Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Đồng Nai : Rút ruột công trình, làm nhà vệ sinh “quái chiêu”


Tham nhũng, rút ruột tiền nhà nước – Hàng trăm nhà vệ sinh được xây chỉ để … nhìn, vì không có lỗ để "đi"  :)

Hơn 2.000 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây nhà vệ sinh mỗi hộ 1 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này đã bị bớt xén nên nhiều nhà vệ sinh xập xệ, người dân không sử dụng.

Triển khai Quyết định 112/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cải thiện vệ sinh môi trường, năm 2009 và 2010 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai) đã hỗ trợ xây hơn 2.000 nhà vệ sinh cho hộ nghèo (trong tổng số hơn 2.600 hộ nghèo). Tuy nhiên, nhiều nhà vệ sinh đã bị rút ruột, cắt xén nghiêm trọng, không sử dụng được.

Giá khoảng 500.000 đồng, tính cả triệu đồng

Theo chương trình, một hộ dân được hỗ trợ 1 triệu đồng để làm nhà vệ sinh. Tuy nhiên, theo tính toán của các hộ dân về vật liệu, nhân công thì giá thành của một nhà vệ sinh xã xây cho họ chưa đến 500.000 đồng.

Khảo sát hơn 200 hộ (trong tổng số gần 300 hộ nghèo của ấp 3) được hỗ trợ nhà vệ sinh vào tháng 3-2010 tại ba ấp, chúng tôi thấy hầu hết nhà vệ sinh kém chất lượng, bỏ hoang. Nếu khảo sát hết cả xã, số nhà vệ sinh kém chất lượng sẽ lên đến hàng ngàn.

Theo các hộ dân, khi xã thông báo sẽ hỗ trợ xây nhà vệ sinh, các hộ dân đã tự chọn vị trí, đào hố sẵn để xã đưa người đến thi công. Trước đó, nhà thầu của UBND xã mang đến cho mỗi hộ hai bao xi măng, hai bao cát, một bao đá (khoảng 25 kg), vài que sắt bằng chiếc đũa (sắt thì hộ có, hộ không) và một cái bồn cầu.

Một trong nhiều nhà vệ sinh quái chiêu vì nó không có lỗ để "đi". Ảnh: N.ĐỨC

Theo tính toán của các hộ dân: tại thời điểm tháng 3-2010, hai bao xi măng có giá khoảng 120.000 đồng; bồn cầu 120.000 đồng; hai bao cát, một bao đá dăm, vài que sắt và công của hai người thợ làm việc chưa đến 2 giờ đồng hồ và công vận chuyển vật liệu khoảng 150.000 đồng. Cộng tất cả các khoản, giá thành một nhà vệ sinh chưa đến 400.000 đồng nhưng xã đã tính đến cả triệu đồng.

Biết được giá vật liệu chưa đến 400.000 đồng nên có hộ đã đến xã đòi số tiền dôi ra, được xã đưa thêm 500.000 đồng!?

Ngược lại, có hộ không đồng ý việc nhà thầu chở vật liệu đến rồi xây nên tự đi mua vật liệu về xây dựng thì xã không hỗ trợ khoản tiền trên.

Có nhà vệ sinh vẫn phải… vào rừng!

Chưa hết, nhà vệ sinh theo chương trình ở xã Thanh Sơn còn quái lạ đến khó tin là nó… không có lỗ để "đi".

Bà Đinh Thị Thuyền (tổ 10, ấp 3) kể: "Nghe xã báo nhà tôi được xây nhà vệ sinh, tôi mừng lắm. Nhưng cái nhà vệ sinh gì mà không có lỗ để "đi" nên để đó nhìn thôi. Cả nhà vẫn phải vào rừng!". Đưa chúng tôi về nhà, chị Tằng A Sía (tổ 5, ấp 3) kéo tấm tôn che hầm cầu, chỉ vào công trình, nói: "Nhà tôi đào hầm xong, mấy ông thợ xây đến lấy tấm liếp tre của nhà tôi phủ lên miệng hầm rồi tráng lên tấm liếp mớ xi măng. Họ làm chưa tới 1 giờ đồng hồ là xong. Cả nhà sợ nó sụp không đám đụng đến, phải dùng hầm tự đào thôi". Tương tự, còn nhiều hộ như Chấu Vây Sồi (tổ 10); Tằng A Hếnh, Cao Xuân Đồng, Đinh Xuân Hạnh (tổ 8), Trương Văn Khánh, Chóng A Xoài, Sầu A Xi, Trương Văn Hạnh, Trương Thị Phượng, Tằng Phúc Sòi, Lý A Múi (tổ 5)… bồn cầu bị bỏ hoang, xập xệ, không có lỗ…

Chị Tằng A Sía kéo tấm tôn để lộ nhà vệ sinh, nói: "Cả nhà sợ nó sụp lắm, không dám đụng đến, phải dùng hầm tự đào thôi". Ảnh: N.ĐỨC

Có hộ đi làm ăn xa vẫn được xây nhà vệ sinh và nó cũng… không có lỗ để "đi", trong khi có hộ nghèo đang sinh sống tại xã thì không được hỗ trợ.

Bà Cao Thị Đức, Chi hội phó Chi hội Chữ thập đỏ ấp 3, xã Thanh Sơn, nói: "Người dân khiếu nại việc nhà vệ sinh bị bớt xén, làm không an toàn nhưng không thấy xã trả lời. Nhiều người dân đã hỏi và tôi chỉ biết kiến nghị lên xã chớ làm sao giải quyết được. Trong ấp có gần 300 hộ được hỗ trợ nhà vệ sinh nhưng nhiều hộ không sử dụng được. Họ muốn sử dụng thì phải cải tạo".

"Nếu cần sẽ đào lên kiểm tra"

Ngày 8-3, ông Nguyễn Hữu Ngạn, Phó Bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Thanh Sơn, bất ngờ với những hình ảnh của nhà vệ sinh mà chúng tôi cung cấp. Ông nói: "Chương trình này triển khai từ năm 2009 và từ đó đến nay Đảng ủy chưa nghe UBND phản ánh việc này, chúng tôi cũng không nhận được đơn khiếu nại nào của dân. Nói gì thì nói, 1 triệu đồng cũng làm được nhà vệ sinh đàng hoàng chứ không phải xập xệ như thế được. Đảng ủy sẽ yêu cầu thanh tra, làm rõ việc bớt xén. Nếu cần, có thể đào lên để kiểm tra, không thể chấp nhận được việc nhà vệ sinh mà không có lỗ…".

Ngược lại, ông Huỳnh Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, lại nói: "Người dân hiểu lầm chứ không có chuyện bớt xén gì đâu. Xã không ký kết gì với phía nhà thầu. Việc xây dựng là người dân tự ý thỏa thuận với nhà thầu, xây xong có cán bộ xã đến nghiệm thu mới thanh toán tiền cho dân. Nhà vệ sinh xuống cấp hay hư hỏng là do lỗi của nhà thầu, họ xây không đúng, xã có một phần lỗi là không kiểm tra, giám sát hết gần 2.000 nhà vệ sinh."

Đã đến lúc các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ chuyện bớt xén nhà vệ sinh ở xã này.

Huyện chưa hay biết việc này cũng chưa nhận được báo cáo nào từ phía xã. Huyện sẽ yêu cầu các ban, ngành liên quan làm rõ để xử lý. 

Bà NGUYỄN THỊ THANH YÊN, Chủ tịch UBND huyện Định Quán


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét