Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Gửi Iphone kê khai quần áo: Mất là thường?

- "Gửi bưu phẩm với giá cước rẻ, được gọi là gửi thường, khi kê khai lại ghi là quần áo, nên khi mất thì khách hàng phải chịu rủi ro" - đây là kết luận sơ bộ của Hải quan Bưu điện cũng như Tổng Công ty Bưu chính VN.

TIN LIÊN QUAN:

Liên quan đến việc chiếc Iphone 4 'bị đánh tráo' thành máy cạo râu sau khi về tới Việt Nam, PV VietNamNet đã trao đổi  với chị Hồ Thị Nhung cũng như có buổi làm việc với các cơ quan liên quan để làm rõ vấn đề.

Khách hàng gửi gói cước thường
 
Trao đổi với PV qua điện thoại, chị Hồ Thị Nhung, trú tại TP. DonCaster (nước Anh), người gửi 7 bưu kiện hàng về cho ông Hồ Minh Chinh cho biết: "Ban đầu tôi ra bưu điện gửi 1 thùng hàng có nhiều bưu phẩm, thì được nhân viên bưu điện bảo là chia nhỏ thành 7 kiện hàng để chuyển chuyển về Việt Nam nhanh hơn. 7 bưu kiện mà tôi gửi bưu phẩm về nhà là loại gửi gói cước bình thường".
 

Ông Hồ Minh Chinh
Được biết, Bưu điện tại TP. DonCaster nói riêng và các Bưu điện của vương quốc Anh nói chung áp dụng cho khách hàng gửi các bưu kiện đi nước ngoài có 3 mức phí cước. Và cách gửi của chị Hồ Thị Nhung là mức cước phí bình thường.
 
Cũng theo chị Nhung, thì không đơn giản để Bưu điện tại TP. DonCaster lập biên bản công nhận khách hàng có gửi trong các bưu kiện chiếc máy điện thoại di động Iphone 4. Hơn nữa, cái quan trọng nhất là vizit của chiếc máy điện thoại Iphone 4 đang được lưu lại tại Bưu điện Anh.

Rủi ro khách tự chịu?
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Bưu điện Hà Nội cho biết, những bưu phẩm mà chị Nhung con gái ông Chinh gửi từ Bưu điện Anh được đi bằng đường hàng không chuyển đến Bưu cục ngoại dịch TP.HCM. Sau khi phân loại, phân luồng, bưu phẩm được cho vào túi bưu chính có kẹp chì niêm phong chuyển ra Bưu cục ngoại dịch Hà Nội.
 

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc: "Khách hàng gửi bưu phẩm với giá cước rẻ, được gọi là gửi thường nên trường hợp này, rủi ro thì khách hàng phải tự chịu...".
Tại Hà Nội, tất cả hàng hóa sẽ được nhân viên Hải quan và Bưu điện tiến hành kiểm hóa. Hải quan có trách nhiệm giám sát, còn phía nhân viên bưu điện tiến hành niêm phong bằng keo đặc thù. Sau khi kiểm hóa xong, hàng hóa được chuyển đến các đơn vị bưu cục địa phương để chuyển đến tay người nhận.
 
Ông Phúc khẳng định, khách hàng gửi bưu phẩm với giá cước rẻ, được gọi là gửi thường nên trường hợp này, rủi ro thì khách hàng phải tự chịu.

Còn bà Phạm Thị Thu Yến, Đội trưởng Đội nghiệp vụ Hải quan Bưu điện cho rằng, việc chiếc Iphone bị mất ở cung đoạn nào, rất khó xác định. Nếu như hàng chuyển thẳng từ Anh về Hà Nội, căn cứ vào hồ sơ, bản kê khai thì rất dễ xác định. Đằng này, hàng lại chuyển về TP.HCM rồi mới ra đến Hà Nội. Trong quá trình vận chuyển hàng về Hà Nội cũng có thể xảy ra nhiều sơ suất.

"Một điều khiến vụ việc này trở nên bất lợi cho người khiếu kiện, đó là trong bản kê khai hàng hóa từ Anh về Việt Nam lại không có Iphone 4 mà chỉ ghi là hàng quần áo".

Xử lý nghiêm nếu có sai phạm!
 
Cũng như bà Yến, trao đổi với PV, ông Đinh Hồng Quang - Chánh Văn phòng Tổng Công ty Bưu chính VN cho biết: "Trường hợp này, bưu phẩm gửi từ Anh về được trung chuyển qua nhiều bộ phận cũng như công đoạn, nên rất khó xác định là mất ở khâu nào. Phía Tổng công ty sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra từng khâu một cách kỹ càng. Nếu phát hiện có việc nhân viên trong ngành sai phạm, Tổng công ty sẽ sa thải khỏi ngành ngay".
 

Tổng Công ty Bưu chính VN đang mong nhận được các bằng chứng liên quan từ chị Hồ Thị Nhung để có sở cứ làm việc với Bưu chính Anh.
Được biết, sau khi VietNamNet phản ánh về vụ việc, Tổng công ty Bưu chính VN đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan: Bưu điện Hà Nội, Bưu điện Nghệ An… tiến hành điều tra làm rõ đơn thư khiếu nại, báo cáo Tổng công ty để trả lời khách hàng.
 
Theo bà Nguyễn Lan Hải – chuyên viên Ban Dịch vụ Bưu chính (Tổng công ty Bưu chính VN), thì căn cứ vào hồ sơ, tờ khai Hải quan bên Anh, bưu phẩm SN 101 mà phía khách hàng khiếu kiện không có điện thoại Iphone. Các hàng hóa trong bưu phầm này bao gồm quần lót nam, quần áo dệt kim, máy cạo râu. Trọng lượng của bưu phẩm này là 1990 gam.
 
Về chiếc Iphone4 bị thất lạc theo đơn thư khiếu nại của khách hàng, bà Hải cho rằng hiện khách hàng chưa gửi các chứng từ để khẳng định việc gửi điện thoại Iphone4 về Việt Nam nên đến thời điểm hiện tại, phía Tổng công ty khẳng định là không có Iphone4 trong bưu phẩm.

Bà Nguyễn Lan Hải - Chuyên viên Ban Dịch vụ Bưu chính (Tổng công ty Bưu chính VN) giải thích:

Nhà khai thác được chỉ định (DN Bưu chính) phải chịu trách nhiệm đối với các loại bưu gửi (bưu phẩm ghi số, bưu phẩm có chứng nhận phát, bưu kiện, bưu phẩm khai giá) trong trường hợp:

1/ Bị mất, hư hỏng

2/ Bị mất, hư hỏng được phát hiện trước hoặc khi phát bưu gửi.

Tuy nhiên, nhà khai thác không phải chịu trách nhiệm như đã nêu ở trên trong trường hợp bưu gửi đã được phát cho người nhận và không có ý kiến ngay lúc nhận.
Ngoài ra, nhà khai thác được chỉ định không phải chịu trách nhiệm đối với những loại bưu gửi không qui định ở trên (như trường hợp bưu phẩm thường mà khách hàng đang khiếu nại).
Về việc bưu điện Anh đã gửi chứng thực khẳng định trong bưu phẩm mà khách hàng gửi có Iphone 4, phía Tổng Công ty Bưu chính VN cho hay, đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty chưa nhận được bản chứng thực này. Nếu như nhận được bản chứng thực này, Tổng công ty sẽ cho đối chiếu với hồ sơ gốc và tiến hành điều tra xem điện thoại bị mất ở cung đoạn nào.
 
"Cũng không loại trừ khả năng bị mất ở bên Anh. Hàng gửi từ Anh, trước khi về đến Việt Nam cũng qua rất nhiều cung đoạn. Bởi thế, khả năng thất lạc ở Anh cũng có thể xảy ra. Nếu như chúng tôi có đầy đủ các chứng thực, hồ sơ khẳng định là khách hàng có gửi Iphone4 thì sẽ tiếp tục điều tra để làm rõ. Chúng tôi sẽ gửi văn bản sang Anh để được cung cấp các hồ sơ liên quan đến bưu gửi này" – bà Hải cho hay.
 
Giải thích vì sao trọng lượng bưu phẩm SN101 bị thay đổi, phía Tổng công ty cho rằng, có khả năng trong quá trình vận chuyển, hàng bị ẩm ướt hoặc là do cân sai.  

Mong chờ bằng chứng

Liên quan đến vụ việc, ngày 23/5, Tổng Công ty Bưu chính VN cũng đã có công văn trả lời khiếu nại của ông Hồ Minh Chinh (TP Vinh, Nghệ An).

Theo đó, sau khi nhận được đơn của ông Chinh, Tổng Công ty này đã nhanh chóng điều tra thông tin, chứng từ liên quan đến vụ việc.

Công văn cho hay, tất cả 4 bưu phẩm gốc Anh được phát tới ông Chinh vào đợt 2 đều là bưu phẩm thường thủy bộ có chứa hàng hóa từ Anh về đến Bưu Cục ngoại dịch - Bưu điện TP.HCM vào tháng 3 và đầu tháng 4/2011 trong tình trạng: không có số hiệu hay mã hiệu, không có chứng từ nhận đi kèm, không ghi trọng lượng gốc trên bưu gửi và có kèm tờ khai hải quan CN22 do người gửi kê khai khi ký gửi tại Anh, ghi rõ nội dung hàng hóa đi bên trong cả 04 bưu phẩm thường này là quần áo (clothes).

Khi được chuyển ra Hà Nội, thực hiện theo Luật Hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu qua đường bưu chính, nhân viên Hải quan Bưu điện tại Bưu điện Hà Nội đã thực hiện mở, đồng kiểm nội dung các bưu phẩm này với nhân viên bưu điện và kê khai nội dung kiểm hóa thực tế.

Theo đó, trong số hiện bưu gửi SN101 (bưu kiện đang khiếu nại), nội dung kê khai trên CN22 là clothes (quần áo) có nội dung hàng hóa gồm quần lót nam, quần áo, máy cạo râu dùng pin.

"Qua nội dung kê khai, thì việc kiểm tra thực tế nội dung bên trong trong các bưu phẩm của Hải quan Bưu điện Hà Nội cũng như nội dung kê khai trên bản kê khai CN22 của người gửi đi kèm theo các bưu phẩm đều thống nhất là không có máy điện thoại Iphone 4G đi bên trong bất cứ bưu phẩm nào.

Đồng thời, các nội dung bên trong này cũng khớp với biên bản mở, đồng kiểm các bưu phẩm giữa ông và nhân viên bưu cục Chợ Ga Vinh, Nghệ An, không thể hiện dấu hiệu của việc rạch và xáo trộn nội dung các bưu phẩm" - nội dung công văn trả lời ông Chinh cho hay.

Tại công văn này, Tổng Công ty Bưu chính VN cũng mong nhận được các bằng chứng liên quan từ chị Hồ Thị Nhung để có sở cứ làm việc với Bưu chính Anh.

- "Hiện nay, Bưu chính VN là thành viên của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và thực hiện theo các văn kiện của UPU. Tại công ước Đại hội UPU Giơ ne vơ 2008 có quy định Bưu chính các nước thành viên UPU chỉ có trách nhiệm chấp nhận khiếu nại liên quan đến bưu kiện hoặc bưu phẩm ghi số (điều 17). Theo đó, Bưu chính các nước thành viên UPU cũng chỉ có trách nhiệm bồi thường đối với bưu phẩm ghi số, bưu kiện, bưu phẩm khai giá (Điều 21)" - trích công văn số 995/BCVN-DVBC mà Tổng công ty Bưu chính VN trả lời ông Hồ Minh Chinh.

- Điều 21, 22, chương 2, Văn kiện Đại hội UPU Giơ ne vơ 2008 (Tập 1) ghi rõ:


1. Quy định chung

1.1 Trừ các trường hợp quy định tại điều 22, các nhà khai thác được chỉ định phải chịu trách nhiệm đối với:

1.1.1 Trường hợp mất, mất cắp hoặc hư hại bưu gửi ghi số, bưu kiện thường và bưu gửi khai giá;

1.1.2 Trường hợp mất bưu gửi có chứng nhận phát;

1.1.3 Trường hợp chuyển hoàn bưu gửi ghi số, bưu kiện khai giá và bưu kiện thường mà không ghi rõ lý do không phát được;

1.2 Các nhà khai thác chỉ định không phải chịu trách nhiệm đối với những bưu gửi không được quy định tại 1.1.1 và 1.1.2

1.3 Các nhà khai thác chỉ định không phải chịu bất cứ trách nhiệm trong bất kỳ trường hợp nào mà Công ước này không quy định
……

Điều 22

Không thuộc trách nhiệm của các nước thành viên và các nhà khai thác được chỉ định.

1. Các nhà khai thác được chỉ định không phải chịu trách nhiệm đối với bưu gửi ghi số, bưu gửi có chứng nhận phát, bưu kiện và bưu gửi khai giá đã được phát theo các điều kiện đặt ra trong quy định của nước mình đối với bưu gửi cùng loại. Tuy nhiên, các nhà khai thác được chỉ định vẫn phải chịu trách nhiệm:

1.1 Trong trường hợp việc mất cắp hoặc hư hại đối với các bưu gửi thuộc loại trên được phát hiện trước hoặc khi phát bưu gửi;

1.2 Trong trường hợp, nếu pháp luật trong nước cho phép, người nhận hoặc người gửi (nếu bưu gửi chuyển hoàn về nước gốc) có ý kiến ngay khi được phát bưu gửi loại trên bị mất mất cắp hoặc hư hại;
 

Hoàng Sang – Quốc Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét