- 25 năm cụ sống tại vỉa hè, lấy vỉa hè làm nhà, lấy bìa cat – ton làm chiếu. Những ngày Tết đến cụ chỉ cần mua một chiếc bánh chưng để đón năm mới.
25 năm ăn Tết trên vỉa hè
Một buổi chiều giáp Tết, chúng tôi đến thăm cụ Đinh Thị Thanh (hay còn gọi là cụ Hạnh), người đã 25 năm sống lay lắt ở hè Bách hoá Thanh Xuân, Hà Nội và cụ có nguyện vọng được hiến xác của mình. Hiện tại cụ đã được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội 3 ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội theo diện tự nguyện.
So với những ngày còn sống ở hè Bách hóa Thanh Xuân thì giờ đây cụ Hạnh đã được sống trong một căn phòng nhỏ có giường có chăn, có gối và đầy đủ các phương tiện sinh hoạt. Đặc biệt, còn có một người bạn già cùng phòng để tâm sự đêm hôm.
Khi chúng tôi bước vào thì cụ Hạnh đang nằm trên giường. Thấy khách đến, cụ vụt dậy niềm nở chào hỏi rồi tươi cười nói: Rảnh rỗi nên ngày nào tôi cũng nằm nghe đài! Trông qua, đó là một chiếc đài cũ, cụ bảo đó là chiếc đài cụ luôn mang theo bên mình bao năm. Mặc dù đã bước sang tuổi 80, mái tóc bạc trắng nhưng nhìn cụ vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Cụ mặc chiếc áo nâu sờn, cổ quấn hai chiếc khăn, dáng người nhỏ bé nhìn thật hiền hậu.
Nụ cuời hiền hậu của cụ lộ rõ hàm răng đã bị rụng gần hết. Trên chiếc bàn chỉ vào đĩa thịt gà, cạp lồng canh vẫn còn nguyên của bữa trưa trên bàn, cụ khoe: Ở trong này ăn sướng hơn cả nhà giàu đấy các cô ạ! Nào là giò lụa, nào là thịt gà, nào là chả, cá, hoa quả.... Nhưng vì răng rụng hết nên không nhai được thịt. Tôi chỉ thích ăn đậu kho, đậu rán nhất! Mà bây giờ già rồi cũng ăn được ít lắm. Chẳng bao giờ ăn hết 1 suất! Mỗi bữa chỉ 1 bát cơm.
|
Cụ Thanh những ngày trong trung tâm chăm sóc bảo trợ |
Từ ngày vào trung tâm cụ Hạnh rất nhớ mọi người ở khu Bách hóa Thanh Xuân, nơi 25 năm cụ đã phải sống những ngày tháng khổ hạnh. Cụ nhớ cuộc sống thoải mái ngày trước và nhớ 12 chú bảo vệ tốt bụng đã không đuổi cụ đi, giúp đỡ cụ mỗi lúc khó khăn.
"Hôm đó đi vội quá không ghi được số điện thoại của các chú bảo vệ và các cô ở đấy nên vào đây không có số điện thoại gọi. Ngồi đó 25 năm rồi Tết phải về thăm mọi người chứ. Đi không được mấy câu nói, ngày Tết phải về chúc tết mọi người". Đôi mắt cụ sáng đầy vui mừng lên khi khoe với chúng tôi là sắp được về lại "chốn xưa" để thăm mọi người. Mặc dù, đây là cái Tết đầu tiên sau 25 năm cụ được sống trong một căn phòng ấm áp như vậy. Nhưng cụ vẫn "thèm" và nhớ những cái Tết xưa của mình.
Ngày trước Tết chỉ có một chiếc bánh chưng
Những năm trước đây, cụ Thanh sống và buôn bán ngay tại thềm của Bách hóa. Như một điệp khúc, mùa hè cụ sống tại đây luôn, mùa đông cụ tìm một căn phòng nhỏ để thuê, có đêm về nhà, có đêm ngủ tại đây. Vì thương hoàn cảnh của cụ nên không ai dám đuổi cụ đi cả.
25 cái xuân về là 25 đêm giao thừa cụ chỉ ngồi ngoài vỉa hè. Cụ nhớ, có năm cụ phải kéo cả chiếc xe hàng đầy đi nhiều phố để thưởng ngoạn chút mưa xuân. Có những năm mưa phùn, gió bấc, nhiệt độ thấp quá cụ chỉ co ro trong chiếc chăn sờn. Giá lạnh tê tái nên không ngủ được cụ chỉ nhìn xuống đường. Nhìn dòng người hàng nghìn người chảy qua cụ thầm mong "giá như trong số đó có một người thân của mình".
Số phận đưa đẩy, nên cụ cũng thường xuyên gặp những người tốt. Ngày Tết thấy cụ ngồi một mình tóm tém miếng bánh mì, nhiều người đã đến mừng tuổi, có người cân xong đưa cả 5 - 10 nghìn cho cụ trong đó tiền cân chỉ có 2 nghìn đồng.
|
Thức ăn còn dư sau mỗi bữa ăn của cụ |
Những Tết trước, một phần vì không có tiền, một phần vì cụ không ăn được nhiều nên cụ chỉ mua cho mình một chiếc bánh chưng. Cụ khoe cũng sang lắm, năm ngoái cụ mua chiếc bánh chưng 40 nghìn đồng liền, ba ngày Tết chỉ thế thôi là đủ.
Ngày Tết, người ta vào bách hóa sắm Tết nhiều lắm, nhưng cụ chỉ nhìn họ là đã thấy không khí lắm rồi. Ngày trước, khi còn gia đình nhỏ của mình cụ cũng chăm lo giống như họ, cũng có những tiếng cười rôm rả như vậy. Số cụ phận bạc, phước mỏng nên cái gia đình đó của cụ không còn. Cụ chỉ mong có một cái Tết cùng gia đình của mình. Hơn ai hết, cụ biết ước mong đó chắc không bao giờ thành hiện thực.
Theo ông Bùi Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc và bảo trợ 3 cho biết, cụ Định Thị Thanh, sinh năm 1935 được một tổ chức đứng ra bảo lãnh gửi vào trung tâm chăm sóc theo chế độ tự nguyện. Mỗi tháng người bảo lãnh sẽ phải nộp 2 triệu đồng vào trung tâm.
Cụ Thanh là một trường hợp rất đặc biệt với trung tâm vì hoàn cảnh của cụ và cũng vì cụ là người của xã hội. Những ngày Tết, trưng tâm thường tổ chức gói bánh chưng và tặng quà cho các cụ trong trung tâm. |
Lưu Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét