Gần đây có một vài bàn cãi về cuộc cách mạng Việt Nam đã chín muồi hay chưa. Với bài phân tích ngắn này tác giả muốn cùng quí vị phân tích đời sống người dân Việt Nam về mặt vật chất cũng như tinh thần, nhận xét về đảng, nhà nước cộng sản và tình hình thế giới ngày nay. Cuối cùng là phần kết luận, cuộc cách mạng tại Việt Nam đã chín muồi hay chưa và điều kiện nào để cuộc cách mạng được thành công.
Việt Nam là một trong những dân tộc nghèo nhất thế giới
Theo Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) trong cả năm 2010 mỗi người Việt Nam làm ra bình quân được 1.155 Mỹ kim (GDP đầu người), trong khi đó CIA World Factbook báo cáo là 1.100 Mỹ Kim và xếpViệt Nam vào hạng thứ 151 trong số 191 nước trên thế giới được so sánh. Người dân nước Qatar có mức GDP cao nhất thế giới với 150.429 Mỹ kim mỗi người, gấp 136,75 lần người Việt Nam.
Đó chỉ là những con số bình quân cho cả nước. Trên thực tế sự phân phối mức thu nhập tại Việt Nam chênh lệch rất rõ rệt. Dựa theo báo cáo của Bộ Thương Binh và Xã Hội được đăng vào ngày 29/07/2008 trên trang mạnghttp://taichinh.saga.vn/kinhte/7526.asset thì „khoảng cách giữa mức thu nhập của các nhóm lao động đang ngày càng có sự chênh lệch rõ nét, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với mức trung bình là 42 lần (75,2 triệu đồng/tháng so với mức bình quân 1,8 triệu đồng/tháng). Tại Tp.HCM, con số chênh lệch còn lên đến 109 lần (240 triệu đồng/tháng so với 2,2 triệu đồng/tháng)".
Những con số được nêu trong bản báo cáo trên đây chỉ là mức thu nhập chính thức, nguồn thu nhập do „chức vụ đem đến" còn cao hơn nhiều, các chuyên gia rất khó có thể ước đoán chính xác được nguồn thu nhập này của cán bộ. Một điều mà không ai có thể tranh cãi được là chức vụ càng lớn thì mức thu nhập do „chức vụ đem đến" càng cao. Việc chạy chức chạy quyền do đó rất phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay, hai vụ điển hình đang nóng bỏng của ông bộ trưởng nội vụ Trần văn Tuấn và của ông thứ trưởng bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn được chứng minh rõ ràng trên trang mạng của văn phòng luật sư Vì Dân. Do đó thành phần giàu có nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay là cán bộ, đảng viên cộng sản và sự giầu có của họ được đo lường bởi chức vụ trong đảng và nhà nước.
Bản tường trình nêu trên còn cho biết: „Nhóm có thu nhập thấp là công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài, với khoản thu nhập khoảng 1,2-1,4 triệu đồng/tháng; thu nhập của công nhân tại các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ vào khoảng 900 nghìn đồng – 1,1 triệu đồng/người/tháng".
Cuối cùng bài báo cáo đã kết luận rằng: „Trong tình cảnh lạm phát, nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là công nhân lao động, với mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng.".
Đúng thế, lạm phát gia tăng rất cao trong những năm vừa qua, giá cả các sản phẩm tiêu dùng tăng trong năm 2008 là 24,4% và trong năm 2010 11,8%. Giá thực phẩm tăng cao hơn các sản phẩm tiêu thụ khác, năm 2008 giá thực phẩm tăng gần 40% và năm 2010 20%. Dựa trên báo cáo về lạm phát tại Việt Nam lấy từ hai trang mạnghttps://www.cia.gov/ và http://www.indexmundi.com/vietnam/inflation_rate_%28consumer_prices%29.html nếu một công nhân vào đầu năm 2008 có lương hàng tháng là 1 triệu đồng thì số tiền này chỉ còn giá trị 620.000 đồng vào đầu năm 2011. Muốn duy trì được đời sống tương tự như năm 2008 người công nhân này phải có mỗi tháng lương ít nhất là 1.620.000 đồng, đối với những gia đình lao động chủ yếu dùng đồng lương để mua thực phẩm để sống thì phải cần tối thiểu mỗi tháng 3,1 triệu đồng vào đầu năm 2011 thì mới có thể mua được tương đương số lượng thực phẩm mà họ đã mua vào đầu năm 2008. Liệu lương bổng có được tăng theo kịp với mức độ tăng của lạm phát hay không? Nếu lương tăng không kịp lạm phát thì đời sống người dân ngày càng thấp đi. Còn nếu lương công nhân tăng cao như mức độ lạm phát tại Việt Nam trong những năm qua thì sản phẩm lại càng đắt hơn và lạm phát lại càng cao hơn nữa. Việt Nam đang vướng trong vòng luẩn quẩn khó lòng giải quyết được vấn đề.
- Thu nhập người nông dân VN trung bình khoảng 75,3 cent Mỹ / ngày
Thành phần ảnh hưởng nặng nề hơn công nhân và chiếm đa số trong xã hội Việt Nam là nông dân với mức thu nhập ít ỏi nhất so với các thành phần khác. Theo bản báo cáo về kinh tế Việt Nam của Toà Đại Sứ Đức tại Hà Nội, năm 2009 tổng số 65% dân Việt Nam làm việc và sinh sống trong ngành nông nghiệp và ngành này chỉ đạt được 21% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Nghĩa là thiểu số còn lại 35% làm ra được và sinh sống với 79% GDP. Với những con số trên cho thấy, đời sống nông dân bình quân chỉ bằng 1/7 đời sống những thành phần khác trong xã hội Việt Nam ngày nay mà thôi. Nghĩa là thu nhập bình quân trong năm 2009 của mỗi người nông dân là 275 USD, mỗi ngày 75,3 Cent Mỹ kim.
Tóm lại tính bình quân đầu người, Việt Nam đã là một trong những nước nghèo khổ nhất thế giới. Sự chênh lệch về thu nhập rõ rệt của các thành phần trong xã hội Việt Nam đưa đến tình trạng khốn khổ của ít nhất 65% dân số Việt Nam. Họ sống bình quân mỗi ngày vỏn vẹn chỉ với 75 Cent Mỹ kim.
Việt Nam là một trong những dân tộc có điều kiện phát triển tinh thần thấp nhất thế giới
Ngoài vật chất để nuội dưỡng cơ thể, con người còn có những đòi hỏi về mặt tinh thần như được xã hội tôn trọng, được tự do suy nghĩ và thực hiện ước muốn của mình, có điều kiện phát triển như những thành viên sống cùng trong xã hội vv… Đời sống tinh thần của người dân trong một nước có thể đánh giá qua một vài tỷ số quốc tế như chỉ số dân chủ (Democracy Index), chỉ số đàn áp những người theo đạo Thiên Chúa Giáo (World Watch List), chỉ số tự do ngôn luận, báo chí (Press Freedom Index), chỉ số tham nhũng (Corruption Perception Index), chỉ số phát triển con người vv… Để giúp độc giả nhận xét rõ ràng hơn tình hình Việt Nam, xin mạn phép được làm một cuộc so sánh các tỷ số nêu trên của Việt Nam với hai nước vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ là Tunisia và Ai Cập vì người dân hai xứ này bất mãn về đời sống vật chất cũng như tinh thần do hậu quả của chế độ độc tài đem đến:
Loại chỉ số | Việt Nam | Tunisia | Ai Cập |
Chỉ số dân chủ 2010 (Democracy Index) | 140 | 144 | 138 |
Chỉ số đàn áp người Ki Tô Giáo 2011 (World Watch List) | 18 | 37 | 19 |
Chỉ số thanh bạch, không tham nhũng 2010 (Corruption Perception Index) | 116 | 59 | 98 |
Chỉ số phát triển con người 2010 (Human Development Index) | 113 | 81 | 101 |
Chỉ số tự do báo chí 2010 (Press Freedom Index) | 165 | 164 | 127 |
GDP đầu người 2010 (IMF) | 1155 | 4160 | 2777 |
Về chỉ số dân chủ Việt Nam và hai nước suýt soát nhau. Ai Cập hơn Việt Nam hai hạng và Việt Nam hơn Tunisia 4 hạng. Các chỉ số khác Việt Nam thua kém hai nước Tunisia và Ai Cập. Dân chúng hai nước này than phiền đời sống vật chất thiếu thốn, khổ cực, tham nhũng chế ngự xã hội không cho họ có cơ hội phát triển nên họ phải bằng mọi cách giành lại cho bằng được quyền người dân cho bản thân mình, cho người thân và cho con cháu sau này dẫu họ có phải hy sinh mạng sống. Về khả năng thanh bạch, không tham nhũng Việt Nam đứng hạng thứ 116 trong khi Tunisia đứng hạng thứ 59 và Ai Cập hạng thứ 98. Qua đó, điều kiện phát triển của người dân trong xã hội Việt Nam hiện nay thua kém hai nước Tunisia và Ai Cập.
Những con số được đem ra phân tích cho thấy dân Việt ngày nay không chỉ nghèo nàn về vật chất mà còn thiếu thốn điều kiện phát triển tinh thần và đời sống tinh thần của họ bị áp bức, kềm kẹp. Sau đây chúng ta cùng nhận xét về tình trạng hiện nay của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Mâu thuẫn trầm trọng giữa lý thuyết và thực tế của đảng cộng sản
Theo điều lệ, đảng cộng sản Việt là „đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc1". Kết quả phân tích của phần đầu tiên là công nhân cùng nông dân là thành phần nghèo khổ nhất trong xã hội Việt Nam ngày nay mà đảng cộng sản Việt Nam là „đại biểu trung thành lợi ích1" của họ.
Mục đích của đảng cộng sản Việt Nam được ghi trong điều lệ là „xây dựng xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người"1, nhưng trên thực tế, đảng và nhà nước đã phân hoá xã hội Việt Nam một cách trầm trọng. Xã hội Việt Nam ngày nay có hai giai cấp rõ rệt, một bên là cán bộ đảng và nhà nước là những người đã từng thề hứa „đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân1" nhưng trên thực tế là những kẻ hống hách, hạch sách đủ điều mỗi khi dân chúng cần cần đến, họ làm việc ung dung trong những toà nhà mát mẻ có máy điều hoà, sống xa hoa dư thừa vật chất với nhà lầu, xe hơi nhưng nếu cần vẫn có giấy chứng nhận là hộ nghèo2. Qua đó, họ là thành phần thống trị xã hội Việt Nam ngày nay.
Giai cấp thứ hai bao gồm đại đa số người dân, mặc dù họ phải làm việc khổ cực từ sáng sớm đến chiều tối với điều kiện khắc nghiệt nhưng vẫn không đủ nuôi bản thân và gia đình, con cái không có được điều kiện học hành như con cháu của cán bộ, đảng viên. Lý do thứ nhất là nhà nước đối xử không công bằng giữa các thành phần trong xã hội, hậu đãi con cháu cán bộ, đảng viên. Lý do thứ hai là thành quả lao động của giới công nhân, giới lao động và nông dân phải chia chác cho thành phần thống trị được nêu trên, thành phần này là những chủ tịch, những giám đốc, những trưởng phòng vv… là những thành phần có mức thu nhập cao được nêu trong bài „Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam ngày một rõ nét"3.
Đảng viên, cán bộ bị sa đọa, biến chất
Khác với thế hệ cha anh luôn hô hào „đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến…1" thế hệ người cộng sản Việt Nam ngày nay đắm chìm trong vật chất, buôn bán chức vụ, danh vọng, ăn chơi phóng túng… Giá trị con người của họ không còn đánh giá bằng sự „phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng1" mà bằng chức tước, danh vọng, bằng gia tài kếch sù.
Người cộng sản gặp khó khăn lớn về kinh tế
Từ hơn 10 năm nay, đảng và nhà nước cộng sản chủ trương chạy theo tăng trưởng thay vì xây dựng một nền kinh tế vững chắc. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng họ khuyến khích các công ty nhà nước vay nợ ngân hàng để đầu tư, một số công ty nhà nước lớn như Vinashin vay nợ các ngân hàng quốc tế. Do tham nhũng và quản lý yếu kém nhiều công ty nhà nước lỗ vốn cao và không thể trả được nợ. Nền kinh tế Việt Nam tuy có phát triển đều đặn hàng năm nhưng sự phát triển không xuất phát từ sản xuất, từ yêu cầu tiêu thụ của người dân mà từ những món nợ đầu tư. Con số đầu tư hàng năm chiếm hơn 40% tổng số GDP của Việt Nam.
Tương tự như Hy Lạp, nền kinh tế Việt Nam có hai trở ngại lớn là thiếu hụt cán cân thanh toán và thiếu hụt ngân sách quốc gia. Nhiều chuyên gia dự đoán một cuộc khủng hoảng tài chánh sẽ xảy ra tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Cuộc đàn áp đẫm máu khó xảy ra khi người Việt Nam cùng vùng lên đòi dân chủ
Năm 1989 các nước Âu Mỹ thèm thuồng cái nhu cầu tiêu thụ của 1,3 tỷ dân Trung Quốc nên họ đã „bán rẻ lương tâm" chấp nhận sự đàn áp tàn bạo những người biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn hầu được phép vào thị trường Trung Quốc bán và sản xuất hàng hoá hầu kiếm lợi nhuận. Nhưng năm 2010 Google đã bất chấp những thiệt hại lớn lao mạnh dạn rút ra khỏi Trung quốc vì không chấp nhận sự kiểm soát của nhà cầm quyền đương thời. Tình thế đã thay đổi các nhà doanh thương đã thu thập nhiều kiến thức về con người và thị trường Trung quốc, chiếc bánh vẽ Trung quốc của những năm cuối thập niên tám mươi đã được các doanh nhân phương Tây sờ mó và cắn thử. Nó không ngọt ngào như cái vẻ nhìn bề ngoài được trang điểm khéo léo. Mặt khác, Trung Quốc ngày nay lệ thuộc vào xuất cảng, người Trung quốc sẽ thất nghiệp nếu các nước không mua hàng hoá của Trung quốc nữa. Điều này đã chứng minh qua cuộc khủng hoảng năm 2008 khi sản xuất tại Trung quốc bị đình trệ do Hoa Kỳ và Âu Châu ít đặt hàng hoá nên các hãng xưởng tại Trung quốc đã sa thải nhân công gây ra những cuộc biểu tình bạo động của những người bị thất nghiệp ở nhiều thành phố tại Trung quốc. Nhưng cái may cho nhà cầm quyền Trung quốc là cuộc động đất vào cuối năm 2008 đã làm ngưng các cuộc biểu tình vì người dân phải tập trung lo cho vấn nạn mới.
Việt Nam là nước nhỏ với gần 90 triệu dân, Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài về mặt kinh tế. Khi một cuộc đàn áp đẫm máu xảy ra đàn áp người dân Việt vùng lên đòi dân chủ, dân quyền chắc chắn các nước dân chủ trên thế giới sẽ không làm ngơ như vụ Thiên An Môn..
Lãnh tụ cộng sản Việt Nam có nhiều doanh vụ làm ăn với thương gia nước ngoài, đầu tư hoặc gửi tiền ở nước ngoài. Chắc chắn họ sẽ không có những hành động thiếu khôn ngoan là ra lệnh cho công an và quân đội đàn áp đẫm máu người dân vô tội để phải chịu những hình phạt nặng nề trong suốt cuộc đời còn lại.
Giả sử, lãnh tụ đảng và nhà nước ra lệnh đàn áp đẫm máu cuộc xuống đường của hàng vạn người tay không đứng lên đòi hỏi quyền được làm ăn, sinh sống bình đảng trong xã hội, đòi hỏi quyền tự quyết mà không bị đảng và nhà nước bảo hộ vv…Việt Nam chắc chắn sẽ bị các nước dân chủ trên thế giới phong toả về mọi mặt, đặc biệt về mặt kinh tế. Sự kiện này Việt Nam đã có kinh nghiệm sau năm 1975, nhưng khác với thập niên 70 và 80, cán bộ đảng viên ngày nay là những doanh thương lệ thuộc vào xuất và nhập khẩu. Liệu các doanh vụ của họ còn có thể tiếp tục khi các quan hệ với nước ngoài bị cắt đứt? Liệu nhà nước Việt Nam còn được các nước Tây phương công nhận khi có cuộc tàn sát đẫm máu?
Sự liên kết toàn cầu giúp con người sẽ hiểu biết về nhau nhiều hơn và những đòi hỏi của con người sẽ thống nhất hơn, cho nên không sớm thì muộn một cuộc cách mạng dân chủ đa nguyên tất yếu sẽ xảy ra trên đất nước Việt Nam. Các nhà lãnh tụ cộng sản Việt Nam trước đây đã từng ra lệnh cho công an, quân đội đàn áp tàn bạo người dân chắc chắn sẽ bị bắt và sẽ bị kết án nặng nề. Theo kinh nghiệm từ các nước Đông Âu và Bắc Phi, những kẻ dưới quyền vì tuân lệnh mà đàn áp thô bạo người dân đòi hỏi những quyền cơ bản chính đáng thường không chạy được xa nên bị bắt rất sớm. Đôi khi những họ phải chịu những hình phạt cay nghiệt trực tiếp bởi những người dân vì uất ức mà hành động thiếu suy nghĩ.
Nói tóm lại, giải pháp tốt đẹp nhất cho lãnh đạo đảng và nhà nước là họ trả lại quyền quyết định vận mạng đất nước cho nhân dân khi người dân cùng nhau đòi hỏi. Trong trường hợp này họ và gia đình có thể ra nước ngoài sống ung dung hoặc họ còn có cơ hội sống an vui trong nước với đồng bào ruột thịt và tiếp tục thực hiện những doanh vụ với doanh nhân nước ngoài.
Điều kiện để thành công
Định luật để dẫn một cuộc cách mạng thay đổi hoàn cảnh sống tại một quốc gia là đa số người dân nơi đó không hài lòng với điều kiện sống hiện tại. Dựa vào những dữ kiện đã đươc nêu ở phần trên, Việt Nam đã hội đủ điều kiện cho một cuộc cách mạng từ nhiều năm qua. Những phát triển gần đây tại Bắc Phi, những mâu thuẫn từ căn bản, cội nguồn của đảng cộng sản, những khó khăn mà đảng và nhà nước cộng sản đang đối đầu do cấu trúc độc tài gây ra, đặc biệt về phương diện kinh tế, cộng thêm sự sẵn sàng hỗ trợ của chính phủ cùng những đoàn thể, nhân sự yêu chuộng dân chủ, tự do khắp thế gìới đã cho dân tộc Việt Nam những điều kiện rất thuận lợi chưa từng có để thực hiện thành công một cuộc cách mạng dân chủ, nhân quyền.
Những yếu tố thuận lợi nêu trên đến từ bên ngoài. Điều kiện cho một cuộc cách mạng thành công còn đòi hỏi yếu tố từ bên bên trong, yếu tố này đến từ người dân Việt Nam. Sau đây là một vài điều kiện tiên quyết:
Hành động đồng lòng và đồng loạt: Chúng ta nhất thiết phải đồng loạt nổi dậy, sự nổi dậy thưa thớt dễ bị chế độ độc tài phá vỡ. Đồng thời, hành động của phong trào cần được thống nhất thì mới tạo được sức mạnh. Hành động giữa các nhóm với nhau, giữa quốc nội và hải ngoại cần được phối hợp chặt chẽ.
Sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt mục đích cao cả: Trong cuộc đấu tranh chắc chắn sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Nếu mọi người tham gia đấu tranh có được một ý chí vững mạnh, bất chấp mọi gian nguy thì mục đích đã định trước chắc chắn sẽ đạt được.
Kiên trường, không nhân nhượng, không thối lui: Lãnh tụ độc tài thường có nhiều mưu mô, chúng ta nên cẩn thận để không rơi vào bẫy của họ.
Đấu tranh ôn hoà, bất bạo động và có trật tự: Bất bạo động là sức mạnh vô biên của kẻ yếu chống lại chế độ độc tài. Điều này đã được chứng minh trong 2 cuộc cách mạng vừa qua tại Tunisia và Ai Cập. Bạo động là ưu điểm của chế độ độc tài, dùng bạo động là chúng ta rơi vào bẫy của họ, điều này được kiểm chứng qua cuộc cách mạng đang tiến hành tại Lybia.
Chế độ độc tài đã kéo lui sự tiến bộ của dân tộc chúng ta hơn nửa thế kỷ so với dân tộc kháci. Dân tộc Việt sẽ thoát khỏi cơn quốc nạn nếu những con dân Việt can đảm đồng lòng vùng lên, quyết tâm giành cho được dân chủ, quyền tự quyết. Được như thế chúng ta và con cháu chúng ta mới không còn là những kẻ chỉ biết cúi đầu kéo lê kiếp sống người nhọc nhằn mà sẽ là những con người vui tươi, hiên ngang sánh vai cùng các dân tộc tiến bộ khác trên thế giới văn minh này.
Nguyễn Hội
1 Trích điều lệ đảng cộng sản Việt Nam khoá XI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét