Khánh An, phóng viên RFA2010-12-28Café Wifi kỳ này sẽ thảo luận câu chuyện về sinh viên với việc chi tiêu vào dịp cuối năm cũng như vấn đề tiết kiệm trong giới sinh viên. Khánh An: rất vui chào đón các bạn đến với chương trình Cafe Wifi. Lần này mình có 4 bạn tham gia vào đề tài ngày hôm nay, đó là đề tài về sinh viên với việc chi tiêu vào dịp cuối năm cũng như vấn đề tiết kiệm trong giới sinh viên. Như vậy trước khi mình bắt đầu, Khánh An mời các bạn tự giới thiệu sơ qua một chút về bản thân mỗi người. Thu: Mình xin được giới thiệu trước. Mình là Lý Thu, sinh viên của Trường Ngoại Thương Hà Nội. Duy: Dạ. Em tên là Phượng Duy. Em hiện đang là sinh viên của Trường Giao Thông Vận Tải. Danh: Mình là Danh. Mình đang học Khoa Toán Tin của Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên. Tuấn: Mình tên là Trần Đức Tuấn, sinh viên năm cuối ngành du lịch. Hiện mình đang ở Singapore. Chi phí hàng thángKhánh An: Vâng. Một lần nữa Khánh An rất vui được gặp các bạn trong chương trình ngày hôm nay. Bây giờ cũng là dịp cuối năm rồi, chắc là bạn trẻ tụi mình lo lắng lắm đến chuyện mua sắm, chi tiêu cuối năm. Bây giờ trước tiên để bắt đầu chương trình này, mình muốn hỏi các bạn một câu hỏi là hiện nay các bạn cần khoảng bao nhiêu tiền để chi tiêu trong một tháng?
Danh: Mình thì trung bình một tháng mình xài khoảng 4 triệu. Khánh An: Wow! Bạn xài 4 triệu hả, trong đó bạn xài những khoản gì? Danh: Với 4 triệu đó thì mình có thể là đóng tiền nhà, mình đóng 500 ngàn. Tiền ăn uống của mình là khoảng 2 triệu. Và một số tiền lặt vặt khác. Khánh An: Vâng. Tiền học của bạn có nằm trong khoản 4 triệu mỗi tháng đó không? Danh: Không ạ. Tiền học là mình đóng riêng ạ. Hiện nay một học kỳ của mình là đóng 1 triệu hai. Khánh An: Vâng. Cảm ơn Danh. Bây giờ mình mời các bạn khác. Duy: Bình quân một tháng của em xài khoảng 1 triệu. Khánh An: Một triệu? Thấp hơn rất là nhiều so với Danh. Làm thế nào mà bạn xài được trong một triệu đó? Phượng Duy: Em không biết là có phải em là bạn gái cho nên em cần phải tính toán, tại vì em học bên khoa kế toán ngân hàng cho nên em có tính toán hay không. Khánh An: Ok! Vậy bạn thử cho các bạn khác biết là bạn tính toán bằng cách nào mà bạn xài 1 triệu, trong đó gồm những khoản nào? Duy: Dạ, tiền thuê nhà là 400 ngàn. Em không thích ăn ở ngoài cho nên em đi mua đồ ăn về em nấu ăn không à, cho nên cũng rẻ một phần nào, là khoảng 400 ngàn. Còn 200 ngàn để chi tiêu là em đi xe buýt hoặc em về quê. Chỉ có như vậy thôi. Khánh An: Wow! Một triệu! Vâng, đó là con số mà bạn Di xài mỗi tháng trung bình. Duy: Có khi thấp hơn nữa. Khánh An: Có khi thấp hơn nữa? Như vậy thì ... Duy: Dạ. Như tháng rồi em chỉ xài khoảng 800 ngàn thôi. Khánh An: Ồ! Có ai có thể cạnh tranh lại cái mức tiêu xài giống như bạn Duy không, là chỉ có 800 cho đến 1 triệu một tháng? Thu: Mình xài một tháng phải 2 triệu hay hơn 2 triệu. Mình lấy làm lạ không hiểu sao tiền nhà của các bạn lại ít như thế. Ngoài Hà Nội mình thuê nhà, tức cả tiền nhà, tiền điện, tiền nước là khoảng từ 800 trở lại, khoảng bảy trăm rưỡi, chưa kể tiền ăn, rồi nói chung tiền tiêu vặt linh tinh. Khánh An: Tiền ăn của Thu là khoảng bao nhiêu một tháng? Thu: Tiền ăn khoảng 500 ngàn một tháng. Khánh An: Khoảng 500 ngàn một tháng. Bây giờ thì mình lại muốn hỏi đến bạn Tuấn, với chi tiêu của bạn ở bên Singapore thì bạn có thể nói sơ sơ cho các bạn ở Việt Nam biết là khoảng bao nhiêu một tháng không? Tuấn: Trung bình một tháng của Tuấn thì khoảng hơn 17 triệu. Thuê nhà bên Singapore thì trung bình một tháng là mỗi người, mỗi sinh viên khoảng 500 đô một tháng. Thu nhập từ đâu?Khánh An: Rồi! Bây giờ mình đã có mức chi tiêu của các bạn. Vậy thì các bạn cho mình hỏi là thu nhập của các bạn có từ đâu? Duy: Dạ. Em thì năm thứ nhất mới lên thì chủ yếu là do cha mẹ gởi tiền lên. Khi bước sang năm thứ hai thì em đã có một công việc rất là ổn định ở tại cửa hàng bán KFC, cho nên bình quân một tháng thì em có thu nhập khoảng từ 900 cho tới 1 triệu. Có khi tháng em làm giỏi thì em được khoảng gần 1 triệu 2, cho nên em không xin tiền ba mẹ nữa. Em tự trang trải cho cuộc sống của mình tại thành phố và dư được khoảng mấy trăm. Khánh An: Wow! Còn các bạn khác thì như thế nào? Thu: Ngày trước, từ năm một là mình cũng chưa đi làm, cho tới cuối năm một bắt đầu di dạy gia sư, thì dạy 2 tháng. Mình dạy 2 buổi một tuần là được 800 nghìn. Cái đợt đấy cũng khá là xông xênh. Nhưng mà bắt đầu năm hai mình học bận nhiều hơn cho nên mình không đi dạy nữa, toàn bộ thu nhập vẫn từ học bổng u-ta-chi. Khánh An: Học bổng gì? Bạn có thể nhắc lại được không?
Thu: U ta chi! (U tức là Mẹ, theo Miền Bắc). Khánh An: U ta chi ! (Mọi người cũng cười). Vâng. Bây giờ thì mình muốn mời Danh. Thu nhập của bạn như thế nào? Danh: Một phần là bố mẹ cho, một phần là mình đi làm thêm. Mình làm trung bình một tháng thu nhập của mình là 1 triệu rưỡi, bố mẹ cho 2 triệu rưỡi nữa là 4 triệu. Khánh An: Vâng. Đó là cái mức mà Danh có thể kiếm được. Còn bạn Tuấn ở Singapore, bạn có thể tự kiếm tiền được không? Tuấn: Em thì em mới đi làm cách đây khoảng hơn nửa năm, tại vì em vừa tốt nghiệp được một cái bằng. Em đang làm supervisor của một tổ chức sự kiện (events), thì mức lương của em trung bình khoảng hơn 1.700 đô. Nói chung là em có thể tự trang trải cuộc sống của em và có thể dư được một chút (cười), không còn phụ thuộc gia đình nữa mà còn có một chút gì giúp cho gia đình nữa. Khánh An: Rất là tốt phải không các bạn! Như vậy thì mình muốn hỏi các bạn là vào dịp cuối năm như thế này thì các bạn có lo lắng lắm về việc phải có tiền để chi một số khoản nào đó ngoài bình thường không? Tuấn: Cái vấn đề này thì ở bên này là thường ký hợp đồng nhà là khoảng một năm, thường cuối năm là chuẩn bị tiền để đóng tiền nhà cho đợt sau. Mà cái tiền nhà bên này thì nó thật sự có đủ thứ cái, thứ nhất là mình phải đặt cọc cho nó. Mình phải đặt cọc một tháng tiền nhà, rồi mình phải trả tháng tiền nhà đó và cái tiền "agent fee" (tiền môi giới), với lại tính thêm thuế nữa. Vấn đề này thường rất đau đầu, có nghĩa là mỗi tháng trung bình 500 nhưng mà dồn một phát chuẩn bị kỳ tới mình phải trả một lần tới 2000 đô nên rất nặng đầu. Rồi lại còn chuẩn bị về Việt Nam, cũng phải quà cáp cho gia đình thì thực sự là cái giới hạn của mình thì nhiều vấn đề lắm. Khánh An: Đó là tình trạng của Tuấn, là một sinh viên đi du học ở nước ngoài. Còn các bạn khác ở tại Việt Nam thì không biết các bạn như thế nào? Theo như mình được nghe các bạn kể lại từ nãy tới giờ, thì như Duy chẳng hạn, bạn từ dưới quê lên thành phố học. Khi bạn trở về, bạn có lo lắng gì lắm không, nhât là vào dịp cuối năm này? Duy: Dạ, em cũng rất là lo lắng. Cũng như anh Tuấn mới nói là anh phải chi tiêu cho việc trang trải tiền nhà thì em ở đây cũng như vậy, em cũng phải trả tiền nhà, cũng phải trả tiền điện nước trước một tháng cho chủ nhà, rồi sau đó em còn phải khi mà mình về quê, mà thời gian gần đây em đã làm ra được tiền nhưng mà em dư thì không có dư nhiều, em chỉ dư chút ít thôi cho nên em cũng muốn có món quà gì nho nhỏ cho gia đình mình khi mà mình ở trên thành phố mình về, nhưng mà hiện giờ em chưa làm được nhiều tiền cho nên em suy nghĩ mình sẽ mua cái gì cho phù hợp với số tiền của mình. Khánh An: Vâng. Cảm ơn Duy. Còn các bạn khác thì như thế nào? Thu, bạn có phải về quê không hay là vẫn ở tại Hà Nội? Thu: Ồ! Mình không phải ở Hà Nội. Mình cũng là sinh viên xa nhà thôi. Mình ở Hải Phòng. Thực ra thì mình cũng rất là lo lắng về vấn đề chỗ trọ. Với một khoản tiền mình có mình nghĩ cách nào mình sử dụng có hiệu quả nhất, có thể mình tiêu vào những công việc mà mình nghĩ là cần thiết nhất, vì cuối năm có rất nhiều sự việc và mình rất là đắn đo là nên dùng vào sự việc gì, chi vào việc gì. Những khó khănKhánh An: Vâng. Cảm ơn Thu. Trong thời gian gần đây, khi vật giá leo thang, không biết cuộc sống của các bạn có gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây không? Tuấn: Theo em nghĩ thì vật giá nó lên thì thật sự nó cũng gây cản trở rất nhiều cho sinh viên, tại vì giống như cách đây một năm - hai năm thì tiền nhà, giá nhà thuê khoảng ba trăm - bốn trăm, nhưng mà bây giờ giá nhà lên năm trăm - sáu trăm. Mà tiền lương thì vẫn cố định và khả năng mình kiếm tiền cũng cố định, cũng chẳng hơn được, thì cái đó là một cản trở rất nhiều cho sinh viên. Khánh An: Với Duy thì bạn ở tại Việt Nam, cơn bão giá này nó có ảnh hưởng lớn lắm tới cuộc sống hàng ngày của bạn không?
Duy: Dạ. Khi vật giá leo thang thì em cũng rất là lo, tại vì với mức lương của mình làm khoảng 900, có khi tháng nào em làm giỏi, tăng ca này kia thì được tới 1 triệu 2, cho nên khi vật giá leo tháng như vậy thì nó cũng gây một sự khó khăn giống như một áp lực đối với em. Trong một tháng đó em phải cân nhắc, phải xài như thế nào, mình phải tiết kiệm này kia lại để cho trong tháng đó mình xài không bị lố. Khánh An: Khi bị khó khăn như vậy thì các bạn làm cách nào để có thể cân bằng được mức chi tiêu của các bạn? Tuấn: Theo Tuấn thì điều đó rất là, thí dụ như tiền nhà thì không thể chặn được, nhưng vấn đề về ăn uống, nhu cầu của mình thì phải giảm lại, chẳng hạn như Tuấn, Tuấn cũng hút thuốc, với lại vấn đề ăn uống, thay vì ra ngoài ăn thì mình chịu khó mua đồ về vẫn có thể nấu ăn được và vẫn có thể tiết kiệm được rất là nhiều. Khánh An: Vâng. Đó là cách mà Tuấn có. Còn các bạn khác thì sao? Duy: Theo em thì em sẽ tiết kiệm lại, cũng là về ăn uống thôi, giảm đi chơi lại . Em hay đi qua bạn, mỗi lần qua bạn thì tốn tiền xe buýt với lại xin nghỉ làm để qua bạn, cho nên em sẽ cố gắng hạn chế thời gian đi chơi lại. Khánh An: Thế còn các cơ hội để cho bạn kiếm thêm thu nhập vào cuối năm thì như thế nào? Tuấn: Cơ hội vào cuối năm thì thực sự nếu mà mình biết nắm bắt thì có rất nhiều cơ hội, tại vì ở bên Sing bây giờ đang mùa du lịch, người ta đi du lịch rất là nhiều, đặc biệt Việt Nam - Singapore. Nhưng vấn đề về khách sạn ở Singapore rất là đắt. Đa số thường thường nếu mà mình, giống như em là bây giờ em đang làm việc cho thuê nhà trong mùa du lịch, có nghĩa là em sẽ bỏ tiền ra mướn một căn nhà và "post" lên mạng. Những người thân của sinh viên nếu muốn qua đây du lịch thì liên hệ với em và em sẽ chia căn nhà đó ra từng phòng cho thuê, chia ra bao nhiêu tiền mỗi ngày. Cái đó là một khả năng kiếm tiền, nhưng mà phải tùy thuộc, nếu mình hên, mình may mắn, khách hàng đông thì mình có thể kiếm lời, lời rất là nhiều. Nhưng mà nếu khách không đông thì mình phải chịu luôn căn nhà đó, đó là một vấn đề. Khánh An: Có nghĩa là một ăn hai thua, phải không? Tuấn: Dạ, 50/50. Khánh An: Vâng. Đó là một ý tưởng rất là hay, phải không, trong điều kiện mà các bạn đi du học các bạn phải chi tiêu rất là nhiều thứ. Nói tóm lại, người ta thường nói là đời sinh viên gắn liền với gói mì tôm, nhưng mà cũng rất là vui vì ngoài gói mì tôm ra thì nó còn gắn với cây đàn ghi-ta, đó là hai mặt của đời sống sinh viên, tuy khó khăn nhưng mà các bạn vẫn giữ được niềm vui. Hy vọng là trong dịp cuối năm này các bạn sinh viên Việt Nam chúng ta sẽ không phải đối diện với quá nhiều khó khăn để mà bị mất các niềm vui. Và cái mục tiêu chính trong đời sinh viên của các bạn, đó là việc học hành. Hy vọng là các bạn cân đo đong đếm trước khi các bạn quyết định chi tiêu một món tiền nào đó. Cảm ơn các bạn rất là nhiều đã tham gia vào chương trình Cafe Wifi ngày hôm nay. Khánh An xin hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới. Theo dòng thời sự:
|
Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010
Sinh viên với việc chi tiêu cuối năm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét