Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Những cổ phiếu VN có giá… 3.000 đồng

http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CGCBCC/nhung-co-phieu-co-gia--3-000-dong.html

24/05/2011 08:22:10
Rủi ro lớn nhất với các cổ phiếu nhỏ vẫn là tính thanh khoản

(ĐTCK-online) Giữa một cốc trà đá, một lần gửi xe và một cổ phiếu liệu có mối liên hệ nào chung? 6 tháng trước đây, thật khó để đưa ra câu trả lời. Nhưng hiện tại, đáp án quá đơn giản: chỉ với 3.000 đồng, cả ba nhu cầu đều được đáp ứng! 27 tháng trước đây, khi hai chỉ số chứng khoán tạo đáy, mã cổ phiếu thấp nhất vẫn có giá 4.800 đồng. Vậy có cơ may nào với các cổ phiếu đang được bán đại hạ giá hiện nay?

Bài 1: Cổ phiếu của các "ông lớn" lâm nạn

Thua lỗ và sa lầy

CTCP Basa (BAS) thua lỗ 8/10 quý gần nhất và đang bị tạm ngưng giao dịch. CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP) thậm chí lặp lại điệp khúc thua lỗ 9/10 quý và vừa mới được giao dịch trở lại. Ở dạng bị kiểm soát, CTCP Full Power (FPC) thua lỗ 3 năm liên tiếp. Trước đó, FPC bị ngưng giao dịch tới 7 tháng. CTCP Vitaly (VTA) bị buộc hủy niêm yết từ ngày 31/5 do thua lỗ 3 năm liên tiếp. ĐHCĐ CTCP Containner Phía Nam (VSG) vừa thông qua kế hoạch… lỗ tiếp sau khi đã "cầm đèn đỏ" suốt 7 quý. Cổ phiếu VSG cũng đang trong diện bị cảnh báo.

Hai năm 2008 và 2009, CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) lỗ lũy kế 226 tỷ đồng. Có vốn điều lệ 275 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu của TRI giờ đây teo tóp chỉ còn 57 tỷ đồng. Năm 2010, Công ty lãi 3,6 tỷ đồng. Thế nhưng, con số này không thuyết phục, khi lợi nhuận xuất phát từ việc chuyển nhượng vốn góp. Ở hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, TRI vẫn lỗ 62 tỷ đồng. Đầu năm nay, Công ty vừa báo lỗ thêm 9 tỷ đồng.

Tương tự, sau 7 quý kinh doanh không hiệu quả, tới quý IV/2010, FPC báo lãi 4,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của FPC phần lớn đến từ việc thanh lý tài sản. Chưa nộp báo cáo tài chính quý I/2011, chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên, nhưng năm nay Ban lãnh đạo FPC cam kết sẽ có lãi. Giải pháp chính vẫn chỉ là bán tài sản. Ngoài việc chuyển nhượng khu đất ở Bình Dương và Bắc Ninh (ước thu về gần 50 tỷ đồng), tới đây FPC lên kế hoạch chuyển nhượng gần 220 tỷ đồng vốn góp ở một số liên doanh và công ty con. Giải pháp kém thuyết phục nên kể từ khi được phép giao dịch trở lại, giá cổ phiếu FPC giảm liên tục, hiện chỉ còn 2.900 đồng/CP.

Giống như TRI, FPC, hoạt động bán tài sản lan rộng, đặc biệt với nhóm công ty đang "cầm đèn đỏ" khác: BAS lên kế hoạch bán Nhà máy Basa 2 (ước thu về 36 tỷ đồng); VKP lên kế hoạch bán 2,2 héc-ta đất tại Khu công nghiệp Tân Đức - Long An; sau khi thanh lý tàu cũ, CTCP Hàng hải Hà Nội (MHC) sẽ tính tới chuyện chuyển nhượng bất động sản… Có thể thấy, áp lực lợi nhuận và nguy cơ bị hủy niêm yết đang đè nặng lên khối các công ty thua lỗ triền miên.

Điều gì dẫn đến sự đi xuống và sa sút kéo dài của một loạt DN, khiến cổ phiếu rẻ hơn rau? Đầu tiên là khó khăn khách quan từ biến động môi trường kinh doanh. Chẳng hạn, trong các cổ phiếu giá rẻ, nhóm vật liệu xây dựng chiếm tỷ lệ áp đảo. Đây là nhóm ngành trong điều kiện bình thường có tỷ suất lợi nhuận biên khá thấp. Bởi vậy, mỗi biến động nhỏ về lãi suất hay nguyên liệu đầu vào đều khiến các công ty như Vitaly, Gạch men Thanh Thanh (TTC), Gạch men Chang Yih (CYC) lĩnh đủ. Tương tự, NĐT tháo chạy khỏi một số cổ phiếu thủy sản (BAS, CAD) và hàng hải (MHC, DDM) khi hoạt động kinh doanh các công ty lâm nạn suốt 3 năm khủng hoảng.

Sa lầy còn xuất phát từ một loạt nguyên nhân mang tính chủ quan. Quý IV/2008, TRI công bố mức lỗ gây sửng sốt cho thị trường, nhưng thực chất, đó chỉ là phần vỡ ra của các "ung nhọt" tích tụ. Vài năm trước đó, khi "thay máu" cổ đông, TRI đã không được tái cấu trúc triệt để về nhân sự lãnh đạo cao cấp. Đối với VTA, sự thua lỗ triền miên dẫn tới hệ quả sắp phải rời HNX xuất phát từ sai lầm trong việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đầu tư thiết bị vào năm 2007 của ban lãnh đạo cũ. Còn VKP thì đang chịu gánh nặng lãi suất và chi phí khấu hao, khi đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị không hợp lý vào năm 2009. Có thể nói, sự mất giá của các cổ phiếu giá thấp chủ yếu đến từ tình trạng quản trị DN yếu kém.

 

Giá cổ phiếu phá đáy

Cổ phiếu của các DN thua lỗ, sa lầy không phải là địa hạt để gặt hái lợi nhuận. Tất cả các cổ phiếu giá cực thấp đều đã phá đáy dài hạn trước đây. Tuy nhiên, ở nơi các NĐT cá nhân chiếm số đông và hoạt động đầu cơ mang tính thường nhật như TTCK Việt Nam, thì giá cổ phiếu lên xuống phụ thuộc vào dòng tiền nhiều hơn các nguyên tắc giá trị. Bởi vậy, các cổ phiếu trên dù không thuyết phục về yếu tố cơ bản, vẫn có sức hấp dẫn riêng. Nếu hoạt động kinh doanh xoay chuyển, mức P/E cao ngất hiện nay lập tức hạ xuống, cổ phiếu trở nên hấp dẫn. Xét về khả năng đầu cơ, xác suất để các cổ phiếu có giá 3.000 đồng tăng gấp đôi cao hơn hẳn so với các blue-chip nặng nề.

Rủi ro lớn nhất với các cổ phiếu nhỏ vẫn là tính thanh khoản. Trong điều kiện bình thường, các mã này có giao dịch kém sôi động. Một số mã đang bị hạn chế giao dịch, số khác thậm chí đứng trước nguy cơ bị dừng niêm yết. Trong quá khứ, khi làn sóng đầu cơ qua đi, các cổ phiếu nhỏ thường mất thanh khoản. Các cổ phiếu giá 3.000 đồng hiện nay khá giống với các mặt hàng được bán "sale off" mùa đại hạ giá. Nếu chỉ mua vì giá thấp, rất có thể NĐT mang về nhà một món đồ không có giá trị sử dụng.



Giang Thanh

Cổ phiếu VN giá thấp: Nhiều giá trị bị ruồng bỏ

http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CGCCAF/co-phieu-gia-thap:-nhieu-gia-tri-bi-ruong-bo.html

6/05/2011 07:59:16
Trong thời điểm này, nếu biết đãi cát tìm vàng, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được những món hời

(ĐTCK-online) Với mức giá hiện tại của cổ phiếu, nhiều công ty tính ra có mức vốn hóa không bằng lượng tiền mặt công ty đang có, chưa kể các tài sản khác.

>> Những cổ phiếu có giá... 3.000 đồng

>> Cổ phiếu của các "ông lớn" lâm nạn

 

Mới đây, một nhóm NĐT có tiềm lực tài chính đã tới một DN niêm yết trên HNX và đề nghị ban lãnh đạo nhượng lại lượng lớn cổ phần với giá cao gấp đôi giá trên sàn. Lý do là nhiều năm qua, DN vật liệu xây dựng có vốn điều lệ 22 tỷ đồng này vẫn tăng trưởng lợi nhuận trên dưới 30%/năm, có nhiều tài sản ngầm, nhưng giá cổ phiếu sắp tụt xuống phân nửa mệnh giá.

Phát hiện ra "món hời", nhưng nhóm NĐT này không thể thu gom trên sàn khi mỗi ngày chỉ vài ngàn cổ phiếu được giao dịch. Nhưng sự hào hứng tắt ngấm khi ban lãnh đạo "ra giá" không gấp đôi mệnh giá không bán (gần gấp 4 giá thị trường). Câu chuyện cho thấy thị trường hiện nay không hoàn toàn phản ánh đúng yếu tố cơ bản về DN. Từ sự hoảng loạn mang tính tập thể, không hiếm các giá trị khác đang bị ruồng rẫy.

 

Tiền mặt

Trong báo cáo phân tích chuyên đề, rất hiếm khi CTCK khuyến nghị trực tiếp cho khách hàng mua… cổ phiếu một CTCK khác. Tuy nhiên, trong báo cáo nhanh về các cổ phiếu triển vọng năm 2011 được phát hành ngày 24/5, CTCK Rồng Việt (VDSC) đã khuyến nghị khách hàng mua vào cổ phiếu KLS của CTCK Kim Long. Cần nói thêm, chỉ có 9/623 cổ phiếu niêm yết được đề cử theo hai tiêu chí. Thứ nhất, nhóm cổ phiếu của các ông lớn như VNM, HPG, DPM… Nhóm thứ hai là các cổ phiếu cơ hội với hoạt động kinh doanh không bị tổn hại nhiều bởi các khó khăn hiện tại. VDSC khuyến nghị mua KLS dựa trên quan điểm "tỷ lệ tiền mặt đang chiếm phần lớn trong cơ cấu tổng tài sản".

Theo KLS, tính đến hết ngày 31/3, Công ty đang nắm giữ hơn 1.800 tỷ đồng tiền mặt. Ngoài ra, KLS hiện nắm giữ 200 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, 250 tỷ đồng cổ phiếu OTC. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch 24/5, vốn hóa của Công ty chỉ còn trên 1.600 tỷ đồng.

Tương tự với KLS, hết quý I, CTCP Cáp Sài Gòn (CSG) thông báo đang có hơn 200 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng. Con số này ngang bằng với giá trị vốn hóa thị trường của Công ty hiện nay. Tính ra mọi thương hiệu, máy móc thiết bị và lượng hàng tồn kho giá rẻ của Công ty được định giá bằng ...0.

Chưa hết, CTCP Sách và thiết bị trường học Long An (LBE) hoàn toàn không vay nợ, tính đến cuối quý I, lượng tiền mặt gửi ngân hàng là 14,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn hóa của Công ty (vốn điều lệ 11 tỷ đồng) chỉ khoảng 8 tỷ đồng - tương đương 60% tiền mặt hiện có!

Về mặt nguyên tắc, đầu tư cổ phiếu không trông chờ vào kịch bản DN phá sản, tài sản được "xẻ thịt" chia cho các cổ đông. Nhưng trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay, các công ty giàu tiền mặt đang có lợi thế so sánh với phần còn lại của thị trường. Nếu môi trường kinh doanh tiếp tục biến động, có thể thực hiện chiến lược phòng thủ gửi ngân hàng.

 

Lợi nhuận và cổ tức

NĐT có thể đánh cược từng ngày, từng giờ với các dao động giá trên thị trường, nhưng về lâu dài, lợi nhuận là thứ duy nhất phát sinh ra các dao động đó. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận của các DN trong mùa ĐHCĐ vừa qua có thể đã sớm trở nên lạc hậu từ sự thay đổi về môi trường kinh doanh hoặc được xây dựng theo kiểu "bánh vẽ". Sẽ hợp lý hơn nếu đánh giá lợi nhuận với cam kết cổ tức tiền mặt trong quá khứ và tương lai. Và nếu tỷ suất cổ tức/thị giá cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng thì đáng để xem xét.

Dựa trên tiêu chí này, thị trường đang rẻ rúng khá nhiều mã. Chẳng hạn, cổ phiếu EID của CTCP Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội có giá 6.500 đồng/CP. Theo dự kiến, EID trả cổ tức tiền mặt trên 15% trong năm 2011, tương đương năm ngoái. Như vậy, bây giờ, nếu mua cổ phiếu sách, NĐT dài hạn có thể hưởng tỷ suất lợi nhuận khoảng 23%. Bên cạnh đó là trông chờ khả năng giá cổ phiếu phục hồi.

Tương tự, cổ phiếu LBE rơi xuống mức 7.000 đồng/CP. Năm ngoái, LBE trả cổ tức tiền mặt 20%, EPS đạt 3.100 đồng. Năm 2011, ngoài lợi thế về tiền mặt, LBE cam kết trả cổ tức tiền mặt tối thiểu 10%; CTCP Bao bì Mỹ Châu (MCP) vừa báo lợi nhuận quý I/2011 tăng gấp 4 so với cùng kỳ, kế hoạch trả cổ tức tiền mặt 18% - cao hơn mức 15% năm ngoái, nhưng giá cổ phiếu đã rớt xuống dưới mệnh giá...

Trong số cả trăm cổ phiếu dưới mệnh giá hiện nay, vài chục mã nhờ các mô hình kinh doanh đặc thù hoặc lợi thế đặc biệt, vẫn đảm bảo duy trì lợi nhuận trong năm 2011, không đáng phải nhận sự ghẻ lạnh. Thế nhưng, rủi ro không nằm ở yếu tố nội tại mà mang tính hệ thống từ sự sụt giảm chung của thị trường, khi các cổ phiếu hàng đầu cũng trở nên rẻ tương đối. Tuy nhiên, khác với những cổ phiếu ngang giá một cốc trà đá, vẫn có các cơ hội đâu đó với các mã thị giá thấp, tương tự việc thi thoảng nếu tinh mắt, ta vẫn có thể lựa được vài món đồ có giá trị sử dụng trong đám hàng hóa "sale off".

 



Giang Thanh

Chứng khoán lại giảm điểm, nhà đầu tư mất niềm tin

SGTT.VN - Thời điểm thu hẹp tín dụng phi sản xuất xuống dưới 22% đang đến gần, trong khi các yếu tố hỗ trợ cho thị trường vẫn chưa có gì sáng sủa càng làm cho áp lực giải chấp mạnh hơn. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu cũng không còn đủ kiên nhẫn trước áp lực bán tháo quá lớn của các công ty chứng khoán, đã gia nhập vào đội ngũ làm cho "đợt khủng hoảng" lan rộng hơn bao giờ hết.

Phiên thứ 10 lao dốc

Qua nhiều phiên thị trường rơi vào tình cảnh bán tháo, cơ quan quản lý vẫn chưa có tiếng nói chính thức hoặc bình luận nào, trong khi nhà đầu tư thì không ngừng than vãn.

Khép lại phiên giao dịch chứng khoán ngày 25.5, thị trường tiếp tục trượt dài, đánh dấu phiên thứ 10 liên tiếp cổ phiếu bị bán tháo mạnh. Thị trường tiếp tục dò đáy, khối lượng giao dịch giảm 10% so với phiên trước. Vn-Index giảm 10 phiên liên tiếp, HNX-Index phiên thứ 12 mất điểm.

Cuối phiên, VN-Index giảm đến 16,23 điểm, cao hơn nhiều so với các phiên trước đó và đóng cửa tại 386,36 điểm. Như vậy, thị trường chỉ còn hơn 8 điểm là sẽ chạm mốc 380 điểm mà nhiều công ty chứng khoán đã từng hô hào trong nửa cuối của năm 2010. Tuy nhiên, với diễn biến và tâm lý thị trường hiện tại thì việc tiếp tục giảm dưới mốc này là hoàn toàn có thể. Trên bảng điện tử của HOSE cuối phiên có đến 244 mã cổ phiếu giảm giá, trong đó 187 mã giảm hết biên độ. Ở chiều ngược lại chỉ có 26 mã tăng và 17 mã đứng giá. Thanh khoản có sự tăng trưởng vào đầu phiên, nhưng từ giữ phiên bên mua đã chựng lại do xu hướng bán tháo vẫn còn quá lớn. Kết quả là thanh khoản sụt giảm mạnh, đặc biệt đối với giao dịch khớp lệnh. Thống kê cho thấy, có tổng cộng 35,54 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trị giá 673,87 tỉ đồng, nhưng giao dịch thỏa thuận đã chiếm 6,72 triệu đơn vị và 111,3 tỉ đồng.

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index mất 2,87 điểm, tương ứng 3,99% và chốt tại 69,01 điểm. Thanh khoản tại sàn này cũng giảm đến 11,37% về mặt khối lượng chỉ còn 31,18 triệu đơn vị, giá trị giao dịch giảm 12,16% còn 321,26 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu giảm giá chiếm hơn 3/4 toàn sàn với 292 mã, trong đó số lượng giảm kịch sàn chiếm đến 235 mã.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng

Phiên giao dịch hôm nay trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng, khối lượng và giá trị bán ròng tăng, trong đó giá trị tăng mạnh khi cổ phiếu VIC bị bán mạnh. Cụ thể, khối ngoại bán ra 3.917.970 chứng khoán với giá trị trên 154 tỉ đồng, tăng 15% về giá trị so với phiên giao dịch trước đó và mua vào 3.043.570 chứng khoán với giá trị hơn 91 tỉ đồng. Phiên này khối ngoại tiếp tục bán ròng với hơn 0,8 triệu chứng khoán và giá trị bán ròng là hơn 63 tỉ đồng.

Còn trên sàn Hà Nội, khối ngoại tăng mạnh bán ra và cũng đã bán ròng trên sàn này, cổ phiếu bán ra chủ yếu là các của công ty chứng khoán.

Diễn biến thị trường trong phiên này nhìn chung theo xu hướng giảm của các phiên trước. Theo một số ý kiến, cơn lốc giải chấp này có dụng ý đẩy thị trường giảm sâu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phiên thứ 10 thị trường rơi vào tình cảnh bán tháo, cơ quan quản lý vẫn chưa có tiếng nói chính thức hoặc bình luận nào, trong khi nhà đầu tư thì không ngừng than vãn.

Bảo Anh

Lùi thời gian xử phạt "hộp đen" đến 1.7.2013

SGTT.VN - Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của nghị định 33 mà Chính phủ vừa ban hành, có hiệu lực từ 30.6, về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 34 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Hộp đen được gắn trên xe. Ảnh: Thiện Minh

Khoản 5, điều 1 nghị định 33 nêu rõ: Bổ sung khoản 7 điều 57 (nghị định 34): về việc xử phạt đối với người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, khoản 6 điều 26, điểm d khoản 3 điều 27 nghị định này được thực hiện từ ngày 1.7.2013"

Cụ thể, quy định phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định.

Trước đó, như Sài Gòn Tiếp Thị đã thông tin, thứ trưởng bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết, dù lùi thời điểm xử phạt (đến 1.7.2013 - PV) song việc triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình vẫn phải tiến hành đúng tiến độ từ 1.7.2011 như nghị định 91 và cơ quan quản lý vận tải sẽ kiểm soát việc này thông qua đăng ký, cấp phép kinh doanh vận tải.

Theo báo cáo của tổng cục Đường bộ Việt Nam (bộ GTVT), có 16.203 phương tiện (8.828 xe khách và 7.375 xe tải) của 1.537 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải lắp hộp đen trước ngày 1.7.2011 theo quy định của nghị định 91/NĐ-CP.

Chí Hiếu

Quảng Ngãi: Một tàu đánh cá VN bị nước ngoài tịch thu tài sản

SGTT.VN - Lúc 15 giờ chiều nay 25.5, tin từ UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho hay: một tàu đánh bắt hải sản của ngư dân trong xã bị Trung Quốc bắt, tịch thu tài sản trên tàu.

Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi (ảnh minh hoạ). Ảnh: Phạm Anh

Đó là tàu cá QNg 90 016 của ông Phạm Hà, khi hành nghề lặn hải sâm ở khu vực biển quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu kiểm ngư Trung Quốc mang số 309 bắt. Theo lời kể của ông Hà, ngày 9.5 tàu cá này và 8 ngư dân bị cán bộ kiểm ngư Trung Quốc khống chế, bịt mắt và tịch thu toàn bộ tài sản trên tàu (trị giá khoảng 200 triệu đồng). Ông Hà sau khi được thả (ngày 9.5) đã mượn trang thiết bị tàu bạn để làm một chuyến cá, đến nay mới về và trình báo vụ việc với UBND xã ngày 25.5.

Trao đổi với chúng tôi, đại tá Bùi Phụ Phú, phó chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết: "Trường hợp tàu của ông Hà bị tịch thu tài sản, đơn vị biết được khi ông Hà đi xong phiên biển trở về đất liền báo cáo lại".

PHẠM ANH

Nguy cơ vỡ nợ tín dụng chứng khoán VN

SGTT.VN - Gần 11.200 tỉ đồng khoản phải thu của các công ty chứng khoán (CTCK) cùng với lo ngại về việc phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi tại nhiều CTCK đã khiến cho lo lắng về tình trạng nợ xấu của các khoản cho vay chứng khoán có thể gia tăng.

Không chỉ có vậy, nghi án lãnh đạo một CTCK bỏ trốn để lại khoản nợ hơn 100 tỉ đồng do thua lỗ từ những tài khoản mà mình bảo lãnh càng khiến cho thị trường trở nên u ám. Song song với đó là việc chỉ số chứng khoán hai sàn đang sụt giảm mạnh. Áp lực bán cổ phiếu thu hồi nợ ngày càng lớn hơn. Áp lực thu hồi vốn này không chỉ diễn ra đối với CTCK mà còn cả đối với các ngân hàng.

Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các CTCK đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các NHTM, thì sự sụp đổ của các CTCK ắt sẽ liên lụy đến hệ thống ngân hàng. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Hiện nay, các khoản cho vay chứng khoán trên thị trường chủ yếu được tài trợ bằng hai nguồn vốn, đó là nguồn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và nguồn vốn vay từ các CTCK.

Các NHTM có thể cho vay đầu tư chứng khoán đối với các CTCK và các nhà đầu tư chứng khoán. NHTM cho CTCK vay có thể thông qua hạn mức hoặc qua cầm cố các chứng khoán. Theo thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán của TLS, CTCK có thị phần môi giới lớn nhất năm 2010, các khoản vay nợ ngắn hạn lớn nhất của công ty chủ yếu là vay nợ ngân hàng và các công ty tài chính. Giá trị các khoản vay này lên tới 3.320 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn của TLS. Ngoài ra, các NHTM còn cho các nhà đầu tư vay để kinh doanh chứng khoán dưới hình thức cầm cố cổ phiếu hoặc cầm cố các tài sản khác để lấy tiền kinh doanh chứng khoán. Không những thế, nhiều khách hàng còn vay ngân hàng với mục đích vay tiêu dùng để có thể có dòng tiền đầu tư chứng khoán. Theo số liệu từ báo Đầu tư chứng khoán ngày 9.3.2011, tổng dư nợ các loại tín dụng mà các NHTM cấp cho hoạt động đầu tư chứng khoán đến cuối năm 2010 ước khoảng gần 10.000 tỉ đồng.

Cho vay chứng khoán gồm những khoản nào?

Trong khi đó, nguồn vốn mà các CTCK cho vay lại đối với thị trường cũng không phải là nhỏ. Theo số liệu từ VnEconomy ngày 4.5.2011, tổng số khoản phải thu đến hết quý 1/2011 của một số CTCK lên đến 11.202 tỉ đồng. Con số thực tế về các khoản cho vay của CTCK có thể còn cao hơn nữa khi mà nhiều CTCK còn cho vay lách dưới hình thức các hợp đồng đầu tư ngắn hạn hay các khoản mục khác trên bản báo cáo tài chính. Trên báo cáo kiểm toán 2010 của TLS, giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn của TLS cũng lên tới 634 tỉ đồng, trong đó có các khoản mục: hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty đầu tư tài chính Thăng Long, các hợp đồng ba bên hợp tác hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh thu lợi tức cố định với cá nhân, cổ phiếu đầu tư của công ty theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân… Một loạt các hình thức hợp đồng khác nhau nhưng về bàn chất thì có thể đều là các hợp đồng mà CTCK tài trợ tiền đầu tư chứng khoán cho khách hàng.

Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các CTCK đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các NHTM, thì sự sụp đổ của các CTCK ắt sẽ liên lụy đến hệ thống ngân hàng. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt phải lưu ý trong thời gian tới.
Để có nguồn tài trợ như vậy, ngoài việc CTCK vay tiền từ ngân hàng, vay các tổ chức khác, nguồn vốn chủ sở hữu thì còn có một nguồn vốn khác là huy động từ các khách hàng cá nhân dưới các dạng hợp đồng khác nhau với lãi suất huy động rất cạnh tranh so với NHTM. Trong thời điểm từ đầu năm 2011 đến nay, khi mà trần lãi suất huy động 14% vẫn tiếp tục được giữ nguyên thì nhiều CTCK đã tìm cách thu hút nguồn tiền từ tài khoản của các nhà đầu tư tạm thời chưa đầu tư và sử dụng nguồn tiền này để tự mình thực hiện cho vay. Hiển nhiên, tài sản cầm cố để đảm bảo cho các khoản vay này cũng chỉ là cổ phiếu.

Áp lực thu hồi các khoản cho vay

Chỉ thị 01 của NHNN yêu cầu các NHTM phải giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất xuống dưới mức 22% vào cuối tháng 6.2011 và tiếp tục giảm xuống mức 16% vào cuối năm nay. Do việc tài trợ vốn cho các khoản vay bất động sản, tiêu dùng thường kéo dài lâu hơn cho vay chứng khoán nên các NHTM sẽ tập trung vào việc thu hồi nợ các khoản cho vay này. Những khoản cho vay lớn qua các CTCK có giá trị lớn và cho vay các khách hàng đầu tư chứng khoán sẽ được NHTM chú trọng.

Còn đối với các CTCK, khi bị NHTM thu hồi các khoản cho vay, các CTCK này sẽ buộc phải giảm việc tài trợ vốn đầu tư cho khách hàng, thu hồi các khoản cho vay trước khi đáo hạn thông qua việc giảm tỷ lệ cầm cố cổ phiếu của các nhà đầu tư. Với việc giá cổ phiếu giảm mạnh từ đầu năm đến nay, cụ thể HNX-Index đã giảm 37%, VN-Index giảm trên 16%, thì nhiều cổ phiếu đã ở ngưỡng giải chấp. CTCK tiếp tục yêu cầu nhà đầu tư phải bán cổ phiếu để thu tiền về.

Những rủi ro khi gửi tiền cho CTCK ngày càng gia tăng khi đã có trường hợp, khách hàng kiện CTCK vì việc không trả lại tiền làm cho khách hàng lo ngại và rút khoản tiền gửi tại CTCK theo hình thức hợp tác đầu tư. Nhà đầu tư rút tiền gửi CTCK theo hình thức hợp tác đầu tư giống như việc khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Do không phải là ngân hàng, CTCK không thể tiếp cận trực tiếp ngân hàng Nhà nước để xin hỗ trợ thanh khoản, nên nếu như có nhiều khách hàng đồng thời rút tiền, khả năng mất thanh khoản tại các CTCK hoàn toàn có thể xảy ra.

Vòng xoáy giải chấp

Để đảm bảo thanh khoản, các CTCK buộc phải bán chứng khoán từ doanh mục tự doanh cũng như danh mục cổ phiếu repo của khách hàng bất chấp việc giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch xuống rất thấp. Đối với các nhà đầu tư, do thị trường giảm sâu, cộng với lãi suất đối với lĩnh vực phi sản xuất tăng cao lên mức 24 – 25%, nên nhiều nhà đầu tư đã quyết định cắt lỗ để trả nợ gốc và lãi các NHTM. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa sáng sủa thì càng có nhiều nhà đầu tư chán nản. Khi mà không những chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà cả nhà đầu tư tổ chức đồng thời phải xả hàng cắt lỗ thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức rơi vào vòng xoáy suy giảm.

Vì không có dòng tiền mới vào thị trường nên bất chấp giá đã giảm sâu khối lượng giao dịch vẫn ở mức rất thấp, hiện chỉ còn ở mức 30 triệu cổ phiếu/phiên, giảm còn 1/3 so với khối lượng giao dịch trong thời kỳ thị trường bùng nổ. Chỉ số VN-Index đã trải qua tới chín phiên giảm điểm còn HNX-Index cũng trải qua hơn mười phiên giảm điểm, với tốc độ tăng dần. Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư có bán hết cổ phiếu cũng không đủ để trả nợ cho CTCK. Nhiều tài khoản vô chủ xuất hiện để mặc cho CTCK tự xử lý. Đây có lẽ là lý do khiến cho chủ tịch HĐQT của CTCK Hà Thành đã phải bỏ trốn khi các tài khoản mà ông này bảo lãnh đều thua lỗ đến hơn 80 tỉ đồng.

Hệ luỵ tới hệ thống tài chính

Như vậy, khởi đầu từ việc các NHTM thu hẹp cho vay chứng khoán, dẫn đến các CTCK cắt lỗ, rồi đến lượt các nhà đầu tư rút tiền khiến dòng tiền vào thị trường bị rút ra ngày một nhiều, tất cả tạo thành một vòng xoáy suy giảm chưa có hồi kết.

Nợ xấu gia tăng của các CTCK ảnh hưởng gián tiếp đến các NHTM. Các CTCK không phải là ngân hàng nhưng trong thời kỳ khó khăn về vốn lại thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ như một ngân hàng từ nhận gửi huy động và cho vay. Tất cả các hoạt động này được hợp thức hoá qua hợp đồng uỷ thác và repo hay đòn bẩy tài chính. Song, điểm khác biệt là tài sản đảm bảo chỉ là cổ phiếu và khi thị trường giảm thì tài sản đảm bảo trở thành tài sản khó phát mại vì giá trị quá thấp. Khi khách hàng rút vốn, CTCK có khả năng bị mất thanh khoản và không thể trả các khoản vay gốc cũng như lãi cho các NHTM đúng hạn.

Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các CTCK đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các NHTM, thì sự sụp đổ của các CTCK ắt sẽ liên luỵ đến hệ thống ngân hàng. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt phải lưu ý trong thời gian tới.

Nguyên Minh Cường

'Có thể truy tố lãnh đạo địa phương để xảy ra tai nạn nghiêm trọng'

Ông Trần Văn Cừu. Ảnh: Đ.Loan
Ông Trần Văn Cừu. Ảnh: Đoàn Loan.

Nhấn mạnh đến sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo địa phương trong vụ chìm tàu Dìn Ký nhưng ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Đường thủy nội địa cũng thừa nhận, cần nâng tiêu chuẩn an toàn khi đăng kiểm du thuyền, nhà hàng nổi.
>Hàng loạt sai phạm trong vụ chìm tàu Dìn Ký/ Buổi sinh nhật định mệnh trên nhà hàng nổi Dìn Ký

- Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân vụ chìm tàu Dìn Ký bước đầu được cơ quan chức năng đã đưa ra?

- Nguyên nhân chủ yếu gây chìm tàu là mưa dông, gió, trong khi tàu cao quá, trọng tâm cao nên khi gặp lốc xoáy thì dễ lật. Về mặt nghiệp vụ các chuyên gia nghi ngờ người điều khiển khi quay tàu trở lại đã bẻ lái gấp, nên dễ bị lật, song đây chỉ là phỏng đoán còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của Công an Bình Dương.

Ngoài ra, việc mở bến tàu không phép, người lái không có văn bằng, tàu hết hạn đăng kiểm 3 tháng đều là tác nhân gây tai nạn.

- Bến tàu du lịch Dìn Ký hoạt động không phép sau nhiều năm, nhiều ý kiến cho rằng do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, ông nghĩ sao?

- Không chỉ một bến này mà còn nhiều bến khác trên cả nước hoạt động trong tình trạng không phép. Tỉnh Bình Dương đã khẳng định vị trí đó không thể làm bến tàu vì có điểm nước xoáy và Cục Đường thủy nội địa cũng không cấp phép hoạt động cho bến này. Tháng 3, Công an Bình Dương đã đến xử lý, xử phạt 1,5 triệu đồng đối với chủ doanh nghiệp Dìn Ký và đình chỉ hoạt động. Do vậy, lỗi vi phạm chính thuộc về chủ bến và chủ phương tiện.

Tuy nhiên, cũng có thể cho rằng cơ quan chức năng địa phương xử lý không kiên quyết dẫn đến chủ bến tái phạm. Nghị định 09 đã quy trách nhiệm lãnh đạo địa phương để xảy ra tai nạn nghiêm trọng có thể bị truy tố.

tau Din Ky
Con tàu Dìn Ký sau khi được trục vớt. Ảnh: Nguyệt Triều.

- Mức xử phạt hiện nay được đánh giá là thấp, không đủ sức răn đe người vi phạm. Là cơ quan tham mưu, Cục đã có đề xuất thế nào?

- Chế tài xử phạt theo nghị định 09 về xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường thủy có nhiều mức xử phạt thấp, song nếu sửa đổi tăng mức phạt thì nhiều nhà quản lý vĩ mô lại lo ngại ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Cục Đường thủy nội địa đã trình bản sửa đổi Nghị định lên Chính phủ song các ý kiến về mức xử phạt lại là vướng mắc lớn nhất nên chưa được thông qua.

- Người dân đang rất lo ngại về tình trạng mhiều tàu thuyền gỗ cơi nới, sửa chữa lại để kinh doanh du lịch, nhà hàng. Ông nói gì về tính an toàn của các tàu gỗ này?

Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu các tỉnh thành tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa, trọng tâm là vận chuyển khách du lịch bằng tàu gỗ, tàu du lịch nhiều tầng, nhà hàng nổi; cương quyết đình chỉ phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, người điều khiển không có bằng chứng chỉ chuyên môn, đình chỉ các bến khách không an toàn, hoạt động trái phép.

- Tàu được cơi nới sửa chữa đều phải được đăng ký đăng kiểm. Nếu đảm bảo quy định của luật pháp, đủ điều kiện an toàn sẽ được lưu thông. Đương nhiên tàu gỗ thì trọng lượng nhỏ và có chiều cao thì mức ổn định sẽ kém hơn các tàu có trọng lượng lớn, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn hơn các tàu sắt. Theo tôi, cần hạn chế hoạt động của tàu gỗ.

Con tàu Dìn Ký vừa là du thuyền, vừa là nhà hàng ăn uống, khác với nhà nổi còn là nơi lưu trú. Thực tế, qua hai vụ tai nạn du thuyền ở Quảng Ninh và Bình Dương, tôi nhận thấy nguyên nhân tai nạn không phải do tiêu chuẩn kỹ thuật mà là do con người. Phương tiện đã hết đăng kiểm song vẫn cho hoạt động, người lái không có bằng vẫn lái tàu.

Năm 2010, qua kiểm tra, cả nước có 156.678 người lái có chứng chỉ chuyên môn trong số hơn 553.000 người lái tàu thuyền, chiếm 28%. Con số này cho thấy tỷ lệ người có văn bằng đạt thấp, phần lớn là lái tàu thuyền dưới 12 chỗ ngồi.

- Sau vụ tai nạn đường thủy tại Bình Dương, Cục đường thủy nội địa rút ra những kinh nghiệm gì?

- Qua 2 vụ tai nạn ở Hạ Long và Bình Dương, chúng ta cần tính đến tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Trước đây, hệ số an toàn từ 1,2 đến 1,5 song nay có thể sẽ nâng lên đến 2. Tuy nhiên, hệ số an toàn sẽ dẫn đến đầu tư đóng tàu sẽ cao hơn, đây là một vấn đề kinh tế xã hội lớn cần nghiên cứu kỹ.

Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn công tác gồm các cục vụ như đăng kiểm, đường thủy, an toàn giao thông… vào Bình Dương để kiểm tra. Sau đó, chúng tôi sẽ nhắc nhở các địa phương rút kinh nghiệm từ hai vụ việc trong quản lý nhà nước, an toàn phương tiện, bến thủy. Về lâu dài, Bộ sẽ kết hợp với Tổng cục Du lịch có văn bản quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn an toàn của các loại du thuyền, nhà nổi.

Ngày 17/2, tàu du lịch Trường Hải bị chìm tại vịnh Hạ Long làm 12 người chết, nguyên nhân là máy trưởng không đóng van ở ống thông sông lấy nước hai bên mạn tàu, khiến nước chảy vào khoang buồng máy.

Ngày 20/5, tàu Dìn Ký gặp mưa dông, gió lớn trên sông Sài Gòn đã bị chìm, làm chết 16 người.

Theo Cục Đường thủy nội địa, đến năm 2010, cả nước có 145.675 phương tiện đường thủy được đăng ký, đăng kiểm trong số 153.116 chiếc phải đăng ký đăng kiểm, chiếm 95%. Riêng năm 2009, cả nước đóng mới 20.931 tàu thuyền. Năm 2010, cả nước đóng mới 4.047 tàu thuyền.

Đoàn Loan thực hiện

Khó quy trách nhiệm vụ tàu Dìn Ký !

Cuộc họp kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ giữa đoàn kiểm tra liên ngành Bộ GTVT và các đơn vị tỉnh Bình Dương cho thấy, trách nhiệm đang bị quy cho "sự chồng chéo trong quản lý nhà nước". Các cơ quan chức năng có liên quan vẫn đang đùn đẩy qua lại.

Sáng 25/5, đoàn kiểm tra Liên ngành do ông Cao Kim Phụng - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa phụ trách khu vực phía Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương để mổ xẻ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan tai nạn thương tâm làm chết 16 người.

Ông Cao Kim Phụng. Ảnh: Nguyệt Triều.
Ông Cao Kim Phụng. Ảnh: Nguyệt Triều.

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, trước khi xảy ra vụ tai nạn, Khu du lịch (KDL) Dìn Ký đã nhiều lần bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện một số lỗi vi phạm như tự ý thay đổi tính năng, kết cấu, công dụng của phương tiện...

Cụ thể, thanh tra Sở đã đình chỉ hoạt động 4 chiếc du thuyền của KDL Dìn Ký. Ngày 25/1, lực lượng chức năng đã phát hiện KDL Dìn Ký mở bến thủy nội địa khi chưa được phép của cơ quan thẩm quyền. Lực lượng thanh tra đã đình chỉ hoạt động của bến và phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, KDL Dìn Ký vẫn tiếp tục "lén lút" hoạt động đến khi xẩy ra tai nạn thảm khốc.

Trưởng đoàn kiểm tra Liên ngành Bộ GTVT nhìn nhận, để xẩy ra tai nạn tàu Dìn Ký một phần nguyên nhân là do trong công tác quản lý nhà nước đối với tàu du lịch còn nhiều chồng chéo. Cụ thể, về mặt quản lý vận tải thì do ngành giao thông quản lý, còn việc tàu đó có được hoạt động du lịch hay không, hoạt động thế nào lại do ngành du lịch và địa phương quản lý. Việc quản lý chồng chéo này dễ dẫn đến việc bỏ sót phương tiện không đảm bảo an toàn và khó quy trách nhiệm nếu để sự cố xảy ra.

"Sau vụ tai nạn ở vịnh Hạ Long cách đây hơn 3 tháng khiến 12 người thiệt mạng, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng thông tư liên tịch để quản lý tàu thuyền du lịch", ông Phụng cho biết.

Tàu Dìn Ký được lai dắt để phục vụ điều tra. Ảnh: Nguyệt Triều.
Tàu Dìn Ký được lai dắt để phục vụ điều tra. Ảnh: Nguyệt Triều.

Cũng trong buổi làm việc này, đại diện các cơ quan chức năng liên quan đã cùng bàn bạc, xem xét trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị mình trong công tác quản lý để xảy ra vụ tai nạn… Tuy nhiên, nội dung cuộc họp kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ vẫn chưa được công bố. Cho đến nay trách nhiệm vẫn đang bị đùn đẩy giữa các cơ quan chức năng có liên quan.

"Kết quả buổi làm việc sẽ được tổng hợp báo cáo về Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, sau đó sẽ có những phát ngôn chính thức", một vị có mặt trong cuộc họp cho biết.

Cùng ngày, lúc 10h, cơ quan chức năng đã lai dắt tàu Dìn Ký bị nạn về cảng Bà Lụa (phường Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để phục vụ công tác điều tra.

Chập tối 20/5, chiếc tàu 2 tầng của khu du lịch Dìn Ký, chở theo hàng chục du khách đang dự tiệc sinh nhật con trai giám đốc Quách Lương Tài thì gặp mưa to kèm gió lớn. Tàu quay đầu về bến, cách bờ chừng 100 m tàu thì lật ngang khiến 16 người trong đó có 6 trẻ nhỏ đã bị thiệt mạng.

Đây là vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên một tàu du lịch có số người thiệt mạng nhiều nhất từ trước đến nay

.

Nguyệt Triều - Kim Cúc

Thâm hụt Thương Mại của Việt Nam gia tăng

Thứ Tư, 25 tháng 5 2011
Hình: REUTERS
Tin liên hệ


Mức thâm hụt thương mại của Việt Nam trong tháng 5 đã tăng tới mức cao nhất trong 17 tháng qua, qua đó tăng áp lực với chính quyền phải giải quyết những mất cân bằng trong nền kinh tế.

Bản tin của Bloomberg và Dow Jones viện dẫn các số liệu của Tổng Cục Thống Kê, nói rằng đây là mức thâm hụt cao nhất kể từ hồi tháng 12 năm 2009, hiện ở mức 1,7 tỉ trong tháng 5, so với 1,49 tỉ tháng Tư.

Trị giá hàng xuất khẩu trong tháng 5 cũng tăng so với  tháng trước đó, từ 7,44 tỉ lên tới 7,5 tỉ.

Bloomberg trích lời nhà kinh tế Phạm Chi Lan, cựu cố vấn của Thủ Tướng, nhận định rằng các biện pháp mà chính phủ đã thực hiện để cắt giảm thâm hụt thương mại, là 'vẫn chưa đủ'.

Chính phủ Việt Nam năm nay cho biết là nhằm mục đích cắt giảm thâm hụt, chính phủ sẽ giảm đầu tư công 10%, cắt nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, như xe hơi, mỹ phẩm và điện thoại di động.

Bà Phạm Chi Lan nói giảm nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ không mang lại hiệu quả, bởi vì các mặt hàng này chỉ chiếm từ 10 tới 12% trị giá hàng nhập khẩu.

Nhà kinh tế này cho rằng cần phải xét liệu có bất cứ dự án đầu tư vào lĩnh vực công nào thực sự bị hoãn lại hay không, vì sản lượng công nghiệp tiếp tục tăng, chứng tỏ rằng không có bao nhiêu dự án bị cắt giảm.

Thâm hụt mậu dịch trong tháng Năm đã đẩy mức thâm hụt tổng cộng trong năm lên tới 6,59 tỉ đôla, so với 5,46 tỉ cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, trị giá hàng xuất khẩu từ tháng Giêng tới tháng Năm đã tăng 33% so với một năm trước, lên tới 34,75 tỉ đôla, trong khi nhập khẩu tăng 30%, tới 41,34 tỉ.

Xuất khẩu là nguồn chủ yếu mang đôla về cho Việt Nam, và mức thâm hụt mậu dịch tiếp tục làm xói mòn mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam, được ước lượng vào khoảng 12,2 tỉ vào cuối năm 2010, giảm 53% so với cao điểm là 25,8 tỉ đạt được hồi tháng Hai, năm 2008.

Một giới chức cấp cao thuộc Bộ Công Thương tuần trước nói rằng mức thâm hụt của Việt Nam có phần chắc sẽ giảm, khởi sự từ tháng Sáu hoặc tháng Bảy, giữa lúc các nỗ lực của chính phủ cắt giảm công chi sẽ bắt đầu mang lại kết quả.

Chỉ tiêu của nhà nước là duy trị thâm hụt mậu dịch dưới tỷ lệ 18% tổng doanh thu xuất khẩu trong năm nay.

Bloomberg trích dẫn lời một nhà kinh tế ở Singapore, ông Prakriti So fat thuộc công ty Barclays Capital, tiên đoán lạm phát có nguy cơ đạt từ 22% tới 23% trước giữa năm nay, trước khi giảm xuống.
**
Financial Times, AFP, Dow Jones, Bloomberg

Một người Việt trở thành giám mục giáo phận Melbourne

Thứ Ba, 24 tháng 5 2011
Cha Vincent Nguyễn Văn Long sẽ trở thành giám mục gốc Việt đầu tiên và cũng là giám mục châu Á đầu tiên ở Australia
Hình: vietcatholic.net

Cha Vincent Nguyễn Văn Long sẽ trở thành giám mục gốc Việt đầu tiên và cũng là giám mục châu Á đầu tiên ở Australia


Tin liên hệ
Môt người tỵ nạn gốc Việt đã được Đức Giáo Hoàng Benedictô thứ 16 bổ nhiệm vào chức Giám mục Công giáo tại Giáo phận Melbourne.  

Bản tin hôm 23/5 của ICN cho hay Cha Vincent Nguyễn Văn Long sẽ trở thành giám mục gốc Việt đầu tiên và cũng là giám mục châu Á đầu tiên ở Australia.

Tân Giám mục Vincent Nguyễn Văn Long và gia đình rời khỏi Việt Nam vào năm 1980.  

Năm 1983, Tân Giám Mục Nguyễn Văn Long trở thành Tu Sĩ Dòng Thánh Phanxico và được huấn luyện để trở thành Linh Mục tại Melbourne.

Sau khi chịu chức Linh Mục vào ngày 30 tháng 12 năm 1989, Linh mục Nguyễn Văn Long được gửi sang Roma du học tại Phân Khoa Giáo Hoàng Học Viện Thánh Bonaventure.

Nguồn: ICN, www.cathnews.com

‘Lạm phát phi mã sẽ làm tăng số người nghèo ở VN’

Thưa quý vị, lạm phát ở Việt Nam tháng Năm tăng lên gần 20%, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008, trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn đang chật vật xoay xở với tình trạng giá cả leo thang. Trao đổi với Nguyễn Trung, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định rằng thành tựu xóa đói giảm nghèo của chính phủ Việt Nam cũng sẽ bị tác động trước tình hình kinh tế bất ổn như hiện nay. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam' tuần này.

Một nhân viên ngân hàng đang nhận tiền Đồng

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói 'trong bối cảnh kinh tế như này thì người lao động, người công nhân đã có chính sách tiết kiệm rất là triệt để'.


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết: 'Còn người công nhân thì tiết kiệm đến mức là họ họp lại nhiều người để cùng lập thành một cái bếp, rồi thì chung nhau để ăn. Ở TP. HCM hiện nay đã có những quán chỉ bán cơm thôi, chứ không bán thức ăn, và không ít những người lao động giản đơn thì chỉ có ăn cơm thôi, không ăn thức ăn nữa'.
VOA: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng lạm phát phi mã và chứng khoán trượt giá thời gian qua?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Chỉ số lạm phát tháng Năm đã có giảm so với mức tăng của tháng Tư. Tháng Tư tăng 3,2% thì tháng Năm chỉ tăng có 2,21%. Tức là mức tăng thì đã có chậm lại, nhưng mà tổng mức lạm phát của tháng Năm so với mức của tháng 12 năm 2010 đã lên đến 12% , và mức so với tháng Năm năm 2010, tức là 12 tháng, thì đã lên tới 20%.

Như vậy tức là mức lạm phát cao và không thể xem thường. Có thể dự báo là trong những tháng sắp tới, thì mức lạm phát, tức là mức tăng giá sẽ vẫn còn tiếp tục. Nhưng mà tốc độ tăng có thể sẽ giảm dần. Còn bảy tháng còn lại thì có thể thấy là mức lạm phát năm 2011 sẽ không đơn giản một chút nào.

Bên cạnh đó, do là xiết chặt tín dụng, và xiết chặt chính sách tiền tệ, cho nên thị trường chứng khoán cũng giảm sút liên tục 9 ngày liền, và hiện nay liên tục đạt kỷ lục là những đáy mới. Và vì vậy cho nên là những người, những công ty chứng khoán vay tín dụng để kinh doanh chứng khoán đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Đó là một tình hình hết sức phức tạp.

VOA: Cơ quan Liên Hiệp Quốc từng cho rằng tỷ lạm phát tăng vọt trong năm nay sẽ làm tăng số người nghèo ở Việt Nam. Liệu đánh giá này có quá ảm đạm không, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Với mức lạm phát như thế này, thì số người nghèo sẽ tăng lên và thành tựu xóa đói giảm nghèo của chính phủ có nỗ lực rất lớn thì cũng bị giảm đi. Bởi vì với mức mất giá đến 12%, thu nhập của nhiều người trong thực tế không đủ bù đắp cho mức tăng giá, trong khi giá thực phẩm và lương thực cũng tăng rất cao, vì vậy cho nên đời sống của nhiều  người cũng rất khó khăn.

Đặc biệt, chi phí về y tế cũng tăng lên. Các dịch vụ y tế và giá thuốc cũng tăng lên. Vì vậy cho nên, quốc hội vừa thông qua luật về chữa bệnh. Bộ Y tế cũng sẽ gặp không ít khó khăn về việc thực thi luật này, nếu như không có những nguồn tài chính mới để đổ vào cho ngành y tế.

VOA: Người dân, nhất là những công nhân lao động, nên làm gì trong bối cảnh kinh tế như vậy?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Trong bối cảnh kinh tế như này thì người lao động, người công nhân đã có chính sách tiết kiệm rất là triệt để. Thí dụ như công chức bây giờ mang hộp thức ăn đi đến cơ quan, chứ không còn có ra ăn quán nữa, bởi vì giá ăn một bữa ở quán ăn cũng đã trở nên là quá thu nhập của công chức.

Còn người công nhân thì tiết kiệm đến mức là họ họp lại nhiều người để cùng lập thành một cái bếp, rồi thì chung nhau để ăn. Ở TP. HCM hiện nay đã có những quán chỉ bán cơm thôi, chứ không bán thức ăn, và không ít những người lao động giản đơn thì chỉ có ăn cơm thôi, không ăn thức ăn nữa.

VOA: Ông  Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế độc lập và nguyên là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả, cho rằng 'khó ổn định kinh tế vĩ mô nếu chỉ giải quyết các vấn đề ngọn'. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng là các biện pháp thực hiện nghị quyết 11 của chính phủ cho tới nay mới chủ yếu tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn và mới hạn chế ở các biện pháp hành chính, chưa thấy có những biện pháp cải cách sâu rộng và được thực hiện một cách đồng bộ, có kết hợp giữa các biện pháp kinh tế vĩ mô khác nhau.

Tôi muốn nói đến là cần có cải cách rất là mạnh mẽ về mặt tài khóa, về mặt đầu tư công và đặc biệt tức là phải có cải cách về doanh nghiệp nhà nước. Đấy là những cải cách và tôi nghĩ rằng việc thực thi nghị quyết 11 phải gắn lại với những chủ trương đã được quyết định của Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định chiến lược kinh tế, kế hoạch 5 năm trong đó có đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, có phải tổ chức lại và cơ cấu lại công nghiệp và nông nghiệp, phải cải cách thể chế kinh tế thị trường và thể chế của nhà nước.

Mới đây có cuộc hội thảo kết hợp cải cách chính trị với cải cách kinh tế. Tất cả những điều đó bây giờ đang rất cần thiết để có thể tạo được một sự chuyển biến đồng bộ, mạnh mẽ trong cả bộ máy nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và trong nền kinh tế.

Mời quý vị đọc thêm các bài từng được phát sóng trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam':
'Khó ổn định kinh tế vĩ mô VN nếu chỉ giải quyết các vấn đề ngọn'
Kinh tế VN 2010: 'Lòng tin của người dân đã giảm sút nhiều'
Xin cám ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam' do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

Đôi điều nhắn gửi các cô dâu Việt muốn xuất ngoại

(Dân trí) - Dù không phải ruột thịt, nhưng cùng là người con sinh ra từ mảnh đất hình chữ S, đã có rất nhiều giọt nước mắt xót xa khi biết tin một cô dâu Việt bị chồng Hàn sát hại hôm 24/5 vừa qua. Từ Hàn Quốc, bạn ha viet quan: zz_hvq@yahoo.com chia sẻ:
 >>  Đã xác định được danh tính cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc sát hại
 >>  Lại thêm một cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc sát hại
"Mình đang lao động ở Hàn Quốc. Độc bài báo này sao mình thấy buồn quá. Buồn cho những người con gái Việt Nam sang đây lấy chồng, buồn cho tư tưởng và lối suy nghĩ của những cô gái muốn lấy chồng ngoại để được sung sướng...

 

Các bạn ạ, nếu như các bạn chịu khó lao động thì mình nghĩ ở Việt Nam cũng có thể cho các bạn cuộc sống êm ấm. Còn ở bên này, người Hàn cũng như tất cả người nước ngoài khác, đều lao động rất vất vả thì mới có tiền. Họ không sướng như chúng ta thường xem phim của họ đâu".
 

Vụ án cô dâu Việt - Thạch Thị Hoàng Ngọc bị người chồng mắc bệnh tâm thần người Hàn Quốc sát hại vào tháng 7 năm ngoái đã gây chấn động dự luận.
 
Hay một bạn đọc với nickname Nguyễn: tinhanh_nd2003@gmail.com đã không khỏi bàng hoàng khi biết rằng cô dâu Việt bị sát hại chính là người thân quen của mình.
 
"Nam ơi, Ngọc ơi... Sao lại có thể như thế được. Anh đã rất hiểu tính em, đã khuyên em nhiều điều. Tại sao em không dừng lại? Dù thế nào em cũng phải chịu đựng chứ. Cuộc đời này thật trớ trêu, thật là tàn nhẫn. Em đã ra đi vĩnh viễn thật rồi sao. Anh còn không tin vào chính mình bây giờ nữa, không biết có phải đó là sự thực không nữa. Anh về quê, khi lên mạng thì nhận được tin sét đánh này. Dù đã xa em lâu rồi nhưng lòng anh vẫn đau, anh như mất một cái gì đó. Tại sao lại là Hoàng Thị Nam cơ chứ. Lần cuối cùng em gọi điện cho anh sao em bảo chồng em vẫn đối xử với em tốt lắm cơ mà, tại sao em lại lừa anh như thế. Anh đã có lỗi với em rồi, giờ thì anh ..... Vĩnh biệt em ..."
 
Và lời chia sẻ của độc giả ha viet quan: zz_hvq@yahoo.com cũng chính là lời nhắn gửi của nhiều bạn đọc đến những bạn gái đang có ý định lấy chồng nước ngoài.

 

"Theo tôi, để giảm trình trạng cô dâu Việt bị sát hại như vậy, các cô dâu trước khi kết hôn cần tìm hiểu rõ hơn về người chồng tương lai của mình. Đồng thời ít nhất cũng phải nói được chút ít tiếng Hàn, hiểu phần nào phong tục tập quán Hàn Quốc. Không nên vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu mà vội vàng kết hôn, gửi gắm cả cuộc đời mình cho 1 người chồng xa lạ" - thanh nguyet: monorayo@gmail.com  

 

"Chia buồn với người nhà của nạn nhân. Theo tôi nghĩ, các cô dâu VN trước khi lấy chồng ở xứ người nên tìm hiểu rõ về cuộc sống và hoàn cảnh của người chồng ấy. Ví dụ như anh ta có mắc bệnh gì không, hoàn cảnh gia đình như thế nào..." - minh phong 

traidatinh24_dk@yahoo.com  

 

"Thật tội nghiệp cho cô gái quá. Đã có những cô dâu bị chết oan như vậy rồi, thì liệu những cô gái đang chuẩn bị lấy chồng ngoại quốc vì muốn dổi đời có nên suy nghĩ lại hay không?" - hong hanh: hoaxuyenchi@yahoo.com.vn 

 

"Mình xin chia buồn cùng gia đình cô dâu Việt bị sát hại. Bản thân mình cũng là người đang lao động ở Hàn Quốc, mình thấy rất xót xa cho thân phận những người con gái Việt Nam sang Hàn Quốc lấy chồng. Dĩ nhiên ai cũng hiểu vì sao họ phải sang Hàn. Hầu như tất cả cũng chỉ vì kinh tế, vì muốn đổi đời mà đánh đổi cả hạnh phúc, cả tương lai. Ở nơi đất khách quê người này, ngôn ngữ thì bất đồng, hạnh phúc thì đa số là không có. Nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà càng làm tăng thêm cảm giác chán nản. Đã vậy, lấy một người chồng không hiểu mình, tuổi tác quá chênh lệch thì hỏi mọi người rằng có hạnh phúc không?

 

Thường thì những người đàn ông Hàn Quốc sang VN lấy vợ VN thường là những người bị mắc bệnh trầm cảm, già quá, thần kinh có vấn đề. Tại sao biết vậy mà vẫn chấp nhận lấy, vẫn chấp nhận sang để rồi có những kết cục không ai mong muốn .... Mình chỉ mong rằng những người con gái đang ở VN đừng sang nơi này nữa ..."mít: mituot1302@yahoo.com.vn  

 

"Tôi khuyên phụ nữ Việt Nam chúng ta đừng nên lấy chồng Hàn! ê  chề lắm. Tôi đang ở Hàn Quốc, thấy cảnh những người phụ nữ VN chúng ta bị những ông chồng Hàn Quốc hành hạ mà xót xa! Mong Chính phủ Hàn Quốc có biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, nhất là đối với những người ngoại quốc lấy chồng Hàn!" - thếphú: buituanlong_2910@yahoo.com.vn  

 

Cũng như bao người mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, không còn những câu chuyện thương tâm, không còn những vụ án mạng đau lòng như thế này xảy ra, bạn Trần: matemthatsao_04200@yahoo.com viết:

 

"Mong sao những câu chuyện như thế này được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, để mọi người hiểu thêm về việc kết hôn với người nước ngoài qua các công ty môi giới. Mong sao những câu chuyện buồn như thế này không còn xảy ra nữa. Chị xem hãy suy nghĩ khi muốn kết hôn với người Hàn Quốc thông qua các công ty môi giới".

 

Trước vụ án mạng của cô dâu Việt - Hoàng Thị Nam xảy ra hôm 24/5 vừa rồi thì tháng 7/2010 một vụ án thương tâm gây chấn động cũng xảy ra với cô dâu Việt - Thạch Thị Hoàng Ngọc 20 tuổi bị người chồng mắc bệnh tâm thần giết chết chỉ sau 8 ngày có mặt tại Hàn Quốc.

 

Thiết nghĩ, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với phụ nữ Việt Nam khi lấy chồng nước ngoài, chính phủ cần đưa ra các biện pháp, các quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của cô dâu Việt.

 

Bên cạnh đó cũng cần phải tuyên truyền rộng rãi cũng như mở nhiều lớp học ngắn ngày tìm hiểu về văn hóa, phong tục của nước bạn cho những ai sắp kết hôn với người ngoài.

 

Và cũng không ít người tán thành với chia sẻ của bạn linh: steppy311@gmail.com: 

 

"Thật ra ở đâu chẳng có người này người nọ, ở VN cũng không phải không có những việc thương tâm xảy ra giữa hai vợ chồng. Qua đó ta có thể nhận ra rằng hôn nhân phải dựa trên nhiều cơ sở yếu tố khác, phải biết vượt qua rào cản về ngôn ngữ, văn hóa truyền thống và phải có tính cách, lối sống tốt thì mới có thể đi đến hạnh phúc được".

 

Bách Linh

Bình Dương: Chưa “lần” ra trách nhiệm trong vụ chìm tàu Dìn Ký

(Dân trí) - Đã 4 ngày kể từ khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm lật tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn, các cơ quan chức năng có liên quan vẫn tổ chức nhiều cuộc họp khẩn, song "quả bóng" trách nhiệm vẫn chưa được xác định.
 >>  Lật nhà hàng nổi 2 tầng ở Bình Dương
Cuộc họp giữa các ban ngành diễn ra "bí mật" tại trụ sở Sở GTVT Bình Dương

Sáng 25/5, tại trụ sở Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương diễn ra cuộc họp "bí mật" giữa Cục đăng kiểm, Vụ an toàn, Vụ Vận tải, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, UBND tỉnh Bình Dương, Sở GTVT, Ban An toàn giao thông tỉnh và các ban ngành có liên quan của tỉnh Bình Dương xung quanh vấn đề về vụ chìm tàu Dìn Ký khiến 16 người thiệt mạng.

Đến 12h30 cùng ngày, cuộc họp kết thúc. Tuy nhiên, mọi thông tin chính liên quan đến nguyên nhân vụ chìm tàu và "quả bóng" trách nhiệm vẫn chưa được tiết lộ.

Trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Cao Kim Phụng - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phụ trách phía Nam - cho biết, tất cả mọi vấn đề có liên quan đến vụ chìm tàu đang được điều tra.

Ông Cao Kim Phụng cho biết vẫn chưa rõ trách nhiệm thuộc ngành nào

"Chúng tôi đến họp để ghi nhận biên bản ban đầu của vụ chìm tàu rồi mang kết quả về trình lên lãnh đạo Bộ GTVT xin ý kiến chỉ đạo, xử lý rõ ràng. Sai phạm ngành nào, ngành đó phải chịu trách nhiệm" - ông Phụng khẳng định.

Theo một cán bộ ngành đường thủy nội địa Việt Nam, tàu của doanh nghiệp Dìn Ký đã từng bị xử phạt, buộc ngừng hoạt động tại bến đậu này nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Về việc này, rõ ràng phải xem về trách nhiệm của khâu quản lý và cấp phép. Nếu quản lý chặt, kiên quyết thì bến tàu này không thể hoạt động "lậu".

Ngoài ra, ông Phụng còn cho biết về việc quản lý nhà nước đối với tàu du lịch hiện nay khá chồng chéo. Cụ thể, quản lý về mặt vận tải là do ngành giao thông quản lý; còn việc tàu đó có được hoạt động du lịch hay không, hoạt động thế nào lại do ngành du lịch và địa phương quản lý. Chính từ việc quản lý chồng chéo này sẽ dẫn đến hệ quả phương tiện không đảm bảo an toàn, bị bỏ sót và khó quy trách nhiệm nếu để sự cố xảy ra.

Cũng theo ông Phụng, sau vụ tai nạn ở vịnh Hạ Long (xảy ra vào ngày 17/2/2011 làm 12 người chết), Bộ GTVT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng thông tư liên tịch để quản lý tàu thuyền du lịch.

Trong một diễn biến khác, khoảng 9h sáng 25/5, tàu Dìn Ký số hiệu BD - 0394 đã được kéo về cảnh Bà Lụa (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nhằm phục vụ công tác khám nghiệm các thông số kỹ thuật của con tàu.

Đến 13h chiều cùng ngày, PV Dân trí có mặt tại cảnh Bà Lụa và ghi lại một số hình ảnh của con tàu định mệnh này.

Tàu Dìn Ký neo đậu tại cảng Bà Lụa

Một số hình cận cảnh bên trong con tàu

Khoang máy của tàu

Máy phát điện vẫn nằm bên trong

Buồng lái của tài công

Tầng 2 của tàu Dìn Ký

Một áo phao còn xót lại dính trên nóc nhà

Cầu thang lên xuống

Mạn phải bị bung ra khỏi thân tàu do va đập.

Trung Kiên