Thứ hai, 3/1/2011, 00:00 GMT+7
|
Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng: "Giá cổ phiếu lên xuống là do đánh giá khác nhau chứ không có gì là ảo trong đó". Ảnh: Mai Anh |
- Cùng là một công ty, hoạt động không có những thay đổi quá đặc biệt nhưng giá cổ phiếu lúc là 1, lúc là 5. Sau nhiều năm gắn bó với chứng khoán, ông có thấy việc sở hữu khối tài sản lớn là cổ phiếu mang yếu tố ảo trong đó không?
- Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán được quyết định bởi kỳ vọng tương lai của các nhà đầu tư. Kỳ vọng là một thứ thay đổi theo thời gian và không giống nhau giữa những người bỏ tiền vào cùng một loại cổ phiếu. Vì thế, giá có thể lên hoặc xuống do đánh giá khác nhau chứ không có gì là ảo trong đó.
Người ta nói là giá hôm nay 1 ngày mai 5 mà vẫn là cái công ty đó và bảo là giá ảo. Thế nhưng, cũng cần thấy rằng mọi giá cả được hình thành bởi cung và cầu. Khi có nhiều người quan tâm thì giá cao, ít người quan tâm giá sẽ thấp. Đây là hiện thực chứ không phải ảo. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ với những cổ phiếu có giá cao nhưng thanh khoản rất thấp thì giá là ảo.
Còn nếu thấy một thứ hôm nay đắt, ngày mai rẻ là ảo thì cái gì cũng có thể ảo được. Nhưng nếu nhìn nhận diễn biến đó là quan hệ cung cầu, theo sự quan tâm của người mua bán thì đó là chuyện bình thường, và thực tế. Giá trị tài sản bằng cổ phiếu không có gì là ảo ở trong đó.
Tất nhiên, cũng có trường hợp giá cổ phiếu lên cao hoặc giảm xuống quá mức không đơn thuần do cung cầu bình thường thì nó liên quan đến một phạm trù khác chứ không phải là chuyện thật hay ảo.
- Trong vài năm gần đây, những công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán thuộc lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ cao, kéo theo đó là những người có tài sản bằng cổ phiếu lớn nhất cũng thuộc nhóm này. Ông thấy gì từ điều đó?
- Điều này phản ánh một thực tế hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là người ta đổ quá nhiều tiền vào bất động sản. Thế nhưng, người sử dụng cuối cùng trong lĩnh vực này (người mua nhà để ở, sử dụng bất động sản để khai thác…) lại phải chịu thiệt thòi nhất. Lẽ ra điều này là không bình thường nhưng mọi người chấp nhận nó nên lại trở thành bình thường.
- Vậy ông giải thích thế nào khi SSI cũng trở thành cổ đông lớn của nhiều công ty bất động sản có tiếng như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai…?
Khi quyết định đầu tư, chúng tôi đánh giá công ty dựa vào các chỉ số kinh doanh, dòng tiền, tiềm năng phát triển… chứ không căn cứ vào giá bán tòa nhà của họ.
- Đối với một người nổi tiếng và có ảnh hưởng trong ngành chứng khoán, việc đưa ra các đánh giá nhận định thường có tác động mạnh tới thị trường. Đi kèm với đó là người đưa ra các nhận xét cũng gặp không ít rắc rối mà ông cũng là một ví dụ. Ông có thấy điều đó phiền phức không?
- Là một nhà tư vấn thì người đó phải độc lập và nói đúng điều đang diễn ra, chứ không phải đưa ra nhận định để chiều lòng một ai cả. Nếu tôi không nói đúng sự thật mà chỉ để chiều lòng người khác thì cũng không nên đi làm chứng khoán nữa.
Còn việc đưa ra các nhận định, dự báo về các chỉ số kinh tế, diễn biến thị trường là một phần công việc của nhà tư vấn trong lĩnh vực tài chính và chúng tôi làm điều đó một cách công khai. Tuy nhiên, nếu trích dẫn chỉ cần lệch đi một chút là sẽ dẫn tới những hiểu lầm lớn, cũng như phiền phức cho người đưa ra phát ngôn. Nhưng đó là một phần của cuộc sống.
- Vậy ông đánh giá như thế nào về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2011?
- Một trong những điểm quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán là dòng tiền. Nếu dòng tiền đổ vào nhiều, chứng khoán sẽ khởi sắc; ngược lại, chứng khoán sẽ đi xuống. Hiện tại, đỉnh lãi suất ngân hàng đang ở mức rất cao, dòng tiền vào thị trường chứng khoán cũng bị hạn chế. Trong năm 2011, lãi suất chắc chắn sẽ giảm xuống và theo đó cung tiền sẽ tăng lên. Vì thế, có thể nhận định rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tốt hơn cuối năm 2010.
Hoàng L
y
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét