Mặc Lâm, biên tập viên RFA2011-03-02Cùng với các biện pháp thắt chặt tiền tệ qua quyết định 11 của chính phủ, việc cấm kinh doanh vàng miếng nhằm đối phó lạm phát có thành công như momg đợi hay không? Mặc Lâm phỏng vấn Giáo sư Vũ Văn Hóa, Trưởng khoa Kinh tế tài chánh ĐH Quản Lý Kinh Doanh để biết thêm ý kiến một chuyên gia về vấn đề này. Mặc Lâm : Thưa Giáo sư, sau khi Ngân Hàng Nhà Nước đưa ra các biện pháp mà báo chí gọi là quyết liệt trong mục tiêu siết chặt tiền tệ cũng như lãi suất nhằm chống lạm phát, theo nhận định của Giáo sư thì thời gian nào các biện pháp này sẽ tỏ ra có tác dụng ạ? GS Vũ Văn Hóa : Bây giờ nói rằng đến thời gian nào để ngăn chận được lạm phát thì nó hơi khó để xác định thời gian chính xác, nhưng tôi dự đoán rằng cũng phải hết Quý 2 của năm nay thì tình hình kinh tế sẽ trở lại bình thường. Nếu như tình hình xuất nhập khẩu vẫn như hiện nay, và tình hình lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng thu hoạch tốt hơn, thì tôi cho rằng hết Quý 2 này sẽ kiềm chế được ở mức độ bình thường. Chứ còn nếu như là tình hình nông nghiệp cũng như thiên tai tiếp tục xảy ra như năm ngoái thì rôi e rằng tình hình đó sẽ không thể giữ được tình hình lạm phát như hiện nay. Thế nên đấy cũng là khó khăn rất lớn của Việt Nam hiện nay.
Mặc Lâm : Nhưng sau khi giá điện và xăng dầu tăng thì chỉ số tiêu dùng lập tức tăng theo, tuy đây là điều mà ai cũng đoán ra được và rõ ràng là điều mà Giáo sư vừa nói sẽ ảnh hưởng rất rõ lên hạt lúa của người nông dân, và khi ảnh hưởng tới lúa gạo thì nó sẽ tác động dây chuyền trên mọi thương phẩm, Giáo sư nhận xét việc này như thế nào? GS Vũ Văn Hóa : Cái đó thì đương nhiên là hệ thống dây chuyền rồi, bởi vì từ cái quyết định mà mình hạ giá đồng nội tệ và nâng giá ngoại tệ, trong đó nâng giá đầu tiên là đối với đô la Mỹ, thì tôi cho rằng hàng nhập khẩu hiện nay giá rất là cao. Mà hiện nay chỉ số nhập khẩu của Việt Nam có tỷ trọng tương đối là lớn, cho nên tất cả các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp cũng như là sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nông nghiệp đều tăng, do đó các chỉ số giá cả đều tăng, thì tôi cho đó là đương nhiên. Và cái đó chính là dây chuyền khi mà mình quyết định nâng cái tỷ giá ngoại tệ lên. Mặc Lâm : Trước đây, mỗi khi giá vàng nhảy múa thì thường dấu hiệu lạm phát sẽ theo sau, nhất là giai đoạn này giá vàng kéo dài thời gian tăng cao rất là lâu, Nhà nước lại đưa ra quyết định cấm kinh doanh vàng miếng bên ngoài thị trường với mục đích kiểm soát các giao dịch nhằm chống lạm phát, theo nhận xét nhiều chuyên gia thì quyết định này vừa tiêu cực mà lại cũng vừa tích cực nữa và cũng không kém phần nguy hiểm, điểm tiêu cực thấy rõ nhất là người dân lo sợ lạm phát sẽ thi nhau đổ xô mua vàng và do đó lạm phát sẽ khó kiềm chế hơn, GS có đồng ý với các nhận định này hay không ạ? GS Vũ Văn Hóa : Theo tôi thì bây giờ vấn đề cấm đặt ra, thì đấy là biện pháp hành chính, nhưng tôi cho rằng nó sẽ không đạt được kết quả như mong muốn bởi vì tình hình thị trường bây giờ vàng miếng cũng như tất cả các hàng hóa khác nó đều coi như một loại hàng hóa thôi, và vàng được coi như một loại hàng hóa đặc biệt, cho nên cấm thì chẳng qua là rất là nhất thời, bởi lẽ do tình hình kinh doanh vàng miếng hiện nay là chưa được quản lý một cách chặt chẽ, do đó mà nó có tác động rất là mạnh đến tình hình giá vàng trong nước, bởi vì giá vàng trong nước hiện nay của Việt Nam là nó chưa theo kịp hay nói khác đi là nó chưa tiệm cận được với giá vàng của thế giới, cho nên có lúc giá vàng thế giới giảm thì giá vàng trong nước lại tăng và ngược lại.
Cho nên theo tôi bây giờ cấm thì nó cũng có tác dụng lên hai mặt, như anh nói, tức là mặt tích cực và mặt hạn chế, thì theo tôi cái mặt hạn chế nhiều hơn là mặt tích cực, cho nên rồi thì là trước sau gì cũng phải để cho tình hình buôn bán vàng miếng nó phải được tự do như tất cả các hàng khác, đương nhiên là phải nằm trong khuôn khổ là nhà nước phải có sự kiểm kê và kiểm soát, và cho những đối tượng nào được kinh doanh, và vấn đề thao túng nó thì phải theo luật pháp nhất định. Mặc Lâm : Theo nhận xét của nhiều nhà kinh tế thì năng suất lao động của Việt Nam không được cải thiện nếu không muốn nói là còn quá kém mà nhà nước thì lại tiếp tục duy trì nguồn đầu tư xã hội ở mức quá cao như hiện nay, điều này sẽ khuyến khích lạm phát ngày càng nặng nề hơn. GS có đồng tình với ý kiến này không? GS Vũ Văn Hóa : Vâng, về cơ bản là tôi tán thành với ý kiến đó, bởi vì hiện nay cái đầu tư của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đầu tư công tương đối là nhiều, tuy nhiên cái hiệu quả đầu tư thì rất hạn chế, do đó mà tiền đổ ra thì nhiều nhưng cái hiệu quả mang lại thì nó không được như mong muốn, do đó nó tạo nên cái lạm phát sẽ cao hơn. Mặc Lâm : Cũng có đề nghị rằng trong tình hình hiện nay nhà nước nên hỗ trợ dân nghèo bằng cách cung cấp tem phiếu cho họ như là phiếu mua xăng dầu hay nhu yếu phẩm, thế nhưng với hoàn cảnh khó khăn của nhà nước hiện nay liệu việc làm này có tăng thêm gánh nặng ngân sách và lại càng khiến lạm phát trầm trọng thêm hơn hay không? GS Vũ Văn Hóa : Vâng. Tôi cho rằng cái hỗ trợ đối với người nghèo đó là một chính sách đúng; đó không những là của Việt Nam mà nhiều quốc gia người ta đã làm rồi, và Việt Nam chẳng qua là cũng chỉ là làm theo một số nước hiện nay đã làm rồi. Tuy nhiên, việc xác định đâu là hộ nghèo và hỗ trợ như thế nào là hợp lý thì đấy là vấn đề phải kiểm soát. Mặc Lâm: Xin cám ơn GS Vũ Văn Hóa đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. |
Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011
Thắt chặt tiền tệ đối phó lạm phát
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét