Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Chuyện con ông cháu cha


Ở Việt Nam, chuyện "con ông, cháu cha" được bố trí ở những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền, cơ quan, đoàn thể gần như trở thành công khai, ai cũng nhìn thấy. Sẽ là bình thường, nếu những người này, lúc học phổ thông là học sinh xuất sắc, có nhiều thành tích trong học tập, công tác. Rồi khi tham gia chính quyền là một cán bộ tài năng , có uy tín, đạo đức tốt. Nhưng thực tế ngược lại, người tốt rất ít, trong dư luận râm ran không biết bao nhiêu chuyện về " con ông, cháu cha" học dốt, tài kém…thế mà bây giờ nghiễm nhiên, không biết biến hóa kiểu gì, rất nhanh, họ đã leo lên ở một vị trí rất cao trong chính quyền. Báo chí phê phán nhiều, dư luận lên án, người dân nhìn vào khó chịu… Nhưng rất lạ, hình như sự chuyển biến việc này theo chiều hướng tích cực không thấy, mà chuyển biết theo chiều hướng tiêu cực càng rõ, ngày một nhiều.

Trong các báo cáo của không ít đại hội Đảng từ cấp tỉnh, cho đến cấp Trung ương không đề cập chuyện này, hoặc để đối phó, thì đề cập rất chiếu lệ, lên án chung chung.

Vận nước "thuận" hay "nghịch" một trong những nguyên nhân chính, cũng do việc này gây ra.
Trước hết, để "con ông, cháu cha" vào những vị trí lãnh đạo, biểu hiện của việc mất dân chủ một cách vô cùng nghiêm trọng, không thể lấy bất cứ lý do gì để biện minh. Việc lấy uy thế của mình, để bắt buộc tổ chức Đảng, chính quyền bố trí cho con cháu vào những vị trí lãnh đạo chính quyền, cơ quan, đoàn thể… thực tế đã triệt tiêu mọi ý kiến đóng góp xây dựng của quần chúng, đảng viên. Vì họ có đóng góp ý kiến, nhất là những ý kiến xây dựng, phê bình là sợ " đụng chạm" cả "bố" lẫn "con" lẫn "cháu". Bố trí "con ông, cháu cha" vào vị trí lãnh đạo, suy cho cùng, cũng để tạo ra một ê kíp dễ đục khoét, dễ đối phó… để bảo vệ lợi ích "nhóm", lợi ích của một cá nhân nào đấy, không hề vì quyền lợi tập thể, chưa nói đến dân tộc.

Đưa "con ông, cháu cha" vào các vị trí lãnh đạo, không qua hình thức bầu cử dân chủ, hoặc bầu cử lấy lệ đã thực sự loại bỏ những cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt trong chính quyền. Điều đó chỉ góp phần làm cho chính quyền trị trệ, bảo thủ, quan liêu, xa dời dân, mất uy tín với dân.

Một chính quyền, nhất là chính quyền cấp xã, chính quyền gần dân nhất, dân dễ tiếp xúc nhất. Cũng qua chính quyền xã, những người lãnh đạo cấp trên từ huyện đến tỉnh, trung ương sẽ hiểu dân cần gì? Họ sống như thế nào? Cần có chính sách phù hợp lòng dân để ổn định tình hình kinh tế, xã hội… nhưng hiện tại, ở nhiều địa phương cấp xã, lớn hơn là chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố… không khó lắm nhìn vào một tầng lớp " con ông, cháu cha " ngự trị. Nó thiên biến vạn hóa đủ các kiểu. Trưởng, phó Phòng, Ban… bằng mọi cách những vị lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương đó cũng tìm cách đưa con cháu mình vào. Thấp hơn một tý là đồng hương, họ hàng. Điều này dẫn đến một hiện trạng, ai cũng nhìn thấy, với sự ràng buộc về dòng họ, cha con, chi phái (điều này những vùng nông thôn còn rất nặng nề), về miếng cơm manh áo…đã thủ tiêu mọi hình thức đấu tranh trong Đảng, trong chính quyền. Những tổ chức mặt trận, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ xã… thậm chí cả công an không còn sức mạnh chính nghĩa, không phục vụ, bảo vệ nhân dân mà những tổ chức đó chỉ biết bảo vệ quyền lợi của dòng họ, cha con. Một bộ máy quản lý kiểu phong kiến lạc hậu xuất hiện với một mác nhãn mới "Chính quyền nhân dân" hoặc khôi hài hơn là "cấp ủy", "Đảng ủy". Nó thủ tiêu cả luật pháp, hiến pháp, chỉ thị, nghị quyết… thực thi quản lý chỉ bằng luật rừng tha hồ hành dân , tự tung, tự tác, bất chấp tất cả, thỏa mãn lòng tham, gây mất uy tín nghiêm trọng đến Đảng, đến chính quyền.… Những khái niệm " dân chủ", " đoàn kết", " thông nhất"… lúc này chỉ còn là hình thức.

Điều nguy hiểm nữa, khi sắp xếp "con ông, cháu cha" vào vị trí lãnh đạo, nhất là vị trí lãnh đạo của Đảng, khi Đảng độc tôn lãnh đạo đất nước, dễ biến Đảng trở thành Đảng đứng trên dân, trên Quốc hội vì lúc này không phải người lãnh đạo phải lắng nghe ý kiến dân mà chủ yếu là lắng nghe " bố" nói gì, dạy gì để "con, cháu" thực hiện. Và chính quyền lẽ ra phục vụ nhân dân, thì ngược lại, phục vụ cho các "các bố" , "các ông" cấp trên. Như vậy, hố ngăn cách giữa nhân dân với Đảng, với chính phủ ngày càng nới rộng.

Có thể nói, chính sự quan liêu, hách dịch, xa rời dân do sắp xếp " con ông cháu cha" vào vị trí lãnh đạo tạo nên sự bất bình của người dân, từ đó họ sẽ phản kháng, rất dễ dẫn đến bất ổn xã hội, bất ổn chính trị.

Ở nước ta, điều nguy hại này, tôi đã thấy trước mắt.

Trần Kỳ Trung


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét