|
Bà Hường kể lại chiến công. Ảnh:Hồ Hà
|
Thắc mắc tại sao ngày đó bà "gan" thế, thằng Mỹ to
như vậy, một mình bà chẳng có gì ngoài cái liềm trong tay mà vẫn rượt nó
đến cùng, bà nói: "Ngày đó căm thù lắm chứ! Bọn chúng bỏ bom chết bao
nhiêu người, từ già đến trẻ, có từ ai đâu!. Ai gặp phải trường hợp như
tôi cũng làm thế cả thôi".
|
Căn nhà của bà nhỏ bé, nằm heo hút dưới chân đồi. Trong nhà đồ đạc chẳng có gì đáng giá ngoài hai chiếc giường và một chiếc sập dùng để đựng lúa và làm nơi thờ cúng tổ tiên. Đã mấy mươi năm trôi qua, kỉ niệm về những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân miền quê xứ Nghệ, đặc biệt là ký ức bắt sống được giặc lái vẫn luôn in đậm trong kí ức tâm khảm của bà Hường.
Năm 1966, mới ngoài hai mươi nữ dân quân Lê Thị Hường gia nhập vào "Đội cảm tử rà phá bom mìn", thuộc dân quân xã Thanh Lam (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương). Công việc chính là rà phá bom mìn, vận chuyển và bảo vệ an toàn hàng chục tấn lương thực, đạn dược, khí tài quân sự và các nhu yếu phẩm khác qua vùng bị bắn phá ác liệt.
Những năm 1966- 1968, với mục đích băm nát tuyến đường huyết mạch để ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường Miền Nam nên đế quốc Mỹ liên tục ném bom xuống đường 15. Ngày 27/8/1966 hàng chục máy bay phản lực thi nhau ném xuống Truông Bồn. Lực lượng pháo cao xạ của ta không ngừng bắn trả và một trong nhiều số máy bay của giặc đã bị bốc cháy. Lúc đó, Lê Thị Hường đang cắt cỏ, bỗng chị phát hiện một tên phi công Mỹ nhảy dù xuống rú Tranh cách chị khoảng 50m.
Với chiến công bắt sống tên thiếu tá lái máy bay chiến đấu của Mỹ, Lê Thị Hường được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được Tỉnh đội Nghệ An tặng bằng khen và Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Tấm gương dũng cảm mưu trí của chị được tất cả các đơn vị bộ đội, dân quân từ Bắc đến Nam học tập. Những ngày đó Lê Thị Hường luôn được đi báo cáo thành tích cho các đơn vị bộ đội, dân quân đóng quân trên địa bàn. Bức ảnh chị chụp bên xác máy bay Mỹ và chiếc liềm (thứ vũ khí bắt giặc lái Mỹ năm xưa) hiện nay vẫn đang được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng Quân khu 4.
|
Bằng khen và huân chương của bà Hường. Ảnh:Hồ Hà
|
Sinh ra ở xã Thanh Lam, ngay từ lúc vừa mới sinh ra Lê Thị Hường đã mồ côi cha, đến năm 6 tuổi thì mẹ cũng mất. Tuổi thơ của cô bé mồ côi là những chuỗi ngày đi ở chăn trâu cho nhiều nhà trong xóm. Năm 1964, Hường về ở với người dì ruột và tham gia dân quân xã Thanh Lam. Trong những năm tháng ấy, Lê Thị Hường đã cùng đơn vị vận chuyển và bảo vệ hàng chục tấn lương thực, đạn dược, khí tài quân sự và các nhu yếu phẩm khác, phối hợp tác chiến với các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn. Năm 1968, cô dân quân tình cờ gặp anh Nguyễn Đình Bảo người huyện Quỳnh Lưu, hai người đã yêu nhau và nên vợ nên chồng.
Vài năm sau, người chồng vào Nam chiến đấu, một mình chị Hường ở nhà vừa nuôi con vừa tham gia dân quân, làm bí thư Đoàn, cán bộ phụ nữ đến hết chiến tranh. Năm 1977, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Bảo xin xuất ngũ để về cùng với vợ làm lụng nuôi con. Nhưng cuộc sống với bao lo toan vất vả, trong khi ông Bảo lại ốm đau liên miên nên mình bà Hường quán xuyến đồng áng, vào rừng sâu lấy củi đem đi chợ bán, làm thuê làm mướn để lấy tiền nuôi con. Những ngày ấy 3, 4h sáng đã dậy, vất vả lắm nhưng "đói bụng đầu gối phải bò", bà buôn bán ở chợ Da, chợ Cồn, chợ Thành Nam...
Các con của bà Hường ngày một khôn lớn trưởng thành. Giờ bà chỉ ở nhà, nuôi con gà, con vịt, nhổ rau má quanh đồi kiếm thêm thu nhập chứ cũng không đủ sức làm gì nữa.
|
73 tuổi, hàng ngày bà thường đi bán rau má để kiếm tiền.
|
Bây giờ ít người nhớ đến chiến tích năm xưa của bà Hường là bởi năm 1976 một phần đất xã Thanh Lam lúc bấy giờ được cắt nhập vào xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn. Từ khi về thôn Đình Long (xã Nam Hưng) đến nay không còn ai biết đến bà. Thậm chí khi chúng tôi tìm đến hỏi thăm về nữ dân quân bắt sống giặc lái năm xưa không nhiều người biết đến. "Chẳng có cô Hường bắt giặc lái nào cả, chỉ có bà Hường bán củi ở chợ Da thôi", một người dân trả lời.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bảo- chồng bà tâm sự: "Năm bà ấy bắt được giặc lái Mỹ tôi chưa cưới bà ấy về làm vợ nên không được chứng kiến. Nhưng về sống với nhau, tôi hiểu hết những tâm tư, suy nghĩ của bà. Từ khi về xã Nam Hưng, những ngày mít tinh kỷ niệm ngày chiến thắng hoặc ngày gặp mặt Hội Cựu chiến binh, chưa bao giờ bà ấy được mời đến dự như một nhân chứng lịch sử, dù chỉ một lần để bà được mãn nguyện lúc cái tuổi mà chẳng biết trời cho được bao lâu nữa".
Năm nay bà Hường đã bước sang tuổi 73, cái tuổi gần
đất xa trời nhưng nhiều lúc chạnh lòng nghĩ tới hình ảnh O du kích bắt
sống phi công Mỹ, được làm thơ: "O du kích nhỏ giương cao súng, thằng Mỹ
lênh khênh bước cúi đầu", được cả thế giới biết đến, vậy mà ở vùng quê
anh hùng này, chiến công bắt sống tên thiếu tá lái máy bay Mỹ của mình
lại dần chìm vào quên lãng, bà Hường cũng cảm thấy mủi lòng. Nhưng tính
bà là vậy, chân chất, thật thà và cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Bà bảo,
dù sao mình vẫn còn may mắn hơn nhiều dân quân khác đã ngã xuống trong
cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. "Tôi chỉ là một dân quân bình thường như
nhiều chị em phụ nữ xứ Nghệ " giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", bà Hường
tâm sự.
|