Những đồng tiền mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng thậm chí 1.000 đồng đang mất dần chỗ đứng. Nguyên nhân một phần là giá cả leo thang, tiền mệnh giá nhỏ khó có thể mua được một món hàng. |
Nhanh cũ, chóng bẩn và có giá trị thấp được cho là một trong những nguyên nhân khiến tiền lẻ mất giá trị sử dụng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Có đợt chị cầm về nhà gần 20.000 đồng toàn tiền 200 đồng, định bụng để khi nào có dịp đi lễ chùa. Thế rồi, để lăn lóc trong ngăn kéo tủ. Một tuần sau Chị phát hiện cậu con trai học lớp 4 đã dùng mớ tiền lẻ đó để gấp máy bay, xếp hình trái tim tặng bạn.
Không chỉ 200 đồng, tiền lẻ mệnh giá lớn hơn như 500 đồng hay 1.000 đồng cũng đang dần không được coi trọng. Nguyên nhân, phần là vật giá leo thang chóng mặt, phần là thói quen không thích tiêu tiền lẻ và sự lãng phí của một bộ phận không nhỏ người dân.
Hiện tại, 500 đồng hoặc 1.000 đồng cũng không mua nổi một gói dầu gội đầu hoặc gói sữa tắm. Trà đá giờ cũng tăng giá lên tới 2.000 đồng. Nhiều người còn bảo, đồng tiền lẻ mất giá tới mức cách đây một năm, trẻ con vẫn thích thú khi được cho 1.000 đồng đi mua quà vặt, thì hiện tại, cho 500 đồng và 1.000 đồng, chúng cũng ngật ngừ vì chẳng thể mua được gói bim bim.
Chị Hồng ở Nam Đồng, Hà Nội kể, mỗi lần đi chợ về thừa 500 hay 1.000 đồng, chị đều vứt vạ vật mỗi xó một tờ, từ túi áo, túi quần đến góc tủ, ngăn kéo... "Chỉ bẵng đi mấy ngày là quên, đến khi nhìn thấy thì tiền đã bị gián, chuột gặm nham nhở".
Nắm được tâm lý coi nhẹ "vài đồng bạc lẻ" của khách, anh Công, một lái xe taxi tự do làm việc trên trục Cầu Giấy- Kim Mã cho hay, không ít lần anh "lợi dụng" thói quen "ghét tiền lẻ" của một số khách hàng để tăng thêm thu nhập. Bằng cách tính tròn số cước, chẳng hạn 19.000 đồng tính thành 20.000 đồng, 23.500 đồng tính thành 25.000 đồng..., anh sẽ hưởng được khoản tiền lẽ ra phải trả lại cho khách. "Không hiểu sao có người lại ghét tiền, chứ những người lao động như tôi, cầm một đồng trong tay cũng quý chứ đừng nói là vứt bỏ.", anh nói.
Tiền lẻ không mất đi mà sẽ song hành tồn tại với các đồng tiền mệnh giá to. Khi nó thực hiện hết sứ mệnh lịch sử của mình, tiền lẻ sẽ được thay thế bởi các đồng mệnh giá lớn. Ảnh minh họa: Tuệ Minh |
Việc tiền lẻ loại 500 đồng, 1.000 đồng dần mất đi giá trị đang khiến nhiều người lo ngại một ngày nào đó các mệnh giá này sẽ bị xóa sổ hoàn toàn trong lưu thông.
Chị Thắm, nhân viên thu ngân một siêu thị cho hay, tiền lẻ các mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng có thời điểm trở thành hàng hiếm tại quầy thu ngân. "Nhiều khách cứ cằn nhằn khi bị nhân viên trả lại kẹo thay vì tiền lẻ nhưng chúng tôi cũng có cái khó là không có đủ tiền lẻ để đáp ứng. Trong khi đó, không ít người có thói quen ngán tiêu tiền lẻ mà lại để vương vãi ngoài lưu thông", chị nói. Tuy nhiên, chính nhân viên này cũng thừa nhận, hiện tại, loại tiền 200 đồng cũng không lưu thông được trong đa số các siêu thị hiện nay.
Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong- Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao như hiện nay, thì việc các đồng tiền lẻ mệnh giá thấp mất dần giá trị cũng không có gì khó hiểu. Ông Phong cho hay, đồng tiền mất giá là điều tất yếu khi lạm phát tăng cao. Không chỉ đối với các mệnh giá tiền nhỏ, mà thậm chí tiền chẵn cũng khó tiêu đối với một số dịch vụ, hàng hóa trong thời điểm hiện tại.
Theo ông Phong, tiền lẻ không mất đi mà nó tồn tại song hành cùng những đồng tiền mệnh giá to. Các nước trên thế giới cũng vậy. Và đến lúc nào đó, khi những tờ tiền mệnh giá nhỏ thực hiện hết sứ mệnh lịch sử của mình, nó sẽ được thay thế bởi những loại tiền mệnh giá cao hơn.
Hồng Anh- Tuệ Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét