Kể từ khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện trên quả đất này thì loài người bắt đầu nghe những luận điệu tuyên tuyền tô vẽ cho cuộc đấu tranh thần thánh của giai cấp vô sản giành lại quyền làm chủ cho lớp người công nông nghèo khó. Họ cổ xuý đấu tranh xóa tan giai cấp bốc lột mang lại cơm no áo ấm cho mọi người và mọi người có quyền sống bình đẳng trong xã hội. Mọi người sẽ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu và cuộc sống ấy chỉ có nơi XHCN. Nhưng sau bao nhiêu năm " tiến lên" cái thiên đường bánh vẽ này được nhà văn Dương thu Hương gọi là
" Những thiên đường mù". Có lần trả lời phỏng vấn của đài LittleSaigon bà nói lên nhận xét của mình về cái xã hội mà bà đã có phần tham gia gầy dựng như sau:
" Tất cả mọi sự phồn hoa bây giờ chỉ là một lớp váng của nồi cháo, tập trung vào những thành phố lớn thôi. Chứ nếu Ông đi ra ngoài khỏi các đô thị lớn vài chục cây số thì Ông sẽ thấy những người nông dân vô cùng khốn khổ, họ kiếm được một ngày vài ba Mỹ kim là khó khăn lắm chứ không phải đơn giản".
(Việt Tide số 23 ngày 21-122001)
1- Tầng lớp nghèo: Giai cấp bị trị
Ở trong một xã hội mà chính quyền miệng luôn nói chủ trương đem lại cơm no áo ấm và công bằng, bình đảng ấy thế mà cuộc sống của người dân vẫn còn chênh lệch một cách thê thảm mà nhà cầm quyền không thể nào khắc phục được. Vẫn còn nhan nhản những đời sống đói nghèo, những bất công và bất hợp lý theo lời kể của một phóng viên trong nước:
" Khi chúng tôi đến xã hỏi thăm thì tất cả mọi người đều thừa nhận, ở xã Kỳ Tây có rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng bi đát nhất là trường hợp của anhThời. Trong túp lều trống hơ trống hoác nằm đơn độc giữa núi rừng hoang vắng của gia đình anh chẳng có gì đáng gía.
" Mặc dù, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như vậy nhưng trong danh sách hộ nghèo của xã Kỳ Tây lại không hề có tên của gia đình anh. Khi chúng tôi đem thắc mắc này hỏi ông Nguyễn Việt Ký, phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây, thì được ông Ký cho biết:" Anh Thời là người có hoàn cảnh quá khó khăn, nhưng do anh không tham gia sinh hoạt xóm và không đóng góp các khoản nên không được bình chọn là hộ nghèo". (Vietnamnet online ngày 7-4-2009)
Tôi còn nhớ rất rõ những năm đầu mới chiếm được miền Nam các chú cán bộ hay lên lớp lếu láo rằng ở chế độ XHCN thì: " trẻ con khôn trước tuổi, người gìa như trẻ lại". Lúc đầu thì thật sự mới nghe tôi chẳng hình dung ra được là cái gì, nhưng nhờ sau nầy được " cải tạo" nên mới biết ra rằng: trẻ con mới tuổi măn non mà phải tung ra xã hội lăn lóc vật vã với đời để tự kiếm từng miếng ăn cho mình thì không khôn cũng phải khôn, nhưng mà khôn vặt, lanh lợi, gian ngoan, xảo quyệt…để mà sống chớ cha mẹ nó nuôi thân còn không nổi làm sao nuôi nó. Ở cái thiên đường mù XHCN này ta thấy được rất nhiều câu chuyện thương tâm:
" Những bàn tay chai sần, đầy sẹo bới móc đống rác. Những đôi vai gầy guộc, đen đúa khoác túi ve chai. Suốt ngày" ngập mặt" trong rác nhưng ước mơ tới trường luôn rực sáng trong đôi mắt đám trẻ lam lũ…
"8 đứa trẻ nhanh chóng tụ lại trước cổng. Bé Thanh An,người nhỏ xíu cũng khoác bị lên vai. 8 cái dáng gầy còm tiến ra đường lộ. Một ngày cực nhọc bắt đầu.Dẫu nắng chói chang hay mưa tầm tã, bọn trẻ vẫn lầm lũi trên các nẻo đường. Những bàn tay, bàn chân nhỏ xíu chai sần, đầy những vết thương ngang dọc bởi các vật sắc nhọn". (DânTrí online ngày 11-1-2010)
Liên Hiệp Quốc cho rằng:" Trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với bất bình đẳng". Lời báo động này được phát biểu tại Hà nội nhân buổi lễ công bố bản báo cáo của UNCEF về điều kiện xã hội và kinh tế của 30 triệu trẻ em Việt Nam:
" Cơ quan Liên Hiệp Quốc ghi nhận là Việt Nam gần đây đã áp dụng một cách thẩm định mới về tình trạng nghèo khó, dựa trên các nhu cầu thiết yếu bao gồm giáo dục, y tế và dinh dưỡng, thay vì chỉ căn cứ vào ngưỡng nghèo khó tính bằng tiền. Theo bản báo cáo, khi sử dụng phương pháp này, thì" gần 1/3 trẻ em Việt Nam dưới 16 tuổi là thuộc diện nghèo khó". (RFI online ngày 31-8-2010)
Ngày xưa, mục đồng là những đứa trẻ chăn trâu tối ngày ca hát nhêu ngao ngao đồng, ngược lại ngày nay ở cái XHCN chăn trâu lại là một lão bà, mà người cộng sản nói là: " già như trẻ lại", vâng đúng như thế, trẻ lại để đi giữ trâu kiếm sống chớ nếu không thì ai nuôi, con cháu nó lo cho nó còn không xong thì làm sao nuôi nổi một cụ gìa. Báo điện tử Dân Trí kể chuyện" Cụ bà 87 tuổi " chỉ huy"mấy chục con trâu" nghe ra mà đứt ruột, ôi ! thiên đường nào có một bà lão mục đồng?!
" Dọc theo triền đê Bộc Nguyên thuộc xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên( Hà tỉnh)hàng ngày bất kể trời nắng hay mưa đều có một cụ bà gầy gò tay cầm gậy, theo sau một đàn mấy chục con trâu.
"Đó là cụ Nguyễn thị Chương, 87 tuổi, trú tại thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên(Hà Tỉnh).
"Ở cái tuổi" xưa nay hiếm", nhưng hàng ngày cụ bà vẫn" chỉ huy" đàn trâu trên 30 con, thời điểm nhiều nhất có khi gần 50 con. Ai không biết tưởng rằng cụ là chủ một trang trại nuôi trâu. Thực ra đó đều là của người làng, nhà cụ chỉ có hai con". (Dân Trí online ngày 29-6-2010)
Nơi phố phường đô hội, một " Cụ ông gần 100 tuổi đạp xích lô…" đó là cụ Đặng Huyền ngày ngày còng lưng đạp xe chỡ khách suốt mấy mươi năm, ôi thiên đường XHCN là đây. Sau khi VnExpress.net đăng phóng sự về cụ thì cụ được những nhà hảo tâm giúp đỡ nên cụ tâm sự:
" Tôi vô cùng xúc động và cảm ơn các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ đôi vợ chồng gìa trong lúc tuổi cao sức yếu. Đã lâu lắm rồi vợ chồng tôi chưa có nhiều tiền ăn Tết như thế này". (VNExpress online ngày 17-1-2011)
Người cộng sản tuyên bố mục đích đấu tranh đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người công nhân, nông dân lao động. Nhưng ngày nay giới công nhân, nông dân vẫn bị nghèo khổ và bị bạc đải một cách thậm tệ. Họ là những người bị lợi dụng trong đấu tranh và bị bạc đãi trong hoà bình. Nhà cầm quyền cấu kết với chủ nhân tư bản đàn áp và bốc lột công sức của người lao động, chúng đàn áp thẳng tay mỗi khi họ đình công để đòi quyền lợi của mình, họ không có được một công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của người công nhân. Đời sống của người công nhân vô cùng thiếu thốn vất vả, đồng lương ít ỏi họ chỉ sống tạm bợ để bán công sức lao động ngày càng cạn kiệt. Trong một bài báo có tựa đề " Cầm cố thẻ ATM để sống qua ngày" báo điện tử Người Lao Động viết:
" Hàng ngàn công nhân ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản tỉnh Cà Mau đang bị" tấn công" bởi nạn cho vay nặng lãi khi đồng lương không giúp họ đủ sống. Có công nhân đã phải bán máu. Lương thấp và gía gạo, muối, thịt, cá, rau quả, mì gói… đều tăng cao đã đẩy nhiều công nhân đến cùng đường của sự khốn khổ". (Nguoilaođong online ngày 15-4-2008)
Ở XHCN Việt Nam hiện nay có một cái" nghề" mà không phải là" nghề", nhưng thật ra nó cũng là" nghề", đó là" nghề bán máu". Bọn quan chức cầm quyền bán đất, bán biển ở nhà cao cửa rộng, ngồi mát ăn bát vàng thì người dân chỉ còn bán những giọt máu tươi của mình để sống với cái XHCN thiên đường này:
" Cho tới nay, các bệnh viện tại Việt Nam có máu để cấp cứu và truyền máu trong các ca mổ xẻ vẫn tuỳ thuộc vào một đội ngủ người bán máu chuyên nghiệp. Trên nguyên tắc họ chỉ được bán máu một tháng một lần. Nhưng cần tiền để sống, họ đã phải hối lộ cho nhân viên lấy máu ở bệnh viện để bán máu nhiều lần hơn. Họ chạy vòng quanh từ bệnh viện này sang bệnh viện khác. Họ chạy từ tỉnh này sang tỉnh khác để bán máu…
"Ở tỉnh Trà Vinh, gần hết một làng phần đông là người gốc Miên đã sống bằng nghề bán máu. Ngày 5-3-2007, báo Tiền Phong có một ký sự về một làng chài có 70 hộ, 3.000 nhân khẩu, chài lưới lơ quơ không đủ ăn vì nguồn nước sông ô nhiễm không có cá. Nghèo đói, thất học, bán máu lấy tiền sinh sống, bị người dân trên bờ khinh miệt.." (Viễn Đông ngày 5-1-2008)
Nghề bán máu đã không còn lợi nhiều, cho nên có một số người thôi bán máu để chuyễn sang nghề bán huyết tương.
"Ông Phạm huy Bằng, một tài xế xe ôm, ngụ ở phường 21, quận Bình Thạnh, cho biết vì sao người nghèo thích bán huyết tương:" Bán 450 ml máu chỉ được 250.000 đồng và 3 tháng mới bán được một lần. Còn bán huyết tương mỗi lần được tới 450.000 đồng và chỉ tháng sau là có thể bán tiếp". Cũng vì vậy, ông Bằng bán huyết tương suốt 8 năm qua". (Người Việt ngày 18-7-2008)
" Hà Nội là thủ đô phồn hoa đô hội của nước Việt Nam, thế nhưng dưới chân cầu Long Biên, Chương Dương, từ lâu tồi tại xóm người lao động nghèo từ tỉnh khác đổ về cư ngụ. Hầu hết những người dân ở đây đều đi làm thuê, nhặt rác… Họ sống không điện, không nước sạch trên những chiếc lán nổi xập xệ tự tạo bên mép nước. Nghèo đói và bệnh tật luôn đeo đẳng họ và 100% trẻ em ở đây không được đi học". (Người Việt ngày 11-3-2004)
2- Tư bản đỏ: Giai cấp thống trị
Tương phản lại với cái đời sống hẳm hiu của lớp người bị trị thì cuộc sống xa hoa của kẻ thống trị cấu kết với bọn thừa cơ nước đục nói lên một sự bất công trong XHCN như thế nào.
Trên Tiền Phong online bản tin" Cán bộ xã ở biệt thự, đi xe hơi xịn" cho chúng ta thấy họ mới chỉ là cán bộ cấp xã thôi mà đã như thế rồi, thế thì các ông cán bộ to hơn nữa thì sao? Tuần tự sẽ được vạch mặt trình làng. Riêng theo bản tin này thì:
" Cả thôn Phú Hạ có khoảng 400 hộ dân thì có đến 170 hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2005, thu nhập bình quân đầu người của Minh Phú chỉ đạt 2,5 triệu đồng.
Thế nhưng cán bộ ở đây có mức sống nổi bật. Ông Nguyễn văn Phố, nguyên chủ tịch xã (bị cách chức do liên quan đến vụ án bán rừng Sóc Sơn mới đây), năm 2005 xây đến 3 căn nhà nguy nga. Bản thân ông ngày ngày vẫn đi giao du, nhậu nhẹt trên một chiếc xe Toyota Zace ( biển số 29U-1314) mới tậu.
"Ông chủ tịch đương nhiệm Dương ngọc Oanh thì" ngự" tại một villa tuyệt đẹp, có hồ sen, sân vườn, garage ô tô. Hàng ngày, ông Oanh cưỡi chiếc Madaz3 cáu cạnh( biển số 29U-0901) đi làm". (tienphong online ngày 18-3-2006)
Trong một bài phóng sự của phóng viên Thanh Quang đài RFA viết về " Những hình ảnh của người được gọi là "đầy tớ của nhân dân" thì đây xin trình ra bộ mặt của một đầy tớ cở bự, nghĩa là con sâu to như sau:
" Một lần nữa, cảnh sống xa hoa ăn trên ngồi tróc của các quan chức VN, kể cả quan chức về hưu, lại đậm nét giữa cảnh đời chật vật, khó khăn, thiệt thòi của người dân. Trong mấy ngày nay, hình ảnh trên internet về gia tư hoành tráng kiêu sang của cựu TBT Lê Khả Phiêu khiến gây phẫn nộ trong dân chúng…
" Những vị khách của người từng cầm đầu đảng chứng kiến báu vật Trống Đồng Đông Sơn- mà luật pháp hiện hành cấm cá nhân sở hữu- được gia chủ trưng bày nổi bật trên 2 ghế trường kỷ tựa vách phòng khách…một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ quý có cẩn cặp ngà voi to tướng với gía thị trường- theo lời bình trong ảnh-tới 50 ngàn đô la…Lên sân thượng, khách chứng kiến vườn rau sạch xanh tươi được chăm sóc bằng hệ thống tự động với phí tổn nghe nói không dưới 20 ngàn đô la…" (RFA online ngày 4-2-2009)
Muốn nói đến sự giàu có của những nhà lãnh đạo tư bản đỏ thì ít ra thủ tướng Nguyễn tấn Dũng cũng phải được xếp vào loại tư bản đỏ, mặc dù hồi mới nhậm chức thủ tướng ông ta đã hùng hồn thề tận diệt tham nhũng, nếu không diệt được thì ông không làm thủ tướng nữa. Nhưng không biết ở nhiệm kỳ nầy ông diệt được tham nhũng chưa mà về mặt nổi ông đã xây một ngôi nhà thờ tiên tổ ở Kiên Giang thật là hoành tráng và ông tiếp tục" hy sanh" làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, không biết ở nhiệm kỳ sau ông sẽ xây cái gì, xây cái lăng cho mình chăng?
"Đó chính là cái nhà thờ họ của đương kim thủ tướng Ba Dũng vừa mới khánh thành cách đây một tháng…Cả khuôn viên bao gồm một căn biệt thự theo kiểu kiến trúc Tây và ba gian nhà thờ theo kiểu kiến trúc Việt cổ. Giới thầu xây dựng tham gia làm công trình này nói nó trị gía gần 40 tỷ đồng và đã khởi công từ hai năm trước đó".(Đối Thoại online ngày 23-1-2009)
Một nữ doanh nhân tên Dương thị Bạch Diệp có lẽ đã làm ăn móc ngoặc với đám cán bộ biến chất tham nhũng đã tạo cho bà một ngôi vị tư bản kếch xù và đã phô trương cái giàu của mình bằng cách mua một chiếc xe Rolls Royce mới toanh từ trong hảng bên Anh gía tiền kể cả thuế khoảng 1 triệu 3 trăm ngàn USD. Đúng vào thời điểm này thì ở tại Việt Nam cũng đã có gần 20 chiếc xe loại siêu sang này rồi.
" Hồi tháng ba vừa qua, bà Dương thị Bích Diệp, tay tư bản giàu có nhờ kinh doanh địa ốc ở Sài gòn đã nhập cảng về nước bằng đường hàng không chiếc xe Rolls Royce mới tinh, bà sang tận nước Anh để đặt mua từ chính hảng sản xuất công ty Rolls Royce của Anh quốc chỉ sản xuất xe cho giới quí tộc, giàu có trên thế giới theo đơn đặt hàng riêng". ( Người Việt ngày 19-6-2008 )
Báo điện tử VietnamNet của nhà nước ấy thế mà lâu lâu cũng sang lề trái đưa những tin nhạy cảm nên bị đánh phá tơi bời. Mới đây thì báo này cũng đưa một tin vui XHCN là có " Dàn xe cưới " siêu khủng" của đại gia đất cảng". Tuy nhiên xem bản tin này lòng người không khỏi suy nghĩ cho thân phận của kẻ nghèo:
" Sử dụng xe siêu sang cho ngày cưới đang trở thành trào lưu của các thiếu gia. Hải Phòng là nơi mới nhất trình diễn bộ sưu tập xe sang gồm Rolls-Royce Phantom, Mercedes CLS, Porsche Cayenne, Porsche Panamera trong đám cưới của chú rể tên H. (sinh năm1984)…
" Trong đoàn xe hoa ngoài 3 chiếc Rolls- Royce Phantom(hai đen, một đỏ), trong đó có một chiếc mang bảng số biển lục cửu (99K-9999)từng gây xôn xao giới mê xe miền Bắc". (VietnamNet online ngày 27-12-2010)
Mới vừa rồi đây bản tin của đài BBC chấn động cả thế giới về việc" Ăn phở 35 đô ở nước Việt Nam cộng sản" đài cũng đã hỏi ông chủ tiệm phở trả lời là thực khách đến đây toàn là những đại gia, có đại gia đại gia mỗi ngày mỗi đến. Nghe xong bản tin này, giáo sư Hà văn Thịnh, một giảng viên đại học lâu năm đã chua chát nói ngay lên ý nghĩ của mình:
"Đọc BBC, 21-1-2011, bài của Alastair Leithead, viết về chuyện ông ấy đi ăn một tô phở có gía 35 USD( tức gần 800.000 đồng) ở Hà Nội xong, tôi choáng váng…
" Alastair Leithead kể rằng ông" quyết tâm" đi ăn bằng được tô phở đắt nhất Việt Nam( có khi cả thế giới) vì ông không nghĩ nó nguyên liệu là thịt bò Kobe
( Nhật Bản) nên đắt mà ông muốn biết ai có đủ tiền để ăn, tiền đâu mà ăn?…Câu chuyện kể tiếp rằng một nhân viên chính phủ thấy mình có lổi khi ăn tô phở đắt chừng ấy và một Ủy viên Trung ương đảng vội vàng chui vào chiếc xe Mercedes bóng lộn sau khi phát hiện có phóng viên nước ngoài nhìn thấy (?)…
" Trường dạy học nơi tôi công tác, nhận giảng viên (những người giỏi nhất) vào để đi dạy nhằm phát huy nền tảng dân ttrí, dân khí của nước nhà với lương khởi điểm là 1.290.000 đồng! Chỉ có trời mới biết được làm sao giảng viên sống nổi khi tiền thuê một căn phòng nhỏ nhất có thể là 500.000 đồng, chưa kể tiền xăng xe, tiền ăn…
" Ban chống tham nhũng ở tất cả các địa phương trên cả nước có dám công khai tài sản cá nhân, có dám chứng minh rằng lương của một giảng viên đại học chỉ bằng số tiền trả cho một ủy viên Trung ương ăn một tô phở rưỡi( trong trường hợp BBC không sai)?" (Boxitvn.net online ngày 27-1-2011)
Trong một bức thư, hồng y Phạm Minh Mẫn, tổng giám mục ở Sài gòn gửi cho linh mục Nguyễn Thái Hợp ngày 22-7-2007 nói về cái giàu sang của giai cấp tư bản ngài đã chua chát viết:
" Hình như các ngành, thay vì biến giai cấp vô sản thành người đày tớ phục vụ nhân dân theo như lời bác dạy, thì thực tế là giai cấp vô sản biến nhân dân thành vô sản và tự biến mình thành giai cấp mới mà tôi nghe nhiều người nói đó là tư sản đỏ. Ngày nay khi mà một viên chức nhà nước phải chia 1.000 tỷ đồng cho người vợ ly dị, thì không còn là tư sản nữa, mà phải gọi làtư bản hay đại gia đỏ. Lâu rồi, tôi thấy báo chí tường thuật lời ông TBT tuyên bố tham nhũng là quốc nạn. Có lẽ quốc nạn cho nhân dân, chớ còn đối với nhiều đày tớ của nhân dân, đó là cơ hội tốt để trở thành đại gia đỏ". (Đối Thoại online ngày 6-7-2007)
3- Thiên đường XHCN: Dưới cái nhìn của người Cộng sản
Những khẩu hiệu công bằng xã hội ngày nay không còn được ai tin được nữa, ngay cả những nhà lão thành cách mạng ngày xưa cũng đã bỏ cả tuổi thơ đi theo con đường cách mạng để đưa đất nước tiến lên một cái thiên đường mà mọi tuổi trẻ thời ấy đều mơ ước. Nhưng cái xã hội ấy ngày nay không như là mơ ước mà nó là một xã hội man rợ hơn cả cái xã hội mà người thanh niên ngày xưa đã" xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu". Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà địa chất giỏi nhất nước cũng đã phải lên tiếng oán than:
"Còn mức độ chênh lệch giàu nghèo ngày càng nhiều.Con ông cháu cha, con cháu thành phần tư sản đỏ đem xe hơi ra chạy đưa trên đường phố làm quà cho nhau bằng xe hơi mới, trong khi đó nhiều người sống vất vưởng, trẻ em lang thang cơ nhỡ và nhiều gia đình nghèo đói xác xơ, thậm chí phải bán máu, phải sống cơ cực".(Việt Tide số 130 ngày 9-1-2004)
Tiến sĩ Lê Đang Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương có lần phát biểu trước BCT ông nói" Hiện nay ở Hà nội mức chênh lệch giàu nghèo là khủng khiếp luôn"và cũng chính ông trong một bản tin của BBC nói về " Một hội thảo bàn tròn cấp cao, với sự tham dự của gần 300 diễn gỉa, nhà khoa học, đã khai mạc hôm 15-6 ở Hà nội về 20 năm đổi mới ở VN" thì tiến sĩ Lê Đăng Doanh khi trả lời phỏng vấn của đài BBC ông nói một cách chua chát như sau:
"Nhưng hội nghị cũng nêu lên nghèo đói không phải chỉ là nghèo về vật chất mà còn là nghèo về quyền lợi chính trị, còn là sự thiệt thòi không có tiếng nói, không được bảo vệ bằng pháp luật. Vì vậy hội nghị cũng nêu những mặt cần phải chú ý hơn".(BBC online ngày 19-6-2006)
Có lần trả lời chất vấn của các Đại biểu quốc hội ngày 17-11-2007 ông Cao đức Phát bộ trưởng Nông nghiệp nói về hiện tình của những người nghèo đang sống trong cái XHCN mà ông góp phần lãnh đạo như sau:
" Báo điện tử VNExpress trích lời bộ trưởng Nông nghiệpCao đức Phát nói rằng" Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo mà hàng năm vẫn còn hàng trăm nghìn đồng bào chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết, khi bị ốm".
" Ông Phát nói mức phát triển tại nông thôn Việt Nam vẫn còn thấp, và rất nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh đói nghèo chỉ sau một đợt thiên tai như lũ lụt, dịch bệnh…" (BBC online ngày 17-11-2007)
Sau 70 năm" tiến lên" con đường XHCN như thế nào được giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và là cố vấn các vấn đề xã hội của cố thủ tướng Võ văn Kiệt, trong một cuộc phỏng vấn gần đây của BBC nói về số phận của những người ở từng lớp thấp cổ bé miệng bị thiệt thòi ra sao:
" Nông dân Việt Nam là người chịu trên vai mình gánh nặng nhất của đất nước. Nhưng về sau, bản thân người nông dân lại phải chịu đựng rất nhiều thiệt thòi…
" Cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất là thứ hai. Hưởng thụ ít nhất là thứ ba. Thứ tư là họ được giúp kém nhất. Thứ năm là họ bị đè nén thảm nhất. Nhưng thứ tám, họ là người tha thứ cao nhất". (BBC online ngày 19-8-2008)
Chúng ta đã thấy được hình ảnh đích thực của cái gọi là thiên đàng XHCN là như thế, có những người không khỏi bức xúc vì mình đã là một nhân tố tạo thành cái" thiên đường mù" ngày hôm nay.
Trong một bức thư của trung tướng QĐND Đồng Sĩ Nguyên gởi đến Đại hội đảng CSVN lần thứ XI tại Hà nội đề ngày 31 tháng 12 năm 2010 ông đã trình bày cái hiện tình của cái gọi là CNXH mà đảng CS đang bám víu nó đã tồi tệ như thế nào, nó không phải là cái thiên đường mà người cộng sản từng rêu rao để lừa gạt và phản bội sự hy sinh xương máu của nhiều người:
" Nguy cơ phân hóa giàu nghèo, nông thôn thành thị, vùng miền, nguy cơ tệ tham nhũng, lãng phí trong nội bộ bộ máy cầm quyền, tạo cơ sở xã hội cho diễn biến và tự diễn biến…
" Trong lúc đó, đại đa số nhân dân lao động, nông dân, công nhân, trí thức, cán bộ hưu trí đời sống bấp bênh,nhiều người không đủ ăn, không đủ tiền chửa bệnh, cho con đi học, không có nhà ở…
" Nông thôn nhiều vùng chỉ có ông bà gìa, trẻ con. Số lao động chính phần lớn đi làm cố định hoặc thời vụ ở các thành phố, biến nông thôn ngày càng vắng lặng. Các thành phố thì ùng tắc, mất cân đối ngày càng nghiêm trọng. Văn hóa đồi truỵ, trật tự an toàn xã hội lộn xộn, gia tăng. Các khuynh hướng phát triển không lành mạnh từ mọi nẻo trên thế giới tràn ngập vào nước ta, thúc ép nước ta phải đi theo cơ chế thị trường tư bản tự do". (Đối Thoại online ngày 12-1-2011)
Cái XHCN theo nhà văn Dương Thu Hương thì gọi là"Những thiên đường mù" còn trong lúc đó tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ cho rằng" Cái khẩu hiệu XHCN nó rấtmù mờ" và giáo sư Trần Phương thì nói thẳng thừng là" Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông".
Đại Nghĩa - Sưu tầm