Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

"Trại Giam Cổng Trời" (phần 10)


2010-12-28

Trại giam Cổng Trời tại Hà Giang có thể so sánh với bất cứ trại giam khắc nghiệt nào trên thế giới đã được nhiều nhân chứng kể lại qua 9 bài liên tiếp mà quý vị đã nghe qua.

AFP photo

Một cảnh sát bảo vệ nhà giam Phước Cơ - Vũng tàu hôm 01/3/2006

Bài này tổng hợp tất cả ý kiến của những người trực tiếp liên quan đến trại giam Cổng Trời, hầu tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho các nạn nhân mà tâm trí họ chưa bao giờ nguôi nỗi ám ảnh bao nhiêu năm qua.

Vết thương không thể lành

Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi nhưng vết thương của những người còn sống từ trại giam Cổng Trời trở về vẫn không hề lành lại được. Họ chiêm bao hàng đêm về cuộc sống quá lâu và quá tàn bạo trong trại giam mang tên Cổng Trời. 

Các loại gông cùm kinh khủng nhất đã được mang ra hành hạ họ. Những cái chết câm nín được chôn sau đồi Bà Then làm sao người tù có thể quên khi chính họ là người đào những nhát cuốc đầu tiên chôn những bạn tù bất hạnh?

Những con người hiền hòa như các vị linh mục, tu sĩ, giáo dân chưa bao giờ có ý tưởng chống lại Nhà nước cách mạng trong buổi bình minh của chủ nghĩa xã hội trên khắp đất nước Việt Nam. Họ là nạn nhân của một ý thức hệ, một chính sách cai trị chuyên chính và một tư tưởng duy ý chí đến cuồng tín. 

Những nạn nhân mà các bức tường của trại giam Cổng Trời bao vây nhiều chục năm cho đến ngày nay vẫn đêm đêm mơ thấy gông cùm và trái tim họ vẫn luôn nhói đau bởi hậu quả của nhiều lần xiềng xích.

Hai nhà tù, hai cách ứng xử

Người tù Liên bang Xô Viết trong các trại giam Gulag đã trở về đời sống bình thường nhưng người tù Việt Nam vẫn chưa thoát ra được cái bóng đen quá khứ. Sổ hộ khẩu của họ tuy không đóng dấu sự khác biệt nhưng trong cuốn sổ thành kiến của từng cán bộ địa phương thì họ và gia đình vĩnh viễn không bao giờ được trắng án.

Những người bị giam giữ vì chiến đấu trực diện với quân đội miền Bắc tuy thua trận, bị tù đày nhưng họ đáng được đối xử với quy chế tù binh. Trong ý nghĩa nào đó họ có quyền được kính trọng sau khi trở về gia đình. Những chiếc thang xã hội không thể đạp họ và gia đình họ ra khỏi các nấc tiến thân và nhất là bản án nào cũng phải có ngày chấm dứt kể cả bản án tử hình.

Kéo dài thời gian giam giữ những người tù chính trị này là một cách trả thù không lương thiện. Sau bao nhiêu năm, những tưởng thời gian đã đủ chín muồi để những bản án này có thể được đem ra công khai để trả lại những gì mà các thế lực cuồng tín đã vượt qua cả lương tâm dân tộc để hành hạ những nạn nhân này trong quá khứ.

Qua những sự chịu đựng gian khổ ấy chúng tôi có cảm tưởng một cách thực tế là Giáo hội miền Bắc lớn mạnh lên bằng những đau khổ và sự bắt bớ.

LM Chu Quang Tòng

Đối với những người công giáo bị bắt, bị giam cầm tra tấn đến chết, nói theo người công giáo thì họ đã được Chúa trả công, còn những người may mắn sống sót thì sao? Ai sẽ trả công cho họ, và liệu họ có xứng đáng hưởng quyền tự do tín ngưỡng như bao văn bản mà Nhà nước đã không ngớt tuyên truyền cổ động hay không?

Lý tưởng truyền giáo, làm sao tiêu diệt?

Bởi lý tưởng tự do truyền đạo, khi được thả ra điều mà người linh mục quan tâm nhất vẫn là đàn chiên của mình. LM Nguyễn Hữu Lễ kể lại ngày ông ra trại đã chứng kiến những hình ảnh nhiều làng mạc công giáo của miền Bắc ngày xưa bây giờ ảm đạm và hoang phế chứng tỏ rằng sự sa sút của giáo hội công giáo trong nhiều họ đạo. 

Tuy nhiên khi nhìn lại kết quả giữ đạo của giáo dân, LM Lễ nhận ra rằng cơ sở tôn giáo dù có bị xuống cấp do bị cấm đoán nhưng lòng sùng đạo của họ không hề suy giảm và điều này chứng tỏ chính sách tiêu diệt công giáo đã thất bại, LM Lễ nói:

"Sau khi tôi ra khỏi tù tôi ở lại miền Bắc thăm viếng nhiều nơi trong các giáo phận thì thấy nhiều nhà thờ bị phá tan hoang. Các chủng viện ngày xưa bây giờ chỉ còn cái nóc không thôi. Những nhà dạy giáo lý hồi xưa bây giờ trở thành hợp tác xã. Có chỗ thì nhốt bò, nhốt trâu có chỗ chứa lúa thóc. 

Nói chung các cơ sở tôn giáo người ta đã cố gắng triệt phá. Nhưng điều tôi thấy rất rõ trong khi người ta cố gắng triệt hạ những cơ sở tôn giáo ấy thì niềm tin của người công giáo lại càng mạnh hơn." 

000_APP2000041702054-250.jpg
Cuộc đột kích của bô đội miền Bắc năm 1976. AFP photo
Khi bị bắt là môt chủng sinh, lúc được thả ra thì LM Chu Quang Tòng ngay lập tức tìm mọi cách để tiếp tục con đường tu hành, ông nhận xét cộng đồng công giáo trong những năm sau này:

"Tôi có thể khẳng định giáo hội miền Bắc lúc bấy giờ sau khi bị bách hại tinh thần lại càng cao. Cái hướng của linh mục và anh em tu sĩ bị bắt được người ta đánh giá là niềm hy vọng về người công giáo. Người ta vui mừng lắm. Chúng tôi cũng khẳng định là hầu hết anh em chúng tôi đã đi tù. Anh em nào chưa chịu chức thì khi ra tù cũng chịu chức. 

Qua những sự chịu đựng gian khổ ấy chúng tôi có cảm tưởng một cách thực tế là Giáo hội miền Bắc lớn mạnh lên bằng những đau khổ và sự bắt bớ.
Đây là niềm tin mà thật sự ra khi kể chuyện thì Nguyễn Chí Thiện, Vũ Thư Hiên …những người này chúng tôi đã ở chung với nhau cả rồi. Chúng ta phải khẳng định những bài thơ của Nguyễn Chí Thiện hay truyện "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên đều trăm phần trăm đúng cả."

Đàn áp hay không?

Niềm tin mà người công giáo miền Bắc theo đuổi hàng trăm năm nay vẫn cứng cáp trước các thế lực muốn tiêu diệt nó. Những hoạt động tôn giáo nói chung hồi gần đây cho thấy sức sống của nhiều tín ngưỡng vẫn tiềm tàng trong lòng người dân, không thế lực nào có khả năng xoay chiều đời sống tâm linh bằng cách bách hại hay đàn áp.

LM Nguyễn Hữu Lễ nhận xét về điều này như sau:

"Tôi phải khẳng định nếu ai nói rằng chế độ cộng sản đàn áp tôn giáo thì câu đó chưa đúng. Họ chỉ đàn áp những tôn giáo nào phản kháng lại họ mà thôi. Còn những người trong tôn giáo nào hợp tác, đồng ý hoặc im lặng trước những sự bất công, tội ác của họ thì chẳng những họ không đàn áp, mà họ lại còn cho nhiều ân huệ hơn nữa".

Hà Nội chưa bao giờ từ bỏ ý tưởng khống chế tôn giáo bằng bất cứ phương tiện nào có thể. Vô thần và hữu thần chính là lò thuốc súng sẵn sàng bốc cháy bất cứ lúc nào nếu một trong hai phía mất kềm chế. 

Nếu không tiêu diệt được tôn giáo thì người cộng sản sẽ tìm cách vô hiệu hóa nó.

Dành quyền duyệt xét phong chức là một ví dụ. Đối với hội thánh công giáo, mọi việc phong chức và bổ nhiệm đều phải qua Vatican duyệt xét thì mới được giáo hội thừa nhận. Việt Nam đã làm ngược lại và hội thánh từ nhiều chục năm nay vẫn buộc lòng phải chấp nhận, đó là: Ủy ban Tôn Giáo Nhà nước duyệt xét trước khi Vatican phong chức hay bổ nhiệm một vị trí nào đó trong giáo hội Việt Nam.

Đối với những trình tự ngược này không phải ai cũng nhận ra mục đích vô hiệu hóa của nhà nứơc đối với giáo hội, nhưng trong vai trò và hoàn cảnh như từ xưa đến nay, Vatican không thể làm gì hơn là thỏa hiệp trong một chừng mực có thể để hội thánh Việt Nam tiếp tục hoạt động.

Họ cần câu trả lời

Còn những nạn nhân của các vụ giết hại, đàn áp thì sao?

Chưa từng có người nào đứng ra đòi công lý khi chính họ hoặc thân nhân của họ bị cầm giữ trong các trại tù mà không qua xét xử. Nhà nước dửng dưng như không phải chính mình ra lệnh đàn áp và vì vậy chưa có bất cứ một động thái nào có thể nói là làm dịu bớt nỗi đau của những nạn nhân này.

Người dân luôn luôn có nhu cầu được lắng nghe và nếu chính quyền muốn giải tỏa những trở ngại giữa hai phía để đất nước có thể sống chung hòa thuận thì không lý gì người dân lại từ chối. 

Bởi đây là một phần thưởng cho họ, với điều kiện duy nhất là phía đối diện phải thật tâm. Tất cả các vấn đề còn lại đều có thể chia sẻ. Một sự đền bù nào đó bù đắp cho những lầm than khốn khổ mà gia đình nạn nhân phải chịu đựng trong bao năm chăng? 

Đối với gia đình ông Lưu Đức Tâm, một gia đình nạn nhân Cổng Trời từ những ngày đầu thì họ chỉ mong được yên thân đừng bị chính quyền nghi hoặc hay đố kỵ đã là hạnh phúc cho họ. Tất cả mọi chuyện hầu như còn nằm trên bàn thờ của cụ thân sinh nhưng một lời xin lỗi, thậm chí an ủi từ chính quyền xem ra còn quá xa vời, ông Tâm cho biết:

000_HKG2005112429144-250.jpg
Cổng trại giam Phước Cơ ở Vũng Tàu. AFP photo
"Nhà nước thì người ta bảo người ta đúng. Dựa trên cơ sở nào, pháp lý nào mà mình có thể làm được? Về phía người sống gia đình thấy vô vọng trong vấn đề này cho nên lực bất tòng tâm, cũng ráng chịu thế thôi chứ chẳng biết làm gì cả. Còn nói để xin được hay làm được một cái gì đấy thì thực tế mình chưa bao giờ nghĩ tới bởi vì nó vượt quá tầm tay của mình."

Đối với LM Nguyễn Hữu Lễ thì lời xin lỗi khan không đem lại được gì cho nạn nhân và ông không tin vào sự thành thật của giới chức cầm quyền:

"Thứ nhất nếu nói về một lời xin lỗi, xin lỗi khan thì rất dễ vì lời xin lỗi đó nó được thực hiện đến mức độ nào hay chỉ xin lỗi để trôi qua cái gân gà đang mắc trong cổ, không có giá trị gì cả. 

Điều thứ hai giả sử chọn điều cho được tự do hành đạo thì tôi xin thưa thế này. Cái bản chất của chế độ đối với các tôn giáo tự nó đã nghịch với nhau. Chế độ chủ trương vô thần, còn các tôn giáo chủ trương hữu thần, tự bản chất của sự vô thần hữu thần đã không ngồi được với nhau. 

Có ngồi với nhau chăng là một cuộc hôn nhân gượng ép để cho người ngoài thấy rằng cái cặp này có thể sống chung một mái nhà với nhau nhưng không thể nào nói rằng đây là một cuộc hôn nhân hạnh phúc được."

Cuộc hôn nhân mà LM Nguyễn Hữu Lễ gọi là gượng ép này dù sao cũng đã tồn tại trong nhiều chục năm qua. Lúc chua lúc đắng. Lúc máu chảy lúc lành lặn kéo da, thì tại sao không giữ lại và tìm giải pháp sống cùng như sống chung với lũ? 

Trong khi chuẩn bị cho bài viết này chúng tôi đã phỏng vấn rất nhiều người, nói chuyện với những nạn nhân và gia đình họ trong và ngoài nước. Đã sử dụng hàng trăm trang tài liệu chỉ với mục đích duy nhất là trả lại sự thật cho một giai đoạn lịch sử. Giai đoạn mà người cộng sản Việt nam bị trượt theo đà tiến của cơn lốc cách mạng Xô Viết đến từ nước Nga xa xôi. 

Cơn lốc này phá vỡ mọi tường lũy nhân bản của dân tộc để chiến thắng cho bằng được kẻ thù xâm lược và, tiếc thay sau đó lại trở thành kẻ thù của một số nạn nhân bị chính sách chuyên chính làm cho mù quáng.

Theo dòng thời sự:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét