Thưa quý vị, lạm phát ở Việt Nam tháng Năm tăng lên gần 20%, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008, trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn đang chật vật xoay xở với tình trạng giá cả leo thang. Trao đổi với Nguyễn Trung, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định rằng thành tựu xóa đói giảm nghèo của chính phủ Việt Nam cũng sẽ bị tác động trước tình hình kinh tế bất ổn như hiện nay. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam' tuần này.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết: 'Còn người công nhân thì tiết kiệm đến mức là họ họp lại nhiều người để cùng lập thành một cái bếp, rồi thì chung nhau để ăn. Ở TP. HCM hiện nay đã có những quán chỉ bán cơm thôi, chứ không bán thức ăn, và không ít những người lao động giản đơn thì chỉ có ăn cơm thôi, không ăn thức ăn nữa'.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Chỉ số lạm phát tháng Năm đã có giảm so với mức tăng của tháng Tư. Tháng Tư tăng 3,2% thì tháng Năm chỉ tăng có 2,21%. Tức là mức tăng thì đã có chậm lại, nhưng mà tổng mức lạm phát của tháng Năm so với mức của tháng 12 năm 2010 đã lên đến 12% , và mức so với tháng Năm năm 2010, tức là 12 tháng, thì đã lên tới 20%.
Như vậy tức là mức lạm phát cao và không thể xem thường. Có thể dự báo là trong những tháng sắp tới, thì mức lạm phát, tức là mức tăng giá sẽ vẫn còn tiếp tục. Nhưng mà tốc độ tăng có thể sẽ giảm dần. Còn bảy tháng còn lại thì có thể thấy là mức lạm phát năm 2011 sẽ không đơn giản một chút nào.
Bên cạnh đó, do là xiết chặt tín dụng, và xiết chặt chính sách tiền tệ, cho nên thị trường chứng khoán cũng giảm sút liên tục 9 ngày liền, và hiện nay liên tục đạt kỷ lục là những đáy mới. Và vì vậy cho nên là những người, những công ty chứng khoán vay tín dụng để kinh doanh chứng khoán đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Đó là một tình hình hết sức phức tạp.
VOA: Cơ quan Liên Hiệp Quốc từng cho rằng tỷ lạm phát tăng vọt trong năm nay sẽ làm tăng số người nghèo ở Việt Nam. Liệu đánh giá này có quá ảm đạm không, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Với mức lạm phát như thế này, thì số người nghèo sẽ tăng lên và thành tựu xóa đói giảm nghèo của chính phủ có nỗ lực rất lớn thì cũng bị giảm đi. Bởi vì với mức mất giá đến 12%, thu nhập của nhiều người trong thực tế không đủ bù đắp cho mức tăng giá, trong khi giá thực phẩm và lương thực cũng tăng rất cao, vì vậy cho nên đời sống của nhiều người cũng rất khó khăn.
Đặc biệt, chi phí về y tế cũng tăng lên. Các dịch vụ y tế và giá thuốc cũng tăng lên. Vì vậy cho nên, quốc hội vừa thông qua luật về chữa bệnh. Bộ Y tế cũng sẽ gặp không ít khó khăn về việc thực thi luật này, nếu như không có những nguồn tài chính mới để đổ vào cho ngành y tế.
VOA: Người dân, nhất là những công nhân lao động, nên làm gì trong bối cảnh kinh tế như vậy?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Trong bối cảnh kinh tế như này thì người lao động, người công nhân đã có chính sách tiết kiệm rất là triệt để. Thí dụ như công chức bây giờ mang hộp thức ăn đi đến cơ quan, chứ không còn có ra ăn quán nữa, bởi vì giá ăn một bữa ở quán ăn cũng đã trở nên là quá thu nhập của công chức.
Còn người công nhân thì tiết kiệm đến mức là họ họp lại nhiều người để cùng lập thành một cái bếp, rồi thì chung nhau để ăn. Ở TP. HCM hiện nay đã có những quán chỉ bán cơm thôi, chứ không bán thức ăn, và không ít những người lao động giản đơn thì chỉ có ăn cơm thôi, không ăn thức ăn nữa.
VOA: Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế độc lập và nguyên là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả, cho rằng 'khó ổn định kinh tế vĩ mô nếu chỉ giải quyết các vấn đề ngọn'. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng là các biện pháp thực hiện nghị quyết 11 của chính phủ cho tới nay mới chủ yếu tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn và mới hạn chế ở các biện pháp hành chính, chưa thấy có những biện pháp cải cách sâu rộng và được thực hiện một cách đồng bộ, có kết hợp giữa các biện pháp kinh tế vĩ mô khác nhau.
Tôi muốn nói đến là cần có cải cách rất là mạnh mẽ về mặt tài khóa, về mặt đầu tư công và đặc biệt tức là phải có cải cách về doanh nghiệp nhà nước. Đấy là những cải cách và tôi nghĩ rằng việc thực thi nghị quyết 11 phải gắn lại với những chủ trương đã được quyết định của Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định chiến lược kinh tế, kế hoạch 5 năm trong đó có đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, có phải tổ chức lại và cơ cấu lại công nghiệp và nông nghiệp, phải cải cách thể chế kinh tế thị trường và thể chế của nhà nước.
Mới đây có cuộc hội thảo kết hợp cải cách chính trị với cải cách kinh tế. Tất cả những điều đó bây giờ đang rất cần thiết để có thể tạo được một sự chuyển biến đồng bộ, mạnh mẽ trong cả bộ máy nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và trong nền kinh tế.
Mời quý vị đọc thêm các bài từng được phát sóng trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam':
'Khó ổn định kinh tế vĩ mô VN nếu chỉ giải quyết các vấn đề ngọn'
Kinh tế VN 2010: 'Lòng tin của người dân đã giảm sút nhiều'
Xin cám ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam' do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét