghỉ 7 ngày/ tuần trong vòng khoảng 1 tháng vừa xong, chị cũng gom góp được khoảng hơn 1 triệu đồng sau khi trừ đi mọi chi phí ăn ở. Chị dự tính rằng sẽ cố gắng làm đến sát ngày 30 Tết, kiếm được thêm đồng nào hay đồng đó, rồi trên đường về quê mới tranh thủ ghé qua đâu đó mua chút ít đồ Tết cho gia đình. 
Chị chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống xa nhà và những ngày bươn chải trong giá lạnh khi Tết sắp về như sau:
Rất khó khăn và có nhiều điều phức tạp, sống rất là khổ cực, nắng thì nắng quá mà rét thì rét quá, không được điều kiện như ở nhà, nói chung xa nhà thì vẫn khổ hơn. Nhiều lúc thấy rét mướt quá thì cũng muốn về quê, nhưng về quê không có tiền tiêu, cho nên cũng phải bươn chải thôi.
Chị Phạm Thị Vui
Rất khó khăn và có nhiều điều phức tạp, sống rất là khổ cực, nắng thì nắng quá mà rét thì rét quá, không được điều kiện như ở nhà, nói chung xa nhà thì vẫn khổ hơn. Nhiều lúc thấy rét mướt quá thì cũng muốn về quê, nhưng về quê không có tiền tiêu, cho nên cũng phải bươn chải thôi.
Giờ nghỉ ăn trưa của bà bán hàng rong trên vỉa hè đường phố.
Giờ nghỉ ăn trưa của bà bán hàng rong trên vỉa hè đường phố. AFP
Gần Tết làm ăn khó khăn lắm không như những lúc bình thường. Công việc của chúng em kiếm được đồng tiền nhiều lúc Tết cũng khó khăn, không được suôn sẻ lắm, không gặp được nhiều điều may. 
Cũng đã có lúc rét lạnh, công việc đòi hỏi phải đi nhiều từ sáng sớm đến tối mịt, mà tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra, khiến chị muốn buông xuôi. Tuy nhiên, về quê thì cũng chẳng có việc gì để làm, thế nên chị phải đành bám trụ ở lại thành phố. 
Cùng cảnh ngộ xa nhà, lên thành phố kiếm sống với chị Vui, là chị Nguyễn Thị Thuấn, người quê Hưng Yên, lên Hà Nội với gánh hàng cam được hơn 2 năm nay. Chị Thuấn cho biết là những ngày giáp Tết này, khác với mấy năm trước, hàng họ bán rất chậm, thậm chí ngày ông Công ông Táo vừa qua, chị bán hàng cũng ế. Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống thường nhật của mình, chị Thuấn cho biết: 
Bình thường thì 3 rưỡi hoặc 3 giờ đêm, còn ngày tuần thì đi từ 1-2 giờ đêm gì đấy, nếu đắt hàng thì về lúc 11-12 giờ trưa, còn nếu không thì 6-7 giờ tối, chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng thôi. Trưa thì tranh thủ đi giúp việc cho người ta, rửa bát hoặc lau dọn gì đấy.
Chị Nguyễn Thị Thuấn
Nếu trung bình ngày bình thường, không phải ngày rằm, thì mỗi ngày được 50 -70 ngàn đồng, trừ tiền trọ và ăn uống thì có hôm được, có hôm không. Tết năm nay bán chậm lắm anh ạ, hôm qua là ngày 23, mà bọn em hầu như ai cũng ế, phải mang về. Bình thường thì 3 rưỡi hoặc 3 giờ đêm, còn ngày tuần thì đi từ 1-2 giờ đêm gì đấy, nếu đắt hàng thì về lúc 11-12 giờ trưa, còn nếu không thì 6-7 giờ tối, chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng thôi. Trưa thì tranh thủ đi giúp việc cho người ta, rửa bát hoặc lau dọn gì đấy. 
Những ngày cận kề Tết, là những lúc người ta tập trung về gia đình, chuẩn bị mua sắm, trang hoàng nhà cửa, nhưng với những người như chị Vui, chị Thuấn thì đôi gánh hàng rong vẫn len lỏi trong phố chợ thị thành đến tận những giờ phút cuối của năm cũ. 
Cuộc sống của những người lao động này dường như chôn chặt vào công việc và công việc, xoay vòng hết việc này đến việc khác, với mong muốn duy nhất là kiếm được thêm chút thu nhập phụ giúp gia đình dịp Tết sắp tới. 
Ngoài những nỗi cơ cực của bản thân công việc, thì những chuyện thường xảy đến với những người thấp cổ bé họng trong xã hội như chị Thuấn là điều không tránh khỏi. 
Nhiều lúc còn bị móc trộm nữa cơ anh ạ, chẳng biết làm thế nào được, chúng em từ ngoại tỉnh lên, mình có mất, người ta chứng kiến thì cũng chẳng có ai bênh, thôi mất thì cũng đành chịu.  
Tâm sự về những ngày giáp Tết này, trong không khí giá rét, chị Thuấn cho chúng tôi biết về những gì mà chị vẫn làm mỗi khi một ngày mới bắt đầu:
Nhiều lúc còn bị móc trộm nữa cơ anh ạ, chẳng biết làm thế nào được, chúng em từ ngoại tỉnh lên, mình có mất, người ta chứng kiến thì cũng chẳng có ai bênh, thôi mất thì cũng đành chịu.
Một gánh hàng rong trên vỉa hè đường Đồng Khởi
Một gánh hàng rong trên vỉa hè đường Đồng Khởi, một con đường sang trọng ở SG. Ảnh chụp tháng 7/2010.
Tầm 3-4 giờ mình dậy, thì cảm giác rét lắm chẳng muốn dậy, gió rét và mưa. Đi đến chợ, mua hàng đã khó lại còn đắt, nhiều lúc vác, ô tô chen nhau, một thùng hàng nhiều khi chen rồi vác đến hơn nửa tiếng vẫn chưa về đến nơi mình gửi. Đi chợ bẩn thỉu rét mướt, lúc nào chân tay cũng ướt át.    

Những đồng tiền chân chính với những ước mơ đơn giản

Chúng tôi cũng được nói chuyện với chị Nguyễn Thi Tuyến, quê ở Bình Đà, tuy không ở trọ tại Hà Nội, nhưng mỗi ngày chị đạp xe tối thiểu gần 30 cây số ra đến Hà Nội rồi lòng vòng đi bán rau dạo trong thành phố. 
Mỗi ngày của chị bắt đầu từ khoảng 2-3 giờ sáng, qua chợ đầu mối mua rau, rồi sau đó tiếp tục đi bán dạo. Lấy công làm lãi, nhiều khi cả ngày chỉ bán được hơn chục ngàn. Chị cho biết:
Cái này ảnh hưởng quá nhiều, nhiều khi rét quá đi chợ quá vất vả lắm, cuộc sống quá khó khăn, nhưng không có việc gì thì phải kiếm thêm thôi. Bây giờ kiếm được nhiều thì tiêu nhiều, kiếm được ít thì phải chấp nhận bon chen, kiếm được nhiều thì ăn thịt, không kiếm được thì ăn muối, ăn rau. Nói chung bước đường cùng, không có gì hơn thì phải chấp nhận.
Nhiều khi rét quá đi chợ quá vất vả lắm, cuộc sống quá khó khăn, nhưng không có việc gì thì phải kiếm thêm thôi. Bây giờ kiếm được nhiều thì tiêu nhiều, kiếm được ít thì phải chấp nhận bon chen, kiếm được nhiều thì ăn thịt, không kiếm được thì ăn muối, ăn rau.
Chị Nguyễn Thi Tuyến
Nhưng có chút ít tiền khoảng hơn một triệu mỗi tháng sau khi trừ đi ăn uống vẫn còn khá hơn nhiều người ở quê chị, chị kể nếu những ai làm công nhân, thì tiền lương hàng tháng tổng cộng cũng chỉ có 6-7 trăm ngàn, mà những người này còn phải chi trả tiền cơm nước tại gia đình. 
Như ở nhà, chúng em chỉ làm được 6-700 ngàn đồng một tháng thôi, ví dụ như đi làm giầy da, đi may hoặc đi thêu, thì trưa phải về nhà ăn. Còn lên đây thì mình được hơn một triệu đã tính tiền ăn trọ rồi. 
Cũng như nhiều mảnh đời của những người lao động ngoại tỉnh dồn về thành phố lớn kiếm sống. Những con người này giống nhau ở một điểm chung, chỉ mong muốn được làm ăn chân chính, tiết kiệm tiền bạc kiếm gửi về quê, phụ giúp gia đình. 
Dù còn nhiều khó khăn vất vả cho bản thân, nhưng khi được hỏi có mong ước gì khi năm mới sắp tới, thì những người phụ nữ ấy đều chỉ có ước mơ thật đơn giản, một tấm áo hay đôi giầy mới cho con, một công việc ổn định hay thật giản dị chỉ là mua may bắn đắt. 
Với chị Thuấn, gia đình có 2 con nhỏ, thì đi làm suốt năm rồi, chỉ mong sao Tết sắp đến cố gắng dành dụm mua thêm cho con đôi giầy mà giờ vẫn chưa đủ tiền mua.
Chị Vui cho biết:
Người buôn gánh bán bưng trong một ngõ hẻm ở Hànội. AFP
Người buôn gánh bán bưng trong một ngõ hẻm ở Hànội. AFP
Lúc nắng lúc mưa ngoài đường, thì cũng mong mình gặp được nhiều may mắn, làm sao có được công việc ổn định để làm. Năm mới thì cũng chỉ mong muốn gia đình vui vẻ, con cái khoẻ mạnh, sang năm mới thì gặp nhiều điều may mắn vậy thôi.
Còn chị Tuyến thì cũng không có ước mơ gì cao sang:
Mong muốn đi chợ làm ăn phát tài, kiếm được nhiều hơn nữa, cũng chẳng mong muốn gì hơn vì mình cũng chẳng nghề nghiệp, nên chỉ mong mua may bán đắt, chẳng mong muốn gì hơn.    
Với chị Thuấn, gia đình có 2 con nhỏ, thì đi làm suốt năm rồi, chỉ mong sao Tết sắp đến cố gắng dành dụm mua thêm cho con đôi giầy mà giờ vẫn chưa đủ tiền mua. 
Chỉ mong muốn Tết này về mua sắm cái gì mới mới cho con cái, một bộ quần áo đang hứa mua, hôm nọ đi làm 3 ngày cũng cố gắng mua được cái áo cho con được 200 ngàn rồi, mong muốn mua thêm cho con đôi giầy nữa nhưng chưa có tiền.
Chỉ mong muốn Tết này về mua sắm cái gì mới mới cho con cái, một bộ quần áo đang hứa mua, hôm nọ đi làm 3 ngày cũng cố gắng mua được cái áo cho con được 200 ngàn rồi, mong muốn mua thêm cho con đôi giầy nữa nhưng chưa có tiền.
Vẫn biết cuộc sống là bon chen, chật vật kiếm được đồng tiền chân chính, nhưng chen giữa tiếng còi xe và ánh sáng đô thị của những người tiêu hàng triệu đồng cho mỗi bữa tiệc tối, hàng chục triệu đồng tiền quà cáp biếu xén cho cấp trên hay sự lãng phí vô tội vạ của một tầng lớp giầu có chỉ biết tiêu xài tiền công. Thì đây đó, những mảnh đời gắn bó với đôi gánh hàng rong, những nặng nợ của người tứ xứ bươn chải nơi đất khách, vẫn miệt mài trong giá rét để tích cóp từng đồng bạc, để  mong có được điều ước là sống thanh thản và một cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn. 
Ước gì trong cái Tết này những đôi vai cơ nhỡ khó khăn kia sẽ nhẹ hơn khi vào những giờ cuối của đêm giao thừa, họ về nhà với đôi quang gánh mới, tràn đầy niềm tin vào những bàn tay nhân ái, hào phóng mua giúp cho họ tất cả số hàng hóa ít ỏi còn lại.          

Theo dòng thời sự:


Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Huế, 40 năm sau Tết Mậu Thân, vết thương vẫn chưa lành



Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Cách đây đúng 40 năm, trong chiến dịch Đông Xuân 1967 – 1968, Quân Đội Bắc Việt, dưới danh nghĩa là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đã đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm thị xã miền Nam Việt Nam. Thời điểm cuộc tấn công diễn ra đúng vào giao thừa trong bối cảnh hai phía Bắc – Nam và cả quân đội đồng minh đã thoả thuận hưu chiến 36 giờ đồng hồ để người dân được yên hưởng một Tết truyền thống trong hoà bình.

RFA graphic. >> Xem hình lớn hơn

Vi phạm thoả ước, Việt Cộng đã tấn công đúng vào giao thừa để dành phần bất ngờ. Chiến trường Huế, một địa điểm chính yếu trong toàn cuộc chiến, đã diễn ra ác liệt và kéo dài đến 25 ngày đêm. Khi quân đội Bắc Việt bị đánh bật ra khỏi thành phố, người dân Huế nhận ra rằng, nhiều ngàn người dân thường đã bị thảm sát, để rồi từ đó về sau, mỗi năm, Tết nguyên đán trở thành ngày giỗ người thân của hàng ngàn gia đình ở cố đô Huế.

Tưởng niệm 40 năm biến cố Mậu Thân, đài Á Châu Tự Do xin kể lại cuộc thảm sát thông qua ký ức của chính những người trong cuộc, qua đối thoại trực tiếp hay tài liệu lưu trữ. Loạt bài gồm 5 phần, do biên tập viên Thiện Giao thực hiện.

Khuya mùng Một, rạng sáng mùng Hai Tết Mậu Thân, tức là ngày 31 tháng Giêng năm 1968, Huế bắt đầu những ngày vui, nhưng bất ngờ chuyển thành ngưỡng cửa vào địa ngục, khi tiếng súng bỗng hoà vào, rồi thay hẳn tiếng pháo…

Huế bị tấn công trong Chiến Dịch Đông Xuân 1967 – 1968 của quân đội miền Bắc chỉ một ngày sau các tỉnh, thành phố, thị trấn khác của miền Nam.

Bị tấn công sau, nhưng Huế đã trở thành chiến trường tàn khốc nhất, dai dẳng nhất.

Nếu chấp nhận một định nghĩa, rằng những tiếng đạn pháo đầu tiên qui định giờ khắc bắt đầu cuộc chiến, thì Huế bắt đầu trở thành chiến trường vào đúng 2 giờ 33 phút rạng sáng ngày 31 tháng Giêng.

Ông Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên, kế lại:

"Cuộc tấn công Huế chính thức vào đêm mồng Một, ngày 31 tháng Một, 1968, rạng sáng Mồng hai Tết, lúc 2 giờ 33 phút. Những quả đạn Việt Cộng đầu tiên bắn vào phi trường Tây Lộc, bộ Tư Lệnh và một số địa điểm Quận 3, thị xã Huế."

Huế đã nằm trong tay địch 25 ngày đêm liên tiếp. Khi quân đội Việt Nam Cộng Hoà cùng đồng minh Hoa Kỳ vãn hồi an bình cho Huế, với cao điểm là các trận tái chiếm Đại Nội, hạ cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, dựng lại cờ Việt Nam Cộng Hoà tại Kỳ Đài ở Phu Văn Lâu ngày 22 tháng Hai, Huế đã trải qua hơn 3 tuần kinh hoàng.

25 ngày thảm sát kinh hoàng

Những kinh hoàng không dừng lại với hình ảnh của chiến tranh và âm thanh của đạn pháo.

Huế, bắt đầu một cơn ác mộng khác nữa, khi người dân Huế bàng hoàng nhận ra, rằng nhiều ngàn người dân đất thần kinh đã bị thảm sát, bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả việc cột người ta lại thành từng xâu, rồi đẩy xuống hố chôn sống. Đây là lời kể của những người chứng kiến tận mắt cảnh khai quật tử thi nạn nhân.

Theo nhà báo Vũ Ánh, đương kim Chủ Bút Nhật Báo Người Việt, Cựu Phóng Viên Mặt Trận Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, thì: "Ngay tại Phú Thứ, bác sĩ Lê Khắc Quyến nói với tôi là: "Đây là cách giết người của người ở thời Trung Cổ.

Ông Võ Văn Bằng, Trưởng Ban Truy Tìm và Cải Táng Nạn Nhân Cộng Sản Tết Mậu Thân, hồi tưởng: "Các hố cách khoảng nhau. Một hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, nào là nằm, nào là ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ, họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng."

Mức độ kinh hoàng dâng lên, từ từ, từng ngày, từng tuần, từng tháng. Rồi, đến ngày 19 tháng Chín năm 1969, tức là 20 tháng sau trận Mậu Thân, Huế vỡ oà với những phát hiện về vụ thảm sát tại Khe Đá Mài thuộc quận Nam Hoà. Người ta tìm ra khoảng 400 bộ hài cốt. Những hài cốt chỉ còn xương và sọ. Thịt da đã rữa và trôi đi theo dòng nước.

Huế 1968, là Huế của "chiều đi lên Bãi Dâu, hát trên những xác người."

Huế 1968, là Huế của "đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng."

Huế 1968, là Huế của khăn sô vào áo tang trắng. Đó là những hình ảnh không thể nào quên với những ai đã một lần chứng kiến: "Mỗi lần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế làm lễ, dân chúng đi lễ, cả nhà thờ mặc đồ trắng và để tang trắng cả nhà thờ.", Trần Tiễn San, Trung Uý Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân vào năm 1968.

"Dọc đường, từ đường Lê Lợi, các quận lên mồ chôn tập thể Ba Đồn toàn khăn tang áo trắng.", Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên.

Những địa danh của Huế, vốn chỉ được biết trong cộng đồng cư dân Huế, nay bỗng chốc, trở thành đề tài bán tán của dư luận, trên báo chí quốc gia, và cả quốc tế. Một Gia Hội, một Cồn Hến, một Chợ Thông, một Phú Thứ, một Khe Đá Mài, một Bãi Dâu. Ai đã thắng trận chiến dành lấy từng căn nhà, từng con đường của thành Nội, kéo dài trong 25 ngày tại Huế? Ai thắng, có lẽ, không phải là điều quan trọng? Hay ít nhất không phải là điều quan trọng nhất.

Mộ chôn 300 nạn nhân vô danh bị thảm sát tại Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Photo courtesy of country-data.com/Quân đội Hoa Kỳ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Người dân Huế quan tâm hơn đến câu hỏi: Ai đã giết, ai đã chết, ai sẽ chịu trách nhiệm những gì xảy ra trong gần 4 tuần lễ kinh hoàng của Huế?

Học giả Douglas Pike, thuộc Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, trong bản báo cáo hoàn tất vào ngày 1 tháng Hai năm 1970 tại Sài Gòn, đã viết, chỉ trong một trận Mậu Thân tại Huế, gần 4,800 thường dân đã chết và mất tích. Ông Pike kết thúc lời mở đầu của báo cáo bằng một khẳng định:

"Nếu báo cáo của tôi là một bản án đối với thái độ của người Cộng Sản, thì thật sự nó là như vậy đấy. Đơn giản vì thái độ ấy đáng bị lên án."

Trong khi đó, trong một bài viết đăng trên số 33 tạp chí Indochina Chronicle, ngày 24 tháng Sáu năm 1974, tiến sĩ Gareth Porter phản bác lại tất cả những gì ông Pike đã viết. Tiến sĩ Porter nhận định rằng, vụ thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế, với chữ thảm sát để trong ngoặc kép, chỉ là một câu chuyện hoang đường phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam lúc bấy giờ.

Đây là một kết luận đáng ngạc nhiên, vì ngay một cơ quan chính thức của nhà núơc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là Cục Văn Thư và Lưu trữ nhà nước từng gọi việc những người miền Nam di tản hồi cuối tháng tư năm 1975 là một "tội ác cưỡng ép di cư" cũng không dám đưa ra một kết luận tương tự như thế.

Có lẽ, không ai, xin nhấn mạnh, không có bất cứ ai, có đủ tư cách và thẩm quyền để trả lời câu hỏi: Ai đã giết người dân Huế? Chỉ có thành phố Huế và người dân Huế, những nạn nhân trực tiếp của cuộc thàm sát, và những người trực tiếp tham gia công tác truy tìm, mai táng xác nạn nhân mới có thẩm quyền trả lời, và cả thẩm quyền để lên án.

Những nhân chứng của 40 năm trước hồi tưởng: "Theo những báo cáo của các cuộc cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5,300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên.",Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên.

"Vết thương đó vẫn chưa khô máu, vết sẹo đó mỗi lần trái gió trở trời vẫn đau xót xa.", Huy Phương, cựu Phóng Viên Cục Tâm Lý Chiến.

Người Huế nói gì về biến cố Tết Mậu Thân?

Và hôm nay, người dân Huế thế hệ Mậu Thân, đang sống tại Huế, nói gì?

"Gió Nam thì vỗ về gió Nam, gió Nồm thì vỗ về gió Nồm. Ngã mô cũng khổ. Không theo thì chết. Không theo thì chôn…"

"Nó xô xuống, nó dập, khổ lắm. Ở Huế đây chết nhiều cái thê thảm!"

"Toàn dân không à. Mà họ nói là ác ôn, ri khác. Ai chết thì chết. Tui chừ tui cũng sợ, tui không dám về làng."

40 năm qua là 40 năm người dân Huế đón Xuân cùng lễ giỗ. Bốn mươi năm nhưng vết thương chưa lành. Năm nay, người dân Huế ở hải ngoại lại tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm thảm sát Mậu Thân. Ở trong nước, giới chính quyền, giới quân sự thì tổ chức hội thảo khoa học về chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Một trong các hội thảo được tổ chức tại Huế.

Đến nay, đứng trước những cáo buộc suốt 40 năm của những Việt Nam Cộng Hoà cũ, và của cả giới nghiên cứu quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, Hà nội vẫn chưa bao giờ có câu trả lời chính thức: Ai, bằng cách nào, và tại sao, đã giết hàng ngàn người Huế, trong đó có cả sinh viên, thanh niên, học sinh và phụ nữ.

Nhân kỷ niệm 40 năm biến cố Mậu Thân, ban Việt ngữ đài Á Châu Tự do chúng tôi xin được tái hiện lại, trong chừng mực có thể, dựa trên lời kể của những người trong cuộc, về những gì đã xảy ra tại Huế trong năm 1968.

Đó chẳng những là một cách để ghi lại những gì thực sự xẩy ra trong chuỗi ngày kinh hoàng ấy, mà còn là để tưởng nhớ những con người đã chết oan khuất, đớn đau trong một sự kiện lịch sử mà không ít người muốn chôn vùi hay gây nhiễu.

Loạt bài này gồm 4 chủ đề, trình bày các khía cạnh dân sự lẫn quân sự của trận Mậu Thân trên nền những ký ức về vụ thảm sát. Cũng trong nội dung này, hành trình truy tìm và cải táng các mộ chôn người tập thể những tháng sau đó cũng sẽ được trình bày lại, theo lời kể của các nhân chứng, người Huế và cả các nhà báo theo dõi sự kiện này.

Trên đây là bài thứ nhất trong loạt bài "Cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 40 năm trước" do Thịên Giao thực hiện. Trong bài kế tiếp, chúng tôi xin gởi đến quí vị những hồi ức về Huế, những ngày trước Tết Mậu Thân. Đối với người dân thường, Mậu Thân là một cái Tết bình thường như bao cái Tết khác. Nhưng, họ đã không ngờ niềm vui và những ngày hoà bình hiếm hoi đang nằm trong nỗi kinh hoàng đang đến dần. Huế, những ngày ấy, như lời nhà văn Nhã Ca trong hồi ký "Giải Khăn Sô Cho Huế," "Đang mở cửa địa ngục." Mong quý thính giả đón nghe.


“Ai Đã Giết Người Dân Huế?” Câu Hỏi 40 Năm Chưa Trả Lời



Thiện Giao, phóng viên đài RFA

Hôm nay, chúng tôi xin trình bày bài cuối cùng trong loạt bài gồm 5 phần, do biên tập viên Thiện Giao thực hiện, trong chương trình Tưởng Niệm Cuộc Thảm Sát Mậu Thân tại Huế năm 1968. Trong 4 phần trước, chúng tôi đã lần lượt điểm qua các giai đoạn của cố đô những ngày trước, trong và sau cuộc thảm sát.

Phóng viên đài truyền hình CBS của Mỹ tường trình về diễn tiến của biến cố Tết Mậu Thân hôm 20-2-1968. AFP PHOTO/NATIONAL ARCHIVES

Nhiều ngàn người Huế đã bị giết trong vòng chưa đầy 1 tháng phía quân đội Bắc Việt chiếm đóng Huế. Cuộc thảm sát chỉ kết thúc khi quân đội Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ tiến đánh, vãn hồi an bình cho Huế ngày 24 tháng Hai với đỉnh điểm là hai trận đánh tại Đại Nội và Kỳ Đài Phu Văn Lâu.

Trong phần trình bày sau đây, qua lời kể của các nhân chứng và cả những người đã từng tham gia Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lúc ấy, chúng tôi sẽ đặt lại câu hỏi: cuối cùng thì, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát Mậu Thân. Xin theo dõi qua phần trình bày của Việt Long.

Các nạn nhân xấu số

Cuối cùng, mặt trận Mậu Thân 1968 tại Huế cũng chấm dứt. Ngày 25 tháng Hai năm 1968, những lực lượng cuối cùng của phía Bắc Việt bị đẩy lui ra khỏi thành phố. An bình được vãn hồi. Cờ Việt Nam Cộng Hoà được kéo lên trên tháp Kỳ Đài Phu Văn Lâu thay cho cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chễm chệ giữa cố đô trong hơn 3 tuần trước đó.

Nỗi kinh hoàng đối với dân Huế qua đi, nhưng trong lòng họ, vẫn còn nỗi đau. Người còn sống vẫn đau với vết thương chưa lành, trong khi người đã khuất vẫn chưa được giải oan. "Vết thương đó vẫn chưa khô máu, vết sẹo đó mỗi lần trái gió trở trời vẫn đau xót xa."

Cho đến nay, chưa bao giờ chính quyền Hà Nội chính thức lên tiếng giải trình những thảm sát xảy ra cho Huế mùa Xuân năm 1968. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến cuộc thảm sát kinh hoàng này: Ai sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng trong Biến Cố Mậu Thân? Những cuộc thảm sát xảy ra trong hoàn cảnh nào? Các nạn nhân xấu số đã bị giết ra sao?

"Theo những báo cáo của các cuộc cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5,300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên." (Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên)

Theo những báo cáo của các cuộc cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5,300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên.

Tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, 22 địa điểm tìm được là các mồ chôn tập thể. Trong 22 địa điểm này, người ta đếm được 2,326 sọ người. Sau tết, chúng tôi lập Hội Gia Đình Nạn Nhân Cộng Sản trong Tết Mậu Thân. Các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4,000 gia đình. Người ta ước tính vào khoảng 6,000 người. có nhà báo ước tính 5,000. Chúng tôi cho con số 5 đến 6 ngàn là không sai lệch lắm đâu.

(Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân Biểu khu vực Thừa Thiên)

Thủ phạm của vụ thảm sát

Nhiều nguồn dư luận được đưa ra, liên quan đến thủ phạm của vụ thảm sát. Có người nói rằng, chính những thành phần thiên Cộng tại Huế, đa số là sinh viên, đã thoát ly lên mật khu năm 1966 trong các phong trào sinh viên tranh đấu phải chịu trách nhiệm. Trong số này, những tên tuổi được nhắc đi, nhắc lại gồm có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Hảo.

Thật sự, một số thành viên trong nhóm này đã về lại Huế trong những ngày Mậu Thân. Điều này được khẳng định bởi ông Nguyễn Phúc Liên Thành, vào thời điếm 1968 là Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên.

"Năm 1966, như Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân… đã vượt thoát lên mật khu, đã xâm nhập vào thành phố Huế trong thời gian đó."

Trở về Huế, họ có tham gia vào các cuộc thảm sát trong 25 ngày thành Huế thất thủ? Ông Nguyễn Phúc Liên Thành tin rằng, trên thực tế, trong thành phần sinh viên trở về Huế, một số người đã thực hiện các vụ hành quyết, nhưng chỉ là một số rất ít, vì tư thù cá nhân.

"Trường hợp đó chỉ là 1 phần trăm. Như trường hợp các sinh viên tranh đấu cũ, nay trở lại, vì thù hận bạn bè, nay mang ra xử và chôn sống, nhưng rất ít, chỉ khoảng 1 phần ngàn."

Trong khi đó, ông Lê Văn Hảo, từng là Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên – Huế vào thời gian ấy, khẳng định về sự vô tội của ông.

Các quan tài của những nạn nhân chưa nhận dạng nằm trong một trường học tại Huế, Tết Mậu Thân, 1968. Photo courtesy of Wikipedia.

"Đó không phải là sự thật lịch sử. Tôi chỉ là một con tin trong thế kẹt, phải nhận một chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mong có ngày về với vợ con thôi. Chứ tôi nói thật, trong Tết Mậu Thân, vai trò của tôi hoàn toàn thụ động, chỉ ngồi trên núi thôi. Lâu lâu, các ông lãnh đạo, như Trần Văn Quang, ghé qua thăm, an ủi là thôi, sự việc diễn tiến như vậy thì mình đi theo Cách Mạng thôi."

Ông Hảo, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do hồi năm 2006 cũng nói về vai trò bù nhìn của Mặt Trận Giải Phóng.

"Khi lên trên núi, tôi biết ngay Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam chỉ là một trò bịp bợm, một tổ chức hữu danh vô thực của Cộng Sản thôi, do Hà Nội chỉ đạo. Mà họ có dấu điều đó đâu."

Ai chịu trách nhiệm

Như vậy, thì câu hỏi là: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những cái chết oan khuất của nhiều ngàn người Huế cách đây 40 năm? Trước khi thử tìm cách đi vào trả lời câu hỏi này, hãy nghe những phát biểu nói về cố gắng che dấu, hay chính xác hơn, xúc phạm vào nỗi đau của các nạn nhân, từ phía chính quyền Hà Nội. Nhà báo Vũ Ánh, nguyên phóng viên chiến trường Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 nhớ lại.

"Một bản tin của đài Giải Phóng mà về sau tôi nghe được qua kiểm thính của nhân viên của đài (Truyền Thanh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà) thì họ nói đó là cảnh sát và quân đội VNCH khi thua, rút đi thì làm điều đó. Chuyện đổ vạ là điều bình thường của Cộng Sản từ trước đến giờ. Nhân chứng vẫn còn sống đây thôi, cả trong lẫn ngoài nước. Họ không thể xoá được những điều ấy."

Trong những trận đánh tại chiến trường Huế, người dân cố đô đã chọn cho mình phía bên nào? Một trung uý tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân đã tham gia trận tái chiếm Huế, ông Trần Tiễn San, kể lại:

"Lúc đánh ở Vỹ Dạ, lực lượng chính của Việt Cộng không còn nữa. Nhưng khó đánh vô cùng. Mình tiến từ nhà này qua nhà khác, nhà thì có kẽm gai, bờ tường. Mình bên này thì dân chúng bên kia thấy là họ đâm đầu họ chạy qua. Không biết làm sao. Dân thì ở giữa làn đạn. Mà họ thấy mình thì họ đâm đầu chạy qua."

Câu hỏi lại được đặt ra lần nữa: Ai đã giết người dân Huế năm 1968?

"Người chịu trách nhiệm cuối cùng về vụ thảm sát

Vụ này không do một cá nhân nào chủ trương, không do một sự tình cờ hay hoàn cảnh bó buộc nào bắt buộc phải làm như vậy cả. Đây là chủ trương của Hà Nội, là dùng bao lực cách mạng trấn áp dân Huế. Hà Nội tin là khi họ chiếm Huế, người dân Huế sẽ nổi dậy theo họ. Đó là một đánh giá sai lầm.

Người Huế sợ cộng sản vô cùng. Vô cùng sợ. Khi Việt Cộng tràn vào Huế, họ đến đâu, dân chúng bỏ chạy đến đó. Mà chạy thì họ bắn. Đó là sự thật không hề nói thêm một lời nào hết. Những ai sống tại Huế thời đó điều biết."

Phu Văn Lâu trong Đại Nội Huế. Photo courtesy of wikimedia.

Họ đã bị giết trong hoàn cảnh nào?

"Năm 1972, tôi bắt được một trung tá Việt Cộng, tên Hoàng Kim Loan, là thành uỷ viên hoạt động bí mật tại Huế 20 năm. Tôi hỏi: tại sao các anh thảm sát đồng bào Huế man rợ đến như vậy? Thì Loan nói đây là chủ trương bạo lực Cách Mạng của cấp trên chỉ thị. Thứ hai, khi trên đường rút lui, do không thể đem theo tù nhân, nên phải giết. Loan nói, người Cộng Sản chúng tôi có chủ trương thà giết lầm còn hơn bỏ sót."

Và, họ đã bị giết ra sao?

"Tôi hỏi tại răng không bắn họ, cho họ viên đạn còn dễ hơn lấy búa, dùng vật cứng đập đầu họ và đẩy xuống hố. Loan nói: Đạn chúng tôi để bắn Mỹ Nguỵ. Đạn đâu để bắn những đám người như vậy."

Một vết thương chưa lành

Rồi đến năm 1975, khi quân đội Bắc Việt tiến vào miền Nam, một lần nữa, những người đã khuất vẫn không được yên nghỉ. Nghĩa trang trên núi Ba Tầng, còn gọi là núi Bân, nơi an táng khoảng 400 thi hài tìm được nơi Khe Đá Mài vùng Đình Môn Kim Ngọc tháng 9 năm 1969 bị đập phá cả tấm bia và các bàn thờ. Linh mục Phan Văn Lợi kể lại.

"Năm 1975, sau khi chiếm được miền Nam, Cộng Sản đã phá ngay tấm bia dựng ở phía sau và phá hai bàn thờ nằm ở phía trước. Từ đó về sau, người ta có đến cũng chỉ đến trong âm thầm lặng lẽ hoặc cá nhân mà thôi, không dám công khai."

Đã 40 năm trôi qua kể từ Biến Cố Mậu Thân 1968, vụ thảm sát vẫn là một vết thương chưa lành, vẫn còn là đau mỗi khi trái gió, trở trời. Người dân Huế sẽ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục vươn lên, đó cũng chính là cá tính của người dân đất thần kinh.

"Thân nhân bị mất, tài sản bị mất, trong một hoàn cảnh như vậy, nhưng người Huế khi nào họ cũng cố gắng vươn mình lên để sống. Thành ra, đời sống ở Huế trở lại rất là nhanh. Khoảng 5, 6 tháng sau, đời sống trở lại bình thường."

Riêng đối với người dân Huế, với sông Hương, với núi Ngự, với Nam Dao, với thành vách kinh thành cũ, mùa Xuân 1968 vẫn luôn luôn là một ngày đại tang. Đến bao giờ, công lý và công bằng sẽ được trả lại cho người đã chết?

Đến đây là kết thúc bài thứ 5, cũng là bài cuối cùng trong chương trình phát thanh tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế năm 1968. Tưởng cũng xin nhắc lại những gì đã được trình bày trước đây, cuối cùng, sẽ không một ai có đầy đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi: ai, bằng cách nào, và tại sao đã giết nhiều ngàn người Huế chỉ trong vòng vỏn vẹn chưa đến 1 tháng?

Có lẽ, chỉ có người dân Huế, với tư cách là nạn nhân của thảm kịch, mới có quyền đòi hỏi công lý, đòi hỏi sự phán xét, và cả quyền đưa ra những lên án. Loạt bài tưởng niệm Biến Cố Mậu Thân tại Huế, xin hãy được xem là một nén hương, được thắp lên, để tưởng niệm những người đã chết, và cũng để chia buồn cùng tất cả những thân nhân đang còn sống, trong một biến cố đã bị chính quyền Hà Nội giữ kín gần nửa thế kỷ qua.