Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

"Công nghệ" làm mứt vỉa hè


 
14/01/2011 2:00 
Mứt mãng cầu được làm thủ công ở trong hẻm cư xá công nhân đường sắt (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Long Giang 

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán là các cơ sở sản xuất mứt thời vụ ở TP.HCM hoạt động rầm rộ, đưa hàng đi khắp các nơi. Điều đáng nói là điều kiện vệ sinh của nhiều cơ sở sản xuất mứt rất kém.

Làm mứt mọi nơi

Chúng tôi vào "làng mứt" ở khu cư xá công nhân đường sắt (P.1, Q.3), không khí làm mứt tết tại đây diễn ra khá nhộn nhịp. Con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, ngõ ngách nào cũng được tận dụng làm mứt, người người làm mứt, nhà nhà làm mứt. Vào mùa cao điểm có hàng chục hộ tham gia làm mứt tại đây, phần lớn đều tạm bợ, nhếch nhác, mất vệ sinh. Con hẻm vốn đã nhỏ, lại càng bị thu hẹp khi các hộ làm mứt tận dụng tối đa diện tích để chế biến, "sên" mứt, thậm chí làm ngay cạnh nhà vệ sinh.

Mứt ở đây gồm mãng cầu sò, mãng cầu keo, mãng cầu sấy, me sấy xí muội, me quấn… Chỉ cần bước vào đầu hẻm là thấy ngay tình trạng không đảm bảo vệ sinh: nguyên liệu để lăn lóc dưới vỉa hè, cạnh đống rác, xô chậu ngổn ngang. Nguyên liệu sau khi bóc vỏ, nhào nặn rồi đổ thành đống mặc cho ruồi, nhặng bu; sau đó mang đi ngâm trong các xô, chậu cáu bẩn. Các nguyên liệu sau khi ngâm, tẩy được đổ ra phơi la liệt trên mái nhà, bên vệ đường để "hứng" khói xe qua lại. Mứt sau khi "sên" xong, rải khắp mọi nhà trong hẻm này để đóng gói, dán nhãn mác. Lúc này, mứt thành phẩm để dưới nền nhà, trên giường, trên bàn, trên ghế, phía dưới chỉ lót tấm nilon mỏng. Những người đóng gói mứt để tay trần, vừa quệt mồ hôi, vừa bốc mứt...

Mặc dù các công đoạn chế biến mất vệ sinh như thế, nhưng sau khi đóng gói nhìn mứt rất bắt mắt. Từ đây, mứt được đưa đến nhiều chợ phục vụ dịp tết. "Nếu khách thấy công nghệ làm mứt ở đây thì chẳng ai dám ăn!", một người dân ở khu cư xá đường sắt nhận xét.

"Làng mứt" truyền thống lâu đời khác nằm trên đường Thái Phiên và Xóm Đất (Q.11) thì bắt đầu mùa vụ độ giữa tháng 10 âm lịch hằng năm và hiện đang vào cao điểm. Tại lò mứt V.H (đường Thái Phiên), nơi cung cấp mứt gừng, mứt sen, mứt khoai lang cho các đầu mối bán sỉ, nhân viên làm việc không mặc trang phục bảo hộ vệ sinh; dụng cụ dùng chế biến cũ kỹ; nền nhà ẩm nước. Cơ sở T.H.P (đường Xóm Đất) làm nhiều loại mứt bỏ sỉ ở chợ Bình Tây, thì sàn nhà khu vực sản xuất ẩm ướt, không đảm bảo vệ sinh. Còn cơ sở mứt P.T (cũng trên đường Xóm Đất) dùng vỉa hè phía trước để sơ chế các nguyên liệu, mặc cho bụi đường.

Kiểm đâu… thấy sai đó 

Dùng chất tẩy trắng, phẩm màu công nghiệp 

Bà H., một chủ cơ sở làm mứt lâu năm ở khu cư xá công nhân đường sắt (Q.3), tiết lộ với chúng tôi: "Để làm trắng các loại mứt mãng cầu, bí... thì phải dùng chất tẩy trắng, chất phụ gia để hấp dẫn người tiêu dùng và cạnh tranh với các loại mứt Trung Quốc, nếu không thì khó bán được. Còn các loại mứt trái cây, mứt dừa... thì ra chợ Kim Biên mua phẩm màu công nghiệp về dùng".

Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở chế biến mứt phục vụ dịp tết. Tại cơ sở V.H (đường Thái Phiên nói trên), đoàn ghi nhận nơi sản xuất mứt có ruồi, hệ thống thoát nước không đạt, dùng lối đi để các thùng ngâm mứt bán thành phẩm, chưa trang bị bảo hộ đầy đủ cho người trực tiếp chế biến mứt.

Tại cơ sở C.H (cũng đường Thái Phiên), đoàn phát hiện có một thùng nguyên liệu bị mốc trong kho, buộc tiêu hủy tại chỗ. Tại cơ sở T.V (đường Hòa Bình, Q.11), đoàn ghi nhận nơi sản xuất mứt có nuôi chó, sản xuất gần nơi sinh hoạt nên không đảm bảo vệ sinh. Tại cơ sở T.H.P (đường Xóm Đất), đoàn ghi nhận nơi sản xuất bị ẩm ướt, không đảm bảo vệ sinh. Đến cơ sở mứt T.P (đường Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân), đoàn ghi nhận nền nhà và tường khu ngâm mứt bụi bẩn, hệ thống cống rãnh thoát nước không đạt yêu cầu, nhân viên chưa được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động... Đoàn thanh tra yêu cầu tất cả các cơ sở phải khắc phục ngay các vi phạm về điều kiện vệ sinh, đồng thời lấy mẫu các sản phẩm mứt tại các cơ sở về kiểm tra chỉ tiêu vi sinh, hóa lý, sau đó sẽ có biện pháp xử lý.

Trước đó, đoàn liên ngành đã kiểm tra hai cơ sở mứt (của bà Đ.T.K.T và bà N.T.T.T) ở khu công nhân đường sắt (Q.3) thì cả hai cơ sở này đều không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), giấy công bố chất lượng sản phẩm, không xét nghiệm nước sử dụng chế biến mứt, nhân viên không dụng cụ bảo hộ, khu vực chế biến mứt sát nhà vệ sinh... Đoàn cũng lấy mẫu bột (nghi dùng tẩy trắng mứt) để kiểm nghiệm…

Quản lý: người nói có, người nói không!

Về thực trạng không đảm bảo vệ sinh ở "làng mứt" khu công nhân đường sắt Q.3, ông Nguyễn Thế Thanh, Trưởng khoa VSATTP Q.3, nói: "Do đây là khu quy hoạch treo về giải tỏa, nên phần lớn các cơ sở tại đây không được cấp giấy đăng ký kinh doanh. Về quy định, nếu không có giấy phép kinh doanh thì không được phía y tế thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Chính vì thế, thực tế tại khu này chỉ có 3-4 hộ có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Qua những lần kiểm tra, nhiều hộ sản xuất mứt ở đây cũng đã bị các đoàn kiểm tra nhắc nhở, xử phạt nhiều lần".

Một cán bộ phụ trách VSATTP thuộc Thanh tra Sở Y tế cũng cho biết thực trạng khu "làng mứt" Q.3 bị vướng quy hoạch treo, nên phần lớn các chủ cơ sở không chịu đầu tư nơi sản xuất đàng hoàng, dẫn đến thực trạng không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Thế nhưng, ông Quách Kiều Phong, Chủ tịch UBND P.1, Q.3, lại nói: "Tất cả các cơ sở sản xuất mứt tại khu vực này đều có giấy phép đăng ký kinh doanh do quận cấp, kể cả nhân viên cũng được tập huấn VSATTP và chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra… Cái thiếu ở đây là các hộ chỉ khó khăn về mặt bằng, diện tích làm mứt nhỏ quá thôi và không đủ điều kiện để trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại"(?). Chúng tôi hỏi: "Mỗi lần kiểm tra có phát hiện sai phạm và các lò mứt này có bảo đảm VSATTP?", thì ông Phong tự tin đáp: "Mình quản lý được mà… Phải nói từ trước tới giờ địa phương chưa xảy ra việc khách hàng ăn mứt ở khu cư xá đường sắt này bị ngộ độc gì cả!".  

Đình chỉ 25 cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh 

Chiều 13.1, Sở Y tế TP.HCM có buổi họp báo công bố về tình hình kiểm tra VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm (cơ sở gia vị, cung cấp suất ăn sẵn, hàng phục vụ tết). Theo báo cáo của bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế, từ tháng 10.2010 đến nay, các đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và các quận huyện đã kiểm tra 232 cơ sở, phát hiện 116 cơ sở vi phạm, trong đó buộc đình chỉ 25 cơ sở.

Phần lớn vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở; thiết bị chế biến, chứa đựng thực phẩm không đảm bảo; nhân viên không được tập huấn về VSATTP... Đáng lưu ý, trong số 85/96 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP thì có đến 58 cơ sở bị phát hiện vi phạm. 

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, qua giám sát tình hình VSATTP tại các chợ, tập trung vào gia vị, lấy 23 mẫu (hạt dưa, tương ớt, bột hạt điều, gia vị nấu lẩu) xét nghiệm, phát hiện 3 mẫu (hạt dưa và ớt bột) không đảm bảo VSATTP (nhiễm Rhodamine B). Các mẫu không đạt đều là hàng không rõ nguồn gốc. 

Phó giám đốc Sở Y tế, bác sĩ Lê Trường Giang cho biết Sở đang lập Phòng Hệ thống thông tin giám sát thực phẩm, nhằm khuyến cáo đến người dân cảnh giác với các loại thực phẩm có nguy cơ. Hiện hệ thống đang cho chạy thử nghiệm.

Thanh Tùng

M.Nam - L.Nga - T.Tùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét