Cám ơn đất nước Mỹ đã cưu mang và cho tôi có ngày hôm nay, mặc dù rằng tôi chưa hề nhận được một đồng trợ cấp nào từ họ
Khi sống ở Việt Nam, tôi là một người khá sung sướng. Ở đây không phải được bao bọc bởi gia đình, cha mẹ. Mà cái sung sướng ở đây là tôi từng kiếm được khá nhiều tiền, cho dù đó là thời bao cấp. Thời đó, rất nhiều người còn khó khăn trong cuộc sống, thì tôi vẫn có khả năng ăn, nhậu mỗi ngày sau giờ làm việc.
Rời Việt Nam ở cái tuổi 30 mà người ta thường nói "ương ương dở dở", tức là nếu trở lại con đường học vấn thì cũng hơi khó khăn vì đầu óc đã bắt đầu "mụ mị", và cũng vì tôi biết khả năng của chính mình cũng không thể làm chuyện đó, vì không còn được minh mẫn cho lắm trong việc học cái chữ (ở Việt Nam chỉ tốt nghiệp cấp 3). Cho nên tôi quyết định không lấy việc học hành là cái đích cuối cùng cần phải đạt được ở xã hội này.
Thay vào đó, tôi xác định cho mình một hướng đi khác an phận hơn. Đó là cố gắng làm việc thật nhiều, để tích lũy cho tương lai sau này khi mình về già. Hoặc nếu cơ may có đến thì tôi sẽ lao vào con đường kinh doanh, là cái mà tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm khi còn bên Việt Nam.
Trường hợp của tôi được định cư ở Mỹ khá gay go, nó không đơn giản và thuận lợi như nhiều người bình thường. Tôi phải sống gần 3 năm không một giấy lận lưng (dĩ nhiên không được giúp đỡ, trợ cấp từ chính phủ), tức là phải kiếm sống bằng đủ nghề, cái mà nhiều người cho là "hèn mọn" như phụ việc cắt cỏ, phụ làm cho chủ xe lunch, nhân viên bán tiệm tạp hóa, chợ... Và dĩ nhiên tất cả đều được trả bằng tiền mặt. Điều đó nói lên rằng, tôi đã từng sống rất thiếu thốn (vì đồng lương rất eo hẹp), làm việc cực nhọc hơn mọi người bình thường ở đây. Còn nhớ thời gian đó sau khi lĩnh lương ra và thanh toán tiền nhà, xăng nhớt, ăn uống tối thiểu cho cá nhân, đôi khi tiền mua thuốc lá cũng không có, đành phải đi xin từng điếu thuốc từ bạn bè, người quen nơi làm việc...
Ba năm sau khi tôi ở Mỹ, bắt đầu chính thức có thẻ xanh. Tức là bây giờ mới có thể "ngẩng mặt" xin một công việc tương đối gọi là "đàng hoàng" hơn trước đây. Lập tức tôi xin vào làm việc trong một công ty chuyên bán máy tính (chủ yếu là học hỏi) với chức vụ thấp nhất, đó là "giao nhận hàng hóa" (dĩ nhiên cũng là đồng lương khiêm tốn nhất công ty). Sau một thời gian ngắn, do siêng năng nên tôi dần dần được cất nhắc lên những chức vụ cao hơn như: Computer Technician (nhân viên kỹ thuật), Tech Support (tạm dịch: Trợ giúp kỹ thuật cho khách hàng qua điện thoại khi họ gặp trục trặc), Help Desk (giải quyết các khó khăn kỹ thuật về máy tính trong công ty cho nhân viên). Tưởng cũng cần nói thêm một chút ở đây, đó là cho dù tôi chưa từng được học một ngày E.S.L ở Mỹ, nhưng nhờ chịu khó học hỏi những người bạn Mỹ cùng công ty (cám ơn các bạn), cho nên khả năng nói, nghe tiếng Anh của tôi cũng không tệ (bên Việt Nam học tiếng Pháp).
Ròng rã làm việc, tích lũy không mệt mỏi sau 3 năm, tôi đã có một số vốn liếng tàm tạm. Song song với việc được cất nhắc nơi làm việc như trình bày ở trên, tôi quyết định vừa đi làm, vừa tìm kiếm những shop nhỏ để đầu tư làm thêm sau giờ làm việc nơi công ty như: tiệm cho mướn phim, cửa hàng bán tạp hóa... Còn nhớ lại thời gian đó, tôi chỉ biết có đi làm, ra shop làm việc tiếp ngay sau khi tan sở và cuối tuần trụ cả ngày ngoài shop cho đến tối mịt mới về đến nhà, tuần 7 ngày.
Vài năm sau đó, tôi lại được công ty gửi cho đi học những lớp cao hơn về máy tính để trở thành người quản trị mạng cho họ. Dĩ nhiên công việc được nâng cấp, thì đồng lương tôi cũng dần dần khấm khá hơn. Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, mức lương của tôi có thể ngang hàng với một kỹ sư ra trường và có kinh nghiệm 5 năm trở lên.
Nhưng ngược lại với sự thăng tiến ở công ty tôi làm việc, thì công việc kinh doanh của tôi lại không khấm khá lắm, chỉ có thể gói gọn một điều để quý vị có thể hiểu là "lấy công làm lời" mà thôi. Nhưng tôi vẫn cố gắng giữ gìn nó vì lý do suy nghĩ đơn giản rằng: Thay vì mình ở không, và đi chơi (xài tiền) thì ngược lại tôi lại được có tiền thêm. Và thêm một cái lợi khác nữa, đó là nhờ môi trường kinh doanh này, mà tôi có thể tự luyện cho mình kỹ năng Anh ngữ từ chính những khách hàng người bản xứ này. Để từ đó cho tôi một kết quả về khả năng nghe, nói và có cách nhận xét về khách hàng người bản xứ khá nhạy bén, là cái cũng đang giúp cho công việc kinh doanh hiện tại của tôi.
Khi ngành máy tính (Quản trị mạng) xuống dốc, tôi cũng là một trong những nạn nhân bị sa thải, sau hơn 10 năm làm việc. Thay vì cố gắng kiếm một công việc khác có liên quan đến ngành, thì một lần nữa, tôi lại xác định rằng mình không còn khả năng đuổi kịp những bạn trẻ mới ra trường. Bởi vì làm ngành mạng phải học hỏi liên tục, và đầu óc phải rất nhạy bén - cái mà tôi cảm thấy không thể so bì được với họ. Thế là tôi lại quyết định chuyển hướng và cố gắng phát triển cho mình trong ngành kinh doanh từ đó.
Ròng rã cũng đã 10 năm qua kể từ sau ngày ra kinh doanh thật sự, sau khi kiểm điểm lại những thành quả đạt được, tôi có thể một lần nữa nhận định rằng: Cũng chẳng có gì thành công như ý muốn cả. Nhưng ngược lại, nhờ làm việc cật lực, tiết kiệm, cho nên tôi cũng vẫn có một số vốn có thể gọi là sống sung túc cho đến cuối đời, mà không cần phải làm việc nhiều như thời gian qua hoặc thậm chí nếu hoàn toàn không có thu nhập cũng vẫn có thể an hưởng từ đây. Nhưng đương nhiên tôi sẽ không làm vậy, vì mình vẫn còn sức khỏe, để cống hiến cho đời, cho xã hội đã cưu mang mình.
Thưa độc giả gần xa, sở dĩ tôi kể hơi chi tiết về mình như vậy để muốn nói lên lòng tri ân của tôi đối với xã hội Mỹ, mặc dù rằng chính bản thân tôi cũng không phải là một người thành công cho lắm. Nhưng nhờ xã hội này, tôi đã "ngộ" ra rất nhiều điều tốt:
- Một xã hội mà bạn sẽ được "đền đáp" một cách rất xứng đáng trong tương lai, nếu như bạn cố gắng.
- Tình người của xã hội, dân bản xứ đối với người tha hương, cũng như tình cảm của con người với con người rất tốt đẹp. Cho dù không cần biết bạn là người từ quốc gia nào đến và bạn là ai.
- Tính tiết kiệm không xài hoang phí (vì làm việc cực khổ), để có một tương lai sáng sủa hơn.
- Những thói hư tật xấu mà trước đây tôi đã có trong người: Uống rượu, bài bạc, chơi bời... cũng hoàn toàn không có "đất sống" trong tôi.
- Kỹ năng giao tiếp với mọi tầng lớp trong xã hội được tốt đẹp hơn rất nhiều.
- Chịu đựng được giỏi hơn trong nhiều tình huống của cuộc sống, cho dù là có thăng hay trầm đi chăng nữa.
Một lần nữa, cám ơn đất nước Mỹ đã cưu mang và cho tôi có ngày hôm nay, mặc dù rằng tôi chưa hề nhận được một đồng trợ cấp nào từ họ. Nhưng họ đã cho tôi nhiều cơ hội để tiến thân và giúp tôi trở thành một người ít nhiều có ích cho xã hội hoặc chí ít cũng không xấu và sống không hổ thẹn với lương tâm khi xuôi tay nhắm mắt.
Trân trọng.
Lâm Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét