Đỗ Hiếu, phóng viên RFA2011-01-04Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long diễn ra tại Hà Nội từ ngày mồng 1 đến ngày 10 tháng 10 năm 2010, được xem là 1 trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật và được quan tâm nhất tại Việt Nam trong năm vừa qua. Báo chí trong nước cho đó là biểu tượng văn hóa truyền thống, tưng bừng với sự tham gia, hưởng ứng của trên một triệu người dân cả nước cũng như từ hải ngoại tập trung về. Dịp này, hoàng thành Thăng Long cũng được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trên thực tế, đại lễ này có thật sự thành công như nhà nước nhận định và đánh giá hay không? Bên cạnh những thành tựu bề ngoài đó, những hiện tượng tiêu cực, mặt trái của 1.000 năm Thăng Long là gì? Mời quý vị theo dõi ý kiến của một số người Việt trong và ngoài nước về sự kiện lịch sử này. Chuẩn bị rầm rộ
Những nét đẹp tươi, niềm phấn khởi, tự hào, những hình ảnh đầy màu sắc, lung linh rực sáng, cảnh nhộn nhịp, trang trọng của "dấu mốc lịch sử" ngàn năm có một này đã được cơ quan truyền thông của nhà nước phổ biến bằng mọi phương tiện thông tin, quảng bá nhanh chóng và rộng khắp cả nước và toàn thế giới. Vào những ngày cuối năm 2010, thành phố Hà Nội đã tổ chức các buổi lễ tri ân và tôn vinh những tỗ chức cùng cá nhân góp phần tích cực trên nhiều lãnh vực giúp cho hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long được hoàn thành mỹ mãn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thành phố đều yêu cầu chánh phủ nên có đánh giá, kiểm tra, giám sát, tổng kết chi tiêu, quyết toán tài chánh, báo cáo cụ thể chi tiết hậu đại lễ, hầu rút kinh nghiệm và hạn chế đến mức tối đa, cho những sự kiện quan trọng tương tự, có tầm vóc quốc gia, trong tương lai. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vào dịp đại lễ, thành phố thông thoáng, sạch đẹp, ngăn nắp, trật tự, nhưng một khi sự kiện trọng đại này kết thúc thì "mọi việc lại đâu vào đấy", có nghĩa là đường phố đầy rác, ô nhiễm môi trường nặng nề, giao thông tắc nghẽn, ngập lụt đó đây tái xuất hiện. Trả lời câu hỏi, 1.000 năm Thăng Long mang ý nghĩa ra sao? Ông Lê Văn Triết, cựu Bộ Trưởng Thương mại Việt Nam giải thích: "Sự kiện đại lễ 1.000 năm Thăng Long cũng toát lên một nét văn hóa có giá trị nhất định của đất nước Việt Nam, nó cũng để lại trong chừng mực nào đó cái dấu ấn tốt đẹp của người công dân trong nước cùng bạn bè trên thế giới, đối với thủ đô của Việt Nam. Đó là điều đáng mừng, đây cũng là dịp tốt để bạn bè thế giới hiểu rõ Việt Nam hơn." Tuy nhiên, ông cũng đặt lại vấn đề là đất nước còn rất nhiều chuyện phải lo để đời sống người dân được nâng cao: "Đại lễ cần thiết vì đó là cái mốc lịch sử của thủ đô, nhưng mà làm đến mức nào, chi phí đến đâu, quy mô ra sao, theo tôi cũng có nhiều vấn đề đáng phải suy nghĩ, làm sao cho phù hợp hơn đối với tình hình, nền kinh tế, khả năng, tiền nong, tài chính của trong nước, trong hoàn cảnh mà Việt Nam còn khó khăn, cần tập trung nhân lực, vật lực, tài lực để chăm lo sự phát triển của đất nước, đời sống của người dân, nhất là dân nghèo. Tôi không nói chữ lãng phí, quá lớn, tôi cũng không nói con số đã chi, là bao nhiêu bởi vì tôi không nắm được cụ thể số tiền đã bỏ ra, để chi phí. Nhưng với cái nhìn của người dân, trong hoàn cảnh cần phải phát triển xã hội mạnh mẽ, cần vươn lên, trong lúc nhân dân ở một số nơi, thành thị, nông thôn vẫn còn nghèo, thì việc chi tiền, nên chi làm sao cho hợp lý, để mình dành được tiền nhiều hơn cho công cuộc phát triển, chứ không phải cho đại lễ. Chi đến đâu thì hợp lý là vấn đề phải cân nhắc, chi đến mức nào, còn để lại bao nhiêu cho công cuộc phát triển, lo giảm đói nghèo, giảm khó khăn cho các tầng lớp nhân dân, đó là vấn đề theo tôi, nên tính toán, cái ưu tiên đó, nó hợp lý hơn." Sự khoa trương sai lầmKế đó, blogger Mẹ Nấm, là người theo dõi các diễn tiến của đại lễ 1.000 năm Thăng Long và sau đó phổ biến trên mạng nói lên suy nghĩ của mình:
"Có rất nhiều chuyện để nói, thứ nhất là ngày khai mạc đại lễ là ngày quốc khánh của Trung Quốc, thì vấp phải rất nhiều sự phản đối từ cộng đồng dân cư mạng, nhưng nhà nước vẫn bỏ qua. Ngày bế mạc là ngày quốc khánh của Đài Loan, 10 tháng 10, năm 2010, điều đó không gợi lên được tinh thần dân tộc. Điều thứ hai là số tiền chi tiêu cho đại lễ là sự xa xỉ và phung phí, trong khi vào thời điểm đó xảy ra lũ lụt Miền Trung, đó là chưa đến các công trình chào mừng đại lễ lại kém chất lượng, bộc lộ sự yếu kém ngay sau lễ khai mạc. Có quá nhiều bất cập trong việc tổ chức, kẹt xe, không kiểm soát được giao thông, rác tràn ngập sau đại lễ. Cá nhân em nhận xét đại lễ 1.000 năm Thăng Long là một thất bại, thứ nhất về mặt tinh thần dân tộc, thứ hai về mặt tổ chức vì lễ hội đó không để lại điều gì trong lòng người dân." Từ thủ đô Warsaw của Ba Lan, nhà báo Lê Diễn Đức kể lại một số điều mà ông cho là sai và vô lý: "Trong những bài tôi viết về sự kiện đại lễ 1.000 năm Thăng Long, tôi vạch rõ những sự khoa trương sai lầm, trong đầu tư vào các công trình 1.000 năm Thăng Long, gây nhiều khó khăn lớn cho bà con ở thủ đô, sau đó lại cho sơn các nhà mặt tiền một cách nham nhở, không giống ai. Có rất nhiều công trình Hà Nội tiến hành trong nhiều năm, nhưng đến lúc nước rút trong năm 2010, mới bộc lộ sự yếu kém về tổ chức vì vội vã. Báo chí hải ngoại cho rằng chi tới 4 tỷ đô la, ngay diễn đàn trong nước, quốc hội đều nói là mỗi công trình có thất thoát, lãng phí, tức là tham nhũng bỏ tiền vào túi riêng, tính ra mỗi công trình đều bị mất từ 15 đến 30 hay 40%." Ngoài vấn đề tham nhũng, ông cũng nhắc đến nổi khổ đau của người dân chịu cảnh thiên tai mà không được đoái hoài: "Mua quan, bán chức là việc rất phổ biến hiện nay ở Hà Nội, điều này đã được báo chí trong nước đề cập đến, nhân dân trong nước cũng không lạ gì cả. Đúng lúc diễn ra khai mạc đại lễ, lũ lụt Miền Trung , tôi theo dõi bài phát biểu của chủ tịch Nguyễn Minh Triết, rất dài nhưng suốt cả bài diễn văn, không có lấy một lời chia sẻ sự đau thương, lúc ấy có mất chục người đã bị chết. Tất cả những điều đau lòng đó nói lên sự bất công, tàn nhẫn, thái độ vô trách nhiệm của cấp lãnh đạo trước cuộc sống của nhân dân." Một người Việt sinh sống lâu năm tại Paris, Pháp, cô Thanh Thảo, sinh hoạt trong ngành truyền thông, nói về ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong các sinh hoạt chào mừng 1.000 năm Thăng Long: "Tuy sống ở nước ngoài, nhưng tôi theo dõi rất kỹ những diễn biến trong nước, đặc biệt là những lời ta thán của toàn dân từ Bắc chí Nam, về đại lễ 1000 năm Thăng Long. Tôi nghe nói số tiền bỏ ra lên tới một phần 10 tổng thu nhập toàn quốc. Chỉ có 10 ngày đại lễ như thế thôi mà họ đã bỏ 8 năm để chuẩn bị, nét nô lệ văn hóa Tàu thì ngày càng xuất hiện rõ, tạo nên sự phẫn nộ trong lòng quần chúng rất nhiều." Báo chí trong nước và hải ngoại cũng cho hay, hơn phân nửa trong số những con chim bồ câu, biểu tượng của "hòa bình" được thả vào dịp lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã chết, một số lớn được bày trên các bàn tiệc thịnh soạn ở các quán ăn. Ông Phạm Tài Thu, người huấn luyện cho đàn bồ câu trắng trên 1.000 con cho biết, môt số chim chết vì uống nước bẩn, hay chết vì bệnh, số còn lại bị bắt và bán cho các nhà hàng tại Hà Nội để phục vụ cho khách ưa chuộng món chim bồ câu quay. Theo dòng thời sự:
|
Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011
Đại lễ 1.000 năm có thật sự thành công?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét