SGTT.VN - Gần 11.200 tỉ đồng khoản phải thu của các công ty chứng khoán (CTCK) cùng với lo ngại về việc phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi tại nhiều CTCK đã khiến cho lo lắng về tình trạng nợ xấu của các khoản cho vay chứng khoán có thể gia tăng.
Không chỉ có vậy, nghi án lãnh đạo một CTCK bỏ trốn để lại khoản nợ hơn 100 tỉ đồng do thua lỗ từ những tài khoản mà mình bảo lãnh càng khiến cho thị trường trở nên u ám. Song song với đó là việc chỉ số chứng khoán hai sàn đang sụt giảm mạnh. Áp lực bán cổ phiếu thu hồi nợ ngày càng lớn hơn. Áp lực thu hồi vốn này không chỉ diễn ra đối với CTCK mà còn cả đối với các ngân hàng.
Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các CTCK đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các NHTM, thì sự sụp đổ của các CTCK ắt sẽ liên lụy đến hệ thống ngân hàng. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Hiện nay, các khoản cho vay chứng khoán trên thị trường chủ yếu được tài trợ bằng hai nguồn vốn, đó là nguồn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và nguồn vốn vay từ các CTCK.
Các NHTM có thể cho vay đầu tư chứng khoán đối với các CTCK và các nhà đầu tư chứng khoán. NHTM cho CTCK vay có thể thông qua hạn mức hoặc qua cầm cố các chứng khoán. Theo thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán của TLS, CTCK có thị phần môi giới lớn nhất năm 2010, các khoản vay nợ ngắn hạn lớn nhất của công ty chủ yếu là vay nợ ngân hàng và các công ty tài chính. Giá trị các khoản vay này lên tới 3.320 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn của TLS. Ngoài ra, các NHTM còn cho các nhà đầu tư vay để kinh doanh chứng khoán dưới hình thức cầm cố cổ phiếu hoặc cầm cố các tài sản khác để lấy tiền kinh doanh chứng khoán. Không những thế, nhiều khách hàng còn vay ngân hàng với mục đích vay tiêu dùng để có thể có dòng tiền đầu tư chứng khoán. Theo số liệu từ báo Đầu tư chứng khoán ngày 9.3.2011, tổng dư nợ các loại tín dụng mà các NHTM cấp cho hoạt động đầu tư chứng khoán đến cuối năm 2010 ước khoảng gần 10.000 tỉ đồng.
Cho vay chứng khoán gồm những khoản nào?
Trong khi đó, nguồn vốn mà các CTCK cho vay lại đối với thị trường cũng không phải là nhỏ. Theo số liệu từ VnEconomy ngày 4.5.2011, tổng số khoản phải thu đến hết quý 1/2011 của một số CTCK lên đến 11.202 tỉ đồng. Con số thực tế về các khoản cho vay của CTCK có thể còn cao hơn nữa khi mà nhiều CTCK còn cho vay lách dưới hình thức các hợp đồng đầu tư ngắn hạn hay các khoản mục khác trên bản báo cáo tài chính. Trên báo cáo kiểm toán 2010 của TLS, giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn của TLS cũng lên tới 634 tỉ đồng, trong đó có các khoản mục: hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty đầu tư tài chính Thăng Long, các hợp đồng ba bên hợp tác hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh thu lợi tức cố định với cá nhân, cổ phiếu đầu tư của công ty theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân… Một loạt các hình thức hợp đồng khác nhau nhưng về bàn chất thì có thể đều là các hợp đồng mà CTCK tài trợ tiền đầu tư chứng khoán cho khách hàng.
Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các CTCK đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các NHTM, thì sự sụp đổ của các CTCK ắt sẽ liên lụy đến hệ thống ngân hàng. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt phải lưu ý trong thời gian tới. |
Áp lực thu hồi các khoản cho vay
Chỉ thị 01 của NHNN yêu cầu các NHTM phải giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất xuống dưới mức 22% vào cuối tháng 6.2011 và tiếp tục giảm xuống mức 16% vào cuối năm nay. Do việc tài trợ vốn cho các khoản vay bất động sản, tiêu dùng thường kéo dài lâu hơn cho vay chứng khoán nên các NHTM sẽ tập trung vào việc thu hồi nợ các khoản cho vay này. Những khoản cho vay lớn qua các CTCK có giá trị lớn và cho vay các khách hàng đầu tư chứng khoán sẽ được NHTM chú trọng.
Còn đối với các CTCK, khi bị NHTM thu hồi các khoản cho vay, các CTCK này sẽ buộc phải giảm việc tài trợ vốn đầu tư cho khách hàng, thu hồi các khoản cho vay trước khi đáo hạn thông qua việc giảm tỷ lệ cầm cố cổ phiếu của các nhà đầu tư. Với việc giá cổ phiếu giảm mạnh từ đầu năm đến nay, cụ thể HNX-Index đã giảm 37%, VN-Index giảm trên 16%, thì nhiều cổ phiếu đã ở ngưỡng giải chấp. CTCK tiếp tục yêu cầu nhà đầu tư phải bán cổ phiếu để thu tiền về.
Những rủi ro khi gửi tiền cho CTCK ngày càng gia tăng khi đã có trường hợp, khách hàng kiện CTCK vì việc không trả lại tiền làm cho khách hàng lo ngại và rút khoản tiền gửi tại CTCK theo hình thức hợp tác đầu tư. Nhà đầu tư rút tiền gửi CTCK theo hình thức hợp tác đầu tư giống như việc khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Do không phải là ngân hàng, CTCK không thể tiếp cận trực tiếp ngân hàng Nhà nước để xin hỗ trợ thanh khoản, nên nếu như có nhiều khách hàng đồng thời rút tiền, khả năng mất thanh khoản tại các CTCK hoàn toàn có thể xảy ra.
Vòng xoáy giải chấp
Để đảm bảo thanh khoản, các CTCK buộc phải bán chứng khoán từ doanh mục tự doanh cũng như danh mục cổ phiếu repo của khách hàng bất chấp việc giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch xuống rất thấp. Đối với các nhà đầu tư, do thị trường giảm sâu, cộng với lãi suất đối với lĩnh vực phi sản xuất tăng cao lên mức 24 – 25%, nên nhiều nhà đầu tư đã quyết định cắt lỗ để trả nợ gốc và lãi các NHTM. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa sáng sủa thì càng có nhiều nhà đầu tư chán nản. Khi mà không những chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà cả nhà đầu tư tổ chức đồng thời phải xả hàng cắt lỗ thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức rơi vào vòng xoáy suy giảm.
Vì không có dòng tiền mới vào thị trường nên bất chấp giá đã giảm sâu khối lượng giao dịch vẫn ở mức rất thấp, hiện chỉ còn ở mức 30 triệu cổ phiếu/phiên, giảm còn 1/3 so với khối lượng giao dịch trong thời kỳ thị trường bùng nổ. Chỉ số VN-Index đã trải qua tới chín phiên giảm điểm còn HNX-Index cũng trải qua hơn mười phiên giảm điểm, với tốc độ tăng dần. Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư có bán hết cổ phiếu cũng không đủ để trả nợ cho CTCK. Nhiều tài khoản vô chủ xuất hiện để mặc cho CTCK tự xử lý. Đây có lẽ là lý do khiến cho chủ tịch HĐQT của CTCK Hà Thành đã phải bỏ trốn khi các tài khoản mà ông này bảo lãnh đều thua lỗ đến hơn 80 tỉ đồng.
Hệ luỵ tới hệ thống tài chính
Như vậy, khởi đầu từ việc các NHTM thu hẹp cho vay chứng khoán, dẫn đến các CTCK cắt lỗ, rồi đến lượt các nhà đầu tư rút tiền khiến dòng tiền vào thị trường bị rút ra ngày một nhiều, tất cả tạo thành một vòng xoáy suy giảm chưa có hồi kết.
Nợ xấu gia tăng của các CTCK ảnh hưởng gián tiếp đến các NHTM. Các CTCK không phải là ngân hàng nhưng trong thời kỳ khó khăn về vốn lại thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ như một ngân hàng từ nhận gửi huy động và cho vay. Tất cả các hoạt động này được hợp thức hoá qua hợp đồng uỷ thác và repo hay đòn bẩy tài chính. Song, điểm khác biệt là tài sản đảm bảo chỉ là cổ phiếu và khi thị trường giảm thì tài sản đảm bảo trở thành tài sản khó phát mại vì giá trị quá thấp. Khi khách hàng rút vốn, CTCK có khả năng bị mất thanh khoản và không thể trả các khoản vay gốc cũng như lãi cho các NHTM đúng hạn.
Với một hệ thống tài chính trong đó hầu hết các CTCK đều hoặc là công ty con hoặc có liên hệ mật thiết với các NHTM, thì sự sụp đổ của các CTCK ắt sẽ liên luỵ đến hệ thống ngân hàng. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt phải lưu ý trong thời gian tới.
Nguyên Minh Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét