- Hạn chế nhập cư vào nội thành và mức phí, phạt đối với giao thông và môi trường ở Hà Nội cao hơn là hai vấn đề gây nhiều tranh cãi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Thủ đô sáng 6/1.
Quản lý dân cư: nặng về hành chính!
Về vấn đề quản lý dân cư, tại khoản 1, điều 19 Luật Thủ đô nêu rõ: công dân muốn đăng ký thường trú ở Thủ đô phải đáp ứng các yêu cầu: Đã tạm trú liên tục tại Thủ đô từ 5 năm trở lên và có văn bản chứng minh về chỗ ở. Người lần đầu đăng ký thường trú phải chứng minh có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu.
Đánh giá về quy định này, nhiều ý kiến cho rằng quá nặng về "hành chính", không khả thi trong thực tế.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng các điều kiện để được cấp giấy phép cư trú đưa ra trong dự thảo khá khắt khe nhưng ông không tin trên thực tế nó có thể giúp giải quyết vấn đề nhập cư ồ ạt hiện nay. "Các thành phố lớn quá tải, ai cũng thấy, nhưng nếu hỏi tôi biện pháp này có phải là giải pháp thì tôi nói là "không", ông Vượng thẳng thắn.
Vấn đề quản lý dân cư Hà Nội rất phức tạp, nếu chiếu theo quy định trên thì những người dân từ các tỉnh khác đến Thủ đô sinh sống theo kiểu "đêm kiếm manh chiếu ngủ, ngày đi làm", sẽ giải quyết thế nào?
Ông Vượng nhắc lại bài học trước đây đã áp dụng các biện pháp hành chính khắt khe nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, không những không hiệu quả mà còn phát sinh các vấn đề về giáo dục, an sinh xã hội, tội phạm…
"Chúng ta phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ quay trở lại thời kỳ trước đây", ông Vượng nói. Đặc biệt, vấn đề sẽ còn phức tạp hơn khi có thêm đối tượng là người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng, quyền di chuyển từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn là một quy luật của sự phát triển.
"Đó là những nhu cầu tất yếu mà không biện pháp hành chính nào có thể ngăn cản được. Do vậy, đề nghị không nên quy định vấn đề này trong dự thảo Luật mà để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cư trú", ông Thuận đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã phân trần: "Nói một thời gian dài quản lý hành chính không hiệu quả là không đúng, chúng ta đã quản lý vấn đề nhập cư rất chặt chẽ và giữ được trật tự trị an".
Ông Cường cho hay hiện nay, có nhiều trường hợp diện tích nhà ở chỉ 5m2, không đảm bảo điều kiện sống, ảnh hưởng đến văn minh đô thị. Thậm chí có nhiều người để có được giấy chứng nhận thường trú, sẵn sàng trả tiền để mua khống. Do vậy, những quy định mới này sẽ làm việc quản lý chặt chẽ hơn việc nhập cư. "Luật phải bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp công dân, nhà nước, cộng đồng và xã hội chứ không riêng gì quyền cư trú của công dân", ông Cường nhấn mạnh.
Bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau
Về quy định áp dụng mức phí, phạt đối với giao thông và môi trường ở Hà Nội cao hơn các tỉnh khác, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng như vậy là không công bằng. Ông lấy ví dụ ở các tỉnh khác cũng có rất nhiều di tích quan trọng (như Đền Hùng, Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An...) nhưng việc xâm phạm vào các di tích ấy lại chịu mức phạt thấp hơn so với các di tích ở Thủ đô là rất vô lý.
Nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì cho rằng, Hà Nội được thụ hưởng nhiều hơn, đời sống, trình độ dân trí cao hơn thì phải gương mẫu và đóng góp cao hơn. "Bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau", ông Kiên nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng cho rằng quy định này là công bằng vì bất cứ ai vi phạm ở Hà Nội đều chịu mức phạt như nhau. Hơn nữa, ở Hà Nội mật độ phương tiện tham gia giao thông quá lớn nên các vi phạm dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông hơn. Do đó, cần phạt nặng để nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
Dự án Luật Thủ đô sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 3 tới đây.
Nguyễn Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét