Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Giới trẻ hải ngoại nghĩ gì về cuộc Cách mạng Hoa Lài



2011-03-05

Tại Trung Quốc vừa qua xuất hiện kêu gọi người dân biểu tình để đòi hỏi quyền lợi. Hoạt động đó được cho xuất phát từ âm vang cuộc cách mạng Tunisia hay còn gọi là cuộc Cách mạng hoa lài bắt đầu từ giữa tháng 12 năm ngoái đang lan sang nhiều nước tại Bắc Phi và Trung Đông.

AFP photo

Người dân Ai Cập vui mừng sau khi Tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho quân đội hôm 11.02.2011.

Trước làn sóng đó, các bạn trẻ Việt Nam tại hải ngoại là những người có cơ hội tiếp xúc các nguồn tin rộng rãi, có những suy nghĩ cũng như quan tâm đối với tình hình Việt Nam ra sao?

Quỳnh Chi nói chuyện cùng một số bạn và có tường trình sau.

Cuộc cách mạng Tunisia bùng nổ và lan sang một số nước ở Bắc Phi và Trung Đông đã làm người ta bất ngờ. Bất ngờ dâng cao hơn khi phong trào này đang tạo cảm hứng cho nhiều người tại Trung Quốc. Cuối tuần trước, một văn bản hiệu triệu 'Cách mạng hoa lài' xuất hiện trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Văn bản này kêu gọi biểu tình 3 ngày sau đó và được cộng đồng mạng truyền đi nhanh chóng. Nhiều thanh niên cho rằng đây là một tín hiệu vui cho nền dân chủ của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Dân chủ là một giá trị chung

Tâm Kiên, thành viên của Tập hợp Thanh niên Dân chủ cho rằng khi "hương hoa lài" tỏa sang tận Châu Á, nó cho thấy dân chủ là giá trị chung của nhân loại. Trả lời chúng tôi từ Pháp Quốc, anh nói:

Đây là một niềm vui cho phong trào dân chủ Trung Quốc và cũng như Việt Nam vì nó cho thấy xu hướng dân chủ không phân biệt văn hóa, truyền thống hay quốc gia mà là một giá trị chung.

Tâm Kiên

"Mình thấy là xu hướng dân chủ lan sang các nước Ả Rập và không ngờ là nó lan đến tận Châu Á. Đây là một niềm vui cho phong trào dân chủ Trung Quốc và cũng như Việt Nam vì nó cho thấy xu hướng dân chủ không phân biệt văn hóa, truyền thống hay quốc gia mà là một giá trị chung."

Cùng ý kiến với Tâm Kiên, Thành Mỹ một sinh viên du học tại Hoa Kỳ cho rằng có những cuộc cách mạng để nói đạt được nguyện vọng của mình là một điều hay. Anh nói:

"Mình thấy việc người dân các nước Ả Rập đòi lật đổ chế độ mà họ không hài lòng là một điều hay. Ở Việt Nam cũng nên có một cuộc cách mạng như vậy."

Không phải là một tín hiệu đáng mừng?

Có thể thấy rằng ý kiến của Thành Mỹ rất thoáng khi bạn không thuộc một tổ chức chính trị nào tại hải ngoại. Thế nhưng không phải ai cũng cho rằng việc cách mạng hoa lài lan sang Châu Á là một tín hiệu đáng mừng. Có người cho biểu tình là sự vi phạm pháp luật. Hồng Hoa, một bạn trẻ định cư tại Hoa Kỳ được 5 năm cho biết:

"Thực ra mình ở bên ngoài nên không phán xét đúng mức sự việc được. Mình không biết ở Trung Quốc có luật biểu tình không, nhưng mà nếu chính quyền bắt bớ như thế thì có thể những người biểu tình đã làm sai những điều mà chính phủ này cho phép."

Khó thành công tại Trung Quốc và Việt Nam

tiananmen-250.jpg
Xe công an tuần tra ở quảng trường Thiên An Môn hôm 03/03/2011.AFP Photo /Frederic J. Brown.
Truyền thông quốc tế loan tin, để ngăn chặn cuộc biểu tình ngay từ bước đầu, ngày 20 vừa qua chính phủ Trung Quốc đã cho khoảng 10 ngàn binh sĩ tỏa ra khắp mọi ngã đường để sẵn sàng có hành động kịp thời chống lại các cuộc biểu tình. Sau đó, báo chí thống kê có khoảng 100 người bị bắt bớ hoặc quản thúc.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc đã có kinh nghiệm đàn áp các phong trào dân chủ trong quá khứ. Chính vì thế, mặc dù chứng kiến những thành công từ cuộc cách mạng ở Bắc Phi và Trung Đông, nhiều người vẫn cho rằng những cuộc cách mạng tương tự như vậy sẽ bị đàn áp và khó thành công ở Trung Quốc và Việt Nam. Thế nên, dù đồng tình hay không về tác dụng của cuộc Cách mạng hoa lài, nhiều người đều cho rằng, phong trào này sẽ bị đàn áp ở Trung Quốc và cả Việt Nam.

Thành Mỹ nói thêm:

"Mình nghĩ rằng nếu cuộc Cách mạng hoa lài xảy ra ở Việt Nam thì chính phủ sẽ đàn áp giống Trung Quốc mà cũng có thể là mạnh tay hơn. Bởi vì chính phủ Việt Nam rất sợ khi thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài. Mình nghĩ là họ rất sợ các cuộc biểu tình tương tự như các nước Ả Rập xảy ra tại Việt Nam. Cho nên họ sẽ đàn áp mạnh tay nếu nó xảy ra tại Việt Nam."

Cũng có ý kiến như vậy, Tâm Kiến cho rằng:

"Mình cho là khi phong trào này lan đến Trung Quốc thì nó sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm trong việc đàn áp các phong trào dân chủ, điển hình là vụ Thiên An Môn. Mình nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có nhiều biện pháp mạnh tay và hữu hiệu hơn các nước Ả Rập để dập tắt các phong trào dân chủ".

Mình nghĩ rằng nếu cuộc Cách mạng hoa lài xảy ra ở Việt Nam thì chính phủ sẽ đàn áp giống Trung Quốc mà cũng có thể là mạnh tay hơn.

Thành Mỹ

Khi biểu tình xảy ra tại các nước Ả Rập, thế giới lên tiếng cảnh báo quân đội không dùng vũ lực để khống chế quần chúng. Tính đến bây giờ, số lượng người chết từ cuộc nổi dậy ở Libya nhiều nhất so với các nước khác. Và Ngoại trưởng Ý Franco Frattini vừa cho biết con số ấy khoảng 1 ngàn người. Đây là một con số thấp hơn rất nhiều so với tổng số thương vong tại Quảng Trường Thiên An Môn năm 1988.

Tâm Kiên nói tiếp:

"Việt Nam cũng học hỏi Trung Quốc rất nhiều. Tại Việt Nam cũng đã từng có những cuộc biểu tình xảy ra nên chính phủ dĩ nhiên cũng có kinh nghiệm như vậy."

Tâm Kiên còn đưa ra một số vụ biểu tình mà chính phủ đàn áp người dân, trong đó có vụ giáo xứ Cồn Dầu. Tuy nhiên, Thông, một đảng viên trẻ của Đảng Việt Tân lại có một suy nghĩ khác. Anh nói:

"Mình không nghĩ là nếu xảy ra biểu tình ở Việt Nam thì chính quyền sẽ đàn áp như chính phủ Trung Quốc. Thứ nhất là Việt Nam đã mở cửa làm ăn với nhiều nước trên thế giới. Thứ hai, nếu người dân biểu tình đòi dân chủ tự do hay chống lạm phát chẳng hạn, đó là nguyện vọng chính đáng của người dân nên mình nghĩ chính phủ sẽ không bắt bớ. Thứ ba, Internet tại Việt Nam rất phát triển nên nếu có xảy ra đàn áp như vậy thì thông tin cũng sẽ được truyền tải ra bên ngoài nên chính phủ sẽ không "dám" làm như thế. Và một điều nữa, nếu họ có bắt bớ thì chỉ bắt những người chủ chốt, nhưng mà sẽ không đàn áp hay bắt đại trà".

Tiếp tay hay đứng ngoài?

Công an Việt Nam trên đường phố Hà Nội trong buổi thực tập gữi gìn an ninh. AFP
Công an Việt Nam trên đường phố Hà Nội trong buổi thực tập gữi gìn an ninh. AFP
Nói đến cách mạng, người ta thường nghĩ đến thanh niên, những người luôn có một trái tim nóng để mang đến nhiều thay đổi. Câu hỏi đặt ra là các bạn trẻ này sẽ làm gì nếu một cuộc cách mạng như thế xảy ra tại Việt Nam. Nhiều bạn trẻ mà đài RFA có dịp nói chuyện cho rằng khi ở nước ngoài, cơ hội tiếp xúc thông tin đa chiều là một lợi thế rất lớn. Họ sẽ tham gia truyền tải thông tin vì khi cách mạng xảy ra, internet và điện thoại sẽ bị cắt. Thông cho rằng:

"Mình sẽ tiếp tay truyền bá thông tin về cuộc biểu tình."

Có rất nhiều bạn trẻ hải ngoại với nhiệt huyết đấu tranh cho dân chủ, tự do, công bằng đất nước. Họ sẵn sàng hòa vào những sự kiện của quốc gia và làm những điều mình có thể. Tuy nhiên, đối với nhiều người, sẵn sàng không hẳn lúc nào cũng cho một kết quả đúng. Ngược lại, họ đứng bên lề, quan sát và chờ đợi. Thành Mỹ chia sẻ:

"Nếu có cuộc biểu tình như thế xảy ra tại Việt Nam thì mình cũng không vội vã bênh vực hay chống đối ai. Mình sẽ xem cuộc biểu tình đó như thế nào rồi mới có hành động cụ thể."

Chuyện Cách mạng hoa lài phát triển như thế nào ở Trung Quốc hay có hay không một cuộc cách mạng như thế tại Việt Nam là những điều chỉ có thể biết được trong tương lai.

Những bạn thanh niên mà các bạn vừa nghe ý kiến hiện sinh sống từ những nơi khác nhau trên thế giới. Họ xa quê vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chỉ có một điểm chung là họ mang trong mình dòng máu Việt và luôn quan tâm đến tình hình đất nước.

Theo dòng thời sự:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét