Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Gần 1/3 học sinh TP.HCM chơi game 1-3 lần/tuần


TT - Theo kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT TP.HCM về thực trạng học sinh chơi trò chơi trực tuyến (game online), trong số 105.340 học sinh (thuộc 58 đơn vị trường học và phòng GD-ĐT) được phỏng vấn, có 32.831 học sinh chơi game online 1-3 lần/tuần, chiếm tỉ lệ 31,16%.

 Trẻ em chơi game online tại một cửa hàng Internet ở TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

10.360 học sinh khác chơi game online từ 4-6 lần, chiếm tỉ lệ 9,8%. Về thời gian trung bình cho một lần chơi có 20,93% (22.049 học sinh) chơi 2-3 giờ, 1.111 học sinh chơi hơn 10 giờ/lần. Đáng lưu ý, có đến 10.787 học sinh đã chơi game online 3-4 năm.

Trong số học sinh được phỏng vấn, đa số trả lời là bố mẹ các em có biết con em mình dùng tiền chơi game online tại các đại lý Internet nhưng vẫn cho tiền con đi chơi.

Thực tế sẽ cao hơn

Tuy nhiên theo ông Phạm Thành Long - chuyên viên Phòng công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM, kết quả trên chỉ chính xác ở mức tương đối bởi số học sinh được khảo sát chiếm tỉ lệ rất thấp trong tổng số học sinh toàn thành phố (105.340 học sinh được khảo sát trên tổng số gần 1 triệu học sinh trung học - PV). Ông Long nói: "Tôi nghĩ con số thực tế sẽ cao hơn số liệu khảo sát".

Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Bác Dụng - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - nhận định mẫu các câu hỏi phỏng vấn về game online chưa khoa học, chưa thuyết phục được học sinh tự giác nói về mình. Thời gian gần đây, báo chí lên án rất nhiều về game online, thầy cô trong trường cũng nhắc nhở các em thường xuyên, đến khi khảo sát thì các em sẽ giấu giếm hoặc tìm cách chống đối.

Đa số các em có chơi game online, dĩ nhiên chưa tới mức nghiện trầm trọng nhưng khi được hỏi các em lại nói là không chơi. Vì thế, kết quả khảo sát chỉ nên dùng làm tài liệu tham khảo chứ không nên làm căn cứ để đưa ra những quyết sách quan trọng của vấn đề này.

Ông Dụng đề nghị: "Việc cấm game bạo lực hoạt động là điều cần thiết vì thực tế nó tác hại nhiều hơn người ta tưởng. Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý con em mình. Các phụ huynh hãy quan tâm đến con em mình hơn, khi thấy các em lờ đờ là phải chú ý ngay. Tức là phải ngăn chặn ngay từ đầu chứ đừng để các em nghiện rồi sẽ rất khó khăn. Ở Trường Trần Đại Nghĩa, chúng tôi dùng hệ thống chân rết học sinh: các em chơi với nhau và sẽ biết sớm nhất về việc bạn mình chơi game bạo lực hoặc chơi quá nhiều, xao lãng học hành. Hệ thống này sẽ báo ngay cho giáo viên và chúng tôi sẽ có biện pháp giúp đỡ kịp thời".

Trong giờ học vẫn nghĩ đến game

Ông Nguyễn Tấn Tài, phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, cho biết: "Khi thực hiện khảo sát, học sinh có chơi game online có thái độ lo sợ, mặc dù không yêu cầu ghi tên nhưng các em vẫn sợ thầy cô trong trường biết và kỷ luật này nọ. Vì vậy, học sinh trả lời không thật lòng. Đa số các em nói là không chơi, nhiều em trả lời có chơi nhưng chỉ chơi vào ngày nghỉ và mỗi lần chỉ chơi 20-30 phút. Thật sự như vậy thì rất hợp lý, có gì để nói đâu. Tôi nghĩ trên thực tế số học sinh có chơi game online nhiều hơn so với kết quả khảo sát. Chỉ có điều đáng để chúng ta suy nghĩ là một số em nói rằng trong giờ học các em vẫn nghĩ đến game. Rồi bố mẹ các em biết con mình dùng tiền đi chơi game nhưng vẫn cho tiền. Tôi đã hỏi trực tiếp phụ huynh và họ cho rằng xã hội bây giờ đầy rẫy những cạm bẫy, cho học sinh vào quán net ở gần nhà chơi game là biện pháp an toàn hơn cả".

HOÀNG HƯƠNG

Học sinh hung hăng hơn, dữ dằn hơn

"Trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, các cửa hàng kinh doanh trò chơi trực tuyến xuất hiện ngày càng nhiều, với mật độ cao xung quanh các trường học để nhắm vào một đối tượng rất tiềm năng là học sinh.

Thống kê báo cáo của 24 quận huyện cho thấy có 1.538 tiệm Internet ở gần trường học trong tổng số 3.920 tiệm trên toàn thành phố (chiếm gần 40%).

Không thể phủ nhận những mặt tích cực từ game, nhưng bên cạnh đó là những tác hại khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy, suy nghĩ của giới trẻ. Thời gian dành cho việc học tập đã bị game "chiếm đoạt". Thêm vào đó, những cuộc chiến bạo lực trong game đã ảnh hưởng khá lớn đến hành động của tuổi trẻ.

Với sự ám ảnh thường xuyên của phim, truyện, trò chơi điện tử bạo lực đã làm suy nghĩ, tâm hồn, nhân cách của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các em ngày càng hung hăng hơn, dữ dằn hơn, khó kiềm chế hơn".

(Trích báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi Bộ GD-ĐT)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét