Đúng như dự đoán chung của dư luận, Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944 (67 tuổi) đã được chọn "đặc biệt" do sự vận động ráo riết của Nông Đức Mạnh (ngược lại nguyên tắc tất cả ứng viên bầu vào trung ương đảng phải dưới 65 tuổi) để vào trung ương đảng và cuối cùng được chọn làm tổng bí thư nhiệm kỳ XI (2011 – 2015). Trong số các ứng viên được 1,376 đại biểu đề cử vào ghế tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng được hơn 1,000 phiếu đề cử; hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đều sinh năm 1949 (62 tuổi) chỉ đạt nửa số phiếu của ông Trọng. Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng đăng quang thành lập một triều đại mới, ông Hồ Đức Việt, sinh năm 1947 (64 tuổi), Ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tổ chức trung ương đảng đã bị loại khỏi trung tâm quyền lực vì đã chống lại các vận động của Nông Đức Mạnh.
Trong quá khứ, Trưởng ban tổ chức trung ương đảng là người nắm quyền lực thứ 2 ở trong đảng và "cầm chịch" về những sắp xếp nhân sự ở các bộ phận. Hồ Đức Việt đã chống lại việc lưu giữ Nguyễn Phú Trọng thêm một nhiệm kỳ với lý do quá hạn tuổi 65. Đồng thời ông Việt đã không đưa tên Nguyễn Chí Vịnh và Nông Quốc Tuấn vào danh sách ứng viên Trung ương đảng. Vào giờ phút cuối ở Hội nghị Trung ương 14 vào tháng 12 năm 2010, khi ông Trọng chỉ đạt 60% số phiếu của trung ương đảng khóa X đề cử vào danh sách ứng viên trung ương khóa XI, Hồ Đức Việt đã vận động một số cựu lãnh đạo như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải lên tiếng đề nghị giữ Nguyễn Minh Triết hơn là Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.
Kết quả như chúng ta thấy, ông Mạnh đã thắng. Ông Mạnh không những truyền ngôi được cho Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục ôm giữ chủ thuyết Mác-Lênin và thân thiện với Bắc Kinh mà còn đưa hai đàn em: Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng – con thoi giữa Mạnh với Bắc Kinh – và quý tử Nông Quốc Tuấn, Bí thư Bắc Giang vào Trung ương đảng. Cả hai nhân sự này đang ở độ tuổi 50 nên con đường hoạn lộ sẽ còn rất dài với đích nhắm là thành viên bộ chính trị trong 5 hay 10 năm tới. Sự khuynh loát của Mạnh trong đại hội XI đã khiến cho dư luận nêu nhiều nghi vấn. Ông Mạnh không phải là con người mưu mô, tài giỏi. Thế thì ông Mạnh đã dựa vào ai, vào nhóm thế lực nào để vừa ngăn chận ông Trương Tấn Sang không ra tranh ghế Tổng bí thư, vừa tấn công ông Nguyễn Tấn Dũng xém mất ghế Thủ tướng và nhất là đánh gục và loại ông Hồ Đức Việt ra khỏi vị trí quyền lực ở trong đảng? Nhiều xác xuất cho thấy là bàn tay Bắc Kinh đã đứng sau ông Mạnh trong những cuộc đấu đá nói trên và đó cũng là điều lý giải vì sao ông Mạnh lại chọn ông Trọng làm tổng bí thư, người được coi là thân thiện với Trung Quốc từ những năm 2000 trở đi.
Với những mối liên hệ giữa Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng nói trên, chúng ta có thể dự kiến là cái bóng của ông Mạnh sẽ ảnh hưởng lên các chương trình hành động của tân Tổng bí thư Trọng, ít ra là trong vài năm đầu. Một vài dư luận khác còn cho rằng do sự cạnh tranh ghế tổng bí thư giữa Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng quá gay gắt trong năm 2010, nên Nông Đức Mạnh trong vai trò Trưởng tiểu ban nhân sự đại hội XI đã phải chọn Nguyễn Phú Trọng như là cách hóa giải tạm thời những xung đột giữa hai phe Sang và Dũng. Sự kiện này cũng giống như việc đảng CSVN đã từng chọn Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư năm 1986 để hóa giải sự xung đột gay gắt giữa phe Lê Đức Thọ và Trường Chinh sau khi Lê Duẫn đột tử vào năm 1985. Nguyễn Phú Trọng sẽ chỉ làm tổng bí thư một nhiệm kỳ và đến năm 2016 nếu ông Sang hay ông Dũng có tư thế vượt trội vào lúc đó sẽ giành lấy ghế tổng bí thư. Điều dự kiến này xuất phát từ việc 14 thành viên bộ chính trị mới được bầu trong đại hội XI, đã không có ai vượt trội so với tư thế của hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Truơng Tấn Sang hiện nay.
Ngoài 9 ủy viên của khóa X được bầu lại như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh, Phùng Quang Thanh, Lê Thanh Hải, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Sinh Hùng, Tô Huy Rứa; có 5 ủy viên mới gồm: Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954 hiện là Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ; Đinh Thế Huynh, sinh năm 1953, Tổng biên tập báo Nhân dân; Tòng Thị Phóng, sinh năm 1953, Trưởng ban dân vận trung ương; Trần Đại Quang, sinh năm 1056, Thứ trưởng công an; Ngô Văn Dụ, sinh năm 1947, chánh văn phòng trung ương đảng, đều là những nhân sự ít được dư luận biết đến. Đa số họ là những người thuộc khuynh hướng giáo điều, bảo thủ. Trong khi đó, những nhân sự mà người ta kỳ vọng sẽ được bầu vào bộ chính trị lần này như Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng tài chánh Vũ Văn Ninh… đều bị lọt sổ.
Nói cách khác, 14 thành viên Bộ chính trị nói trên không có "viễn kiến" như đại hội XI đã nêu ta là tạo những bước đột phá trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam để đến năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại. Viễn kiến của 14 nhân sự này nếu có là tiếp tục giữ đảng cố thủ trong lô cốt độc tài độc đảng như Đinh Thế Huynh đã trả lời trong cuộc họp báo ngày 10 tháng 1, đồng thời dựng ra bức tường "chống diễn biến hòa bình" để cô lập và ngăn chận mọi sự trao đổi của các mạng xã hội (social network), một xu thế lớn của thế kỷ 21.
Mặt khác, trong số 175 ủy viên trung ương đảng chính thức bầu trong đại hội XI có 19 người là gốc quân đội và 9 người là gốc công an, nhiều hơn đại hội X là 5 người. Trong khi đội ngũ gọi là trí thức hoạt động trong các lãnh vực về kinh tế, giáo dục, đối ngoại… thì đếm trên đầu ngón tay. Đương nhiên đa số vẫn là các Bí thư của những đảng bộ Tỉnh, Thành trực thuộc trung ương và các cơ quan trung uơng. Trong khi đó, chính quyền CSVN có khoảng hơn 20 Bộ và ngang bộ nhưng chỉ có khoảng 10 Bộ trưởng được chọn vào Trung ương còn đa số bị loại hoặc không được giới thiệu vào danh sách ứng viên Trung Ương như Lê Doãn Hợp, bộ trưởng truyền thông & thông tin; Phạm Khôi Nguyên, bộ trưởng tài nguyên và môi trường; Võ Hồng Phúc, bộ trưởng kế hoạch & đầu tư; Nguyễn Hồng Quân, bộ trưởng xây dựng; Hồ Nghĩa Dũng, bộ trưởng giao thông vận tải vân, vân..
Ngoài ra, có một số nhân vật khá được nhiều người biết đến qua một số chức vụ mà họ đảm trách như Thứ trưởng công an Nguyễn Văn Hưởng, người trực tiếp chỉ đạo những cuộc trù dập, bắt bớ phong trào dân chủ trong hơn 10 năm qua, đã bị loại khỏi danh sách trung ương. Hay ông Vũ Văn Hiền, Tổng giám đốc đài truyến hình Việt Nam, bị chính trong nội bộ của đài tố cáo là bè phái và tham ô, đã mất chức trung ương kỳ này. Huỳnh Đảm, chủ tịch Mặt trận tổ quốc cũng bị mất chức trung ương vì bị coi là "ba phải" trong công tác dân vận và đối ngịch với bà Tòng Thị Phóng, trưởng ban dân vận.
Bên cạnh những diễn tiến bầu chọn thành phần nhân sự nói trên, nội dung của các văn kiện cũng đã không có gì thay đổi so với bản dự thảo. Mặc dù CSVN dành đến 3 ngày để cho 1,376 đại biểu họp theo từng đoàn, thảo luận mổ xẻ; nhưng biểu quyết sau cũng vẫn là "nhất trí" với những cái cũ. Có hai điều sau đây đã đưa ra biểu quyết và trịnh trọng ghi vào biên bản của đại hội XI.
Định nghĩa về đặc trưng kinh tế của xã hội chủ nghĩa là gì, đại hội đã chỉ quyết định thêm chữ tiến bộ vào cuối câu giải thích đã soạn trong dự thảo như sau: "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp."
Định nghĩa về tiêu chuẩn đảng viên đảng CSVN trong tình hình cho tư bản tư nhân tham gia làm đảng viên, đại hội cho thêm vào nhóm từ "nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam" thành: "đảng viên đảng CSVN là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam…"
Nhìn vào cách thêm thắt những từ ngữ để cố giải thích về các chủ trương cho phù hợp với tình hình, người ta chỉ thấy nó biểu hiện một sự gượng ép và coi thường dư luận của đảng CSVN mà thôi. Điều này cho thấy là 9 ngày đại hội đảng kỳ XI vừa qua, thực chất là một cuộc tụ họp tốn kém vô ích, chỉ để nói những điều mà ai cũng đã biết và ngay cả việc chọn thành phần lãnh đạo, dư luận cũng đã tiên đoán trước khi khai mạc.
Đại hội XI đã để lại ấn tượng trong dư luận là đại hội "bế tắc" và "đường cùng" của một thể chế đang đi giật lùi trước những trào lưu tiến hóa của nhân loại và ngược với lòng dân. Triều đại Nguyễn Phú Trọng rồi cũng sẽ đi lòng vòng như chính ông Trọng đã không dám lấy những quyết định, giải quyết các vấn đề nhức nhối của xã hội do nhiều đại biểu nêu ra, trong mấy năm ngồi ở ghế chủ tịch quốc hội.
Trung Điền
Ngày 19/1/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét