Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Những câu chuyện ghi được trước cổng phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ


Sáng 4 tháng 4 / 2011 tôi trở dậy sớm hơn mọi ngày, đảo qua vài băng sóng trên chiếc radio cũ rích để nắm bắt tin tức, chưa kịp tắt đài thì đã có người gọi cửa. Vợ tôi ra mở cửa và trở vào cho tôi biết có người muốn gặp tôi. Tôi bảo: Bà ra mời người ta vào, chắc lại chuyện về phiên toà xử CHHV rồi đây. Đúng như tôi phỏng đoán, khách là một nhân viên an ninh trẻ, người đã tham gia bắt giữ tôi ngày nào tại cửa hàng photo trên đường Quang Trung của Quận Hà Đông . Anh ta rất lịch sự hỏi tôi: Chú định đi đâu bây giờ đấy? Tôi bảo: Sao ông cứ quan tâm đến việc riêng của tôi thế nhỉ? Không biết tôi có còn chút tự do cá nhân nào nữa không? Nói vậy, tôi cũng chẳng việc gì phải dấu anh ta, tôi bảo: Tôi muốn qua chia sẻ với Luật Sư Trần Lâm về sự bất hoà giữa cụ với vợ và em gái của Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, người lẽ ra sẽ là thân chủ của cụ trong phiên toà sáng nay, sau đó tôi sẽ ra phiên toà ít nhất cũng để hít thở cái không khí pháp đình dù chắc chắn sẽ chỉ dặt dẹo ngoài đường! Viên an ninh trẻ vẫn kiên nhẫn: Ra đó là quyền của chú thôi, theo cháu chú không nên ra đó làm gì, chắc chắn chú không thể đến gần toà được.

Tôi cũng kiên nhẫn bảo: Tôi là người cầm bút, kể từ ngày nào ông bắt giữ tôi, tôi vẫn kiên định: Tôi chỉ có một khát vọng, khát vọng cháy bỏng là được nói với mọi người là chúng ta đang sống những ngày như thế nào? Vụ xử Cù Huy Hà Vũ đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, cả trong nước, cả ngoài nước. Tôi sẽ viết cái gì nếu như tôi của ru rú ngồi nhà tưởng tượng rồi cho ra những bài nịnh cho an toàn? Nói thật lòng nhé, bài nịnh đã có hơn 700 tờ báo và tạp chí, hàng trăm đài truyền thanh, truyền hình làm rồi, không cần đến cái ngữ tôi. Vả lại, không dám ra đó, ngay các ông cũng khinh tôi, coi tôi là thứ "sạo – cuội" chứ dân chủ, phản biện cái quái gì!? Chẳng biết nói thế, tôi có làm anh ta phật ý không? Chỉ thấy anh ấy cũng lịch sự lặng lẽ cáo từ. Một lúc sau tôi cũng dắt xe ra đường, tôi sẽ đến toà bằng xe đạp như ngày nào tôi đến với toà xử Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Vũ Hùng…

Tôi mải miết đạp xe len lỏi trong cả một biển xe máy, ô tô các loại. Trong đoàn người hối hả, cuống quýt đua chen, tôi nhận thấy, dù có sự kiện nhậy cảm thế này mà suốt lộ trình từ Hà Đông ra tới toà án thành phố, không một lần tắc đường. Cảnh sát giao thông điều khiển đi lại thông suốt. Tôi lướt qua những điểm đỗ xe bus, chứng kiến những gương mặt ơ hờ đứng ngóng chờ xe, qua cổng các trường Đại Học Kiến Trúc, Đại Học Quốc Gia chứng kiến biết bao gương mặt trẻ tương lai của đất nước rất thời thượng nhưng cũng rất vô hồn trước thời cuộc. Không biết có phải đây cũng là một trạng thái tâm lý đặc biệt chỉ có ở người Việt Nam giai đoạn này hay không?

Gửi xe vào bãi giữ xe của cung văn hoá Việt Xô, lững thững quay ra, thì gặp cựu đại tá T… mái tóc trắng xoá, người đã từng cùng đơn vị với anh hùng Tô Vĩnh Diện những ngày kéo pháo vào, kéo pháo ra ở Điện Biên Phủ. Thấy tôi ông nheo mắt cười rồi giơ tay làm chữ V để chào tôi rồi lượn một đường cua rất điệu nghệ vào bãi đỗ xe.

Qua đường Yết Kiêu, qua đường Lý Thường Kiệt, đến đường Hai Bà Trưng, tôi có mặt ở cổng Toà Án Hà Nội lúc 8h 15 phút. Nhìn bao quát dọc đoạn phố này, tôi thấy ở bên đường phía bệnh viện có những đám đông dân chúng lẫn với rất đông công an mặc sắc phục, CSCĐ mặc trang phuc xám, đi giầy bốt, rất đông nhân viên an ninh không mặc sắc phục, trên tay họ không phải là dùi cui mà là điện thoại di động, là camera ghi hình, máy ảnh kỹ thuật số. Tôi thấy có nhiều tiếng la ó, thấy những lẵng hoa rất lớn trên tay những người phụ nữ lam lũ đang bị xô đẩy ra xa, tôi đoán đây là hoa của dân oan, của giáo dân đâu đó trong nước muốn dành cho ông Cù Huy Hà Vũ người đã bênh vực họ sẽ bị ra toà vào sáng ngày hôm nay. Bên đường đối diện, xế trước toà nhà thư viện quốc gia đậu chềnh ềnh một xe vòi rồng phun nước mầu đỏ rực đầy uy lực răn đe. Vì mê mải quan sát đám đông bên kia đường, tôi không hay biết là sau lưng tôi chiếc Taxi Mai linh đang bấm còi inh ỏi đã kè xát bên tôi. Nhẩy vội lên hè đường, chiếc Taxi cũng vụt đi, thoảng trong tai tôi là câu chửi: "…thằng già điếc à!" của tay tài xế trẻ măng đầu trọc lốc. Tôi lẩm bẩm: Mày chỉ được cái là giỏi hùng hổ với chúng tao, đố mày chửi thế với đám "Người Lạ", "Nước Lạ" đấy! Bằng tuổi chúng mày thế hệ chúng tao là "Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa", là xẻ dọc Trường Sơn là làm việc bằng 2 vì CNXH chứ đâu có như chúng mày.

Tôi rất bất ngờ khi thấy đứng rất gần tôi, bên một gốc cây lớn, một cụ ông rất đẹp lão, tay trái cụ đang lần tràng hạt, tay phải cụ cầm một cây nến lớn đang leo lét cháy. Cụ đang lim dim đọc Kinh Hoà Bình. Tôi nghe rất rõ lời của Thánh Phanxico:

"Để con đem yêu thương vào nơi oán thù.
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem an hoà vào nơi tranh chấp
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm
Để con đem tin kinh vào nơi nghi nan
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng
Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm
Đem niềm vui đến chốn u sầu."

Tôi đường đột đến bên cụ lễ phép hỏi: Ban ngày mà cụ đốt nến làm gì? Nhìn tôi, kẻ ngoại đạo, cụ nhân từ giảng giải: Tôi đốt nến là để đốt lên ánh sáng của công lý, ánh sáng của sự cứu rỗi, mang lại an hoà cho mọi người dân Việt Nam. Câu chuyện giữa cụ già và tôi đã lọt vào tai một người xe ôm đứng gần đó. Thấy anh ta bất ngờ rút điện thoại gọi đi đâu đó, tôi đoán anh ta là một nhân viên an ninh cải trang đang làm nhiệm vụ. Tôi linh cảm thấy không nên đứng lâu ở đây, trước khi rút đi, tôi nói với ông cụ: Cụ đã già quá rồi mà cụ vẫn chưa hết lo lắng cho mọi người, chẳng bù cho biết bao người đang đi qua con đường này một cách hết sức dửng dưng.

Tạm biệt cụ già đốt nến, tôi cố tiến xát tới cổng tòa án hơn, phải lách qua biết bao camera đang hối hả ghi hình nhận diện mọi di biến động trên đường, thì giật mình khi có người vỗ vào vai và hỏi: Đạo diễn điện ảnh Trần S…phải không? Tôi quay lại ngơ ngác nhìn một người đàn ông dáng dấp rất nghệ sĩ có lẽ phải hơn tôi dăm tuổi. Để ông khỏi khó xử, tôi ậm ờ không nói rõ điều gì bằng một câu hỏi ngược lại: Huynh đến đây làm gì đấy? Ông ta vui vẻ bảo: Moa đến để khẳng định điều mà Moa hằng nghĩ: "Những gì đúng đắn mà lại bất lợi cho chính thể này là họ sẽ đàn áp – Những gì sai trái mà có lợi cho họ thì họ OK", thế Toa nghĩ thế nào? Tôi bảo: " Tôi không phải là đạo diễn điện ảnh như huynh nghĩ đâu, tôi là người cầm bút tự do. Tôi đến đây để được nhìn rõ gương mặt của đồng bào tôi trong những ngày này, để được nghe, được biết đồng bào tôi nghĩ gì, nói gì về những ngày tháng này?".

Tôi và người đàn ông có dáng dấp nghệ sĩ chẳng kịp nói với nhau nhiều thì xung quang vang lên những tiếng la hét rất huyên náo. Một chiếc xe bus lớn đỗ xịch bên lề đường, tôi thấy xuất hiện rất nhiều các nhân viên công lực mặc thường phục đeo băng đỏ trên tay cứ 2 người trấn áp quyết liệt một người rồi đẩy người bị bắt giữ vào trong xe bus. Người bị trấn áp đa phần là các nữ dân oan ở ngoại tỉnh, họ xanh xao, lam lũ và gầy yếu . Nhìn cảnh tượng đó Lão Nghệ Sĩ bỗng nói một tràng tiếng Pháp mà tôi chẳng hiểu là ông nói gì, đoạn ông nhìn tôi bằng cặp mắt buồn rười rượi, ông nhún vai bỏ đi, tôi nhanh chân bước vội vào siêu thị sách ở kề bên đường. Vào đó mới hay có khá đông người đã vào đó rồi, chẳng biết ai là khách đi mua sách, ai là an ninh, ai là người đến xem toà. Tôi lang thang qua các kệ hàng bán văn phòng phẩm cố bắt chuyện với một ông trạc tuổi tôi, dáng dấp như một nhạc sĩ. Tôi linh cảm ông ta cũng như tôi thôi đang muốn quan sát thế thái nhân tình ở phiên toà này, tôi đã thất bại, có lẽ "Nhạc Sĩ" không tin tôi là người có thể bắt chuyện được, theo ông tôi là một "Xen Đầm" đang làm công vụ!

Không thể ở lâu trong siêu thị sách được, tôi lại bước ra đường rồi rẽ vào Bar Café trước sảnh Thư viện quốc gia gọi một ly chanh vắt, tôi tá hoả khi biết giá ly nước là 2 USD (45000VND), tôi vẫn OK vì rất cần chỗ ngồi hợp pháp để vừa quan sát vừa ghi chép. Cuối cùng tôi cũng chẳng ghi chép được gì vì 2 ông Mục Sư Tin Lành cũng tuổi như tôi ngồi bàn bên tranh luận với nhau quá ầm ĩ về đời sống tâm linh, về Phan Thị Bích Hằng, về Trung tâm tiềm năng con người ở Đông Tác, nơi đó tôi có một ông thầy đang làm việc và việc trung tâm này đã bị cơ quan an ninh xâm nhập như thế nào. Công nhận là các vị Mục Sư có trình độ diễn thuyết và kiến thức là thâm hậu rất đáng nể. Tôi chỉ thực sự bứt ra khỏi những tranh luận của 2 vị Mục Sư này khi một cháu thanh niên đeo kính trắng dáng dấp ốm o lễ độ kéo ghế xin ngồi cùng tôi với một phin café với giá cũng là 2,5USD! Tôi và cháu hoà chuyện với nhau rất nhanh. Cháu cho tôi biết cháu sinh năm1977, quê ở Việt Trì. Cháu đã từng học Toán đến năm thứ 4 Đại Học Sư Phạm Hà Nội thì bỏ học vì thất vọng khi nghĩ về tương lai. Cháu đang làm chủ một cửa hàng nhỏ bán Sách Giáo Khoa ở Việt Trì, sống độc thân vì bị suy thận. Cháu bảo, qua đời sống mạng, cháu rất kính trọng Luật Sư Cù Huy Hà Vũ. Cháu bảo: Hôm qua thằng bạn cháu cũng làm CSCĐ biết cháu sẽ đi Hà Nội vì việc này đã gọi điện bảo đừng đi chẳng có lợi lộc gì đâu, án bỏ túi rồi. Cháu vẫn cứ đi, chỉ vì một lẽ rất đơn giản : Cháu không hề bất ngờ trước những gì vừa xẩy ra, biết chắc rằng người ta không để cho ai vào dù họ tuyên bố là xử công khai, nhưng không đi cháu thấy lương tâm mình bất ổn.

Cháu bảo, gần đây cháu rất tâm đắc khi đọc 3 bài viết của các tác giả Nguyễn Minh Cần "Không ai được đùa với cách mạng và nổi dậy", Tô Hải với bài "Hương hoa lài làm tôi nhức óc" và bài "Cách mạng đâu có đơn giản chỉ là hiệu ứng của đám đông" của thầy giáo Nguyễn Thượng Long. Cháu bảo, theo cháu các tác giả này là những người có trách nhiệm. Tôi ém nhẹm với cháu việc tôi là ai đang ngồi trước cháu và chúc cháu gặp được nhiều an lành rồi tạm biệt cháu sau khi đã trao cho nhau Email. Phía trước tôi còn quá nhiều công việc.

Tôi bước ra khỏi Bar Café, lững thững rời khỏi đoạn phố Hai Bà Trưng lúc này đã bị công an khoá chặt 2 đầu bằng hàng rào Barie sắt. Vào tới đầu phố Lý thường Kiệt thì một dân oan quen biết tiến đến xát tôi thì thào: Ông cẩn thận đấy, ông đi đâu là tôi thấy một công an bám xát ông đấy. Tôi bảo: xin cám ơn, việc mình mình làm, việc họ họ làm, kệ họ thôi, cần nhất đừng có làm điều gì trái đạo lý.

Trở về đến trước cung Lao Động Việt Xô trong một trạng mệt mỏi và buồn bã, rẽ vào quán bia Việt Hà, chưa uống hết một vại thì thấy viên Trung Tá "Giặc Lái" quen biết tôi dắt xe vào. Trung Tá cũng làm một cuộc thị sát như tôi và cho tôi biết vừa có hàng loạt vụ bắt bớ diễn ra trong buổi sáng hôm nay, trong đó có những gương mặt nổi tiếng như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật Sư Lê Quốc Quân người đang là ứng cử viên Quốc Hội độc lập…và điều mà tôi thú vị nhất là ông nói ông là chỗ thân tình với tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Tôi càng thú vị hơn khi được biết bạn học với tôi ở Cấp 3 Nguyễn Trãi Hà Nội những năm đầu 1960 Nguyễn Nguyên Bình là con gái cụ Vĩnh. Nguyên Bình tốt nghiệp văn khoa sau Nguyễn Phú Trọng 2 năm. Nguyên Bình đã từng làm phiên dịch tiếng tầu khi hỏi cung tù binh Trung Quốc sau chiến tranh biên giới 1979. vừa qua Nguyên Bình viết thư ngỏ cho Nguyễn Phú Trọng, nhắc ông đừng làm những gì để các thầy cô giáo cũ, bạn bè cũ phải phiền lòng và cũng nhờ Trung Tá mà tôi biết tấm ảnh mà ông Hồ Chí Minh bón cơm cho cháu bé ở chiến khu năm 1948 hay 1949…cháu bé đó chính là Nguyên Bình và một bức ảnh lịch sử nữa là bức ảnh Hồ Chí Minh bồng trên tay một bé gái được phóng rất lớn đang treo ở toà nhà đối diện với Bách Hoá Tổng Hợp cũ, bé gái đó cũng chính là hình ảnh Nguyên Bình 60 năm về trước. Tôi cũng chẳng thể ngồi với viên Trung Tá không quân đó được lâu khi anh bạn tôi nháy máy nhắc tôi cụ Lê Hồng Hà nguyên Đại Tá, bí thư đảng Đoàn Bộ công an, nguyên chánh văn phòng Bộ công an muốn gặp tôi, tôi đoán cụ muốn tôi tường thật cho cụ biết không khí ở bên ngoài phiên toà.

Tạm biệt người bạn không quân, tôi lấy xe ra khỏi bãi gửi, chưa kịp lên xe thì Người Đương Thời Đỗ Việt Khoa hối hả gọi điện tới, hỏi tôi đang ở đâu? Tôi hỏi vì sao Khoa biết số máy của tôi khi mà cả 2 số cũ của tôi đang bị kẻ xấu khống chế, khủng bố rồi tóm tắt với Khoa những gì mà tôi vừa quan sát được trước cổng Toà. Khoa bảo: Khoa đang đứng với dân oan ở đường Lý Thường Kiệt, Lãnh đạo Sở GD ĐT Hà Nội và Hiệu Trưởng PT TH Thường Tín A theo lệnh của công an đã cả chục lần yêu cầu Khoa về trường ngay. Khoa cứ rền rĩ bảo: Xử công khai mà lại cấm đoán thế này thì là công khai cái gì rồi Khoa cũng bảo: Em cũng chẳng lạ hiện tượng này, nhưng vì không được vào mà không đi…cứ thấy trong lòng áy náy thế nào ấy. Tôi chia sẻ với Khoa những gì vừa thu hoạch và cảm nhận được rồi động viên, nhắc nhở Khoa kiềm chế trước các ông Hiệu Trưởng, các bà Hiệu Trưởng, cùng các quan GD khác trên Sở, trên Bộ…họ cũng đang hôn mê trong quyết tâm "Giáo Dục Đào tạo chỉ biết còn "Ghế" là còn tiền"…

Tạm biệt Đỗ Việt Khoa, tôi nhanh chóng hoà mình vào dòng người, dòng đời, dòng xe cộ đang cuống cuồng đua chen mà buồn cho nhân tình thế thái. Tôi đã có một buổi sáng vô tích sự! Một buổi sáng:

"Ta dạo bước trên đường phố Huế,
Dửng dưng không một cảm tình chi…" (TH).

Không , tôi không dửng dưng, không vô cảm với cuộc đời này, cõi tạm này.

Ít nhất từ những gì mà tôi quan sát được phía bên ngoài của phiên toà xét xử Cù Huy Hà Vũ vào sáng hôm nay, cũng đủ để nói, những cảnh báo của tôi trong bài "Cách mạng không đơn giản chỉ là hiệu ứng của đám đông" là có cơ sở là không sai. Còn nếu ai bảo tôi là kẻ bàn dùn, là thằng hèn tôi xin không tranh biện. Xin cũng được nói lại điều mà Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã nói trong toà:

"Tổ Quốc Việt Nam – Nhân Dân Viêt Nam sẽ phá án cho chúng tôi"

Nhà Báo Nguyễn Thượng Long
Hà Đông sớm 5 / 4 / 2011


Cuộc sống của những người 'du cư trong thành phố'


Thứ ba, 5/4/2011, 17:16 GMT+7

Một căn lều lụp xụp bên sông, những đứa trẻ nhem nhuốc nô đùa ở bãi giữa..., những hình ảnh không mấy xa lạ này gây một ấn tượng mạnh khi được dựng lại trong triển lãm sắp đặt mang tên "Du cư trong thành phố", diễn ra tại Hà Nội.

Triển lãm được tổ chức tại sân trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 3 đến 7/4. Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương (Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam) là người xây dựng ý tưởng và thực hiện việc sắp đặt, tạo hình với hơn 100 bức ảnh của nhiều tác giả...

Dưới đây là một số bức ảnh trong triển lãm ghi lại cuộc sống thường nhật của những người "du cư trong thành phố", một số bức ảnh không ghi tên tác giả:

Hình ảnh hạnh phúc của cặp vợ chồng nghèo sống trong căn lều bên triền sông. Ảnh của Lê Anh Dũng.
Ông Bài "vua bãi rác" ở xóm Vạn Chài. Ảnh của Việt Hưng.
Rau cũng nhặt và rửa ngay tại cầu thang vào nhà. Ảnh của Lê Anh Dũng.
Trong xóm vạn chài Phúc Xá, khi nước lên, người ta có thể đánh lưới tại chỗ để kiếm cá ăn.
Chồng câu cá ngay tại "nhà", vợ vo gạo, đợi có cá nấu cơm trưa.
Cô bé này tên Nga. Trẻ ở ngoài Bãi Giữa là con nhà nghèo, bụi đời, nhặt rác... Ảnh của Đinh Hữu Dư.
Anh Lê Hồng Thao, sinh năm 1967 ở Phú Thọ, rời quê lang bạt từ thời thiếu niên. Năm 2001 anh gá nghĩa với một phụ nữ cùng cảnh, hơn mình 10 tuổi rồi về sống ở Bãi Giữa. Hai vợ chồng hiếm muộn, được một vị sư cho con búp bê, nói mang về nuôi như con. Họ đặt tên búp bê là Lê Hồng Nhung, hằng ngày ăn gì cũng chấm lên miệng "con", đêm thì ru ngủ. Hiện tại, cả hai vợ chồng anh Thao đã mất do bệnh phổi. Ảnh chụp năm 2004 của tác giả Lê Anh Dũng.
Bãi tắm và tập thể thao "tự nhiên thiên nhiên" của những người bơi sông tại bãi giữa.
Một số người có tiền mua lại các lều phao của "dân chài", trang trí lại sạch sẽ, dùng làm nơi nghỉ ngơi, tắm, tụ tập...
Cô sinh viên nước ngoài cố thu đôi chân dài quá khổ so với kích cỡ và những đồ vật trong lều.
Căn lều của một dân cư trên bè phao nổi được họa sĩ Nguyễn Hồng Phương - tác giả triển lãm - "bê" từ Bãi Giữa Long Biên (Gia Lâm, Hà Nội) về sân Đại học Mỹ thuật. Xung quanh "nhà" treo hơn 100 bức ảnh về đời sống của dân cư trên bè phao nổi tại bãi giữa Long Liên và xóm chài Phúc Xá.
Những chiếc ghế sofa màu sắc nổi bật được đặt ở 4 góc quanh "nhà", càng tạo thêm sự đối lập về hai thái cực cuộc sống. Ảnh: Minh Thùy.
Bên trong "nhà" được giữ nguyên bản, với vài vật dụng tuềnh toàng...
và cả bàn thờ của người chủ cũ. Ảnh: Minh Thùy.

Minh Thùy


Lương tối thiểu lên 830.000 đồng từ 1/5


Thứ ba, 5/4/2011, 09:17 GMT+7


Từ 1/5, lương tối thiểu chung sẽ tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng một tháng, theo Nghị định số 22 do Chính phủ ban hành.
Ẩn số tăng lương trong bài toán lạm phát 2011
27.000 tỷ đồng để tăng lương tối thiểu từ tháng 5
Quốc hội đồng ý tăng lương tối thiểu

Mức lương tối thiểu chung này được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp Nhà nước... Đồng thời, những người làm việc trong các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý theo hoạt động của Luật Doanh nghiệp cũng áp dụng mức lương tối thiểu trên.

Lương tối thiểu áp dụng chung là 850.000 đồng một tháng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo quy định này, mức lương tối thiểu sẽ được dùng làm cơ sở tính lương trong hệ thống thang, bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định nêu trên.

Cũng theo Nghị định của Chính phủ kinh phí thực hiện tăng lương tối thiểu chung đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ các nguồn như sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao 2011 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2011 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế thì sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ đi chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế)...

Ngoài ra, các đơn vị cũng được sử dụng 50% số tăng thu thực hiện so dự toán năm 2010 của ngân sách địa phương; nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2010 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương...

Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương cũng sẽ bảo đảm bổ sung kinh phí để thực hiện tăng lương tối thiểu chung trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện trích như trên nhưng vẫn không đủ kinh phí. Ngân sách trung ương cũng sẽ hỗ trợ những địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn với mức bình quân 2/3 so với mức lương tối thiểu chung đối với người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ở thôn và tổ dân phố.

Nghị định số 22 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5 tới nhưng mức lương chung được thực hiện ngay từ 1/5.

Đợt tăng lương tối thiểu chung lên 830.000 đồng này được Quốc hội bấm nút thông qua về mặt chủ trương trong phiên họp tháng 11/2010. Nghị định của Chính phủ là một bước tiếp theo hướng dẫn chi tiết việc triển khai cụ thể đợt tăng lương này.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, năm 2011, dự chi ngân sách Nhà nước vào khoảng 725.600 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 152.000 tỷ đồng, tăng 26.500 tỷ đồng so với năm ngoái. Chi trả nợ, viện trợ khoảng 86.000 tỷ đồng; chi thường xuyên 442.100 tỷ đồng.

Đối với khoản chi thường xuyên, năm 2011, cơ quan này sẽ trích khoảng 27.000 tỷ đồng chi cho cả đợt tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng một tháng lên mức 830.000 đồng, bắt đầu từ 1/5.

Hồng An
h


Khẩn cấp di dân khỏi nhà 5 tầng lún nghiêng


Thứ ba, 5/4/2011, 13:26 GMT+7

Sáng 5/4, hàng trăm người dân nhốn nháo khi chứng kiến cảnh ngôi nhà 5 tầng trong ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) bị lún nghiêng và có nguy cơ đổ. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường.
Nhà 5 tầng đổ đè sập một phần chung cư Hà Nội rà soát chất lượng nhà dân tự sửa chữa

Ngôi nhà số 14, ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh, sơn màu xanh nhạt, một mặt hướng ra ngõ 91 phố Nguyễn Chí Thanh và một mặt trong ngõ 20 phố Huỳnh Thúc Kháng. Hiện, bức tường nhà số 14 tách ra khỏi tường nhà liền kề với mức thấp nhất là 2,5 cm. Càng lên cao, độ nghiêng càng lớn đến 20 cm, trơ ra những viên gạch ở phía trong. Nền móng nhà cũng có dấu hiệu bị sụt, lún, điểm sâu nhất gần 20 cm.

Sáng nay, ngôi nhà đã bị cảnh sát chăng dây, dựng hàng rào phong tỏa, điện đã được cắt để đảm bảo an toàn. Hàng trăm người dân vây quanh bàn tán, trong đó có những gương mặt lo lắng của hộ dân sống liền kề.

*Ảnh: Hiện trường nhà có nguy cơ đổ sập
*Clip: Chủ nhà trần tình về ngôi nhà bị nghiêng

Anh Quân, nhân viên của đơn vị thuê ngôi nhà cho biết, từ khi cơ quan anh thuê căn nhà này làm văn phòng, tường đã bị nghiêng. "Vừa qua, có vụ sập nhà ở phố Huỳnh Thúc Kháng, phường rà soát nên mới di dân để kiểm tra", anh Quân nói.

Ảnh : Hoàng Hà
Người dân đứng ngoài khu vực đã chăng dây lo lắng nhìn lên ngôi nhà bị nghiêng. Ảnh: Hoàng Hà.

Có mặt tại hiện trường, ông Trịnh Công An, chủ nhà cho biết, ngôi nhà 42 m2 này được xây năm 2002 trên diện tích đất 37 m2, có đủ thiết kế cũng như giấy phép xây dựng và được đổ móng bè. Năm 2005, ngôi nhà bắt đầu tách khỏi tường nhà bên cạnh và nghiêng dần.

Lãnh đạo UBND quận Đống Đa và phường Láng Hạ đã đề nghị trong lúc khu vực này được phong tỏa, ông An cần khẩn trương sơ tán người và di chuyển đồ đạc quý ra khỏi ngôi nhà, đồng thời thuê một đơn vị tạm thời chống giữ ngôi nhà, xử lý tình trạng lún nghiêng.

Cách địa điểm này vài trăm mét, chiều 31/3, tòa nhà 5 tầng ở mặt phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) đã đổ sập, phá hỏng một phần chung cư 5 tầng và siêu thị máy tính cạnh đó.

Ngay sau đó, UBND Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận huyện rà soát các công trình do hộ dân tự xây dựng.


Hiện trường nhà 5 tầng có nguy cơ sập

Ngôi nhà số 11 ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh (2 mặt tiền) với 5 tầng 1 tum có nguy cơ đổ sập.
Hiện khu vực này được chính quyền phường Láng Hạ căng dây ngăn xe cộ qua lại để đảm bảo an toàn.
Sáng nay, hàng trăm người dân xung quanh lo lắng đứng xung quanh ngó nghiêng tình hình.
Hạn chế người qua lại trước cửa ngôi nhà.
Nền móng đã có dấu hiệu lún.
Thành tường nơi giáp với nhà hàng xóm đã nghiêng và tách dần ra, càng trên cao khoảng cách càng lớn.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra.
Điện được cắt để đảm bảo an toàn.
Công an phường thiết lập hàng rào bảo vệ khu vực này.

Hoàng Hà


Bà Nguyễn Phương Nga: Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện nội bộ VN


Việt Nam hôm qua lên tiếng cho rằng Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ cuả Hà Nội, sau khi Washington bày tỏ quan ngại về bản án bảy năm tù mà Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên với tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, trong trả lời câu hỏi cuả báo giới cho rằng tuyên bố cuả quyền phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Mark Toner về bản án đối với ông Cù Huy Hà Vũ là tuyên bố can thiệp vào công việc nội bộ cuả Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao lặp lại Việt Nam theo đúng các qui định cuả luật pháp cuả Việt Nam và qui định cuả luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Xin được nhắc lại, hôm qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo bày tỏ quan ngại về bản án bảy năm tù giam và ba năm quản chế mà Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên đối với ông Cù Huy Hà Vũ với cáo buộc ông này 'tuyên truyền chống chính phủ'.

Quyền phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng phiá Mỹ quan ngại về tình trạng qui trình xử án, cũng như việc tiếp tục giam giữ một số người muốn theo dõi phiên xử.
Phiá Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho rằng việc kết án ông Cù Huy Hà Vũ đi ngược lại Tuyên bố phổ quát về nhân quyền. Điều đó khiến Hoa Kỳ phải đặt ra những nghi vấn về cam kết thực thi pháp trị và cải cách cuả chính quyền Việt Nam.

Hoa Kỳ cũng lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Cù Huy Hà Vũ và những tù nhân chính trị khác ở Việt Nam.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.


Ân Xá Quốc tế kêu gọi trả tự do ngay cho TS Cù Huy Hà Vũ


Tổ chức Ân Xá Quốc tế hôm qua, 5 tháng 4 ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, ngươì bị Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên án bảy năm tù giam vì đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt chế độ cai trị độc đảng tại Việt Nam.

Ân Xá Quốc tế cho rằng tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ là một tù nhân lương tâm nên chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện ông Vũ.

Theo Ân Xá Quốc tế, phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ là một phiên toà giả hiệu, khi mà quyền bào chữa và căn cứ giả định vô tội hoàn toàn bị bỏ qua. 

Giám đốc khu vực Châu Á cuả Ân Xá Quốc tế, Donna Guest, chính quyền Việt Nam lạm dụng hệ thống tư pháp đặt bất cứ ai bất đồng chính kiến với nhà nước ra ngoài vòng pháp luật. 

Chính quyền Việt Nam cần phải lắng nghe kêu gọi cuả cộng đồng quốc tế ngưng biện pháp đàn áp, bỏ tù những nhà đấu tranh bất bạo động trong nước.


Kiểm kê đất đai thuộc sở hữu nhà nước


Đất thuộc quyền sở hữu nhà nước đang được giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức kể từ ngày 10 tháng 5 tới đây phải được kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý và trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Báo mạng Công an Thành phố Hồ Chí Minh loan tin này hôm qua; tuy nhiên không cho biết qui định vừa nêu thuộc văn bản pháp quy nào, do cấp thẩm quyền nào đưa ra.

Tuy nhiên, theo bản tin cuả Báo mạng Công an thì tất cả những nơi được giao đất công có hợp đồng cho thuê, liên doanh, liên kết, góp vốn kinh doanh … vẫn còn thời hạn hiệu lực, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved


Bắt bớ những người theo dõi phiên xử Cù Huy Hà Vũ


2011-04-05

Một ngày sau khi diễn ra phiên xử TS. Luật Cù Huy Hà Vũ, tại Hà Nội hiện đang diễn ra một đợt theo dõi, kiểm soát và bắt giữ mới đối với những người đã đi theo dõi phiên tòa ngày hôm qua.

AFP photo

Công An ngăn cản một số người dân bên ngoài tòa án Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2011.

Bị bắt, bị đánh

Có thể nói, chưa bao giờ một phiên toà xét xử một nhà bất đồng chính kiến lại thu hút sự chú ý và tham gia của công chúng Việt Nam nhiều như phiên tòa diễn ra vào sáng 4/4 tại TAND TP Hà Nội, xét xử TS. Luật Cù Huy Hà Vũ về tội: "tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam", kết thúc với bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế. 

Hàng loạt các trang mạng xã hội, diễn đàn và các phương tiện thông tin "tự phát" đã tham gia tường thuật diễn tiến của phiên toà trong suốt ngày hôm qua. Trong khi các báo đài chính thức không được phép tác nghiệp tại phiên tòa được tuyên bố là công khai, thì rất nhiều người dân đã tự nguyện trở thành những người đưa tin bằng những phương tiện sẵn có như điện thoại, máy ảnh, camera của họ.

Cũng chính vì hành động tự phát này mà rất nhiều người trong số họ đã bị bắt giữ bằng nhiều hình thức khác nhau. Có người bị lực lượng bảo vệ bắt dồn lên xe buýt và chở đi xa khỏi khu vực tòa án rồi thả xuống, có người bị bắt đem về đồn công an, thậm chí một số trường hợp còn bị bắt theo kiểu vu khống ăn trộm như trường hợp của anh sinh viên Nguyễn Xuân Kim:

Kim chẳng thấy có biển nào cấm quay phim, chụp hình cả thì mình cũng cầm máy quay phim. Bỗng nhiên thấy có một đám người lại hô hào Kim là kẻ ăn trộm điện thoại, người ta bắt rồi người ta đánh, tra hỏi đủ thứ rồi dẫn về phường.

SV Nguyễn Xuân Kim

"Kim chẳng thấy có biển nào cấm quay phim, chụp hình cả thì mình cũng cầm máy quay phim. Bỗng nhiên thấy có một đám người lại hô hào Kim là kẻ ăn trộm điện thoại, người ta vu khống cho Kim là ăn trộm điện thoại, rồi người ta vây bủa lại rồi dẫn về chỗ đường Hai Bà Trưng, cách tòa nhà TAND thành phố Hà Nội khoảng 500m. Người ta bắt vào đấy rồi người ta đánh, tra hỏi đủ thứ rồi dẫn về phường."

Cùng với sinh viên Kim, hàng chục người khác cũng đã bị bắt giữ vào ngày hôm qua vì hành động quay phim, chụp ảnh hay gọi điện thoại bên ngoài phòng xử án. Trong số này có thể kể đến bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân, blogger Paulus Lê Sơn, trưởng nhóm cựu sinh viên Vinh – Nguyễn Văn Tâm, sinh viên Thái Văn Dung, blogger Cánh chim không mỏi và một số người khác nữa.

Sinh viên Nguyễn Xuân Kim cho biết, anh đã bị đánh đập nhiều lần kể từ khi bị bắt vào sáng hôm qua đến lúc được thả ra vào khoảng 2:30 sáng hôm nay:

"Lúc bắt về thì trước tiên, người ta chả cần hỏi gì cả, người ta đánh trước đã, rồi người ta hỏi: "Ai sai mày tới đây chụp ảnh? Mày chụp ảnh để làm gì?", rồi người ta dẫn Kim về chỗ làm việc của công an Quận Hoàn Kiếm. Vào trong đấy người ta cũng tra hỏi rồi đánh tiếp, rồi bắt viết một bản tường trình. Theo nghĩa vụ công dân, Kim viết bản tường trình cho người ta. Rồi người ta bảo lên chỗ ký một biên bản vi phạm hành chính vì "gây rối trật tự nơi công cộng". Kim bảo Kim không có làm gì gây rối trật tự công cộng cả thì người ta bảo là vì đi xem án, quay phim chụp ảnh cho vụ Cù Huy Hà Vũ." 

Cùng với việc bắt ký nhận vào biên bản vi phạm về tội gây rối trật tự công cộng, anh Kim còn bị cưỡng chế để lấy dấu vân tay cùng với một số người khác cũng bị bắt khi đi theo dõi phiên tòa ngày hôm qua:

"Lúc đấy vào tầm 1 giờ sáng, trong phòng đó có 11 người, 7 người đã lăn dấu vân tay, còn lại 4 người, trong đó có Kim cùng với một bạn tên Sơn ở Thanh Hóa, bác Nguyễn Xuân Tùng ở Hà Nội và một bác nữa không chịu lăn dấu vân tay. Tầm 1 giờ người ta gọi lên, cưỡng chế để lấy dấu vân tay. Người ta đánh, đánh cả người già. Người ta đánh và chửi thậm tệ. Vừa mới lên là người ta đã chửi một cách vô văn hóa theo kiểu côn đồ ấy. 

Người ta bảo là "Tù nhân chính trị là chúng mày". Mình bảo "Tôi có làm gì đâu mà gán ghép, chụp mũ cho người ta là tù nhân chính trị", thì họ bảo là "Tao là trời, tao là Đảng, chúng mày phải nghe tao. Bây giờ chúng mày có làm không? Không làm là tao cưỡng chế đấy". Thế là chúng nó đánh và cưỡng chế cả 4 người phải lăn tay vào để cho công việc làm của nó."

Khám nhà, tịch thu tài sản

son-quan-250.jpg
LS Lê Quốc Quân (trái) và BS Phạm Hồng Sơn. RFA file
Được biết, ngoài việc bị bắt giữ, đánh đập, hai trong số những người bị bắt là bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân còn bị công an đến khám xét nhà, niêm phong và tịch thu một số đồ đạc vào đêm hôm qua. Hiện bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân và một số người khác vẫn chưa được thả ra. Sinh viên Kim cho biết trong lúc bị giam giữ, anh đã chứng kiến luật sư Quân bị đánh đập:

"Trong lúc đấy thì anh lại nói chuyện với tụi em thì được hai cán bộ "chăm sóc tận tình" quay lại đánh trước mặt tụi em. Trước lúc về thì anh ấy bảo là "Hiện tại bây giờ Quân đang có giấy tạm giam 3 ngày vì điều 44. Chắc là chúc anh em đi bình an trước, Quân thị bị tam giam, bị bắt cóc tại đây rồi, có lẽ gặp anh em ít ngày nữa."

Sáng sớm hôm nay, vào khoảng 2:30 sáng, các sinh viên Thái Văn Dung, Nguyễn Xuân Kim và 2 người khác đã được thả ra. Riêng trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân, đêm hôm qua, công an đã thực hiện hai cuộc khám xét, lúc 10 giờ tại nhà và 1 giờ sáng tại văn phòng. Sáng nay, vào lúc 10 giờ, công an đã mời chị Hiền, vợ của  luật sư Lê Quốc Quân lên làm việc. 

Trước tình hình nhiều người trong cộng đoàn bị bắt giữ vô cớ, cộng đoàn Công giáo Vinh tại Hà Nội đã ra tuyên cáo phản đối những hành động trái pháp luật, vi phạm nhân quyền của các cơ quan chức năng, đồng thời kêu gọi trả tự do cho những người còn đang bị giam giữ.

Đại diện cho cộng đoàn, linh mục Lưu Ngọc Quỳnh cho biết:

"Việc tôi phải làm đó là những người của tôi bị bắt giữ, trong đó có cả luật sư Lê Quốc Quân nữa, với trách nhiệm đối với cộng đoàn, tôi sẽ lên tiếng và sẽ tiếp tục yêu cầu trả lại tự do cho Lê Quốc Quân. Đây là trách nhiệm, bổn phận. Những người Vinh tại Hà Nội mà bị bắt bớ một cách vô lý thì cộng đoàn có trách nhiệm lên tiếng bảo vệ. Hôm qua, chúng tôi đã tổ chức cầu nguyện ngay lập tức. Sáng nay, các thành viên đã được thả về, còn lại Lê Quốc Quân. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để Lê Quốc Quân được sớm trả lại tự do."

Hôm nay, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng lên tiếng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" đối với bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế mà TAND thành phố Hà Nội đã xử ông Cù Huy Hà Vũ. Việc kết án ông Cù Huy Hà Vũ đã đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Việt Nam đối với chấp hành luật và cải cách vì không ai bị đi tù chỉ vì sử dụng quyền tự do ngôn luận. Theo đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam lập tức trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ và những tù nhân lương tâm khác.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.


Phản ứng của quốc tế về phiên xử TS Cù Huy Hà Vũ


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 4/4 đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại về bản án bảy năm tù giam và ba năm quản chế mà Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên đối với ông Cù Huy Hà Vũ với cáo buộc ông này 'tuyên truyền chống chính phủ'.

AFP photo

Bên ngoài TAND Hà Nội, nơi xử TS Luật Cù Huy Hà Vũ ngày 04/04/2011.

Quyền phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Mark Toner cho rằng phiá Mỹ quan ngại về qui trình xử án, cũng như việc tiếp tục giam giữ một số người muốn theo dõi phiên xử.

Phiá Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho rằng việc Việt Nam kết án ông Cù Huy Hà Vũ đã đi ngược lại Tuyên bố Phổ quát về Nhân quyền. Điều đó khiến Hoa Kỳ phải đặt ra những nghi vấn về cam kết thực thi pháp trị và cải cách mà chính quyền Việt Nam đưa ra.

Hoa Kỳ cũng lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Cù Huy Hà Vũ và những tù nhân chính trị khác ở Việt Nam.
Đáp lại các quan ngại của Washington, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng thông cáo của bộ ngoại giao Hoa Kỳ về vụ xử án tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.  

Phát  ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga hôm thứ Ba đưa ra lời tuyên bố này từ Hà nội.  Bà Nga nói thêm rằng ở Việt Nam không có ai được gọi là "người tù lương tâm" 

Theo bà Nguyễn Phương Nga, Việt Nam đã theo đúng các qui định cuả luật pháp cuả Việt Nam và qui định cuả luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ.

Cùng với Hoa Kỳ, các Tổ chức bênh vực cho nhân quyền trên thế giới như Human Rights Watch, Ân Xá Quốc tế, Tổ chức Phóng viên Không biên giới cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ.

Ân Xá Quốc tế cho rằng tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ là một tù nhân lương tâm nên chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngày lập tức và vô điều kiện ông Vũ.
Theo Ân Xá Quốc tế, phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ là một phiên toà giả hiệu, khi mà quyền bào chữa và căn cứ giả định vô tội hoàn toàn bị bỏ qua. 

Giám đốc khu vực Châu Á cuả Ân Xá Quốc tế, Donna Guest, cho rằng chính quyền Việt Nam lạm dụng hệ thống tư pháp đặt bất cứ ai bất đồng chính kiến với nhà nước ra ngoài vòng pháp luật. 

Các tổ chức bênh vực nhân quyền trên thế giới cho rằng, chính quyền Việt Nam cần phải lắng nghe kêu gọi cuả cộng đồng quốc tế ngưng biện pháp đàn áp, bỏ tù những nhà đấu tranh bất bạo động trong nước.

Trong khi đó tin từ Hà Nội cho nay, công an vừa bắt giữ thêm hai nhà bất đồng chính kiến khác là các ông Lê Quốc Quân và Phạm Hồng Sơn.

Cả hai nhà trí thức trẻ này đều bị bắt hôm thứ Hai 4-4, khi họ có mặt bên ngoài Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội khi diễn ra phiên xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.

Ông Phạm Hồng Sơn là một bác sĩ, từng bị bắt  hồi năm 2002, chỉ ít tuần sau khi ông dịch tài liệu 'Dân chủ là gì?' từ trang mạng cuả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Sau đó ông bị kết án bốn năm tù và ba năm quản chế.

Ông Lê Quốc Quân là luật sư, và cũng từng bị giam tù bốn tháng hồi năm 2007 vì bị cáo buộc tham gia vào những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Ông bị bắt sau khi tham gia khoá học năm tháng tại một viện nghiên cứu dân chủ ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Đài Á Châu Tự do có tường thuật chi tiết về phiên tòa xử TS Cù Huy Hà Vũ, cũng như diễn tiến của các vụ bắt giữ Luật sư Lê Quốc Quân và Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, tại trang web www.rfa.org/vietnamese.

Theo dòng thời sự:


Những biện pháp kiềm chế lạm phát tại VN


2011-04-05

Trước tình hình lạm phát ngày một nặng nề hơn, chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm kềm chế trong đó có việc tăng thu ngân sách và giảm bội chi của chính phủ. Liệu những biện pháp này có khả thi hay không?

Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên tư vấn cho Bộ kế họach và Đầu tư, và là thành viên của viện IDS để biết thêm ý kiến của một chuyên gia kinh tế trứơc câu hỏi này.

Chống lạm phát

000_Hkg4414023-200.jpg
Người lao động nghèo ngang một cửa hàng trưng bày xe hơi ở Hà Nội tháng 2/2009. AFP photo
Mặc Lâm :
 Thưa Tiến Sĩ, Theo ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thì chỉ số CPI giá tiêu dùng của tháng 1 là 1,74% nhưng ông này cũng nói là tháng hai sẽ cao hơn nữa, đây có phải là điều đáng lo ngại cho nền kinh tế hay không?

TS Lê Đăng Doanh : Vâng. Tháng 2 thường là tháng tết thì thường có lúc chỉ số gia tiêu dùng tăng cao hơn, nhưng nhìn chung thì sau khi mà nhà nước đã có điều chỉnh tỷ giá lên cái mức cao 9,3% thì tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đó trên giá cả các sản phẩm bán trên thị trường là thấy rõ rệt. 

Bây giờ dự kiến là đến mùng 1 tháng 3 sẽ tăng giá điện 15,28% và giá xăng thì dự kiến là cũng sẽ phải tăng bởi vì giá xăng dầu trên thế giới cũng tăng cao rồi, vả lại trợ cấp vào giá xăng tức là trợ cấp cả dầu ô-tô và giá xăng thì hạ thấp so với giá thực trên thị trường thế giới thì khó mà ngăn chận buôn lậu sang các nước láng giềng vì điều kiện biên giới của chúng ta là biên giới tự nhiên cho nên việc người ta đi qua lại rất là thường xuyên.

Ưu tiên số 1 hiện nay là phải chống lạm phát, vì có giảm lạm phát mới hạ được lãi suất tiền tiết kiệm, giữ được tiền tiết kiệm của dân. 

TS Lê Đăng Doanh

Do đó có thể thấy là ưu tiên số 1 hiện nay là phải chống lạm phát, vì có giảm lạm phát mới hạ được lãi suất tiền tiết kiệm, giữ được tiền tiết kiệm của dân, chứ không thể nào huy động tiền tiết kiệm với một lãi suất lại thấp hơn chỉ số lạm phát vì như vậy tức là lãi suất sẽ ở mức âm thì người ta sẽ không gửi tiền tiết kiệm. Trên cơ sở giảm lãi suất huy động tiền tiết kiệm thì cũng sẽ giảm được lãi suất cho vay của ngân hàng, và trên cơ sở đó thì sẽ dần dần tiến tới bình ổn nền kinh tế.

Mặc Lâm : Riêng vấn đề đồng đô la đang tăng lên hàng ngày, theo ông thì kinh tế Việt Nam có ảnh hưởng gì rõ ràng nhất trước hiện tượng này ạ?

TS Lê Đăng Doanh : Việc mà tỷ giá đồng đô la trên thị trường tự do tăng lên hàng ngày nhưng mà đến sáng nay có dấu hiệu đã có giảm, tức là hôm chủ nhật thì đã có tăng lên 22.250 đồng/1 đô la nhưng đến sáng nay thì tôi được biết là đã giảm xuống 22.020 đồng nhờ có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng cái việc giá đô la trên thị trường tự do tăng lên như vậy chứng tỏ là cái mục tiêu của việc điều chỉnh tỷ giá là muốn xóa cái sự hình thành 2 tỷ giá thì chưa đạt được, và điều này nó phản ánh một yếu tố tâm lý là người dân Việt Nam chưa tin tưởng vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam, cho nên có xu hướng là chuyển sang đồng đô la để giữ tài sản của mình để tránh mất mát do lạm phát.

Mặc Lâm : Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho phép kiểm soát tín dụng trong năm 2011 tăng dưới 20%, thậm chí ở mức 18% - 19% để tác động giảm tổng cầu, theo Tiến Sĩ thì liệu biện pháp này có làm giảm bớt sức nóng của lạm phát hay không? 

000_Hkg4748169-250.jpg
Một cây xăng ở Hà Nội hôm 30/3/2011. AFP photo
TS Lê Đăng Doanh :
 Đương nhiên lạm phát trước hết là sản phẩm của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, bởi vì so với các nước trong khu vực thì lạm phát của Việt Nam cao nhất và cái cung tín dụng, cung tiền của Việt Nam cũng là cao nhất, và bội chi ngân sách của Việt Nam cũng là cao nhất, vì vậy cho nên muốn giảm lạm phát thì trước hết phải giảm cung tiền và cung tín dụng. 

Tôi hy vọng là kỳ này Ngân Hàng Nhà nước sẽ thực hiện được cam kết của mình vì 2010 thì chỉ tiêu để cung tín dụng là 25% nhưng trong thực tế khi báo cáo trước Quốc Hội tuần trước thì đã xác nhận là đã có tăng lên trên 30% và cung tiền cũng tăng khoảng 30%, như vậy là mức cung phương tiện thanh toán còn rất là lớn, và để giải quyết vấn đề này thì tôi nghĩ rằng chính phủ phải đi đầu bằng cách cam kết cắt giảm bội chi ngân sách, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả và nêu gương trong vấn đề tiết kiệm, và sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn vốn và nguồn lực của nhà nước, và đấy chính là sự đóng góp của nhân dân.

Tăng thu ngân sách, giảm bội chi

Mặc Lâm : Đối với những suy nghĩ của Tiến Sĩ vừa rồi thì đối với chính sách tài khóa năm 2011 Thủ tướng đưa ra 4 giải pháp, mà giải pháp thứ nhất là tăng thu ngân sách, theo Tiến Sĩ thì vấn đề tăng thu ngân sách một mặt có mặt tích cực nhưng mặt tiêu cực cũng không phải là nhỏ thì Tiến Sĩ thấy mặt tiêu cực có thể ảnh hưởng trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng trực tiếp đối với vấn đề lạm phát hay không?

000_Hkg4619858-250.jpg
Vàng miếng SJC. AFP photo
TS Lê Đăng Doanh : 
Theo tôi thì hiện nay tăng thu ngân sách của Việt Nam thì còn có không ít những khoản chưa thu đầy đủ và chưa thu một cách chính xác, nhưng tôi xin lưu ý rằng là cái tỷ lệ huy động vào ngân sách, tức thu vào ngân sách của Việt Nam là cao nhất trong khu vực: 27-28% so với Trung Quốc chỉ 18% GDP thôi. So với nhiều nước khác thì quanh khu vực đây họ cũng chỉ khoảng 17 đến 19%, nhưng của ta thì đến 27-28% GDP vào thu ngân sách, và ta lại còn bội chi ngân sách khoảng 5-6%, thì ta thấy là cái chi tiêu của chính phủ Việt Nam chiếm một tỷ lệ tương đối cao so với GDP, so với khu vực. Và nếu xem xét đến cái mặt bằng thu nhập bình quân đầu người thì cái tỷ lệ đó cũng là cao. Vì vậy cho nên tôi nghĩ rằng chính phủ nên tăng thu các nguồn hiện nay thất thu, còn nên có chính sách khoan sức dân và hỗ trợ cho những người nghèo. Đấy là những biện pháp rất cần cho sự ổn định kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian tới đây.

Mặc Lâm : Riêng về giải pháp thứ hai trong 4 giải pháp mà chính phủ đưa ra là đạt mục tiêu bội chi ngân sách không quá 5%, Tiến Sĩ nghĩ có thể thực hiện được hay không, vì theo kinh nghiệm thực tế thì Việt Nam chưa bao giờ đạt được con số này, thưa Tiến Sĩ? Như vậy làm sao để đạt được con số 5% này?

TS Lê Đăng Doanh : Tôi nghĩ là nếu Thủ tướng có một quyết tâm chính trị lớn và có những biện pháp cắt giảm những công trình đầu tư không có hiệu quả hay là kém hiệu quả, rồi thì giảm huy động vốn bằng các trái phiếu chính phủ, nghiêm chỉnh trong việc chống lãng phí, thì tôi nghĩ rằng cái khả năng giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% là hoàn toàn có thể. Hiện nay tình trạng chi tiêu kém hiệu quả và đầu tư kém hiệu quả ở Việt Nam là tương đối nghiêm trọng và công luận cũng đã chỉ ra rất là nhiều công trình sau khi vừa mới cắt băng khánh thành xong thì đã hư hỏng và không bảo đảm các tiêu chuẩn như là đã có cam kết

Nếu Thủ tướng có một quyết tâm chính trị lớn và có những biện pháp cắt giảm những công trình đầu tư không có hiệu quả thì khả năng giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% là hoàn toàn có thể.

TS Lê Đăng Doanh 

Mặc Lâm : Một câu hỏi cuối cùng là theo Tiến Sĩ thì mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam có vấn đề gì hay không khi mà lạm phát tăng gấp đôi tăng trưởng?

TS Lê Đăng Doanh : Vấn đề tăng trưởng của Việt Nam thì tôi nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục tăng trưởng vào khoảng 6-7% nếu như mà chính phủ có các điều chỉnh chính sách và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đẩy mạnh việc khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân thì tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể đạt được.

Mặc Lâm : Cảm ơn Tiến Sĩ rất là nhiều.

Theo dòng thời sự: