TT - Gần tết, nhiều doanh nghiệp (DN) vào đợt cao điểm chi trả lương, thưởng tết cho người lao động. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp - nơi hầu hết DN trả lương qua thẻ - nhiều công nhân phải thức trắng đêm chờ rút tiền từ máy ATM.
Hàng chục người ngồi trên ghế đá, số khác ngồi tạm các gờ tường hoặc ngồi la liệt trên xe máy, xe đạp... chờ đợi đến lượt rút tiền. Đó là cảnh tượng thường gặp trong khoảng sân của Ngân hàng (NH) Vietcombank tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM). Rút 200.000 đồng: chờ 30 phút! Dù không phải giờ tan tầm (thời điểm công nhân tập trung rút tiền) nhưng khi chạy xe tới, anh Lê Huy Hoàng Tuấn Phong - công nhân Công ty Nikkiso của Nhật Bản (tại Khu chế xuất Tân Thuận) - không kịp tháo mũ bảo hiểm đã phải lao tới xếp hàng. Chen không được, anh ngồi chống cằm chờ đợi. Có bốn máy ATM nhưng lúc này chỉ khoảng hai máy làm việc. Hai máy còn lại đã thông báo "tạm ngưng hoạt động". 25 phút sau, khi thấy trước cửa một buồng ATM chỉ còn khoảng bốn người xếp hàng, anh bật ngay dậy lao vào xếp hàng và chờ thêm 10 phút nữa mới rút được 200.000 đồng chi tiêu cho những ngày sắp tới. "Đã tránh giờ cao điểm nhưng gần đây lần nào đi rút tiền cũng phải chờ đợi", anh Phong cho biết.
Anh Lâm Văn Thanh - Công ty Toyo (Khu chế xuất Tân Thuận) - cho biết đã quá sợ cảnh mỗi lần đi rút tiền phải chờ đợi 30-40 phút. Anh cho biết đầu tháng và cuối tháng là những ngày căng nhất. Có khi chờ cả tiếng mới đến lượt nhưng lại đúng lúc máy hết tiền phải chạy đi nơi khác rút tiền. Chị Nguyễn Thị Diễm - công nhân Công ty IERT 2000 (Trung Quốc, Khu chế xuất Linh Trung 1, Q.Thủ Đức), cho biết ngày 10-1 vừa qua đặc biệt cao điểm. Ai cũng đổ dồn đến nhận vào lúc tan ca nên các máy ATM đông nghẹt. Nhiều lần không chờ được, chị phải chạy đến máy ATM cách chỗ làm khoảng 7km. Khi rút được tiền cũng đã quá giờ làm gần hai giờ. Càng cận tết công nhân càng phải tăng ca liên tục. Chị D., công nhân Công ty giày Trường Lợi, KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, cho biết 7g15 vào ca, đến 22g mới tan tầm nên muốn rút tiền vào ngày nhận lương chỉ còn cách thức khuya xếp hàng hoặc dậy từ 5g sáng. Trong khu vực chỉ có hai máy ATM của NH phát hành thẻ, trong khi riêng công ty của chị có đến vài nghìn công nhân nên rút tiền rất vất vả. "Công ty tôi chi lương vào ngày 10 hằng tháng, 22g ngày 10-1 - sau khi tan ca - tôi tranh thủ chạy ra máy ATM để rút nhưng máy hết tiền. 5g sáng 11-1 tôi vội chạy ra xếp hàng tại ATM nhưng đông quá đành chờ đến tối 11-1 tan ca mới rút được tiền". Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến hơn 22g15 ngày 11-1, tức hơn một ngày sau khi công ty trả lương, vẫn còn người ngồi la liệt trên vỉa hè bên ngoài trụ ATM để chờ đến lượt rút tiền. Trong buồng mỗi máy ATM có đến 4-5 người chen chúc. Anh X.L., bảo vệ tại Khu chế xuất Linh Trung 2, cho biết đêm 10-1 công nhân xếp hàng dài trước năm máy ATM đến 2g sáng để rút tiền. May là lúc đó không có máy ATM nào bị kẹt tiền hay có sự cố. Còn đêm 11-1 có đến 3/5 máy ATM báo "tạm ngưng giao dịch". Đường đến các máy ATM tại khu công nghiệp khá xa, phải vượt qua quãng đường vắng và tối tăm. Tăng thẻ nhưng không tăng máy Mỗi tháng có bốn ngày cao điểm rút tiền là 5, 10, 15, 30 vì đây là ngày các công ty chi lương cho công nhân. Tuy nhiên vào dịp sát tết ngày nào cũng kẹt vì các công ty luân phiên chi lương, thưởng cho người lao động. Những ngày gần đây máy ATM liên tục quá tải, đặc biệt từ 18g-20g mỗi ngày. Nhiều công nhân cho biết xảy ra tình trạng rồng rắn là do NH chưa chú trọng đầu tư máy. "Ngày tôi đến làm việc (năm 2003) Vietcombank KCX Linh Trung 2 có ba máy, đến năm 2004 tăng lên năm máy. Sau bảy năm số lượng máy của NH không đổi", một công nhân cho biết. Một cán bộ phụ trách mảng ATM của một NH có số lượng thẻ phát hành đứng đầu thị trường cho biết công suất phục vụ tối đa của một máy ATM là 3.500 thẻ/ngày. Như vậy nếu NH phát hành 10.000 thẻ thì buộc phải lắp đặt ba máy ATM, nhưng nhiều NH cứ dồn dập phát hành thẻ mà không đầu tư máy. Nhiều chi nhánh NH đến nay đã phát hành 60.000 thẻ nhưng chỉ lắp đặt khoảng năm máy. Khác với khu vực nội thành TP.HCM rất dễ tìm ATM để rút tiền, một số khu công nghiệp, khu chế xuất như Linh Trung 2, Bình Chiểu, Sóng Thần... dù số lượng công nhân đông đảo nhưng mỗi nơi chỉ có hơn chục máy của nhiều NH, đặt rải rác. Nhiều NH chỉ lắp đặt 1-2 máy lấy lệ. Chưa kể nhiều NH nhỏ còn "chiếm dụng" vốn bằng cách chậm ghi có vào tài khoản của công nhân. Nhiều công ty cho biết đã chi lương nhưng đợi đến hôm sau tài khoản công nhân mới có tiền. Đến khi tài khoản có tiền thì máy ATM bị sự cố hoặc hết tiền. Theo các công ty, đây là "thủ thuật" của NH, đặc biệt trong những thời điểm căng thẳng thanh khoản vì số tiền trong tài khoản công nhân chưa rút NH chỉ phải trả lãi 0,25%/tháng trong khi NH có thể cho vay qua đêm với lãi suất đến 1%/tháng, do vậy chậm trả ngày nào NH có lãi ngày đó. Nên thu phí DN Nhiều công nhân cho biết vẫn ngại rút tiền tại máy ATM của NH khác hệ thống vì bị trừ tiền, mức phí phổ biến 3.300 đồng/giao dịch. Nhiều ý kiến đề xuất nên thu phí của DN và miễn phí rút tiền ngoại mạng cho chủ thẻ để khuyến khích chủ thẻ giao dịch ngoại mạng. Ông Trịnh Thượng Thức, trưởng phòng dịch vụ thẻ NH Vietcombank TP.HCM, cho biết hiện NH thu phí của DN 4.400 đồng/món nhưng phí này chưa đủ bù đắp chi phí cho NH. Do vậy NH chọn cách thu thêm của chủ thẻ. Nếu dồn về phía DN sẽ không khuyến khích DN trả lương qua NH. Theo một chuyên gia thẻ, chi lương cho người lao động NH cũng được nhiều lợi ích, rõ nhất là số huy động tăng lên, NH có thể tận dụng vốn giá rẻ này để kinh doanh. Đành rằng NH cũng tốn tiền đầu tư máy nhưng nhiều máy ATM trang bị 7-8 năm, khấu hao xong NH còn thu qua nhiều hình thức như phí phát hành thẻ... Đồng thời nên quy định rõ trách nhiệm đầu tư, trang bị máy của NH phát hành thẻ. NH chỉ chăm chăm phát hành thẻ mà không đầu tư máy sẽ có trách nhiệm trả chi phí cho NH có máy để tránh tình trạng "đem con bỏ chợ" như hiện nay. ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN |
Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011
Trắng đêm rút tiền ATM
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét