Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Chống đô-la hóa, vàng hóa: Cần có một quá trình

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng đô-la hóa, vàng hóa đang gây ra những tác động khó lường cho nền kinh tế cũng như những khó khăn cho công tác điều hành, quản lý thị trường tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng trên không thể thực hiện trong một sớm một chiều…

Chong dola hoa vang hoa Can co mot qua trinh
Bước đầu cần thu hút lượng ngoại tệ nằm rải rác trong dân vào các ngân hàng

Hiện tượng đô-la hóa và vàng hóa được hiểu là người dân sử dụng ngoại tệ và vàng như một phương tiện thanh toán trong các giao dịch mua bán hàng hóa và tích trữ giá trị nhằm chống lại hiện tượng giảm giá của VND.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên nhân mà ngoại tệ trên thị trường tự do lũng đoạn được là vì nó có thể gửi ở ngân hàng và khi cần đầu cơ thì mới rút ra. Làm cho đô-la hóa trong ngân hàng thành đô-la hóa ngoài ngân hàng, lực lượng tín dụng này ngày càng lớn (hàng chục tỷ USD) và thậm chí quay trở lại thao túng thị trường.

Ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên

Theo Chỉ thị số 01 của NHNN, để kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng, NHNN dự kiến chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu vàng, nhằm điều tiết và ổn định giá vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

Sắp tới, cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ gây rối loạn thị trường.

Thống đốc NHNN nhận định, trong nghị quyết của Chính phủ mới đây có đề cập tiến tới loại trừ dần sử dụng vàng miếng trong lưu thông. "Nhưng có thể thấy ở đây là "tiến tới", ông Thúy nhấn mạnh.

Nếu làm theo hướng cực đoan là đình chỉ sử dụng vàng miếng trong lưu thông thì cần phải nhớ lại trước đây. Khi chúng ta chưa có vàng miếng, quy định mỗi gia đình không được giữ quá 2 chỉ vàng thì người dân vẫn giữ nhiều hơn và tự thanh toán với nhau. Hàng loạt cửa hàng vàng mọc lên chỉ để đáp ứng nhu cầu thử tuổi vàng và cân trọng lượng vàng. Đó là một thực tế, vì đồng tiền không giữ được lòng tin khi lạm phát cao", ông Thúy nhấn mạnh.

Các ngân hàng đã làm đúng khi huy động vàng miếng để lấy vốn cho vay. Huy động vàng với lãi suất rất thấp chỉ khoảng 1%/năm, thậm chí 0,5%/năm. Một số ngân hàng như ACB, Eximbank huy động hàng chục tấn vàng. Chúng ta phải thừa nhận rằng, trong xã hội tồn tại một lượng vốn rất lớn bằng vàng chưa kể ngoại tệ. Nếu cắt đi một kênh như vậy thì đương nhiên các ngân hàng sẽ tập trung huy động bằng VND nên lãi suất VND sẽ tăng cao.

Ông Thúy cho rằng: "Chúng ta phải thay đổi một cách khôn ngoan, không ai khuyến khích một nước dùng vàng hay USD như tiền quốc nội cả. Nhưng để làm được việc ấy cần phải có một quá trình mà đầu tiên là phải đưa vàng, USD nằm rải rác trong dân vào hệ thống ngân hàng. Các chuyên gia Jica cho rằng, ở Việt Nam, tăng được số dư tiền gửi ngoại tệ vào ngân hàng đã là một biểu hiện của việc giảm đô-la hóa rồi".

Để chống tình trạng đô-la hóa, ông Nghĩa cho rằng: "Cần tăng dự trữ bắt buộc của ngoại tệ cỡ 10-12%, đồng thời đặt dự trữ bắt buộc bằng đồng nội tệ thấp hơn khoảng 6-7% để cho các ngân hàng thương mại cân nhắc việc huy động tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ. Hiện nay tương quan tiền gửi trong hệ thống ngân hàng giữa VND và ngoại tệ tương quan 70% và  30%. Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như trên, đương nhiên lãi suất tiền gửi giảm xuống, người dân sẽ gửi ngoại tệ ít hơn và chuyển qua gửi VND. Trong dài hạn, chỉ cho vay ngoại tệ ở một số hạng mục nhất định và tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ và huy động ngoại tệ. Tất nhiên, để làm được điều này NHNN phải có giải pháp để chuyển đổi toàn bộ khoản tiền gửi đó".

Theo giám đốc một ngân hàng thương mại, để chống đô-la hóa và vàng hóa cần cấm các giao dịch mua, bán USD ngoài chợ đen, đưa các giao dịch vàng tại các cơ sở vàng bạc hiện nay vào quản lý giống như một ngân hàng, chịu sự kiểm tra, quản lý và báo cáo thường xuyên trực tiếp lên NHNN. Đồng thời, không cho phép giao dịch vàng miếng trôi nổi, các giao dịch phải thực hiện tại ngân hàng hoặc cơ sở có sự quản lý của NHNN, chỉ được giao dịch vàng trang sức. Tuy nhiên để tránh can thiệp một cách hành chính và gây đóng băng thị trường thì phải tạo ra một sản phẩm thay thế đó là gửi tiền VND đảm bảo bằng USD và đảm bảo bằng vàng.

Việt Báo (Theo ANTĐ)


Source:  http://vietbao.vn/Kinh-te/Chong-dola-hoa-vang-hoa-Can-co-mot-qua-trinh/1735227233/47/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét